QĐND - Cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hơn 80 năm qua đã giành được những thắng lợi vĩ đại, là nguồn cảm hứng cao độ, trở thành mảng đề tài bất tận, có sức hút kỳ lạ đối với các văn nghệ sĩ cách mạng trên tất cả các loại hình văn học, nghệ thuật (VHNT) suốt hơn nửa thế kỷ qua. Các tác phẩm VHNT về mảng đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng trải qua sự kiểm nghiệm khắt khe của lịch sử và sự thẩm định công tâm của công chúng, đã khẳng định “thương hiệu” đặc biệt của mình; trở thành một bộ phận quan trọng, có giai đoạn giữ vai trò chủ đạo trong nền VHNT nước nhà. Các tác giả đã sáng tạo ra những tác phẩm để đời đó thực sự là những nghệ sĩ-chiến sĩ kiên trung trên mặt trận văn hóa-văn nghệ cách mạng.

Một cảnh trong vở “Sự tích trầu cau” của Nhà hát Chèo Quân đội về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Ảnh: ĐÀO THẾ

 

Nhưng đáng tiếc, những năm vừa qua trong khi kinh tế thị trường ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu hơn thì các tác phẩm VHNT về mảng đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng lại càng xa cái đỉnh cao đã được tạo lập trong những ngày khói lửa. Càng ngày càng ít người nói đến vai trò chủ lưu của nó trong sự phát triển của nền VHNT thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các tác giả lớn và tác phẩm lớn về đề tài này hiện nay không nhiều. Nhìn nhận một cách khách quan, khi chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, hiện thực cuộc sống hôm nay bộn bề những đề tài cần VHNT phản ánh, trong khi đó sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin ít nhiều đã làm thay đổi tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ và nhu cầu thưởng thức của công chúng... Mặt khác, một số văn nghệ sĩ ngại khai thác đề tài lịch sử, nhìn nhận về lịch sử một cách méo mó, cố gắng tự “làm mới” mình bằng những sản phẩm “dị thường”. Một số khác chạy theo thị hiếu tầm thường, sáng tạo, quảng bá những tác phẩm “chệch hướng”, “lệch chuẩn”…

Trong quân đội cũng không tránh khỏi tình trạng đó, tuy mức độ thấp hơn nhưng cũng có nhiều vấn đề cần phải uốn nắn, khắc phục. Đó là, một số văn nghệ sĩ có biểu hiện “nhạt phai màu áo lính”, thờ ơ, không quan tâm đến mảng đề tài “ruột” của các nghệ sĩ-chiến sĩ mà lại chạy theo những nhu cầu thực dụng, cho ra đời không ít những tác phẩm VHNT có giá trị tư tưởng và nghệ thuật thấp, lai căng, dung tục. Một số vin vào điều kiện khó khăn, không được hỗ trợ, đầu tư nên khó có điều kiện để tìm tòi, sáng tạo...

Ngày nay, chiến tranh đã lùi xa, thế hệ nghệ sĩ-chiến sĩ trưởng thành trong các cuộc chiến tranh cứ thưa vắng dần. Đất nước hòa bình, yên ổn đối với mỗi con người và cả quốc gia là một khát vọng cháy bỏng, là hồng phúc lớn lao, nhưng phải chăng nó sẽ làm nguội đi nguồn cảm hứng để sáng tạo ra những tác phẩm VHNT về những cuộc chiến oai hùng và hình ảnh người chiến binh trên tuyến đầu đánh giặc? Nhận thức rõ thực trạng đó, những năm qua, Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động VHNT trong quân đội; Củng cố, xây dựng, đầu tư cả về biên chế tổ chức, cơ sở vật chất kỹ thuật đối với các đơn vị nghệ thuật; phát động nhiều cuộc vận động, tổ chức nhiều trại sáng tác; xây dựng các chế độ, chính sách ưu đãi cho văn nghệ sĩ, tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn… Đặc biệt, định kỳ 5 năm một lần đã tổ chức các hoạt động trọng điểm về văn hóa, VHNT, báo chí và tổ chức trao giải thưởng của Bộ Quốc phòng cho các tác phẩm, công trình, cụm công trình xuất sắc về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng.

