Thế là cuối tuần, tôi quyết định rời bỏ công việc thường nhật để về quê, về với mẹ, về với đồng lúa, về với tuổi thơ bao năm xa cách.
Từ ngày rời khỏi trường đại học, lao vào công việc kiếm tiền, tiến thân, dù cũng có lúc về quê, nhưng chưa khi nào tôi bước chân xuống ruộng lúa ở cánh đồng làng. Phần vì công việc bận rộn, thời gian ít ỏi và phần vì đồng lúa bây giờ đã thu hẹp, không còn mở mắt ra là nhìn thấy lúa ở ngay rìa làng như xưa mà lúa đã bị đẩy đuổi, dành đất cho những công trình phúc lợi, những khu dân cư mới.
Hoàng hôn dần buông, tôi lấy chiếc xe đạp điện của mẹ "phi" ra đồng Sơn. Lúc này, ráng chiều muôn sắc vàng, đỏ, hồng, tím đan xen phía chân trời. Gió Đông Nam mát rượi đùa giỡn trên tóc đến thảnh thơi. Cánh đồng lúa giống như một tấm thảm xanh mướt đang gợn sóng lăn tăn. Tôi dừng xe, hương thơm của lúa đang thì con gái thoang thoảng trong gió như liều thuốc bổ giúp đầu tôi tỉnh táo. Tôi ngồi xuống mép bờ ruộng đầy cỏ xanh thẫm và bắt đầu đắm chìm vào ký ức tuổi thơ.
Ngày đó, nhà tôi ít người, bố mẹ lại nhận gần hai mẫu ruộng nên việc đi học đối với chúng tôi dường như chỉ là phụ, còn tham gia giúp bố mẹ việc đồng áng mới là chính. Mỗi khi vào vụ cấy, vụ gặt, tốc độ làm việc của gia đình rất khẩn trương. Thế nên dù nhỏ tuổi nhưng chúng tôi vẫn phải chạy theo tiến độ. Là con gái út nhưng tôi không hề được ân huệ chút “cấn cơm cấn sữa” hoặc bất cứ ưu ái nào so với hai ông anh gà gô. Bé loắt choắt nhưng tôi vẫn thành thạo tất cả mọi việc, từ phát bờ, san ruộng, đến nhổ mạ, cấy theo dây, làm cỏ, bón phân, tát nước và gặt lúa.
Ngày ấy, một hôm hai mẹ con đang làm cỏ cho lúa thì tôi hỏi: “Tại sao người ta lại bảo thơm như lúa thì con gái hả mẹ?”. Người như bò trên ngọn lúa, hai tay thoăn thoắt cào mặt ruộng, mẹ tôi ôn tồn giải thích, khi lúa được hơn 20 ngày đổ ra, được sinh trưởng trong điều kiện phân bón, nước và ánh sáng, nhiệt độ đầy đủ, phù hợp thì nó sẽ đẻ nhánh. Mỗi nhánh lúa non sẽ sinh ra từ 5 đến 7 chồi và trở thành khóm. Khi lúa không đẻ nữa gọi là đứng cái. Đây là thời điểm nó phàm ăn để chuẩn bị bước sang giai đoạn làm đòng rồi trổ bông. Lúc ấy lúa xanh và mập mạp lại thắt eo nên dân ta gọi là lúa bước vào thì con gái.
- Ôi, buồn cười thật, phụ nữ mà sinh con thì sao còn gọi là con gái nữa mẹ nhỉ!
- Cha bố nhà cô, người ta chẳng bảo, gái một con trông mòn con mắt là gì. Con gái lấy chồng, sinh con xong rồi ở cữ là giai đoạn đẹp nhất, nhớ chưa. Sau này cô sẽ thấm!
Ở thời kỳ lúa con gái, người nông dân đỡ vất vả nhất. Bởi sau khi làm cỏ, bón thúc, thỉnh thoảng bố mẹ tôi mới ra thăm lúa một lần, cốt là để kiểm tra tình hình nước và sâu bệnh. Lúc này tôi có thời gian học bài nhiều hơn. Nhưng đôi khi tôi vẫn phải cùng bố tát nước cho lúa.
Tôi ngồi trên bờ ruộng tận hưởng hương lúa con gái và miên man với ký ức tuổi thơ cho đến khi màu của hoàng hôn vãn hồi. Gió chiều đã mạnh và lạnh, sóng lúa đã chuyển sang màu đen thẫm tôi mới rời khỏi cánh đồng. Về nhà, khi tôi đang loay hoay với những chùm hoa cỏ may vương trên gấu váy thì nghe tiếng mẹ ho húng hắng. Bà hỏi: “Con đi đâu về đấy?”.
- À, con ra đồng Sơn ấy mà. Lúa đương thì con gái thơm và đẹp quá mẹ ạ!
- Cha bố nhà cô, lại nhớ lúa đứng cái. Hay cô cũng đang vào thời kỳ tái xuân đấy!
Má tôi chợt ửng hồng, những nếp nhăn thời gian trên mặt dường như căng ra, mịn màng. Đầu tôi nhẹ bẫng. Tôi không còn thấy bóng dáng của áp lực công việc cũng như sự tất bật trong vai người giữ lửa hạnh phúc gia đình hối thúc.
Mẹ nói đúng, tôi cũng như cây lúa, dù sinh con xong đã lâu nhưng bây giờ mới bước sang thì con gái. Với tôi, tháng tư và lúa con gái lúc này như có gì đồng điệu, dịu êm, xốn xang và xao xuyến.
HÒA ĐIỆP