Theo luân lý phụ quyền nho giáo, ở mỗi gia đình đều có người làm chủ, đó là các mẹ chứ không phải là cha. Theo lẽ tự nhiên của trời đất thì người mẹ (Mẫu) sinh ra con cái, nuôi dưỡng dạy dỗ từ lúc lọt lòng, rồi chăm sóc con cái suốt đời... Không chỉ con người, các loài động vật mà cả ngọn núi, nhánh sông, rừng, đất, nước, lúa... cũng đều có mẹ. Vì vậy, việc tôn vinh thờ phụng mẹ (Mẫu) chính là tín ngưỡng chân thành, cao đẹp nhất của muôn loài.
Thờ Mẫu trong tâm thức dân gian
Con người từ buổi sơ khai đã phải chống chọi với bao thiên tai bão lũ, phải chịu đựng những gian lao vất vả trong rừng sâu, ngoài biển cả hay trên đồng ruộng để tồn tại. Con người trở nên nhỏ nhoi và bất lực trước thiên nhiên. Vì thế họ phải đi tìm sự viện trợ mơ hồ ở thần linh đầy quyền uy và phép lạ nào đó. Đây chính là một cách để con người tăng thêm sức mạnh và củng cố niềm tin. Từ tư duy thật đơn giản và diễn ra hằng ngày là dã thú có thể hung dữ tàn bạo nhưng vẫn phải tìm sự che chở ở mẹ núi rừng. Sóng gió dữ dội song vẫn phải vâng theo mẹ biển, mẹ sông. Từ tâm thức người dân hiểu như thế, vậy là xuất hiện việc thờ phụng mẹ rừng, mẹ nước hay nói theo chữ nghĩa là Thủy cung thánh Mẫu, là Lâm cung thánh Mẫu, còn dân gian thì gọi là Mẫu Thảo, Mẫu Thượng Ngàn. Trên bầu trời cao xanh phải là nơi ngự của Cửu thiên Huyền nữ hay mẹ Cửu Trùng.
“Với quan niệm “Thiên địa vạn vật nhất thể”, “Vạn vật hữu linh”, dân chúng lại tôn vinh một nữ thần “rất người”, hội tụ đầy đủ những yếu tố trần gian, đã từng làm vợ, làm mẹ, từng cai quản một cộng đồng, một khu vực, lại am hiểu văn chương, đạo lý, cầm quân đánh giặc, chữa bệnh cứu người, cả thể xác lẫn tâm hồn, đó là Mẫu Liễu Hạnh. Tứ phủ thờ phụng thế là đầy đủ: Thiên phủ (Cửu Trùng), Sơn phủ (hay Nhạc phủ-núi rừng), Thủy phủ (hay Thoải-nước) và Địa phủ (hay phủ trần gian), thật đơn giản, mộc mạc, dễ hiểu mà lại hợp lý.
|
|
Một góc không gian phủ Tây Hồ - nơi thờ Mẫu tại Hà Nội. Ảnh: MINH THÀNH |
Với sự phát triển muôn màu, muôn vẻ của tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng thờ Mẫu không có văn bản quy định rõ ràng, vì thế ngày càng có nhiều lớp bổ sung. Người ta tin rằng, đã có Thánh Mẫu đứng đầu thì phải có các quân gia làm tùy tòng cho Mẫu. Đền phủ của Mẫu là một mái ấm gia đình mà thủ hạ của Mẫu đều cùng huyết thống. Do đó, dưới quyền Mẫu là những ông hoàng, bà chúa, những quan, những cô, những cậu... Tất cả trở thành một hệ thống thần linh, thủ túc của Mẫu với những tên gọi thật bình dị dân dã. Cô đệ nhất, đệ nhị, cô Bảy, cô Ba, cô Chín giếng, cô Đồng mô... Ở các đền thờ Tam phủ, Tứ phủ còn thờ các vị Thổ thần, các thần thuộc dân tộc thiểu số, các anh hùng dân tộc như hệ thống các vị thần thuộc triều đại nhà Trần: Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão... Tất cả đều châu tuần xung quanh Mẫu. Và bất cứ một điện thờ Mẫu nào cũng bài trí một hậu cung sâu thăm thẳm như một hang động, có đôi rắn trắng uốn khúc ngoằn ngoèo từ cửa động vào tới hậu cung rồi từ hang sâu trườn ra ngoài. Phải chăng đây là biểu tượng cho sự giao phối sinh nở của người mẹ. Điều này không có gì lạ với tâm thức của Folklore Việt Nam.
