Đề tài người lính không hề xưa cũ

Với văn chương, nếu người lính được thể hiện như một biểu tượng của thời đại, được gắn với những vấn đề của con người, cộng đồng, quốc gia, nhân loại thì những tác phẩm ấy được tôn vinh như những giá trị tinh thần lớn nhất thuộc về con người. Đó là một thực tế không thể phủ nhận.

Bản trường ca lớn nhất, đầu tiên được cả nhân loại đề cao là Iliad và Odyssey là câu chuyện về việc tham chiến và cuộc trở về sau chiến tranh của một chiến binh. Những lựa chọn và hành vi của anh ta trong suốt hành trình gian khổ ấy thể hiện tập trung nhất thái độ của con người nói chung. Bài ca binh đoàn Igor với lời đề từ "Ôi nước Nga"... cũng là một câu chuyện về chiến tranh và những con người đi vào rồi bước ra cuộc chiến ấy như những biểu tượng đẹp nhất, bi tráng nhất của con người với những lựa chọn sống mang tính phổ quát của lương tri. Ở những câu chuyện của các đạo quân hay cá nhân này, vấn đề của cả một dân tộc cũng như chuyện về số phận cá nhân được thể hiện rất sâu sắc, mang ý nghĩa chung cho con người. Rồi sau này, những L.Tolstoy, A.Tolstoy, M.Sholokhov, V.Hugo, E.Hemingway, L.Aragon... cũng đã viết về chiến tranh và những người lính. Ở quy mô những bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ hay những truyện ngắn, bài thơ trữ tình thì hình tượng người lính như những biểu tượng của con người thời đại vẫn là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Mọi vấn đề của thời đại đều có ở họ. Mọi hành vi của họ không chỉ là của cá nhân họ mà nó nhân danh con người.

Lướt qua một vài ví dụ như thế để nói rằng, từ bản chất vấn đề con người và số phận của mỗi cá nhân, dân tộc (trong đó có chiến tranh) luôn là vấn đề chính của văn chương. Và dù con người sống trong hòa bình nhiều hơn chiến tranh nhưng khi bước vào và ra khỏi cuộc chiến tranh, vấn đề của con người luôn luôn và mãi là vấn đề của cộng đồng. Bởi vậy, nó không hề xưa cũ, nhàm chán. Nghệ sĩ luôn làm mới những vấn đề đã qua, để nó sống cùng với thời đại của mình ở tất cả những góc nhìn khác nhau.

Suy cho cùng, ở bất kỳ thời đại nào, dưới dạng thức nào thì nhân vật văn học vẫn phải mang dấu ấn của thời đại mình ở tất cả những góc cạnh của đời sống. Góc cạnh ấy được nhìn thấy ở cái phần nổi lên ai cũng thấy hay chìm sâu trong những bề bộn khác không phải là điều quan trọng nhất. Bởi nói như một nhà văn thì lịch sử tâm hồn con người được thể hiện ra trong những trang văn chân thật và sâu sắc mới là điều quan trọng nhất, và dù dưới dạng tưởng tượng bay bổng nhất hay chi tiết và trần trụi nhất thì văn chương vẫn cứ là một phần của cuộc sống, là đời sống được chắt lọc qua góc nhìn của cá nhân. Lịch sử chỉ kể lại được những kết quả hoạt động của con người chứ diễn biến của tâm hồn thì chỉ có nghệ thuật, trong đó văn chương thể hiện hữu hiệu nhất.

leftcenterrightdel

Trong rừng Trường Sơn. Ký họa của họa sĩ PHẠM NGỌC LIỆU

Tầm "nghiền ngẫm hiện thực"

