Xe thẳng hướng Quốc lộ 1A để hành quân vào “rốn lũ” Quảng Bình. Trên xe của đoàn công tác chở theo sách vở, thiết bị dạy học và những cánh hạc giấy, những tấm thiệp đủ sắc màu là món quà mang thông điệp yêu thương được học sinh Trường THCS Chu Văn An gửi đến các bạn học sinh vùng lũ.
Ngồi gần tôi là cô giáo Trịnh Diệu Hằng, Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An. Trên gương mặt chị thoảng qua nét ưu tư và sự bồn chồn lo lắng. Đêm trước lúc lên đường, hầu như chị không ngủ. Khi nghe tin cơn bão số 10 tiếp tục đổ vào đất liền hướng miền Trung, chị lo chuyến đi có thể bất thành và những món quà đến với học sinh vùng lũ chậm hơn dự kiến thì các em nơi đây phải tiếp tục chịu thiệt thòi. Đêm ấy, trằn trọc với nỗi lo của mình, chị lại bật dậy, ngồi tỉ mẩn xếp lại các tấm thiệp, vuốt phẳng những cánh hạc giấy đủ màu sắc mà học sinh Trường THCS Chu Văn An đã tự tay làm để gửi vào động viên các bạn vùng lũ...
Ngày phát động Chương trình “Hướng về miền Trung” cũng là ngày Hà Nội mưa như trút nước. Hôm ấy, khi nhận được thông tin về hoạt động “Đồng hành cùng học sinh miền Trung vượt lũ đến trường” do Câu lạc bộ Nhà báo Giáo dục 4.0 tổ chức, thầy Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, đã thống nhất nhanh trong Ban giám hiệu và quyết định viết một bức thư ngỏ gửi phụ huynh cùng học sinh toàn trường. Thư có đoạn viết: “Lũ lụt tại các tỉnh miền Trung đã khiến nhiều người chết và mất tích, hàng chục nghìn căn nhà bị ngập, sập đổ, hàng trăm nghìn héc-ta lúa và hoa màu bị hư hỏng, hàng trăm nghìn con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Những hy sinh, mất mát tại thủy điện Rào Trăng 3, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 và dải đất miền Trung khiến cả đất nước đau xót. Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trường THCS Chu Văn An mong mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh cùng góp sức, chia sẻ khó khăn, hoạn nạn với miền Trung ruột thịt”.
Ngay trong ngày mưa ấy, lá thư kêu gọi đã đến tay phụ huynh, học sinh. Chỉ sau hơn 3 ngày phát động, tiền mặt cùng sách vở, đồ dùng học tập trị giá gần 190 triệu đồng đã được phụ huynh, các thầy giáo, cô giáo và học trò Trường “Chu 2” quyên góp. Cùng với động viên về vật chất, phong trào viết thư, gửi lời chia sẻ yêu thương đến bạn bè vùng lũ cũng được các em học sinh lên ý tưởng và thực hiện. Và thế là, hơn 2.000 học sinh Trường THCS Chu Văn An vừa thi giữa kỳ, vừa tranh thủ thời gian ngoài giờ lên lớp miệt mài cắt dán, vẽ những tấm thiệp rất đẹp, ghi vào những dòng chia sẻ thật ấm áp gửi đến các bạn học sinh miền Trung. Hàng nghìn cánh hạc cũng được các em gấp để trao gửi tấm lòng đến miền Trung.
Sau gần một ngày đường vượt qua mưa bão đến với mảnh đất miền Trung, dường như ai cũng hồi hộp kèm cả những lo âu. Ấy là bởi, gần một nghìn ki-lô-mét đường phía sau lưng là hành trình mà “bác tài” nói vui là chuyến đi bão táp. Là bão táp thật chứ không phải cách nói văn chương gì. Bởi nhiều chặng đường, mưa như trút nước, chiếc gạt mưa như chực văng ra khỏi mặt kính lái khi tốc độ gạt luôn ở mức hết công suất. Trước lúc khởi hành, đoàn công tác lên cả phương án dự phòng nếu thời tiết quá xấu sẽ phải dừng nghỉ giữa đường để bảo đảm an toàn. Thế nhưng, may mắn là với sự điều tiết giao thông của lực lượng chức năng, những thông tin về miền Trung và các tuyến đường an toàn liên tục được cập nhật, những đoàn xe bám đuôi nhau vững chãi vượt mưa, nhằm thẳng miền Trung mà tiến. Trên con đường mưa trắng lối ấy, hàng nghìn chuyến xe của các đơn vị quân đội, của những tổ chức, cá nhân ở các địa phương chở vật chất ủng hộ miền Trung bão lũ vẫn thông suốt.
Cuối cùng thì chuyến hàng mang yêu thương cũng đến được “đích” là tỉnh Quảng Bình. Chỉ còn lại chặng đường từ trung tâm huyện Quảng Ninh dẫn vào Trường Tiểu học Hiền Ninh (xã Hiền Ninh). Dù còn mưa, song hai bên đường, bùn đất đã được gạt ra để lộ lằn ranh giúp xe có thể bám vào đó mà đi. Ngước đầu nhìn lên, cây cối ven đường, màu xanh vẫn chưa kịp lộ bởi còn ngậm lớp bùn đất khi lũ tràn qua sau nước rút. Những ngôi nhà phơi dưới mưa chỉ thoáng thấy phần chỏm mái còn sạch sẽ và thi thoảng có nước sơn màu. Còn hầu hết những bức tường từ dấu vết của ngấn nước cao quá đầu người trở xuống vẫn loang lổ màu bùn đất.
![left](/image/images/left.png) ![center](/image/images/center.png) ![right](/image/images/right.png) ![del](/images/red-error_16px.gif) |
![](https://file.qdnd.vn/data/images/14/2020/11/12/lamanh/untitled-12.jpg?dpi=150&quality=100&w=575) |
Cô Trịnh Diệu Hằng và đại diện đoàn công tác trao quà tặng học sinh Trường Tiểu học Hiền Ninh (xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) |
Dù chiếc xe gầm cao song cũng phải đánh vật mãi mới vượt qua được cung đường nhiều ổ trâu chứa đầy bùn đọng và những đám lở lói hai bên. Sau hơn một giờ đồng hồ, đoàn cũng đến được ngôi trường mà cách đây ít ngày còn nằm dưới sóng nước. Trên chặng đường ấy, thầy Lê Quang Thùy, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Quảng Ninh vẫn không hết thảng thốt khi nhắc lại những ngày mà thầy và trò cũng như người dân nơi đây trải qua cơn lũ lịch sử.
Vào thời điểm đỉnh lũ, cả ngôi trường ngập dưới mức nước chừng hơn hai mét rưỡi; bốn bề là sóng nước trắng băng. Trong cái đêm lũ lừng lững dâng cao cách đây ít ngày, người dân vùng ven biển (cách đó chừng 7 cây số) không ai bảo ai, đã chèo thuyền từ biển ngược nước vào để cứu giúp người dân. Nhiều thầy cô đã lên được những con thuyền ấy. Khi vào đến đây, thấy ngôi trường chỉ còn chỏm nhà và lá cờ phần phật trong gió bão, nhiều cô giáo đã không thể kìm được nước mắt xót xa.
“Thời điểm nguy cấp ấy cũng đã qua rồi”, thầy Lê Quang Thùy ngậm ngùi. Và giờ đây, nhà trường, thầy cô phải đối diện với những khó khăn chồng chất sau lũ. Đó là cơ sở vật chất, là quần áo, sách vở cho học sinh đến trường, là tiến độ chương trình cho các con... Những nỗi niềm ấy hiện rõ trên đôi mắt ưu tư của vị “phó tư lệnh” ngành giáo dục huyện Quảng Ninh khi nhìn lên nu giữa thân cây bàng vẫn còn bám đầy bùn do lũ. Ở đó, một lộc non vừa nhú!
