Dâng hoa, thắp hương tỏ lòng thành kính, tri ân của thế hệ hôm nay trước phần mộ và di ảnh Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Trần Đức, tôi như thấy hiện lên hình ảnh của anh công chức Tá “Bụt” hiền lành đến “khờ khạo” trong mắt kẻ thù, nhưng ẩn chứa trong đó là một chiến sĩ tình báo đầy mưu trí, dũng cảm. Theo yêu cầu nhiệm vụ, từ một người “di cư” vào Nam, ông đã khôn khéo tạo dựng các mối quan hệ để “chui sâu, leo cao” vào Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo-cơ quan cơ mật nhất của ngụy quyền Sài Gòn.
Suốt 24 năm hoạt động trong hàng ngũ địch, ông đã thu thập nhiều tin tức, tài liệu có giá trị về kế hoạch an ninh, quân sự, ý đồ giải quyết chiến tranh của đế quốc Mỹ; phát hiện, báo cáo kịp thời nhiều tổ chức gián điệp địch cài cắm ở vùng giải phóng; làm tốt nhiệm vụ phá hoại địch; kịp thời báo tin bảo đảm an toàn cho nhiều cán bộ cách mạng hoạt động ở Sài Gòn, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Linh, sau này là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tôi nhớ trong một lần trao đổi với nhà văn Khuất Quang Thụy, Thiếu tướng Đặng Trần Đức từng nhấn mạnh rằng: “Tình báo không phải là nghề của tôi”. Có lẽ câu trả lời ấy không phải dành riêng cho ông mà là đại diện cho thế hệ cán bộ, chiến sĩ tình báo trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Họ làm tình báo không phải vì “miếng cơm manh áo” mà vì tình yêu Tổ quốc; họ chấp nhận sống trong lòng địch, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì ước nguyện của hàng chục triệu người dân Việt Nam, đánh đuổi hoàn toàn quân xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/14/2025/01/30/upload_2296/1312 1.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức (Ba Quốc). Ảnh tư liệu
|
Đến bên mộ Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Xuân Ẩn, trong lòng tôi trào dâng niềm kính trọng và cảm phục cuộc đời hoạt động cách mạng của ông. Rất nhiều nhà nghiên cứu, bài báo, bài viết nói về ông với những danh từ mỹ miều: “Nhà tình báo huyền thoại”, “điệp viên hoàn hảo”..., nhưng tựu trung đều nhấn mạnh ông là một nhân cách lớn, làm tình báo bằng “tình người”. Chính cách làm đặc biệt đó đã giúp Phạm Xuân Ẩn tồn tại và hoạt động an toàn đến ngày giải phóng.
Suốt từ năm 1962 đến 1975, ông hoạt động trong vỏ bọc là phóng viên hãng tin Reuters và Tạp chí Time. Với quan hệ của mình, ông đã thu thập từ địch và báo cáo về tổ chức tài liệu nguyên bản các kế hoạch về chiến tranh của Mỹ. Trong những năm từ 1960 đến 1964, Trung ương biết rõ về tình hình địch chủ yếu qua các tài liệu do Phạm Xuân Ẩn cung cấp. Đặc biệt, ở những giai đoạn bước ngoặt của chiến tranh, các báo cáo của ông và nhiều nguồn khác góp phần giúp Trung ương hiểu rõ diễn biến tình hình địch để có quyết sách đúng đắn. Đồng chí Nguyễn Xuân Mạnh (Mười Nho) kể lại: "Nhận được các tài liệu của Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương phấn khởi vô cùng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: Ta đang ở trong cơ quan đầu não chiến tranh của Mỹ rồi đấy! Những tài liệu đó đều được trình lên Bác Hồ. Bác xem xong đưa trả lại cơ quan tình báo để giữ bí mật".
