Sau khi qua cửa rừng, chúng tôi gặp cây kơ nia cổ thụ có gốc to đến hàng chục người ôm. Những tầng lá xanh, những tia nắng đan chéo nhau cùng tiếng chim hót líu lo trở thành bản hòa tấu thiên nhiên đa thanh sắc. Bỗng có tiếng ai đó thốt lên: “Rừng Mã Đà quý quá, trong lành quá!”. Mọi người hò nhau dang tay ôm lấy gốc cây để chụp ảnh.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khu rừng Mã Đà là một phần của Chiến khu D rộng lớn. Hiện vẫn còn vết tích các công trình chiến đấu như hầm hào, nhà ở, nhà làm việc, bệnh xá... Những di tích ấy và sự đặc biệt của khu rừng khiến nơi đây trở thành “địa chỉ đỏ” cực kỳ quý giá.
Tôi đã có vài lần gặp anh chị Trường-Tươi ở một số hội nghị do Trung ương Hội CCB Việt Nam và Hội CCB tỉnh Bình Phước tổ chức. Do thời gian gặp không dài nên tôi chỉ nói chuyện, trao đổi với anh chị những thông tin hết sức cơ bản.
Hết chiến tranh, với hành trang là chiếc ba lô bạc màu thời gian, đượm mùi thuốc súng và hơn 10 năm ở rừng gian khổ, Phạm Công Trường trở về quê hương vùng ven thị xã Ninh Bình bé nhỏ. Anh chuyển ngành và theo học tại Trường Trung học Thương nghiệp Thanh Hóa, rồi về công tác trong ngành thực phẩm, công nghệ, tài chính-kế hoạch của tỉnh Hà Nam Ninh. Anh cùng chị Nguyễn Thị Hồng Tươi, một CCB và là thương binh, kết hôn rồi sinh con như bao cặp vợ chồng khác.
Sau chiến tranh, rồi thời bao cấp, khó khăn chồng chất nên dù rất chăm chỉ nhưng anh chị vẫn không tránh khỏi cảnh "thiếu trước hụt sau". Năm 1993, anh chị quyết định vào Sông Bé (nay là hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước), về vùng chiến trường xưa-nơi anh từng có thời gian dài tham gia chiến đấu-để lập nghiệp. Chị Tươi tâm sự, để đi đến quyết định quan trọng ấy, anh chị đã phải bàn đi tính lại đến nát nước nát cái.
Trên vùng đất mới, được sự giúp đỡ của bà con và đồng đội, ngoài phát triển kinh tế gia đình, anh Phạm Công Trường còn tích cực tham gia xây dựng cấp ủy, chính quyền địa phương. Năm 1999, khi đang là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Đồng Tiến (Đồng Phú, Bình Phước), trước tình trạng nhiều khoảnh rừng bị khai thác bừa bãi trở nên nghèo kiệt, bị chuyển đổi sang rừng trồng làm kinh tế, anh Trường bàn với vợ thành lập Công ty Cổ phần Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ B58 và nhận bảo vệ, chăm sóc rừng Mã Đà. CCB Phạm Công Trường là Giám đốc, còn chị Nguyễn Thị Hồng Tươi là Phó giám đốc. Ngoài nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng, anh chị còn tích cực phát triển kinh tế thông qua tổ chức các loại hình dịch vụ kinh doanh nhiều mặt hàng phục vụ nhân dân địa phương và bất động sản.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file3.qdnd.vn/data/images/14/2025/01/30/upload_2296/d282952732am.jpg?dpi=150&quality=100&w=870) |
Cây kơ nia “tổ” hơn 1.230 tuổi trong rừng Mã Đà. Ảnh: DUY TƯỜNG
|
Anh Trường kể vắn tắt với tôi, lúc ấy, có rất nhiều đối tượng chủ yếu sống bằng nghề phá rừng. Chỗ nào gần đường, có cây to là lâm tặc nhòm ngó. Để giữ rừng Mã Đà, vợ chồng anh quyết định thành lập 5 chốt bảo vệ; các chốt trưởng đều là CCB, con em CCB và cán bộ hưu trí. Trong đó, có 20 người trông coi, bảo vệ rừng 24/24 giờ và một đội cơ động gồm 15 người. Nhằm hỗ trợ, động viên tinh thần để những người gác rừng yên tâm thực hiện nhiệm vụ, anh chị Trường-Tươi đã trích tiền lãi từ sản xuất, kinh doanh của gia đình để trả lương cho họ. Theo thống kê, chỉ từ năm 2009 đến nay, số tiền hỗ trợ các thành viên trong tổ bảo vệ rừng trung bình khoảng 150 triệu đồng/tháng.
Chị Tươi từng kể với tôi, ngày trước, ở những thời điểm "nước sôi lửa bỏng", nhiều toán lâm tặc vào phá rừng, bẫy thú. Khi bị phát hiện, họ chống trả quyết liệt. Dù bị uy hiếp tinh thần, đe dọa tính mạng nhưng lực lượng bảo vệ vẫn giữ rừng an toàn.
