Quả thật với những mưu mô như vậy, chúng gây cho ta không ít khó khăn. Cấp trên chỉ đạo cho bộ đội tích cực tăng gia sản xuất, vượt khó tạm thời như trồng ngô, trồng sắn, trồng rau; bám trụ với dân, tìm mọi cách để nuôi quân. Hồi ấy, khẩu phần ăn rút bớt nhưng nhiệm vụ chiến đấu vẫn không được lơ là. Để duy trì sức khỏe, ngoài khẩu phần trên cấp, bộ đội phải kiếm thêm bất cứ loại củ, quả, rau rừng nào ăn được để bổ sung cho bữa ăn hằng ngày, giảm cái đói giày vò. Những món rau rừng thường xuyên lựa chọn như: Cây môn thục, môn doóc, đọt cây đoác đình hoặc rau mắt nai... Anh em còn đi vào những vạt nương cũ của đồng bào bỏ đi để kiếm những gốc sắn còn sót lại sau những đợt ném bom hay rải chất độc triệt phá của địch. Phải nói thêm rằng, khó khăn lắm mới kiếm được vài củ sắn, nhưng những củ sắn kiếm được chưa chắc đã ăn được vì bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ rải xuống.
Cây môn thục là loại cây giống như khoai nước, mọc nhiều ở ven suối, lá to bản nhưng hơi nhọn, nấu không khéo thì rất ngứa, khó ăn. Cây môn doóc cũng gần giống như cây môn thục nhưng khác một chút lá xanh thẫm hơn, thân cây giòn hơn, mọc ở những vát đất cao hơn và ít cần nước hơn. Cây này khi ăn phải tước vỏ, bẻ ra từng khúc, dùng để xào sẽ cho mùi thơm rất lạ. Còn rau mắt nai là loại rau mà đồng bào địa phương chỉ cho bộ đội cách nhận biết, vì lá của nó giống mắt con nai. Đọt cây đoác đình được lấy từ một loại cây giống như cây cọ nhưng thân to hơn, kẽ lá to hơn, màu lá xanh đậm hơn. Cây thường mọc ở sườn dốc của núi nơi đất và đá to xen kẽ, đọt non của cây này rất ngon nhưng lúc đói thấy nó đôi khi đành nhắm mắt bỏ qua vì thiếu dao và tốn sức. Cánh lính đều gọi nó là món ăn xa xỉ.
Rừng Tây Nguyên còn nhiều loại ăn được như quả lòn bon, quả dâu da đất, quả ươi... Quả ươi là loại quả cánh lính thích nhất vì dễ ăn. Vì vậy, trong cái gùi của người lính thường hay dự trữ loại quả này. Cây ươi cho quả từ tháng sáu đến tháng tám hằng năm. Đồng bào dân tộc thiểu số gọi loại quả này bằng nhiều cái tên như: Quả ươi, quả đười ươi, An Nam tử, xom vàng, là noi, quả thạch... Quả ươi ngoài giúp chống đói nhanh còn tác dụng chữa bệnh rất tốt như chống chảy máu cam, chống táo bón, chữa đau cột sống, ho khan... Chúng tôi được người dân dạy ăn bằng cách nhặt quả ươi khô ngâm với nước sôi khoảng năm bảy phút là có ngay một loại thạch ươi. Nhưng cánh lính có thời gian đâu mà đun nước sôi để pha món thạch "đặc chủng" này. Cách mà chúng tôi giải cơn đói hành hạ trên đường hành quân là lấy dăm quả ươi khô cho vào một ca sắt nước suối. Anh nào ăn sang thì thêm chút đường là đã có trong tay một cốc thạch ươi lót dạ.
Ngày 26-6-2022 vừa qua, những cựu chiến binh già đã ở tuổi 80 của Trung đoàn pháo binh 575 thuộc Mặt trận 44 Quảng Nam-Đà Nẵng có cuộc gặp gỡ thật xúc động, thân nhân nhiều gia đình liệt sĩ đã từ Đà Nẵng ra Hà Nội dự cùng. Tại buổi họp mặt này, các cựu chiến binh lên kế hoạch tổ chức đoàn vào thắp hương tưởng niệm gần 900 liệt sĩ của đơn vị hy sinh từ tháng 12-1965 đến tháng 4-1975. Trong không khí nặng tình ân nghĩa, nhiều người nhắc kỷ niệm về những cơn đói và nói vui: "Chúng ta cần có hình thức tri ân thích hợp với các loại rau, quả rừng đã nuôi dưỡng chúng ta qua những ngày đói khát, đặc biệt là quả ươi". Theo đề nghị của đồng đội, tôi đã làm bài thơ để tri ân... quả ươi như sau:
Thương nhớ quả ươi
Bạc đầu vẫn nhớ An Nam tử
Mọc giữa rừng thiêng cứu đói người
Bộ đội hành quân lương thực hết
Sống nhờ nước suối quả đười ươi
Vị thuốc dân gian này quý lắm
Xom vàng bất kể lúc khô tươi
Ho khan, cột sống nhiều công dụng
Bệnh hiểm là noi vẫn cứ cười
Lắm lúc vì yêu nên muốn kể
Hành quân đơn vị đã qua nơi
Nhờ dân chỉ bảo loài cây núi
Để đến hôm nay vẹn tiếng cười
Bài thơ cũng là nén nhang nói hộ nỗi lòng những người lính từng biết đến quả ươi chống đói nay đã không còn nữa!
Trung tướng PHÙNG KHẮC ĐĂNG