Chiến đấu với “giặc nghèo đói"

Rời Thủ đô Hà Nội khi trời mới tang tảng sáng, vậy mà khi chúng tôi đến được trung tâm xã Nà Ngoi, huyện Kỳ Sơn thì bóng tối đã bao trùm khắp núi rừng. Đây cũng là vùng đất xa xôi, hẻo lánh nhất nơi miền Tây xứ Nghệ, nằm giữa lưng chừng núi Phu Xai Lai Leng, đỉnh cao nhất của dãy Trường Sơn, tiếp giáp với nước bạn Lào.

Sau bữa cơm tối muộn, bên cốc trà xanh nóng hổi, Thượng tá Hồ Sĩ Cần, Phó đoàn trưởng và Thượng tá Lương Hải Kiên, Phó chính ủy Đoàn KTQP 4 chia sẻ với chúng tôi biết bao kỷ niệm về nghĩa tình quân dân dưới chân núi Phu Xai Lai Leng, từ những ngày đầu đơn vị hành quân đến mảnh đất này. Đoàn KTQP 4 thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn các xã: Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, Mường Típ (huyện Kỳ Sơn); Tri Lễ, Nậm Giải, Thông Thụ, Hạnh Dịch (huyện Quế Phong). Đây vốn là một trong những địa bàn khó khăn nhất cả nước, nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc: Mông, Khơ Mú, Thái... với tập quán du canh, du cư, kinh tế tự cung, tự cấp, sản xuất kém phát triển, giao thông đi lại khó khăn, chưa có đường ô tô, đèo dốc quanh co, men theo suối sâu, vực thẳm. Theo Thượng tá Hồ Sĩ Cần, đây cũng là vùng thường xuyên có sự hoạt động, chống phá của các đối tượng phỉ người Lào, tội phạm ma túy hoạt động hết sức manh động.

leftcenterrightdel

Thiếu tá Nguyễn Đức Mậu, Phó đội trưởng Đội sản xuất số 4, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 (ngoài cùng bên phải) cùng các đội viên trí thức trẻ tình nguyện, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi đàn dê Boer sinh sản. Ảnh: NGÔ DUY 

Thượng tá Lương Hải Kiên, quê ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Anh là người con của đồng bào dân tộc Thái và cũng nằm trong số những người đầu tiên của Đoàn KTQP 4 hành quân về thực hiện nhiệm vụ tại Khu KTQP Kỳ Sơn, cùng bà con chiến đấu với “giặc nghèo đói". “Nói là vào giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, nhưng những ngày đầu không phải ai cũng hiểu đúng được việc bộ đội làm. Đóng quân trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn của hai huyện Kỳ Sơn và Quế Phong, phải có ý chí và kỷ luật thép của người lính thì mới hoàn thành được nhiệm vụ” - Thượng tá Lương Hải Kiên nhớ lại thời kỳ đầu đầy gian khó của đơn vị.

Cứ như thế, câu chuyện về tình quân dân vùng biên viễn xa xôi này “bật ra” một cách tự nhiên qua lời kể của Thượng tá Lương Hải Kiên. Cho đến tận bây giờ, người con của núi rừng Trường Sơn này vẫn còn nhớ như in những câu chuyện trong thời điểm triển khai thi công tuyến đường Khe Kiền-Na Ngoi-Mường Ải-Mường Típ dài 74km, con đường mơ ước bao đời của đồng bào nơi đây. Thời điểm đó, trong những lần bộ đội vào bàn bạc với cấp ủy, chính quyền địa phương về dự án làm đường giao thông, trước những khó khăn về địa hình núi non hiểm trở, nhiều người dân tỏ ra hoài nghi về sự thành công của dự án quan trọng này. Một người già ở bản Hội Nhao, xã Nậm Càn tỏ ra bi quan, nói: “Nếu cái ô tô chạy được vào bản, già này sẽ chống hai tay xuống đất mà đi”.

