Điều đó tiếp tục được thể hiện rõ nét tại Trại sáng tác văn học về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng năm 2023, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức từ ngày 1 đến 15-8 tại TP Đà Nẵng với sự tham gia của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học...

Bội thu tác phẩm về chiến tranh cách mạng

Sau gần 2 tuần dành trọn thời gian và tâm huyết để được sống hết mình cùng nghệ thuật và bằng tình yêu, trách nhiệm của người cầm bút, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình văn học đã hoàn thành bản thảo 1 trường ca, 11 tiểu thuyết, 4 tập bút ký và 1 chuyên luận phê bình văn học.

Nhà văn Hà Phạm Phú là người cao niên nhất trại viết lần này. Trước đây ông là chiến sĩ Sư đoàn 308, rồi trở thành phóng viên Báo QĐND. Đến năm 1989, ông chuyển ngành sang Bộ Văn hóa, rồi lại sang Hội Nhà văn Việt Nam. Tham gia trại viết lần này dường như bao vốn sống và trải nghiệm về cuộc đời, về văn chương ông đã dồn tâm huyết cho tiểu thuyết “Một và nhiều”.

Còn nhà văn Châu La Việt được anh em văn nghệ sĩ mệnh danh là “kiện tướng” bởi với sức sáng tạo dồi dào. Ông đang hoàn thành tập bản thảo mang tên “Trăng Him Lam” tái hiện những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên anh hùng. Hiện ông cũng đang tranh thủ hoàn thiện những trang cuối cùng cho cuốn tiểu thuyết viết về vùng đất “trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” với tên gọi “Tình yêu xứ Quảng”.

Nhà văn Hà Đình Cẩn từng là phóng viên Báo QĐND-người vinh dự có mặt tại Sài Gòn đúng thời khắc lịch sử của dân tộc: Ngày chiến thắng 30-4-1975. Tại trại viết lần này, ông khiến đồng nghiệp nể phục về sức viết khi hoàn thành tiểu thuyết “Rừng mặn”. Nội dung tác phẩm chủ yếu xoay quanh cuộc chiến đấu cam go và ác liệt của những chiến sĩ đặc công rừng Sác. Trong đó có câu chuyện tình sáng trong như ngọc giữa đại đội trưởng với nữ y tá trung đoàn, với rất nhiều những cung bậc cảm xúc và số phận éo le bởi sự nghiệt ngã của chiến tranh.

Trong thời kỳ chiến tranh, nhà văn Nguyễn Trọng Tân là chiến sĩ thông tin Quân khu 5, trực tiếp tham gia đánh chiếm trạm viễn thông của chế độ ngụy tại Đà Nẵng. Với bút lực sung mãn, ông đã hoàn chỉnh tiểu thuyết “Chiến binh và cuộc đụng đầu lịch sử” góp phần tái hiện cuộc chiến đấu oanh liệt của Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) trong chiến dịch Pleime tại thung lũng Ia Đrăng trên Mặt trận Tây Nguyên năm 1965.

Vốn nhiều năm công tác tại Trường Sĩ quan Không quân, rồi chuyển sang làm Trưởng đại diện Nhà xuất bản QĐND tại TP Hồ Chí Minh, những ngày qua, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc đang dồn sức tranh thủ thời gian để sớm hoàn thành tiểu thuyết “Miền cỏ tranh” với phong cách hiện đại, lối viết mới lạ của văn chương thời hội nhập về số phận của những con người trở về sau chiến tranh.

Một thời là chiến sĩ tăng thiết giáp, tham gia chiến đấu trên chiến trường Nam Bộ, giờ đây với cương vị là Tổng biên tập Thời báo Văn học nghệ thuật, về với trại viết, nhà văn Hoàng Dự đã hoàn thành bản thảo tập tiểu thuyết “Nước mắt quê hương”. Tác phẩm này làm sống lại bao ký ức hào hùng của người chiến sĩ cách mạng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, trường kỳ gian khổ của dân tộc ta.

leftcenterrightdel

 Hình tượng người chiến sĩ được thể hiện trong Liên hoan Nghệ thuật quần chúng LLVT Quân khu 5.

