Đến Hòa Xá trong những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 60 năm Ngày mở đường Trường Sơn, chắc hẳn ai cũng sẽ cảm nhận rõ sự “thay da đổi thịt” trên quê hương phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”. Một miền quê thực sự thanh bình và nên thơ bên dòng sông Đáy. Khắp đường làng, ngõ xóm đã bê tông hóa sạch đẹp,  được tô điểm thêm những sắc màu rực rỡ của cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu. Đình làng Hòa Xá uy nghi, trầm mặc bên gốc đa cổ thụ như một chứng nhân lịch sử ghi dấu địa điểm luyện quân năm xưa. Bên cạnh cây đa cổ thụ ấy là Bảo tàng Quê hương phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”. Đây là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật quý từng gắn bó với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hòa Xá trong các cuộc kháng chiến và những năm đổi mới. Đồng thời cũng là nơi hoạt động của các câu lạc bộ đọc sách, văn hóa-nghệ thuật và thể thao của người dân địa phương.

leftcenterrightdel
Một góc trưng bày tại Bảo tàng Quê hương phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn”.

Dẫn chúng tôi đi tham quan bảo tàng, ông Phùng Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá, lần lượt giới thiệu về những “bảo vật” của quê hương mình. Mặc dù không quá phong phú về hiện vật, tư liệu như những bảo tàng khác, song với sự ra đời và tồn tại của một bảo tàng cấp xã trong hàng chục năm qua như Hòa Xá thật đặc biệt và đáng quý. Ấn tượng nhất ở đây có lẽ là bức tượng chàng trai chia tay cô gái để lên đường nhập ngũ, trên tay mang theo chiếc gậy Trường Sơn và nhẫn chung thủy-hai kỷ vật thiêng liêng nhất của hậu phương trao tặng. Đặt trang trọng ở khu trung tâm bảo tàng là bản nhạc chép tay ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” của nhạc sĩ Phạm Tuyên với lời đề từ: “Tặng thanh niên Hòa Xá, tỉnh Hà Tây và các bạn sắp lên đường làm nhiệm vụ”. Lá cờ lưu niệm truyền thống thời kỳ chống Mỹ tuy đã ngả màu thời gian nhưng vẫn in đậm hàng trăm nét bút chữ ký của lớp lớp thanh niên địa phương lên đường vào Nam chiến đấu. Và nhiều hiện vật khác như: Chiếc gậy Trường Sơn, nhẫn chung thủy, súng, gươm, mũ rơm, mũ sắt, mâm đồng... là những kỷ vật cùng với người dân Hòa Xá trải qua những năm tháng ác liệt chống bom đạn quân thù. Ngoài ra còn có rất nhiều hình ảnh, tư liệu quý minh chứng cho lịch sử hào hùng của một miền quê giàu truyền thống cách mạng, trong đó có hai tờ Báo Quân đội nhân dân năm 1968 có đăng bài “Nhân dân Hòa Xá thi đua học tập và làm theo gia đình cụ Phạm Hồng” (số ra ngày 2-3-1968) và “Những bà mẹ Hòa Xá” (số ra ngày 26-4-1968)...

Trở lại lịch sử những năm 1967-1968, làng quê Hòa Xá hiền hòa bên dòng sông Đáy này sục sôi phong trào luyện quân dự bị sẵn sàng chi viện sức người cho miền Nam. Là một trong những người tham gia phong trào luyện tập thời kỳ ấy, đến nay ông Lưu Ngọc Phan, 71 tuổi ở Hòa Xá vẫn nhớ như in không khí luyện quân năm xưa. Ông kể: “Hằng ngày, cứ 7-8 giờ tối, khi tiếng còi báo hiệu vang lên thì khoảng 20-30 anh em lại tập trung tại đình làng Hòa Xá để tập luyện “hành quân xa, mang vác nặng”. Với tinh thần “Vai đeo 25 cân/ Chân đi ngàn dặm/ Vượt suối băng ngàn/ Sẵn sàng nhập ngũ”, anh em chúng tôi ai nấy đều cho gạch đá vào ba lô, bao tải, bao dứa nặng khoảng 25-30kg để mang đi hành quân quanh huyện. Không chỉ luyện tập ban đêm, nhiều hôm phân đội còn tập cả ban ngày hoặc lúc gà gáy sáng, thực hành chiến thuật, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, vượt sông Đáy vào những hôm giá rét... Mục đích của việc rèn quân là chuẩn bị cả về thể lực và tinh thần cho thanh niên làm quen với môi trường gian khổ của chiến trường để khi nhập ngũ có thể chiến đấu được ngay”.