Khó khăn như vậy cũng không thể làm các chiến sĩ Đoàn KTQP 4 chùn bước. Trên cơ sở kế hoạch đã được triển khai, nhiều buổi sinh hoạt cùng dân bản được tổ chức, các cán bộ, chiến sĩ của Đoàn kiên trì vận động bà con với phương châm “mưa lâu, thấm dần”, dần dà đồng bào hiểu được sự quan tâm của Đảng, hiểu được tấm lòng của Bộ đội Cụ Hồ, biết được cái đúng, cái sai, cái gì mang lại lợi ích cho đồng bào mình... Và thế là tuyến đường chính thức được thi công, rồi hoàn thành đúng tiến độ. Con  đường “vành đai” mà từ bao đời nay đồng bào nơi đây hằng mơ ước được thông tuyến đi vào hoạt động đã góp thêm động lực đánh thức tiềm năng sẵn có của khu KTQP.

leftcenterrightdel

Cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 (Quân khu 4) hướng dẫn bà con xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An cách trồng, chăm sóc và thu hoạch cây chè Shan tuyết. Ảnh: KHÁNH TRÌNH 

Khắc phục được vấn đề giao thông, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 4 lại đối mặt với bao hủ tục lạc hậu, tập quán du canh, du cư, phát nương làm rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, đặc biệt là tình trạng phá rừng đầu nguồn của các đối tượng xấu. Câu chuyện làm thế nào để bà con có ý thức bảo vệ rừng, từ bỏ dần các hủ tục lạc hậu, không di cư tự phát, xóa bỏ triệt để cây thuốc phiện... khiến cấp ủy, chỉ huy đơn vị hết sức trăn trở. Để giải quyết bài toán nan giải này, ngoài việc “3 bám” (bám dân, bám bản, bám đối tượng), đơn vị thường xuyên phối hợp với địa phương mở lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ để thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng đồng bào) với bà con.

Bên cạnh đó, để bảo vệ diện tích rừng còn lại và khôi phục rừng đầu nguồn, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào định canh, định cư, không phá rừng làm rẫy, tích cực phổ biến cho người dân các mô hình phát triển kinh tế, chăn nuôi, trồng trọt, không ngừng mở rộng diện tích trồng lúa nước... Chỉ sau 3 năm thực hiện nhiệm vụ khu KTQP, đơn vị đã ươm được gần 500.000 nghìn cây giống, trồng mới 335ha rừng, khoanh nuôi bảo vệ hơn 5.000 ha... Từ những chia sẻ của lãnh đạo Đoàn KTQP 4, chúng tôi có dịp thực mục sở thị các mô hình giúp dân phát triển kinh tế của các đội sản xuất, được đi tham quan một số hộ gia đình tiêu biểu tại các bản Na Mỳ, Xốp Phe, Hội Nhao và Liên Sơn thuộc địa bàn hai xã Mường Típ và Nậm Càn. Trung tá Bùi Văn Hải, Trợ lý phòng Tham mưu-Kế hoạch Đoàn KTQP 4 cũng nằm trong số những thành viên đầu tiên hành quân về thực hiện nhiệm vụ tại vùng biên giới xa xôi này. Ngồi cùng xe ô tô chạy trên cung đường KTQP, Anh Hải kể rằng trước năm 2002, dưới chân núi Phu Xai Lai Leng chưa có đường ô tô dẫn về các xã, chứ đừng nói đến từng bản làng xa xôi.

Bao đời nay, đồng bào dân tộc Mông thường sống heo hút nơi rừng sâu, núi thẳm, gần như biệt lập với nhịp sống của xã hội văn minh. Thói quen di cư để kiếm cái ăn đã hằn sâu vào trong tư tưởng của họ. Từ ngày bộ đội Đoàn KTQP 4 có mặt thì câu chuyện đã khác, cùng với hệ thống đường, điện, các công trình thủy lợi, trường học thì trạm xá được xây dựng đáp ứng nhu cầu của đồng bào. Cũng không biết từ bao giờ, câu chuyện “xê dịch” của người Mông đã trở thành quá khứ. Những bản làng hẻo lánh trước đây như Na Mỳ, Xốp Phe, Hội Nhao và Liên Sơn... đã khoác lên mình màu áo mới. Anh Cụt Pho Ban, bản Na Mỳ, xã Mường Típ phấn khởi khoe rằng, bây giờ nhà anh không còn sợ cái đói nữa, bọn trẻ đã được đến trường học cái chữ. Năm ngoái gia đình anh được Đoàn KTQP 4 hỗ trợ 10 con dê, một con bò sinh sản, anh cùng vợ con tích cực chăm sóc để vực dậy kinh tế, cũng để các hộ dân trong bản thấy và cùng làm theo.