Những “phép tắc” và nghi lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu
Mỗi khi tiếp xúc với cô đồng, thầy đồng hay các thanh đồng, câu cửa miệng mà chúng tôi thường được nghe là “Lính có công, đồng có phép”. Vậy, “phép” trong tín ngưỡng thờ Mẫu là gì? Chúng ta đều biết, tín ngưỡng thờ Mẫu không có những văn bản, quy định mà chủ yếu là truyền miệng từ thế hệ trước đến thế hệ sau, từ đồng thầy đến lớp thanh đồng.
Khác với những tôn giáo tín ngưỡng khác như Phật giáo có rất nhiều kinh sách, giới luật... dành cho các tăng ni, phật tử... Tín ngưỡng thờ Thành hoàng có các sắc phong của triều đình phong kiến phong tặng cho Thành hoàng là các vị có công với dân, với nước. Làng xã nào cũng tôn thờ Thành hoàng làng mình, vì thế dân gian mới có câu: “Trống làng nào làng ấy đánh, thành làng nào làng ấy thờ”. Đặc biệt, trong bản “Thần tích”, triều đình còn quy định rất rõ thời gian tổ chức lễ hội, lễ vật dâng cúng lợn đen hay trắng, cỗ chay hay mặn, những việc cấm kỵ, trang phục... Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, “phép” hay “phép tắc” tuy không có văn bản hay quy định nhưng được gói gọn trong những câu dễ nhớ, dễ thuộc: “3 năm thử lính, 9 năm thử đồng, 12 năm thực đồng, chắc bóng”. 3 năm thử lính là quá trình các thanh đồng được Mẫu thử thách. Họ phải rèn tập để giữ cho cái tâm được trong sáng, luôn vững vàng vượt qua khổ nạn, cơ hàn. Trên con đường tu dưỡng có hai giai đoạn họ phải trải qua là tẩy sạch mọi khúc mắc, uẩn ức để tinh thần được trong trẻo, tinh khôi và trút hết tà ma, tồn tại trong thể xác mỗi người, khiến cho cơ thể họ trở nên “mềm như lạt, mát như nước”. Sau đó đến bước tu luyện để đạt tới “nhất tâm cửa Phật, thật tâm cửa Thánh”. Quá trình rèn luyện trong thời gian 3 năm thử lính thật vô cùng gian nan khổ cực. Bởi có rèn luyện, tu dưỡng thì bóng đồng và bóng thánh mới hòa quyện được với nhau để được “thật đồng, chắc bóng”, để được “đồng sang, bóng lịch sự”... Quá trình tu luyện trên tất cả đều thông qua nghi lễ hầu đồng-một nghi lễ cốt yếu trong tín ngưỡng thờ Mẫu.
Tín ngưỡng thờ Mẫu quan niệm bản chất con người vốn trong trẻo, thánh thiện, mọi người đều phải trở về bản chất này. Muốn thế phải trải qua một quá trình gọi là đồng (hòa đồng cá nhân với cộng đồng), muốn hòa đồng thì ý nghĩ phải trong sáng, phải thiện tâm, không phá vỡ tính tự nhiên của tâm hồn. Trong trạng thái này, ông đồng, bà đồng trở nên thanh cao, hỉ xả, hào phóng, họ ban lộc và dâng lộc cho nhau. Con nhang dâng lộc để tỏ lòng biết ơn tạo hóa, trời đất và Mẫu đã cho mình lộc. Ông bà đồng phát lộc thể hiện mùa màng bội thu, công việc làm ăn thuận lợi, sung túc, sức khỏe dồi dào đến với muôn người. Qua giá đồng người ta cảm nhận được tính thiêng, tính thần thánh của đạo Mẫu với những giây phút siêu thoát.