Cả huyện Quảng Ninh có 49 trường học thì có tới 45 trường bị ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt. 35 trường học nhiều ngày nằm sâu dưới nước. Phương tiện dạy học ở các trường hầu như bị hư hỏng hoàn toàn, không thể tái sử dụng. Lũ rút đến đâu, công tác khắc phục được nhanh chóng tiến hành tới đó. Bên cạnh lực lượng quân sự địa phương, bộ đội chủ lực của Quân khu 4 cũng có mặt giúp các trường học dọn dẹp bùn đất, làm công tác vệ sinh, khắc phục hậu quả do mưa lũ. Các thầy giáo, cô giáo ở các trường ít bị ảnh hưởng hơn cũng chủ động đến những trường bị ảnh hưởng nặng để hỗ trợ dọn dẹp, vệ sinh nhằm sớm đón học trò trở lại lớp. “Tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” vượt qua hoạn nạn của ngành giáo dục đã được thể hiện rõ hơn bao giờ hết”-thầy Lê Quang Thùy rơm rớm nước mắt quay đi sau khi nói với tôi những lời ấy!
Chiếc xe dừng trước cổng Trường Tiểu học Hiền Ninh cũng vừa lúc tiếng trống nghỉ giữa giờ điểm. Phía cuối sân trường, mớ bàn ghế chỉ còn trơ ra khung xương bằng sắt đã han gỉ, những đống sách vở mục nát bởi nước, vài chiếc trống đội hư hỏng... đã thu vào một chỗ vẫn chưa được dọn đi. Nhìn về phía đống đồ, cô Hoàng Thị Duyệt, Hiệu trưởng nhà trường nói với tôi như muốn trần tình: “Đợt lũ vừa rồi làm thiệt hại nhiều hệ thống thiết bị dạy học, máy tính, đồ dùng học tập của học sinh. Phòng thiết bị, đồ dùng dạy học của trường hầu hết ở tầng 1. Nước lên nhanh quá, các thầy cô không kịp trở tay anh ạ!”.
Vừa lúc đó, các em học sinh ùa xuống sân, tiến về phía đoàn trao quà. Chẳng thủ tục, không lễ nghi, sau khi thống nhất xong danh sách học sinh nhận học bổng và danh mục đồ dùng trao tặng, đoàn công tác nhanh chóng chia quà. Những chiếc áo ấm được khoác lên đôi vai mỏng manh của các em nhỏ. Tôi thoáng thấy nụ cười trên môi những học trò vùng lũ lại nở khi nhận từ tay cô Trịnh Diệu Hằng những cánh hạc giấy và tấm thiệp nhiều màu. Vài đứa trẻ nhận xong món quà từ tay các thầy cô, cúi đầu cảm ơn rồi chạy ù vào góc lớp. Các em chăm chú đọc những dòng chữ nắn nót mà bạn bè từ Thủ đô viết tặng rồi mỉm cười... “Gửi đến miền Trung thân yêu. Chúng tôi luôn ở bên các bạn! Fighting!” là lời trên một tấm bưu thiếp mà Bùi Nguyễn Bảo Hân, lớp 4.3 được nhận. Em mỉm cười, nâng niu, gấp lại cánh hạc, xếp ngay ngắn vào chiếc cặp vừa được tặng của mình rồi chạy ra sân trường vui cùng các bạn.
Trong đôi mắt những đứa trẻ hồn nhiên nơi đây, cơn lũ vừa qua sẽ là ký ức chẳng bao giờ quên được. Và những cánh hạc giấy, những tấm thiệp nhận từ bạn bè Thủ đô sẽ không chỉ mang lại một nụ cười mà đó còn là niềm vui, là động lực để các em vượt khó, tiếp tục thi đua học tập tốt.
Ghi chép của DUY VĂN