Chúng tôi tiến đến một ngôi mộ nằm dưới tán cây chăm pa ở phía sau đài tưởng niệm. Đây là nơi yên nghỉ của Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Ngọc Thảo. Sinh thời, ông là người hoạt động đặc biệt nhất trong những nhà tình báo thời kỳ chiến tranh chống Mỹ: Bí mật tuyệt đối, không có tổ chức hỗ trợ, nhận sự chỉ đạo trực tiếp từ Trung ương Cục; không thu thập tin tức mà thực hiện nhiệm vụ “chui sâu, leo cao” để làm rối loạn chính trường ngụy quyền Sài Gòn.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/14/2025/01/30/upload_2296/123.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Đại tá Phạm Ngọc Thảo. Ảnh tư liệu |
Được biết đến với vai trò là “chuyên gia lật đổ”, Phạm Ngọc Thảo trực tiếp xây dựng kế hoạch và tham gia điều hành 3 cuộc đảo chính. Tuy thất bại nhưng nó đã làm rung chuyển chính trường Sài Gòn, gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ địch và làm dấy lên phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở ngay trong nước Mỹ. Khi làm Tỉnh trưởng tỉnh Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay), với chức vụ, quyền hạn của mình, ông đã thả 2.000 tù chính trị (trong đó có Anh hùng LLVT nhân dân Võ Viết Thanh, sau này là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), rồi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh); hướng lái các cuộc càn quét, hành quân của địch để giảm thiệt hại cho lực lượng cách mạng. Khi bị lộ, tổ chức bố trí ông ra cứ, nhưng ông quyết tâm ở lại, tiếp tục nhiệm vụ gây rối chính quyền địch đến khi bị giặc bắt, tra tấn đến chết.
Hình tượng Phạm Ngọc Thảo được nhà văn Trần Bạch Đằng sử dụng để xây dựng nhân vật Nguyễn Thành Luân trong tiểu thuyết “Giữa biển giáo rừng gươm”, sau này chuyển thể thành bộ phim nổi tiếng “Ván bài lật ngửa”.
Giữa không gian linh thiêng, lộng gió, tôi thầm nghĩ, những chiến sĩ tình báo tiền bối đang yên nghỉ tại đây chỉ là đại diện cho 38 lượt tập thể và 43 cá nhân anh hùng cùng hàng nghìn, hàng vạn lượt cán bộ, chiến sĩ tình báo quốc phòng đã dũng cảm, mưu trí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh trong cuộc trường chinh của dân tộc, đánh đuổi thực dân, đế quốc, viết nên truyền thống “Trung dũng kiên cường, độc lập sáng tạo, bí mật khôn khéo, đoàn kết quyết thắng”, góp phần không nhỏ cùng quân dân cả nước giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhưng trong cuộc chiến ấy, tình báo quốc phòng đã có hơn 1.140 liệt sĩ mãi mãi nằm trong vòng tay ấm áp của đất mẹ mà không kịp về để họp mặt cùng đồng đội hát khúc khải hoàn ca.
Những con người của lịch sử ấy đã không quản ngại mọi khó khăn, hiểm nguy để mang về những tin tức quý giá, góp phần giúp Trung ương Đảng lãnh đạo, chỉ đạo cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng. Đặc biệt, trong những thời khắc quan trọng, những tin tức đó góp phần tạo nên bước ngoặt của cuộc chiến, như: Tấm bản đồ và cửa hầm A1 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; những tin tức góp phần đánh bại 4 chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ; những dòng tin sớm để chúng ta có kế hoạch làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không”, đánh sụp đổ hoàn toàn ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ; tin tức kịp thời, chính xác về sự can thiệp của Mỹ để Bộ Chính trị có cơ sở ra quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hiện nay, lớp trẻ trong ngành tình báo quốc phòng đã kế thừa xứng đáng nền móng, truyền thống của cha anh. Họ luôn tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm, năng động, sáng tạo và trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Họ sẽ tô thắm thêm truyền thống mà thế hệ cha anh đã dày công xây dựng.
Đại tá ĐÀO AN VIỆT
Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục II