Chăm người bệnh như người thân

Sáng sớm vừa tới cơ quan, điều dưỡng Lê Thị Hoàng Dịu, Trung tâm Hồi sức tích cực (TTHSTC), Bệnh viện Bạch Mai đã tất tả chuẩn bị bông băng, gạc, thuốc khử trùng và các thiết bị y tế cần thiết bắt đầu ngày mới chăm sóc bệnh nhân. Ca trực hôm nay chị tiếp nhận thêm một trường hợp khá nặng. Đó là bệnh nhân Đặng Thị Th, 22 tuổi, bị suy hô hấp, tràn dịch đa màng, u trung thất. Nằm trên giường bệnh, Th đang mê man. Vẻ nhợt nhạt, vô cảm cùng một loạt dây nối từ cơ thể cô gái trẻ tới các thiết bị như máy trợ hô hấp, máy truyền thuốc làm mọi người không khỏi thương cảm, xót xa. Nhìn cô đang giành giật từng chút với sự sống, điều dưỡng Dịu cho biết, khi nhập viện vào TTHSTC, người nhà không thể vào buồng bệnh chăm sóc bệnh nhân nên mọi công việc từ theo dõi, điều trị phục hồi sức khỏe, đến các việc vệ sinh cá nhân của người bệnh đều do một tay các y, bác sĩ đảm nhận.

 Chỉ vào các loại máy móc trên đầu giường bệnh nhân Th, chị Dịu nói: “Các bệnh nhân nặng phải chạy máy, sự sống được tiếp nối thông qua những ống dây nên một sự thay đổi nhỏ ở các chỉ số nếu không được phát hiện, xử lý kịp thời cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng”. Vừa giới thiệu với chúng tôi, chị Dịu vội quay sang đọc các chỉ số trên máy để đồng nghiệp ghi vào bảng theo dõi.

leftcenterrightdel
Các y, bác sĩ Trung tâm hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai tận tình chăm sóc người bệnh. Ảnh: HẠ ANH 

 

Rồi chị dặn dò, hỏi các đồng nghiệp về việc chuẩn bị các loại bông băng, bỉm, giấy vệ sinh, nước rửa, thuốc khử trùng... Như đoán được băn khoăn từ ánh mắt của chúng tôi, chị Dịu giải thích, sau khi thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân xong, đến phần việc quan trọng là các điều dưỡng thay người nhà vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Cùng với sự giúp sức của hai đồng nghiệp, điều dưỡng Dịu nhẹ nhàng nâng tay, chân, vệ sinh lau rửa cho Th. Vừa làm chị vừa nhắc các đồng nghiệp phải hết sức nhẹ nhàng, cẩn thận, khéo léo, tránh động chạm làm tuột các loại dây trên người bệnh gây nguy hiểm. Đến khi nhấc phần dưới cơ thể Th, ba người phải bặm môi, gồng, giữ căng tay. Chị Dịu giải thích, Th dùng thuốc an thần nên cơ lực rất yếu, khi nhấc mông, thay bỉm, cơ thể rất nặng. Vừa phải nâng đỡ, vừa lau rửa rất vất vả, đòi hỏi người chăm sóc phải kiên trì, nhẫn nại và dẻo dai. Làm việc cũng phải hết sức có tâm vì nếu không được lau rửa sạch sẽ, chất thải dễ gây ra viêm loét, nhiễm trùng người bệnh.

Sau hơn 30 phút làm các việc vệ sinh cho Th xong, không kịp nghỉ ngơi, chị Dịu lại tiếp tục chuyển đến chăm sóc cho một bệnh nhân nam. Bệnh nhân cũng trong tình trạng bị liệt. So với việc chăm sóc vệ sinh cho Th, việc làm vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân nam vất vả hơn gấp nhiều lần. Bởi người bệnh to béo nên rất nặng.