 Cùng với phong trào luyện quân, Hòa Xá còn có khẩu hiệu “Tiền tuyến cần một, Hòa Xá có hai, đã đi là đến, đã đến là đánh thắng”. Từ đó, tỷ lệ thanh niên tình nguyện nhập ngũ ở đây thường xuyên vượt chỉ tiêu đề ra, trở thành điển hình cho nhiều địa phương khác học tập. Mỗi khi có thanh niên lên đường nhập ngũ thì Hội Phụ lão lại trao tặng chiếc gậy có khắc câu thơ: “Gậy này là gậy Trường Sơn/ Của trai Hòa Xá lên đường tòng quân”; Hội Mẹ chiến sĩ thì tặng lá cờ nhỏ có dòng chữ thêu tay: “Nhân dân Hòa Xá tặng-Ra đi là chiến thắng”, còn Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên xã thì tổ chức trao “nhẫn chung thủy” như một lời giao ước giữa người ra đi và người ở lại, một lòng son sắt với quê hương, đất nước... Có lẽ nhờ thế mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hòa Xá đã có hàng trăm thanh niên ra trận, nhiều gia đình có tới 4-5 người nhập ngũ, nhưng không ai bỏ ngũ, đảo ngũ. Khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc hay ai đó có xao động về tư tưởng tại mặt trận thì thanh niên Hòa Xá lại bảo nhau ghi nhớ những dòng chữ trên gậy để giữ gìn thanh danh cho gia đình và truyền thống quê hương. Trên dọc dài đường Trường Sơn, nhiều người con Hòa Xá như ông Lưu Ngọc Phan, Phùng Văn Mạnh và nhiều người khác đã coi chiếc gậy Trường Sơn là kỷ vật thiêng liêng, là niềm tự hào để có thêm động lực vượt qua khó khăn. “Hằng ngày, có hàng vạn bộ đội đi trên tuyến đường ấy và ai ai cũng cần phải có một cây gậy bên mình để vượt qua bao khó khăn, hiểm trở, những “dốc cao, vực sâu mất lối” như trong lời bài hát. Gậy cũng quan trọng như súng đạn, lương khô và thuốc sốt rét... trong hành trang của người chiến sĩ. Trên bước đường hành quân ấy, mỗi khi được nghe văng vẳng lời ca của ca khúc “Chiếc gậy Trường Sơn” như: “Trường Sơn ơi! Ta đã lên đường với gậy quê hương/ Trường Sơn ơi, chan chứa bao tình/... Sức trẻ đi cứu nước vững vàng hơn dãy Trường Sơn”, trong lòng tôi lại lâng lâng tự hào mình là người con quê hương phong trào tặng gậy Trường Sơn cho tân binh và cảm thấy như được tiếp thêm động lực để chiến đấu”, ông Mạnh nhớ lại.

leftcenterrightdel
Cây đa và đình làng Hòa Xá - một địa điểm luyện quân dự bị trong những năm 1966-1967 ở Hòa Xá.

Hiện nay, chiếc gậy Trường Sơn không chỉ được trưng bày, giới thiệu tại bảo tàng ở Hòa Xá mà còn được trưng bày, giới thiệu tại nhiều bảo tàng khác trên địa bàn Hà Nội. Thời gian qua, ông Phùng Văn Mạnh cùng Hội Cựu chiến binh xã Hòa Xá đã tích cực phối hợp với Đoàn Thanh niên tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống cho thanh niên và học sinh trên địa bàn ngay tại bảo tàng của xã. Cứ mỗi dịp kỷ niệm năm chẵn phong trào “Chiếc gậy Trường Sơn” thì Đảng bộ, chính quyền và các ban ngành xã Hòa Xá lại tổ chức cuộc thi tìm hiểu truyền thống lịch sử quê hương và các hoạt động văn nghệ-thể thao để tiếp lửa tinh thần yêu nước của ông cha.

Bài và ảnh: MINH THÀNH