Ngay từ khi ra đời ngày 22-12-1944, Quân đội ta đã được rèn luyện để không chỉ là một đội quân chiến đấu mà còn là một đội quân công tác, đội quân sản xuất, đội quân văn hóa. Chúng ta không bao giờ quên những chiến công vang dội của đội quân thuở mới ra đời chỉ với 34 chiến sĩ. Chúng ta cũng không bao giờ quên những hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong công tác dân vận, hay nói cho dễ hiểu theo cách người Việt Nam vẫn nói, đó là cách mà Bộ đội Cụ Hồ "ăn ở" với nhân dân mình. Đó là cách ăn ở hiếu thuận của con cái với cha mẹ, với những người ruột thịt trong văn hóa Việt, điều đó ngấm và hòa quyện với tinh thần "vì nhân dân quên mình" của Bộ đội Cụ Hồ một cách rất tự nhiên và ngày càng đậm đà xanh tươi, trở thành một trong những trụ cột văn hóa chiến sĩ cách mạng của Quân đội ta. Và từ cái gốc văn hóa đó mà thăng hoa, kết tinh thành thơ ca, nhạc họa và những tác phẩm văn học để đời.

...Các anh về

 Tưng bừng trước ngõ,

 Lớp lớp đàn em hớn hở chạy theo sau.

 Mẹ già bịn rịn áo nâu

 Vui đàn con ở rừng sâu mới về...

                                        ("Bộ đội về làng" (Bao giờ trở lại) - thơ Hoàng Trung Thông)

Trong một lần tham dự cuộc hội thảo với các cựu chiến binh của quân đội Hàn Quốc, tôi đã đọc bài thơ này cho họ nghe. Bài thơ giản dị, dễ hiểu, dễ dịch, mọi người đều rất thích. Sau đó tôi có hỏi mấy vị đại biểu nước bạn: "Nghe xong bài thơ liệu các ông có hình dung ra đó là một cuộc hành quân của Quân đội chúng tôi không?". Một vị đã thẳng thắn trả lời: "Nó không giống bất kỳ cuộc hành quân nào của quân đội chúng tôi và có lẽ cũng không giống bất kỳ cuộc hành quân nào của một đạo quân lớn trên thế giới. Quân đội của các ông là một đạo quân lớn, từng bách chiến bách thắng. Có lẽ, Quân đội của các ông lớn và mạnh nhờ những điều như thế này!".

***

Ngày 19-12-1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ. Theo lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước sôi sục bước vào cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa mới ra đời. Gần hai năm sau, tháng 7-1948, Đảng ta triệu tập Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, được xem như một "Hội nghị Diên Hồng" về văn hóa, nhằm vạch rõ nội dung và đích đến cho nền văn hóa của nước Việt Nam mới, mà trước mắt là “xây đắp một nền văn hóa kháng chiến kiến quốc của toàn dân”. Bác Hồ đã gửi thư cho hội nghị và nhấn mạnh rằng: “Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hóa gánh một phần rất quan trọng”.

Thấm nhuần tinh thần “văn hóa hóa kháng chiến”, Quân đội ta lúc bấy giờ mặc dù đang đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ nặng nề làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến chống giặc Pháp, nhưng vẫn chú trọng xây dựng đời sống tinh thần văn hóa kháng chiến cho bộ đội và nhân dân trong vùng kháng chiến. Đội ngũ nòng cốt của “đội quân văn hóa” ngay trong lực lượng vũ trang đã dần hình thành, không chỉ bao gồm những hạt nhân văn nghệ là chiến sĩ mà đã xuất hiện một đội ngũ các văn nghệ sĩ tình nguyện theo bộ đội đi kháng chiến. 

Đội ngũ này trưởng thành dần cùng với sự lớn mạnh từng ngày của QĐND Việt Nam, có thời điểm đội ngũ văn nghệ sĩ trong Quân đội trở thành một lực lượng mạnh trong nền văn nghệ non trẻ của đất nước đang kháng chiến kiến quốc. Các nhà thơ, nhà văn lớn của đất nước như: Chính Hữu, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Thâm Tâm, Thôi Hữu, Nam Cao, Trần Mai Ninh, Vũ Cao... cũng xuất hiện rực rỡ ở giai đoạn này trong màu áo Bộ đội Cụ Hồ. Các anh đã cất lên những tiếng hát, lời thơ ăm ắp nghĩa tình, son sắt niềm tin với Đảng và tương lai đất nước.

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam gặp mặt các nhà văn lực lượng vũ trang, tháng 11-2023. Ảnh: ANH DUY

Những dòng phù sa văn hóa, phù sa niềm tin và sự lạc quan cách mạng đó cứ chảy mãi, chảy mãi nối tiếp nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, xây dựng nên phẩm chất văn hóa cao đẹp trong tâm hồn người chiến sĩ QĐND Việt Nam. Chiến sĩ làm thơ, viết nhạc, viết văn, vẽ tranh dần dần trở thành một niềm vui, nguồn tái tạo sức mạnh chiến đấu quan trọng cho chính người lính.