Quy trình chăm sóc bệnh nhân như vậy diễn ra liên tục. Khi công việc đã tạm ổn, cũng là lúc gần trưa. Gương mặt điều dưỡng Dịu hằn lên nét mệt mỏi. Bất giác chúng tôi hỏi: “Chăm sóc một bệnh nhân đã rất vất vả. Chăm sóc cả nghìn người bệnh, chủ yếu là bệnh nhân nặng như vậy, nhọc nhằn phải nhân lên gấp bội?”. Như gợi đúng nỗi niềm, chị Dịu chia sẻ: “Đúng vậy! Vất vả đến từ hàng trăm đầu việc không tên. Trường hợp chăm sóc bệnh nhân nặng, thậm chí tính mạng nguy kịch và phải nằm bất động, đặt nội khí quản, ngoài việc theo dõi các dấu hiệu sinh tồn, truyền dịch dùng thuốc, cho bệnh nhân ăn qua sonde, hút đờm dãi, vệ sinh răng miệng, thân thể, xoa bóp tập vận động chống loét, theo dõi chăm sóc liên tục cả ngày lẫn đêm”.

Nhìn các bệnh nhân đang hôn mê, chị Dịu cho rằng áp lực công việc rất cao. Những ca trực các điều dưỡng ở đây hầu hết đều thức trắng đêm theo dõi tình hình người bệnh. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, chị không nhớ hết được bao nhiêu lần bỏ bữa cơm, làm việc nhiều giờ liên tục cấp cứu người bệnh. Có buổi, sau khi cấp cứu một ca bệnh nặng, chị Dịu cùng đồng nghiệp bước ra khỏi buồng bệnh thì cũng gần 24 giờ đêm. Chị bóc gói mì tôm ăn vội một vài miếng, rồi để ở mặt bàn đi thay vội cái áo. Đến khi quay lại, gói mì tôm “không cánh mà bay”, hỏi ra mới biết, mọi người đã chia nhau ăn ngon lành. Chuyện đó nhanh chóng được lan truyền đến mọi người trong TTHSTC như câu chuyện vui nhưng cũng rất cảm động về sự vất vả của ca trực. Nhọc nhằn, gian khổ là vậy nhưng mỗi lần cứu sống được bệnh nhân với chị Dịu và đồng nghiệp, đó là hạnh phúc lớn lao.

Chỉ mới đây trong một ca trực, TTHSTC cấp cứu một bệnh nhân rất trẻ bị chấn thương rất nặng. Ca cấp cứu tiến hành đến gần 1 giờ sáng. Quá mệt và đói vì từ chiều đến nửa đêm chưa được ăn nên sau khi tiến hành cấp cứu, chị Dịu ngồi bệt xuống sàn nhà nghỉ một chút. Vừa lúc đó, chị thấy một bàn chân đạp khẽ lên đầu mình. Ngước nhìn, chị bỗng bật khóc vì xúc động. Đó là cử động chân của bệnh nhân. Cử động đó chính là tín hiệu sống của não. Bệnh nhân có tín hiệu được phục hồi. Chị nói với chúng tôi, lúc đó chị thấy vô cùng vui sướng và hạnh phúc như được tiếp thêm động lực để cố gắng.

 Gác việc nhà để cứu người bệnh

Khoa Hồi sức cấp cứu luôn là khoa “nóng” nhất của Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác bởi nơi đây phải cấp cứu, chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân bỏng nặng. Nhiều bệnh nhân đứng trước ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết nếu không được điều trị, chăm sóc kịp thời.

Trong phòng bệnh, bác sĩ, Thiếu tá Nguyễn Thái Ngọc Minh cùng các điều dưỡng đang thăm khám, thay băng, chăm sóc vết bỏng cho bệnh nhân Nguyễn Văn Tr. Bác sĩ Minh cho biết, bệnh nhân Tr 27 tuổi, bị bỏng hơi nặng 80%, tình trạng suy hô hấp, suy tuần hoàn, huyết áp tụt, mạch nhanh nên các bác sĩ phải tiến hành hồi sức tích cực, cho thở máy và chống sốc. Sau khi nhập viện, anh Tr đã được đặt catheter, sonde tiểu, ủ ấm. Trong quá trình thở máy, bác sĩ kết hợp điều trị toàn thân. Hôm nay, bước sang ngày thứ hai, mặt, cổ và toàn thân anh Tr vẫn nề to, vết thương tiết dịch nhiều nên anh Tr vẫn đang được hồi sức tích cực.

