Thượng tá Nguyễn Trung Sơn, Chính ủy Trung đoàn 10 chở tôi từ sở chỉ huy vào Tiểu đoàn 5 bằng xe máy trên con đường bê tông nhỏ xuyên qua những cánh đồng lúa đang thời kỳ ngậm sữa. Là cán bộ gắn bó với rừng gần 15 năm, từ khi còn là Chính trị viên Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 2, Sư đoàn 4) nên anh Sơn hiểu tường tận sự đổi thay của vùng đất này. Ví như con đường chúng tôi đang đi trước đây sình đất, mùa mưa không thể vào các chốt giữ rừng mà phải đi vỏ lãi. Nay đã có thêm nhiều cây cầu bắc qua kênh nhỏ giữa đồng tràm xẻ vuông vức như bàn cờ để bảo đảm nguồn nước dự trữ phòng cháy, chữa cháy mùa khô. Càng vào sâu trong rừng càng ít nhà, thi thoảng có vài chòi lá nghỉ trưa của người dân trồng lúa.
Theo lời kể của anh Sơn, hơn 8 năm từ khi đơn vị hoàn thành nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia về đứng chân trên vùng đất mới này, năm 1999, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Sư đoàn 4 thành Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 với nhiệm vụ sản xuất kinh tế kết hợp quốc phòng, trồng rừng phòng hộ vùng Tứ giác Long Xuyên, trên địa bàn một số huyện của tỉnh Kiên Giang. Lúc ấy, đơn vị được giao quản lý 21.000ha đất để đưa hơn 3.000 hộ dân các nơi về định cư, xây dựng vùng kinh tế mới; bình quân mỗi hộ nhận khoảng 3ha, còn lại đơn vị quản lý. Cùng với đó, đơn vị cũng được đầu tư 20 tỷ đồng vào dự án xây dựng kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh khu vực biên giới; bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/14/2024/02/23/upload_2296/t379540837pm.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Thiếu tá Phạm Việt Linh (ngồi đầu) cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5 tuần tra bảo vệ rừng tràm. Ảnh: CHÂU HOÀI TÂM
|
Thực hiện nhiệm vụ mới, đơn vị phải phân tán lực lượng khắp vạt rừng tràm rộng hàng nghìn héc-ta, xây dựng các chốt canh. “Muốn tập trung đủ cán bộ, chiến sĩ các chốt để quán triệt, giáo dục là rất khó vì còn tuần tra bảo vệ rừng. Do đó, mỗi chốt như một gia đình, cán bộ là bài học cụ thể về quan điểm, tư tưởng, trách nhiệm, lối sống với chiến sĩ. Anh em hay ví von: Muốn gắn bó với đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ thì hãy xem đây là "ngôi nhà" của mình. Từ đó, bản thân sẽ tìm hiểu "ngôi nhà" này được cấu thành thế nào mà trong suốt mấy mươi năm qua, biết bao sóng gió, bão dông vẫn trụ thẳng, vững vàng. Nhờ vậy, dù vất vả, khó khăn đến đâu nhưng chưa có cán bộ, chiến sĩ nào rời vị trí trong những ngày trực Tết”, Thiếu tá Phạm Việt Linh, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 nói.
Ngoài việc đảm nhiệm quản lý đất, bảo vệ rừng tràm, trực sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5 còn phối hợp với Ban CHQS huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) xây dựng và huấn luyện lực lượng dự bị động viên. Chốt của Ban chỉ huy Tiểu đoàn giống ngôi nhà hơn doanh trại, gồm gian chính có phòng khách, phòng ngủ và vệ sinh; gian phụ bên trái dùng sinh hoạt nối thông nhà bếp. Nếu như anh Sơn gắn bó với rừng tràm gần 15 năm thì cũng từng ấy thời gian anh Linh bám chốt. Anh Linh chia sẻ: “Ngày Tết, đơn vị vẫn canh trực như ngày thường, không phải sợ dân chặt phá tràm mà sợ... lửa. Hồi trước, do cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn và ý thức bảo vệ rừng chưa cao, nên người dân thường vào rừng bắt cá, bắt ong, săn bắn chim... dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao. Anh nghĩ xem, tiền của, công sức anh em chăm bón, chắt chiu gây dựng bao năm trời bỗng dưng mất trắng nếu để xảy ra cháy rừng, đau xót lắm chớ. Vì vậy, trong mọi lúc, mọi nơi, chúng tôi phối hợp với bà con quanh rừng tuần tra bảo vệ mới mong giữ màu xanh của tràm”.