Vì thế, cũng rất tự nhiên, trong Quân đội ta đã sớm hình thành các câu lạc bộ chiến sĩ, các đội văn nghệ, đội tuyên văn, rồi đến thời điểm chín muồi đã xuất hiện những đoàn văn công chuyên nghiệp. Từ những trang sổ tay, tờ báo tường của các tiểu đội, trung đội, đại đội đến khi xuất hiện những tờ nội san, tạp chí do chính những người lính viết và tự "xuất bản" theo nhiều hình thức để phục vụ chính mình và đồng đội, như một nhà thơ Quân đội đã bộc bạch: “Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”.

Đảng ta và các thế hệ lãnh đạo QĐND Việt Nam đã sớm nhận ra nguồn sức mạnh nội sinh lớn lao ấy và sớm có những quyết sách mang tính chiến lược để tập hợp và tổ chức lực lượng này thực sự trở thành một đội quân văn hóa mang màu sắc riêng có của Quân đội ta. Từ đó, đội ngũ ấy ngày càng lớn mạnh, không chỉ vì mục đích tăng cường sức mạnh nội sinh cho Quân đội mà đã có những đóng góp rất đáng kể cho sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới cho đất nước ta đến tận hôm nay.

Tôi cũng trưởng thành từ quá trình “ghi lấy cuộc đời mình” và là một trong hàng nghìn những “sản phẩm” kết tinh từ tư duy về xây dựng lực lượng văn hóa trong Quân đội rất tiến bộ và nhân văn ấy. Tôi vào bộ đội năm mười bảy tuổi, khi đang là cậu học sinh cấp ba. Ngày ấy chưa có lệnh tổng động viên nên những thanh niên học sinh hăng hái muốn nhập ngũ đi chiến đấu giải phóng miền Nam như chúng tôi đều phải làm đơn tình nguyện, rồi phải được cha mẹ và nhà trường xác nhận tình nguyện đồng ý thì mới được đi dự tuyển nhập ngũ. Với hành trang lên đường ra trận là những vần thơ, trang văn đầy lãng mạn và nhiệt huyết của các nhà văn, nhà thơ đàn anh từng trưởng thành trong Quân đội, lớp học sinh, sinh viên ra trận trong thời kỳ chống Mỹ, rất nhiều người khao khát có thể “làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”.

Chúng tôi bắt đầu cuộc phiêu lưu văn chương ấy trên những nẻo đường ra trận. Lần đầu tiên những bài thơ, trang văn của mình được in trên Báo QĐND, Tạp chí Văn nghệ Quân đội hay được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam thì thật là một hạnh phúc lớn lao. Mùa xuân năm 1968, khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân bước sang giai đoạn quyết liệt nhất, vào một đêm, đang cùng đại đội giữ chốt trên cao điểm ở Tây Bắc Đường số 9 thì đồng chí liên lạc đại đội hớt hải chạy tới hầm của trung đội tôi. Tưởng có biệt kích địch tập kích, mọi người vội chồm dậy vơ ngay lấy súng. Đồng chí liên lạc chui nửa người vào cửa hầm, hổn hển: “Không có chuyện gì... chính trị viên bảo em mời anh Thụy sang nghe “Tiếng thơ!”.

Tôi sấp ngửa theo đồng chí liên lạc chạy sang hầm chỉ huy. Vừa thấy tôi nhô vào cửa hầm, đồng chí chính trị viên liền rối rít: “Lại đây! Lại đây... Chương trình “Tiếng thơ” của đài đang ngâm bài thơ của cậu!”. Một lát định thần tôi mới nhận ra đó là bài thơ "Đi trên Trường Sơn" tôi viết trên đường hành quân ra trận và gửi qua đường giao liên Trường Sơn. Không thể ngờ nó lại về được tới Hà Nội và đến được Đài Tiếng nói Việt Nam! 

Cuối tháng 11-2023, tôi may mắn được dự cuộc gặp mặt các nhà văn từng trưởng thành từ lực lượng vũ trang do Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tổ chức. Một cuộc gặp, một cuộc "điểm danh" thật cảm động! Tôi nhìn thấy ở đó một lực lượng sáng tác nòng cốt của Hội Nhà văn Việt Nam và bỗng bùi ngùi khi thấy vắng mặt nhiều bậc đàn anh, đàn chị từng là nhà văn mặc áo lính...

***

Trong cuộc gặp mặt tôi kể trên cũng xuất hiện một số nhà văn trẻ đang mặc áo lính. Đa số họ trưởng thành sau chiến tranh nhưng đã có những tác phẩm viết về đề tài chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ khiến thế hệ chúng tôi phải ngả mũ, cảm phục. Họ có cái nhìn mới về các cuộc chiến tranh, có suy nghĩ mới mẻ về sứ mệnh người chiến sĩ hôm nay. 

Hầu hết những người cầm bút trẻ trong Quân đội hôm nay đều được chuẩn bị rất kỹ lưỡng về nền tảng văn hóa nên họ có khởi đầu thuận lợi hơn thế hệ chúng tôi. Nhưng trước mặt họ cũng là những thách thức rất lớn: Người lính trong thời bình có những thử thách mới không dễ để vượt qua nếu không giữ được trong lòng mình ngọn lửa “vì nhân dân quên mình” và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ mà các thế hệ đi trước đã trao truyền. Đọc tác phẩm của các nhà văn trẻ mặc áo lính hôm nay, tôi rất vui mừng vì vẫn nhận ra sự ấm áp của ngọn lửa ấy...

Nhà văn KHUẤT QUANG THỤY