Tuy nhiên, để tạo ra bước đột phá trong sáng tạo các tác phẩm VHNT về mảng đề tài trên đây trong quân đội và toàn xã hội hiện nay, cần phải có một “cú hích” đủ mạnh. Cụ thể, cần tập trung vào mấy vấn đề chủ yếu sau đây:

Trước hết, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về vai trò của mảng đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, khơi dậy truyền thống vẻ vang của dân tộc anh hùng, quân đội anh hùng trong các cuộc chiến tranh cách mạng trước kia cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trong đó, trọng tậm là nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; tham gia phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… trong tình hình mới.

Thứ hai, tiếp tục quy hoạch, củng cố, xây dựng, đầu tư cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực VHNT, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển VHNT trong quân đội gắn với việc thu hút, lôi cuốn các văn nghệ sĩ sáng tạo, quảng bá các tác phẩm về quân đội. Mở rộng đối tượng đầu tư, "đặt hàng" đối với các tác giả, các loại hình sáng tác về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Đồng thời, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho văn nghệ sĩ được tự do sáng tạo, gắn với việc sử dụng, quảng bá các tác phẩm có chất lượng cao, không chỉ ở trong nước mà từng bước giới thiệu ra nước ngoài.

Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động thường xuyên gắn với các hoạt động trọng điểm và định kỳ, phát động các cuộc vận động, mở các cuộc thi, liên hoan, hội diễn… nhằm tạo ra cao trào hoạt động đồng bộ, mạnh mẽ trong quân đội và toàn quốc về việc sáng tạo ra nhiều tác phẩm VHNT có giá trị cao về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Trong những năm tới, ngoài việc nâng mức đầu tư kinh phí, tổ chức các trại sáng tác, các đợt thâm nhập thực tế… Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo và quản lý Nhà nước, các hội chuyên ngành ở Trung ương, địa phương… nhằm vận động đông đảo các văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm VHNT về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Đồng thời, có nhiều loại hình giải thưởng dành cho các tác giả và tác phẩm xuất sắc về mảng đề tài này.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các chế độ, chính sách đối với lĩnh vực VHNT và văn nghệ sĩ theo hướng ưu tiên đãi ngộ, khuyến khích, động viên các văn nghệ sĩ, các đơn vị nghệ thuật… có đóng góp xứng đáng đối với sự nghiệp phát triển VHNT trong quân đội và có các tác phẩm xuất sắc về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Đối với văn nghệ sĩ trong quân đội, tạo mọi điều kiện để phát huy tài năng, đi đôi với việc thực hiện chính sách đãi ngộ thích hợp. Tạo điều kiện thuận lợi để các văn nghệ sĩ ngoài quân đội thâm nhập, tìm hiểu đời sống và các hoạt động của bộ đội… Phối hợp với ngành văn hóa và các cơ quan chức năng nghiên cứu tổ chức các cuộc thi, liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng ở quy mô toàn quốc và khu vực nhằm quảng bá, giới thiệu các tác phẩm có chất lượng tốt ra công chúng.

Thứ năm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý… đối với các hoạt động VHNT, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị quân đội. Các cấp, các ngành có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện có nền nếp và hiệu quả trong cơ quan, đơn vị của mình. Đồng thời, tăng cường giao lưu, hợp tác khu vực và quốc tế nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi những thành tựu VHNT về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng Việt Nam với bạn bè trên thế giới.

Trong điều kiện hòa bình, đề tài về LLVT và chiến tranh cách mạng còn là một kho kinh nghiệm, bài học quý báu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với quân đội, đề tài này còn trực tiếp góp phần xây dựng và nâng cao đời sống chính trị, tinh thần trong đời sống cán bộ, chiến sĩ. Tạo ra bước đột phá mới trong sáng tạo các tác phẩm VHNT về mảng đề tài này sẽ làm thay đổi diện mạo sự nghiệp phát triển VHNT hiện nay của quân đội và đất nước.

Đại tá NGUYỄN PHƯƠNG DIỆN, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn-TCCT