Anh Trường cũng thường xuyên liên hệ, kết hợp với các cấp, các ngành của huyện Đồng Phú và tỉnh Bình Phước trong khoanh nuôi, bảo vệ rừng; phối hợp chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm của huyện và tỉnh trong công tác tuần tra; thường xuyên tổ chức các buổi huấn luyện theo những phương án cụ thể; tổ chức phát quang cây dại, tạo đường ranh cản lửa, phòng, chống cháy rừng... Thành quả đạt được sau 25 năm của anh chị Trường-Tươi và các CCB là đã bảo vệ, khoanh nuôi rừng nguyên sinh Mã Đà với hệ thực vật rất phong phú, trữ lượng gỗ ước đạt gần 300m3/ha và không để xảy ra bất kỳ vụ cháy rừng nào. Hiện nay, theo tài liệu của Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, trong rừng nguyên sinh Mã Đà có những cây gỗ quý nằm trong Sách đỏ, như: Lim, gụ, gõ đỏ, trắc, cẩm lai... Bên cạnh thảm thực vật phong phú, rừng Mã Đà còn là nơi sinh sống của nhiều loài động vật như bò rừng, trâu rừng, gấu chó, culi, gà lôi. Đặc biệt, ở thời điểm này, Công ty Cổ phần Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ B58 đã được UBND tỉnh Bình Phước cho phép triển khai dự án du lịch sinh thái để bảo vệ rừng bền vững, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Trở về Hà Nội, tôi không sao quên được màu xanh tươi mát, tràn đầy sức sống của rừng Mã Đà-“lá phổi xanh” của khu vực miền Đông Nam Bộ. Hình ảnh những thân cây cao vút, tán xòe che kín cả khoảng rộng lớn cứ bám riết lấy suy nghĩ của tôi. Trong quần thể 162 cây được công nhận là cây di sản Việt Nam của rừng Mã Đà, đứng đầu danh sách là cây kơ nia cổ thụ hơn 1.230 tuổi-loài cây đặc trưng thường gặp ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, có sức sống bền bỉ, mãnh liệt, đã trở thành huyền thoại trong thơ ca Việt Nam. Càng nghĩ, tôi càng thấy việc làm của anh chị Trường-Tươi mang ý nghĩa lớn lao.
Cuối năm 2023, anh Trường được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Trước đó, năm 2021, chị Tươi cũng được nhận vinh dự này. Đó là phần thưởng cao quý, rất xứng đáng với kỳ tích mà anh chị đã làm được. Nhưng tôi nghĩ, vinh dự và vinh quang nhất đối với anh chị Trường-Tươi là cây rừng mà anh chị cất công bảo vệ luôn xanh tốt, cùng quần thể Di tích Chiến khu D còn nguyên vẹn. Đó là minh chứng để nhân dân cả nước nhìn thấy, biết đến và thêm ngưỡng mộ, tin yêu Bộ đội Cụ Hồ.
Không chỉ giữ rừng, anh chị Trường-Tươi còn là những người có đóng góp lớn, đi đầu trong Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” và các hoạt động thiện nguyện của tỉnh Bình Phước. Theo thống kê, tính đến hết năm 2023, đôi vợ chồng Bộ đội Cụ Hồ đã chi hàng trăm triệu đồng đóng góp vào các quỹ nhân đạo, từ thiện, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, ủng hộ, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt. Tháng 9-2024, sau bão số 3, gia đình anh chị đã ủng hộ 1,2 tỷ đồng. Tập đoàn Trường Tươi do con trai anh chị-anh Phạm Hương Sơn-làm Chủ tịch cũng tổ chức phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lụt tới 800 triệu đồng. Trong lễ ra quân của đội bóng Trường Tươi Bình Phước, sau 15 phút mở bán vé cả mùa giải, Ban tổ chức đã thu được gần 1,5 tỷ đồng và chuyển toàn bộ số tiền này tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lụt. Cùng với đó, Tập đoàn Trường Tươi còn tổ chức chương trình mổ mắt miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá 2 tỷ đồng; trao tặng sách vở cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh Bình Phước với số tiền hơn 1 tỷ đồng; tài trợ trang thiết bị, vật tư y tế cho Bệnh viện Chợ Rẫy trị giá hơn 10 tỷ đồng, cùng nhiều chương trình thiện nguyện, tài trợ trong cả nước với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Giờ đây, mỗi lần nghe ca khúc “Một đời người, một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, tôi có cảm tưởng như những ca từ trong bài hát ấy gần gũi với bản tính vốn có trong con người anh chị Trường-Tươi: Và tôi vẫn nhớ hoài một loài cây/ Sống gần nhau thân mới thẳng/ Có một cây là có rừng/ Và rừng sẽ lên xanh, rừng giữ đất quê hương...
Điều thú vị với tôi, Trường Tươi là mãi xanh tươi.
ĐỖ CÔNG HUYNH