Mang đến những cảm hứng mới
Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu nước nhà nói chung đã từng bước hiện đại hóa khi ứng dụng hiệu quả các thành tựu mới của khoa học-công nghệ vào các công đoạn: Âm thanh, ánh sáng, hình ảnh..., trong đó phổ biến nhất là sự xuất hiện của những màn hình LED tại nhiều sân khấu lớn nhỏ. Một số nhà hát đã có những đầu tư nhất định để ứng dụng công nghệ trong dàn dựng tác phẩm sân khấu nhằm thu hút người xem. Có thể kể đến chương trình nghệ thuật giải trí “Ionah show” của Nhà hát Star Galaxy; vở diễn “Tứ phủ” (đạo diễn Việt Tú) tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu của Công ty Nhà hát Việt; hay gần đây nhất là vở kịch múa “Mỵ” của Đoàn Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc. Tận dụng “món quà” quý từ các tiến bộ khoa học, công nghệ, hiện nay nhiều nhà hát cải lương phía Bắc cũng đã chú trọng kết hợp hình ảnh, ánh sáng phụ trợ cho nghệ sĩ trong quá trình biểu diễn, từng bước đáp ứng nhu cầu nghe-nhìn đa dạng của công chúng tiêu biểu như các vở: “Hừng đông”, “Mai Hắc Đế”... của Nhà hát Cải lương Trung ương. Nhà hát Cải lương Hà Nội cũng từng thực hiện thành công một số dự án bằng cách để diễn viên thể hiện vở diễn liền mạch với sự hỗ trợ của màn hình LED như một phông sân khấu động.
Điểm lại những đổi thay của sân khấu qua các cuộc cách mạng công nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa những ứng dụng công nghệ vào xây dựng tác phẩm sân khấu là hoàn toàn khả thi, giúp mang đến nhiều cảm hứng mới cho khán giả hiện đại trong quá trình tiếp nhận tác phẩm.
Mặc dù đã có những chuyển động tích cực, tuy nhiên, nhìn rộng hơn, sự chuyển biến trên sân khấu Thủ đô còn chậm, nhịp sống sân khấu chưa theo kịp những bước đi nhanh, mạnh như vũ bão của khoa học-công nghệ. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khá nhiều rạp, nhà hát vào loại tốt của cả nước như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Rạp Xiếc Trung ương, Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Kim Mã, Rạp Hồng Hà, Rạp Công Nhân, Rạp Đại Nam,… Tuy nhiên, trong số đó, chỉ có một số nhà hát, trung tâm nghệ thuật được xây dựng mới, còn lại đều được tu bổ, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trên cơ sở cũ. Do đó, phần lớn hệ thống rạp, nhà hát ở Thủ đô đều cũ kỹ, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa tác phẩm sân khấu.
|
|
Vở "Dâu bể một kiếp tằm" của Nhà hát Cải lương Hà Nội |
Là một họa sĩ thiết kế mỹ thuật đã có nửa thế kỷ gắn bó với sân khấu, NSND Lê Huy Quang bùi ngùi: “Sân khấu của ta vẫn chỉ là một sàn diễn cố định vài chục mét vuông từ đầu đến cuối vở diễn với những riềm, cánh gà cố định và chung cho tất cả các loại hình nghệ thuật từ ca, múa, nhạc, giao hưởng, hợp xướng, tuồng, chèo, cải lương, kịch nói cho đến cả các cuộc thi hoa hậu, áo dài và thời trang áo tắm… Trong lúc các nước, nhất là các nước có nền sân khấu tiên tiến, đã từ lâu, sân khấu-sàn diễn-đã được hiện đại hóa một cách hoàn chỉnh”.
Không ít nghệ sĩ cảm thấy chạnh lòng khi ngân sách để mang công nghệ vào sân khấu thì “nhỏ giọt èo uột”, trang thiết bị kỹ thuật của sân khấu mấy chục năm qua cũng chưa có gì mới, đó là chưa kể trình độ khoa học-công nghệ của nhiều nghệ sĩ còn nhiều hạn chế.
Làm sao để thích ứng thời cuộc?
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều áp lực nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội để sân khấu Thủ đô có thể chuyển biến mạnh mẽ. Việc có biến được những thách thức thành thời cơ hay không còn phụ thuộc phần lớn vào sự nhạy bén của những đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ sân khấu.
“Quan trọng nhất của lao động sáng tạo luôn phụ thuộc vào từng cá nhân, đòi hỏi những nỗ lực tìm tòi, học hỏi để không ngừng đổi mới tư duy, nắm bắt kịp thời nhu cầu của công chúng”-NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học-Nghệ thuật Hà Nội bày tỏ. Đồng quan điểm này, đạo diễn Hoàng Thanh Du cũng cho rằng, Cách mạng công nghiệp 4.0 chính là cơ hội để sân khấu làm một cuộc cách mạng cho chính mình bằng cách tự thay đổi trong tư duy về cuộc sống; thay đổi quản lý kiểm duyệt theo chiều sâu, giao quyền tự quyết-tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị nghệ thuật; đầu tư thích đáng về các trang thiết bị, kỹ thuật công nghệ...; thiết lập các kênh truyền thông tương tác hiệu quả”…
Khi nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng thời đại công nghệ số ngày càng thay đổi cũng đặt ra yêu cầu đổi mới cách thức giới thiệu, quảng bá tác phẩm sân khấu nhằm thu hút khán giả tới rạp. Bởi vậy theo các nghệ sĩ thì thay vì cách tiếp thị truyền thống trước đây, các đơn vị nghệ thuật cần tận dụng lợi thế của internet để tăng khả năng kết nối thông qua hệ thống website, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông xã hội khác. Thay vì bán vé trực tiếp, cần triển khai hệ thống bán vé điện tử thông qua những cổng thanh toán trực tuyến. Bên cạnh đó việc tương tác với công chúng cần được đẩy mạnh để khán giả cảm thấy như được tham gia vào quá trình xây dựng tác phẩm sân khấu. Đặc biệt, cơ sở vật chất của các nhà hát, rạp hát cũng phải được thiết kế, xây dựng theo những tiêu chuẩn riêng biệt, đáp ứng yêu cầu của sáng tạo nghệ thuật và thỏa mãn thị hiếu thẩm mỹ mới của khán giả. Để bắt kịp với sự phát triển của thời đại, theo PGS, TS Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội, các nghệ sĩ phải nắm bắt, phản ánh nhanh nhạy những vấn đề xã hội mới, mang tư tưởng của thời đại, sao cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu thẩm mỹ của khán giả mới.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam: “Hơn lúc nào hết, sân khấu Hà Nội nói riêng và sân khấu cả nước nói chung phải thay đổi tư duy sáng tạo, tư duy quản lý một cách quyết liệt “để giữ cho sân khấu không tiếp tục bị tụt dốc”... |
GIA PHÚ