Từ những điều đã trình bày ở trên, tôi cho rằng nhân vật người lính vẫn là nhân vật quan trọng của văn học dân tộc và đề tài về người lính vẫn cần cho bây giờ và mai sau. Sau mấy chục năm thay đổi hệ giá trị về con người, trong đó có cả hình ảnh người lính, văn chương đã dần điều chỉnh thái độ của mình. Nhưng vẫn còn đó một vấn đề chưa giải quyết được. Đó là vấn đề suy tư tưởng trong văn chương mà GS Lê Ngọc Trà đã nói đến từ những năm 80 của thế kỷ trước. GS Lê Ngọc Trà cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất làm cho văn học nước nhà rơi vào tình trạng suy tư tưởng do văn học mới dừng lại ở chỗ “phản ánh hiện thực” mà chưa đạt tới tầm “nghiền ngẫm hiện thực”.

Tôi nghĩ, về mặt lý thuyết, vấn đề đặt ra rất hay. Bởi như một nguyên lý không có nhà văn lớn nào, một nền văn nghệ lớn nào lại không nêu ra và thể hiện được một cách sâu sắc những tư tưởng lớn về cuộc sống và con người. Tư tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do, vì quyền sống của con người như mọi người dân Việt đã tiến hành trong suốt nửa thế kỷ qua là những tư tưởng lớn của thời đại, những điều đó dường như thấm đẫm trong toàn bộ nền văn học nước nhà. Vậy mà tại sao vấn đề suy tư tưởng vẫn được đặt ra và vì sao cả người sáng tác (Nguyễn Minh Châu) và nhà nghiên cứu (Lê Ngọc Trà) lại nói như vậy? Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng, văn chương đi tới những tư tưởng lớn của thời đại bằng con đường của riêng nó chứ không phải nói theo, minh họa lại chính trị.

Văn chương cần đến sự sáng tạo, về những cách thức độc đáo, lôi cuốn người đọc ở cả tầm tư tưởng và cách thể hiện không nhằm minh họa mà bằng những con đường riêng để đi đến đích. Tư tưởng phải hóa thân vào câu chữ, câu chuyện, số phận, tình cảm... và đỉnh cao tư tưởng của tác phẩm phải được nhận thức sau khi tác phẩm đã kết thúc. Văn chương suy tư tưởng khi nó lựa chọn con đường đi của mình là minh họa cho tư tưởng. Điều này chứng minh cho một nguyên lý: Không có tác phẩm nghệ thuật nào không mang tính luận đề nhưng điều văn nghệ hướng đến là toàn bộ cuộc sống được trình bày như chính nó, không thể khác và luận đề được chứng minh ở bản thân cuộc sống chứ không phải qua những cách thức sắp xếp lộ liễu của tác giả. Nhà chính trị giáo huấn bằng tư tưởng đúng sẽ được ủng hộ, còn nhà văn lựa chọn hình thức giáo huấn là đã lựa chọn đi theo, đi sau tư tưởng và lúc đó, người ta không cần đến văn chương nữa.

Gần đây, trong một số bài viết đã thấy thấp thoáng băn khoăn anh bộ đội, người lính ngày nay có còn sức hấp dẫn như xưa và có là nhân vật của thời đại nữa hay không? Xét về phương diện văn nghệ, nhân vật anh bộ đội vẫn là một trong những nhân vật quan trọng của thời đại. Chiến tranh qua đi, trừ một số người lính gắn bó trọn đời với môi trường quân đội, những thử thách khốc liệt nhất cũng không còn hiện diện trong đời sống ngày thường và phần đông những người lính nghĩa vụ sẽ rời quân ngũ trở lại với môi trường dân sự. Đó là một thực tế. Vì vậy, người lính với tư cách là đối tượng khai thác và phản ánh của văn nghệ dường như có tản mạn hơn, đa diện và cũng khó nắm bắt hơn. Mặt khác, những người lính trong quân ngũ ngày nay cũng còn phải sẻ chia nhiều quan tâm khác ngoài đời sống quân ngũ. Đây là một thực tế, là một khó khăn nhưng nhìn ở phía khác lại cũng thấy ở đó có những khía cạnh để nhà văn tiếp cận và khai thác họ ở nhiều góc độ mới. Quan hệ xã hội mở rộng, mối quan tâm và đời sống tinh thần của họ với tư cách là một phần của hiện thực được mở ra nhiều chiều hơn, lại tạo điều kiện cho người nghệ sĩ có quyền tung hoành hơn trong khám phá và sáng tạo. Những vấn đề riêng tư, gắn với số phận con người có cơ hội để được đào sâu hơn.