Ánh điện bừng sáng nơi rừng sâu

Cùng ở xã Mường Típ, nhưng Xốp Phe lại là một bản mới. Trong câu chuyện của mình, ông Nguyễn Phò Dậu sống ở bản Xốp Phe không thể quên trận lũ xảy ra vào năm 2016, buộc cả bản 75 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới. Trong khó khăn mới hiểu lòng nhau, bộ đội Đoàn KTQP 4 đã giúp dân từ việc dựng lại nhà cửa, hỗ trợ thực phẩm, thuốc men và các vật dụng sinh hoạt khác. Trước đây ở Xốp Phe, nhiều hộ dân thiếu đói triền miên do không chịu làm ăn, dính vào thuốc phiện, nay nhờ bộ đội khuyên bảo, giúp cách làm rẫy, trồng lúa nước, trồng cây dong riềng và nuôi bò..., cuộc sống của bà con đã tốt lên, số hộ đói nghèo chỉ còn vài ba hộ.

Từ chỗ sống rải rác trên núi cao, bà con đồng bào dân tộc Mông đã về quần tụ với người Thái, Khơ Mú... trong những ngôi làng mới, cuộc sống mỗi ngày thêm no ấm. Gia đình nào cũng có ti vi, xe máy, nhiều hộ còn mua được cả ô tô. Ánh điện bừng sáng nơi rừng sâu hôm nay cũng là nhờ các công trình cấp điện của Đoàn KTQP 4. Nguồn nước tưới tiêu cho cây lúa cũng được bảo đảm bởi các công trình thủy lợi do bộ đội thi công, giúp bà con cấy được 2 vụ/năm, thay vì một vụ như trước đây.

Quả thực có đặt chân lên vùng biên viễn này mới cảm nhận hết được tình đất, tình người, tình quân dân gắn bó và sự đổi thay diệu kỳ của một vùng đất vốn hoang sơ, heo hút. Trong cuộc trò chuyện thân mật, đồng chí Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn không ít lần nhắc đến tình cảm, sự giúp đỡ hiệu quả của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 4. Anh bảo, trước đây, khi chưa có bộ đội, hệ thống cơ sở vật chất trong vùng dự án còn thấp kém, lạc hậu. Đến nay, từ sự chung tay, góp sức của Bộ đội Cụ Hồ, đường ô tô đã xuyên suốt trung tâm 4 xã; điện lưới, điện thoại, trường học, trạm xá được xây dựng khang trang, kiên cố. Từ kiểu làm ăn kinh tế tự cung, tự cấp, Khu KTQP Kỳ Sơn đã tư vấn làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con, nên hàng hóa có sự trao đổi, thông thương giữa miền xuôi, miền ngược; cây con, giống mới, khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất... Bằng ý chí nghị lực và tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì dân, cán bộ chiến sĩ Đoàn KTQP 4 đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chung sức để biến những vùng đất hoang sơ, heo hút nơi miền Tây xứ Nghệ trở nên trù phú, thay đổi từng ngày. Cuộc sống no ấm, yên bình đang ngày một hiện hữu suốt một dải biên cương từng bao đời chìm sâu trong nghèo nàn, lạc hậu...

Chia tay đồng đội, chia tay những người dân vùng biên viễn trên đỉnh Phu Xai Lai Leng, bên tai chúng tôi còn văng vẳng lời đồng chí Vi Hòe: “Đứng chân thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn các xã khó khăn của Huyện, cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 4 đã phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn trăn trở với những khó khăn, vất vả của người dân nơi biên giới. Những người lính Cụ Hồ đã mang lại đời sống ấm no cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân huyện Kỳ Sơn đánh giá cao sự chung tay, giúp sức của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KTQP 4 trong quá trình phát triển đi lên của huyện nhà”.

Bài và ảnh: DUY ĐÔNG - VIỆT HÀ MINH