Trong nghi lễ hầu đồng (cả xưa và nay), bằng tài năng của mình, các nghệ nhân đã sáng tạo ra những điệu múa trình diễn trước phủ thờ. Bằng những động tác không lời, họ muốn tạo ra một cảnh quan bí ẩn giúp con người vươn tới cõi siêu trần, giao cảm với thần linh. Những đôi chân nhún nhảy, những bàn tay múa may, những tiếng la hét, tạo ra không gian thần bí... Tất cả đều nhằm hóa thân, mơ ước thoát khỏi sự thông tục và bế tắc của mỗi con người. Ngoài ra, hát văn và dàn nhạc cũng đóng vai trò quan trọng trong mỗi giá hầu. Phải học hành khổ luyện và phải qua những kỳ “sát hạch”, cung văn mới có thể đảm đương được trọng trách này. Từ xưa đến nay đã có rất nhiều cung văn nổi tiếng được mọi người thán phục: “Mặt sắt cũng say câu hát khéo/ Bút son khuyên lấy giọng chầu hay”...
Giữ gìn nét đẹp văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu
Kể từ sau thời kỳ đổi mới, đặc biệt sau khi được UNESCO vinh danh Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt ở 21 tỉnh, thành phố phía Bắc và TP Hồ Chí Minh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (ngày 1-12-2016), hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta chẳng khác nào “nắng hạn gặp mưa rào”. Từ nơi đô hội đến hang cùng ngõ hẻm, đâu đâu cũng thấy “hầu đồng”. Theo thống kê đầu năm 2019 của Hội Di sản văn hóa Thăng Long-Hà Nội thì khoảng 10 năm trước, khi Hà Nội chưa hợp nhất với Hà Tây chỉ có 83 ngôi đền phủ thờ Mẫu tam phủ. Song đến năm 2019, Hà Nội có 580 đền, 5 phủ, 1.230 điện tư gia, 1.640 chùa có điện thờ Mẫu.
Sự bùng nổ của các cơ sở thờ tự, nhất là các điện tư gia đã kéo theo vô số hệ lụy gây bức xúc trong xã hội và sự phản ứng gay gắt của cộng đồng thực hành thờ Mẫu. Những bộ trang phục kỳ quái, đạo cụ thì lấy đinh ba, súng trường làm pháp bảo phá ngục. Truyền phán thì thô tục, dọa nạt, gây tâm lý hoang mang, lo sợ đến mọi người. Có thanh đồng muốn phô trương sự giàu sang, đẳng cấp đã phát nhiều đồ lộc quá xa xỉ. Có người lại bày đặt ra giá đồng từ xưa chưa từng có, rồi tranh cướp lộc hỗn loạn làm mất đi sự tôn kính, phá vỡ nét đẹp của văn hóa tâm linh, làm mất đức tin của mọi người với các thánh thần và nguy hại nhất là làm băng hoại hết các giá trị chân-thiện-mỹ mà tổ tiên đã dày công xây dựng và vun đắp tín ngưỡng thờ Mẫu.
Để bảo tồn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nghĩ rằng, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội và các cơ quan, ban, ngành chức năng cần rà soát lại những cơ sở thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là 1.230 điện tư gia, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND thành phố ban hành quy chế về việc trình đồng lập phủ trên cơ sở phép xưa: “3 năm thử lính, 9 năm thử đồng, 12 năm thực đồng, chắc bóng”. Kiện toàn Ban quản lý các đền, phủ Hà Nội củng cố và phát triển câu lạc bộ thờ Mẫu các cấp. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ văn hóa phường, xã, câu lạc bộ thanh đồng và nhân dân về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội. Đồng thời, không nên đưa các giá đồng lên sân khấu hoặc tổ chức thi hầu đồng bởi sẽ làm mất không gian thiêng, tính thiêng đặc trưng cốt lõi của giá đồng. Có chăng nên tổ chức các cuộc thi hát chầu văn, thi trang phục trong nghi lễ hầu đồng. Mở rộng kênh thông tin truyền thông báo chí... góp phần gìn giữ và hoằng dưỡng tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta.
Hiện nay, tại Viện Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam còn lưu giữ rất nhiều bản văn chầu (văn giáng bút) viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Việc khai thác những sách này sẽ góp phần không nhỏ làm giàu kho tàng văn hóa thờ Mẫu ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng.
PGS, TS ĐỖ THỊ HẢO