Nếu vợ con anh Linh ở Sóc Trăng thì vợ con của Thiếu tá Trần Chí Hướng, Đại đội trưởng Đại đội 5 lại ở Bạc Liêu. Năm 2014, sau khi hoàn thiện đại học tại Trường Sĩ quan Lục quân 2, anh Hướng về đây nhận công tác lúc con trai lớn của anh vào lớp 1, nay cháu học lớp 10. Anh Hướng kể: “Mỗi năm, thủ trưởng chia hai đợt cho cán bộ về đón xuân cùng gia đình trước hoặc sau Tết; mặt khác, tăng cường anh em vào các chốt bảo vệ rừng. Có một năm, vợ đưa con lên đây cùng tôi ăn Tết, khi thấy nhiệm vụ của chúng tôi như vậy thì rất thông cảm, động viên chúng tôi an tâm công tác. Sự chia sẻ đó là nguồn cổ vũ chúng tôi bám chốt giữ rừng bình yên”.
Thiếu tá Thạch Sa Rai, Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, sau khi rời quê Trà Vinh nhập ngũ được cử tuyển học Trường Sĩ quan Lục quân 2. Năm 2010, Sa Rai tốt nghiệp, nhận công tác tại Sư đoàn 330 (Quân khu 9). Đầu năm 2014, anh chuyển về đây và bắt đầu gắn bó với rừng. Sa Rai kể: “Ba tôi làm trưởng ấp, động viên tôi nhập ngũ và chọn con đường binh nghiệp. Khi tôi hoàn thành ước mơ trở thành sĩ quan được hai năm thì cha mất. Nhớ lời cha, dù xa vợ và con gái nhỏ nhưng tôi luôn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ với tâm thế cân bằng hai phía “rừng một bên và... vợ một bên”. Với rừng là nhiệm vụ, với vợ con là trách nhiệm và bổn phận. Nói thiệt, hồi chưa vô đây, tôi thấy hơi... ngán, nhưng sống với rừng một thời gian lại yêu mến, muốn dứt ra cũng không đành”.
Ngoài tuần tra bảo vệ rừng, các anh cũng tận dụng đất ven kênh trồng rau cải, nuôi gà, vịt cải thiện bữa ăn. Anh Việt Linh cho biết, tuy đất không rộng nhưng anh em tăng gia khá hiệu quả, vượt chỉ tiêu. Vì thế, tăng gia sản xuất trở thành nguồn thu chủ yếu của đơn vị, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ. Trong dịp Tết Giáp Thìn, đơn vị có gần 2.000 chậu hoa các loại (do cán bộ, chiến sĩ tự trồng) trang trí các chốt thêm rực rỡ. Thượng tá Nguyễn Trung Sơn "khoe" thêm: “Ngoài tặng mỗi cán bộ, chiến sĩ phần quà trị giá 1 triệu đồng ăn Tết, Trung đoàn hỗ trợ các chốt 2 triệu đồng trang trí bàn thờ Tổ quốc với đầy đủ bánh ngọt, hoa tươi, trái cây trong những ngày năm mới”.
Cuộc sống của bộ đội chốt giữ trong xanh ngát rừng tràm vốn đơn giản, ngày Tết càng giản đơn, chủ yếu là làm thế nào để rừng tràm mãi thắm xanh. Bỗng dưng tôi nghe trong gió xuân nhè nhẹ thoảng hương tràm càng làm câu chuyện của các anh thêm ngọt ngào, thú vị. Đặc biệt, mùi hương tỏa ra từ màu trắng tinh khôi trên ngọn cây kia như mời gọi, níu kéo chân người và những sợi dài, mỏng như tơ bay đầy trời trong gió ngày đầu năm càng làm bừng lên sức sống mới căng tràn...
HỒ KIÊN GIANG