Người mở ra điểm hẹn mộc mạc và giản dị này chính là ông Bùi Doãn Tuyền, một người dân Hà Nội, một cựu chiến binh Trường Sơn năm xưa.
“Ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó…”, ông Tuyền mượn lời bài hát “Hà Nội và tôi” (nhạc Lê Vinh, thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường) để giới thiệu một cách khiêm tốn về quán của mình với chúng tôi. Quả thực đúng là một quán nhỏ nằm trong con ngõ nhỏ, đến cái biển quảng cáo cũng rất nhỏ. Ở đây có bán cà phê, nước mía và các loại sinh tố hoa quả. Khách đến quán không tấp nập như những quán cà phê khác nhưng điều đó cũng không làm người chủ quán bận tâm nhiều.
Quán “Cà phê Đồng Đội” trên phố Hoàng Hoa Thám.
Ông Tuyền hào hứng kể: “Tôi mở quán với mong muốn được gặp gỡ các cựu chiến binh Trường Sơn, làm nơi tụ hội bạn bè, đồng đội từng nhập ngũ, chiến đấu trên các chiến trường năm xưa giờ đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội. Vậy mà cũng có nhiều người khách lạ qua đường thấy dòng chữ “cựu chiến binh Trường Sơn” lại ghé vào. Hỏi thăm nhau một vài câu, nhắc đến sườn Đông, sườn Tây Trường Sơn và một vài địa danh bỗng dưng chúng tôi trở nên gần gũi, thân quen như là bạn bè từ lâu. Chỉ như vậy thôi cũng làm tôi thấy vui mỗi ngày”.
Vào quán “Cà phê Đồng Đội”, điều ấn tượng nhất chính là sự thân tình, dễ gần của ông bà chủ quán. Vốn có nhiều kinh nghiệm nên việc pha cà phê hay ép nước hoa quả cho khách đều tự tay ông Tuyền làm hết. Ông Tuyền và vợ (bà Chu Thị Thu) đều sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Nơi mở quán cà phê là ngôi nhà gia đình ông đã sống gần 70 năm qua. Tuổi thơ của ông gắn với những ngày Thủ đô trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, cuộc sống sinh hoạt của người dân vô cùng khó khăn, hàng hóa chủ yếu được mua bằng tem phiếu. Năm 1971, khi đang học năm thứ hai ngành nhạc họa của Trường Sư phạm cấp II (10+3) Hà Nội, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Bùi Doãn Tuyền cùng đông đảo sinh viên trong trường xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Ban đầu ông nhập ngũ vào Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không-Không quân, một thời gian sau lại chuyển sang Trung đoàn 542, Sư đoàn 473, Bộ tư lệnh Trường Sơn. Tuổi thanh xuân, ông từng trải qua rất nhiều địa bàn trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ như: Quốc lộ 12A, đèo Đá Đẽo, đèo Mụ Giạ, ngã ba Khe Ve, phà Gianh, Long Đại (tỉnh Quảng Bình), cầu Hiền Lương (tỉnh Quảng Trị), A Lưới (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Đông-Tây Trường Sơn… và tỉnh Khăm Muộn (Lào). Tại các vùng đất ấy, không ít người bạn cùng tuổi, cùng quê Hà Nội, nhập ngũ cùng ngày, cùng đơn vị với ông đã ngã xuống…
Sau khi đất nước thống nhất, Bùi Doãn Tuyền trở về Hà Nội và xây dựng gia đình với Chu Thị Thu. Mặc dù ông từng chiến đấu ở các địa bàn mà Mỹ rải chất độc hóa học nhưng thật may mắn, ông bà sinh ra ba người con trai đều mạnh khỏe. Giờ đây, các con đã có gia đình riêng, có nghề nghiệp ổn định và có tiếng trẻ nô đùa. Được hưởng cuộc sống vui vẻ, thanh bình thì ông lại nghĩ đến những người bạn không được trở về như mình. Nhất là khi nhớ lại ngày hy sinh của ba đồng đội sau bữa cơm tối ở phà Long Đại tháng 6-1972, trong lòng ông giờ đây vẫn thấy nghèn nghẹn… Ý nghĩ đó đã thôi thúc ông mở quán “Cà phê Đồng Đội” để được gặp gỡ, trò chuyện với bạn bè trong các đơn vị cũ.
Từ ngày mở quán đến nay, bạn bè ông cũng thường lui tới tụ họp. "Cà phê Đồng Đội" trở thành nơi ông chủ quán và các cựu chiến binh kết nối sợi dây liên lạc, thăm hỏi động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chia sẻ khó khăn với các gia đình đồng đội thương binh, liệt sĩ, có thân nhân ốm đau hay có đám hiếu, đám hỷ. Họ ôn lại kỷ niệm chiến đấu và còn tổ chức các chuyến thăm lại chiến trường xưa, thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và thăm đồng đội của họ đang yên nghỉ trong lòng đất Mẹ.
Chiều muộn, phố Hoàng Hoa Thám vẫn tấp nập người qua, còi xe ồn ào náo nhiệt, vậy nhưng, ngồi trong quán nhỏ “Cà phê Đồng Đội”, chúng tôi lại thấy không gian khá yên tĩnh như tách biệt với bên ngoài kia. Thỉnh thoảng, có tiếng chim hót líu lo tạo cảm giác thật thanh bình và ấm áp.
Bài và ảnh: MINH THÀNH