Trong đời sống đương đại, nhiều cây bút trẻ tiếp tục dành tâm huyết cho đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng với cách nhìn của những con người thời hiện đại nhằm thể hiện các góc nhìn sâu hơn về mảng đề tài lớn và luôn giàu sức sống của nền văn học nước nhà. Bên cạnh những tác phẩm của các nhà văn thế hệ đi trước, trại viết lần này ghi nhận sự đóng góp nhiệt tình của nhiều cây viết trẻ như nhà văn Trần Khánh Toàn với tiểu thuyết “Thao thức phía hoàng hôn” viết về những chiến sĩ mũ nồi xanh làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Nữ nhà văn Bùi Thị Biên Linh có tiểu thuyết “Hạnh phúc”. Còn nhà văn Linh Tâm thì trình làng tập bút ký “Nắng biên thùy”. Tuy lần đầu tham dự trại sáng tác, nhưng nhà thơ Nguyễn Thanh Hải cũng cho ra đời trường ca “Long Hựu”. Nhà văn trẻ Trương Chí Hùng giới thiệu tập bút ký “Tây Nam biên viễn”. Nhà văn Xuân Hùng hoàn chỉnh chuyên luận “Tiểu thuyết viết về chiến tranh từ góc nhìn hiện đại”.

Là người trực tiếp “3 cùng” với các nhà văn, nhà thơ trong suốt thời gian tham gia trại viết, trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng biên tập Sách văn nghệ, Nhà xuất bản QĐND khẳng định: “Đây có thể được coi là mùa “bội thu” của một trại viết văn học về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Điều đáng trân trọng, các bản thảo lần này đều hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam  và 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nguồn cảm hứng vô tận

Có thể nói, trong thời đại ngày nay thì dòng văn học viết về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng luôn được đông đảo bạn đọc quan tâm, là mảng sáng tạo có vị thế riêng trong sự phát triển của đời sống văn học Việt Nam.

Nhiều tác giả, với những trải nghiệm chiến tranh đã khắc họa sinh động về các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Trong số đó, các tác phẩm xuất sắc cơ bản vẫn thuộc về những cây bút đã qua chiến tranh. Những trải nghiệm cuộc sống thời chiến đã tôi luyện cho họ vốn sống phong phú và chiều sâu cảm xúc. Chính vì vậy, họ viết về chiến tranh là như sống lại những năm tháng tuổi trẻ của chính mình; là để tri ân những con người đã anh dũng hy sinh xương máu vì sự trường tồn của một dân tộc anh hùng.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các nhà văn, nhà thơ tham gia Trại sáng tác. 

Trực tiếp chỉ đạo và theo dõi trại viết, Đại tá Phạm Văn Trường, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản QĐND khẳng định: “Đề tài LLVT và CTCM với hình tượng Bộ đội Cụ Hồ luôn là nguồn cảm hứng sáng tạo của văn học đương đại, đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhưng để có những tác phẩm tiêu biểu là điều không đơn giản. Trong những năm qua, Nhà xuất bản QĐND luôn đặc biệt quan tâm đến đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Mỗi trại viết được tổ chức là dịp phát hiện tài năng trẻ, mở rộng lực lượng cộng tác viên và bổ sung những tác phẩm có chất lượng để đăng tải, phát hành. Việc đánh giá thành công không chỉ tính bằng số lượng bản thảo thu hoạch tại trại viết, mà còn phải tính đến số tác phẩm được đăng tải, phát hành rộng rãi...”.

Với cách thể hiện mới mẻ, độc đáo, những tác phẩm văn học nghệ thuật gần đây viết về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng không chỉ mang ý nghĩa chính trị, mà còn mang tính hấp dẫn cả về phương diện giải trí lẫn nghệ thuật. Vượt qua biết bao thăng trầm, đồng hành với dân tộc, LLVT và chiến tranh cách mạng vẫn là đề tài lớn cần được khai thác một cách hiệu quả hơn nữa để thế hệ trẻ thêm trân quý và tự hào, biết ơn về những mất mát, hy sinh to lớn của cha ông ta trong các cuộc kháng chiến để có được cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc hôm nay...

 Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG