Trong bao sự đổi thay, làng tôi vẫn giữ được nét đẹp bình dị và thân thuộc. Bờ rào vẫn còn đó với những hàng rau ngót, giậu mồng tơi. Đầu làng vẫn ngọn đa tỏa bóng, vẫn những lũy tre ríu rít tiếng chim, vẫn giếng đình ngọt mát vị quê... Nó làm cho người xa quê như tôi nao nao mỗi dịp trở về.

Rau ngót hay còn gọi là bồ ngót, bù ngót, hắc diện thần. Rau có vị ngọt, mùi hơi hăng, nhiều chất dinh dưỡng, vitamin, được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền để hỗ trợ chữa một số bệnh. Rau ngót nấu canh suông nhưng vẫn ngon ngọt. Phải chăng vì thế mà có nơi gọi rau ngót là rau bồ ngọt! Ở làng tôi, rau ngót được người dân trồng rất nhiều. Ngày xưa, cả làng còn nghèo khổ như nhau, bữa ăn chỉ xoay vòng các loại rau trong vườn tự trồng hoặc rau mọc dại. Giàn mướp, bầu, bí chờ ngày quả lớn. Rau muống, rau lang chờ ngày vươn ngọn. Mồng tơi, rau ngót xanh kín bờ rào. Rau cải, rau cúc từng luống xanh um. Cà pháo, cà chua mong trời đừng sương muối... Đàn con lớn lên từ những bữa cơm quê mẹ nấu khi đói, khi no cùng canh rau như thế. Trong nỗi khát thèm vời vợi của tuổi thơ còn có hình ảnh nồi canh rau ngót được mẹ bỏ thêm nhúm mì ăn liền mua ở quán tạp hóa duy nhất đầu làng.

leftcenterrightdel

Rau ngót. 

Trong khi cả xã hội đang nói về an toàn thực phẩm với nỗi lo hóa chất tràn ngập bữa ăn thì rau ngót quê tôi chẳng cần bón tưới, phun thuốc bao giờ. Chỉ cần dăm phút ra chỗ bờ rào, sang vườn hàng xóm là có được nắm rau ngót hay nạm rau vặt nấu canh. Bát canh dân dã mà mát lòng, mát dạ vì những thơm thảo nghĩa tình. Hạnh phúc đơn sơ của hương vị làng quê ấy dễ gì có được.

Trời chang chang nắng, nhìn ra bờ rào rau ngót vẫn xanh, thấy dịu mắt, mát lòng; thấy cả màu của tuổi thơ và hy vọng. Rau ngót, mặc người cắt ngang cành, vài ngày sau mầm non lại xanh mướt. Rau ngót, mặc nắng mưa khắc nghiệt, đất cằn cỗi vẫn dâng hiến cho người hết thảy ngọt lành. Rau ngót, thân già khô héo nhường chỗ cho thân non kế tục tháng ngày. Rau ngót, cũng như người dân quê tôi, một đời chiu chắt, gom góp, dâng hiến hết mình cho mạch đời mãi mãi xanh tươi...

Tản văn của ĐINH HẠ