Dẫn chúng tôi đến thăm từng buồng bệnh, anh Minh chia sẻ, hiện tại Khoa Hồi sức cấp cứu đang có 24 bệnh nhân, hầu hết là bệnh nhân nặng. Trong đó, có 3 bệnh nhân đang phải chạy máy lọc máu, 7 bệnh nhân phải sử dụng máy hỗ trợ hô hấp. Tính mạng của  các bệnh nhân vô cùng mong manh nên các y, bác sĩ phải làm việc rất áp lực, căng thẳng.

Theo anh Minh, khó khăn trong điều trị cho người bị bỏng là tâm lý của bệnh nhân và người nhà thường nghĩ chỉ bỏng ngoài da, ảnh hưởng bên ngoài chứ không hình dung được mức độ bỏng sâu bên trong. Thực tế, da là cơ quan bảo vệ, nếu mất đi cơ quan bảo vệ này, mức độ tổn thương sẽ rất nghiêm trọng. Các bác sĩ chữa bỏng phải điều trị tại chỗ, kíp thay băng phải có từ 4 đến 5 người. Để hoàn thành một ca thay băng phải mất hơn một tiếng đồng hồ. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân bỏng có thể bị nhiễm khuẩn bất cứ lúc nào. Còn ở trẻ em, từ khi bỏng đến khi sốc bỏng sẽ chuyển trạng thái rất nhanh nên phải được cấp cứu kịp thời.

Vất vả, khó khăn, áp lực trong công tác khám, chữa bệnh nên nhiều khi gia đình có việc gấp cũng phải gác lại lo cho bệnh nhân trước. Nói đến đây, anh Minh kể lại: “Tháng trước, khi tôi đang chuẩn bị ca cấp cứu cho một bệnh nhân bỏng thì nhận được điện thoại từ vợ thông báo con bị bỏng nước sôi. Lúc đó, tôi rất sốt ruột, người như lửa đốt. Tuy nhiên, tôi vẫn phải bình tĩnh, động viên vợ làm những bước sơ cứu cho con còn tôi tiếp tục công việc cấp cứu cho bệnh nhân, xong việc mới về chăm sóc vết bỏng cho con”.

Câu chuyện của anh Minh làm chúng tôi nhớ đến Thượng tá, bác sĩ Trần Huy Ngọc, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quân y 109, Quân khu 2. Hôm chúng tôi đến Khoa Ung bướu, dù đã hẹn trước nhưng vẫn phải đợi anh Ngọc hơn một giờ, do anh đang bận cấp cứu cho bệnh nhân ung thư Lê Thị S. Trong lúc ở ngoài chờ gặp bác sĩ Ngọc, chúng tôi chứng kiến cảnh ông Nguyễn Xuân Long-chồng bệnh nhân S, ở TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đầy xúc động. Ông Long cho biết: “Vợ tôi nhập viện trong tình trạng nguy kịch, chảy máu đường ruột, suy hô hấp, hôn mê. Lúc tính mạng nguy kịch, rất may bác sĩ Ngọc và các y, bác sĩ ở khoa đã kịp thời cứu được vợ tôi thoát khỏi tử thần. Giờ sức khỏe vợ tôi đã dần hồi phục”. Nói đến đây, khóe mắt ông Long lăn dài những giọt nước mắt hạnh phúc. Ông khẽ khàng: "Gia đình biết ơn các y, bác sĩ rất nhiều, đặc biệt là bác sĩ Ngọc".

Nhận lời cảm ơn từ ông Long, anh Ngọc cũng không kịp nán lại lâu, anh vội vã thay quần áo rồi đi ngay. Hỏi ra chúng tôi được biết, hôm nay, con anh cũng phải đi phẫu thuật nhưng chỉ có mình vợ anh túc trực bên con. Anh phải nén lại những cung bậc cảm xúc của một người cha để lo cấp cứu cho người bệnh.

Trong quá trình chúng tôi tác nghiệp tại các bệnh viện, câu chuyện về y, bác sĩ có người thân trong gia đình như bố mẹ, con bị ốm đau, thậm chí nằm viện điều trị nhưng họ vẫn không được nghỉ để chăm sóc mà dành thời gian túc trực bên bệnh nhân không phải là ít. Đặc thù của nghề y là như vậy, những cống hiến thầm lặng của họ không mong được đền đáp nhưng rất mong được mọi người thấu hiểu và chia sẻ.

(còn nữa)

 

VĂN TUẤN - HẢI LÝ - HẢI ANH