Thử thách với người cầm bút 

Xã hội đang biến đổi. Diện mạo xã hội và đời sống con người cũng đang thay đổi. Những chuẩn mực giá trị mới đang vận động, trong đó có cả những điều đúng đắn và cả những lệch lạc. Ở môi trường dân sự, những khát khao quyền lực, lợi ích kinh tế, danh vọng... đang làm xã hội điên đảo, làm cho con người phải gồng mình lên lựa chọn những điều tử tế để đứng vững trước các thử thách cũng có những tác động đến người lính và môi trường sống của họ. Đó cũng là một thực tế không có trong thời kỳ chiến tranh hay nó bị chìm đi trước những đòi hỏi cấp thiết hơn. Nhưng người lính lại cũng đang gánh trên vai những trọng trách lớn: Bảo vệ nguyên vẹn lãnh thổ, bình yên cho đất nước, luôn ở những tuyến đầu của cuộc đấu tranh.

Tính chất đặc biệt trong công việc hằng ngày của họ vẫn đòi hỏi những phẩm chất của những người tiên tiến trong cuộc sống bình thường, là những cái lớn lao trong những cái bình dị. Môi trường sống chết, đòi hỏi cống hiến và hy sinh không dữ dội như thuở đất nước có chiến tranh nhưng không phải họ không phải đứng trước những lựa chọn khắc nghiệt. Đây là giai đoạn mà con người cá nhân, con người riêng tư đang chịu nhiều tác động nhất và mỗi cá nhân cũng đang phải đứng trước những lựa chọn.

Có thể những phẩm chất anh hùng và những hành vi phi thường không phải là cái hằng ngày trong đời sống của họ, nhưng bản lĩnh của người chiến sĩ luôn đứng ở tuyến đầu vẫn là những đòi hỏi và phẩm chất ở họ. Không phải chỗ nào cũng là Trường Sa, không phải người lính nào cũng ở biên giới, nhưng họ vẫn phải hằng ngày đấu tranh để vượt lên trên những lựa chọn nhỏ nhoi, riêng tư để sống cùng với những đòi hỏi của đất nước, nhân dân đặt vào họ. Đây cũng là một thử thách đối với người cầm bút mà nếu không hiểu được điều đó cũng khó có thể có những sáng tạo mang tầm vóc thời đại. Mặt khác, những vấn đề của chiến tranh, hòa bình, thái độ của con người trước những vấn đề lớn như vậy luôn là những suy nghĩ thường trực của người lính do môi trường sống của họ, trách nhiệm xã hội của họ là những gì họ phải đối mặt hằng ngày cũng vẫn luôn thu hút người cầm bút. Những tác phẩm viết ra từ chiến hào có những lợi thế ở khía cạnh trực tiếp, tươi mới của hiện thực, nhưng những tác phẩm có độ lùi của thời gian lại có những lợi thế mà người viết ra trực tiếp không sánh được. Đó là độ lắng của cảm xúc trực tiếp, độ chín của tư duy và soi chiếu của những góc nhìn khác sẽ giúp cho tác phẩm có chiều sâu tư tưởng và cái nhìn toàn diện hơn.

Nhân vật người lính trong văn học, nhìn từ văn học dân gian sang văn học viết, từ nhân loại đến chúng ta, từ xưa đến nay, vì vậy, vẫn là một đề tài hấp dẫn và ở nhân vật này hội tụ nhiều vấn đề của thời đại và con người.

PGS, TS PHẠM QUANG LONG