Nhưng không phải ở đâu cũng thế. Singapore là một ví dụ. Thành phố đông người, nhưng sự sạch sẽ, văn minh, ngăn nắp và hệ thống cây xanh của họ tạo cảm giác dễ chịu, không ngột ngạt, bức bối vì chật hẹp. Như vậy, giải tốt bài toán cây, hoa và người đô thị sẽ hạn chế được sự bất lợi cố hữu của thành phố là đất chật, người đông.

Phố hoa ban trong Khu đô thị Nam Thăng Long-một điểm đến của người Hà Nội. Ảnh: PHÚC ANH 

Trước tiên là người đô thị. Người đô thị về nguyên tắc phải là người ở đô thị. Nhưng người ở đô thị, nhất là trong xu thế đô thị hóa nhanh như ở nước ta, chưa hẳn đã là người đô thị. Do nhu cầu công việc, do mưu sinh và những lý do khác trong điều kiện sự dịch chuyển nơi cư trú ngày càng phổ biến và dễ dàng hơn, dòng người dịch chuyển vào đô thị ngày càng lớn hơn. Người ta dịch chuyển từ nhiều vùng với những đặc trưng văn hóa khác nhau, lối sống và ứng xử văn hóa khác nhau vào thành phố, về cùng một ngôi nhà có hàng nghìn người chung sống với nhiều không gian và các tiện ích dùng chung. Cách thức tổ chức đời sống cá nhân, đời sống gia đình có nhiều đổi khác. Một số ít người đã thay đổi và thích nghi nhanh chóng. Tuy nhiên, phần lớn chưa thích nghi kịp và xung đột văn hóa diễn ra trong mỗi con người, trong gia đình và trong cả cộng đồng. Đã có những bữa tiệc bày ra ngay tại hành lang chung cư! Thang máy bị “chiếm dụng” vì lý do rất riêng của ai đó! Vỉa hè được sử dụng như “sân nhà” của những nhà có mặt phố! Thế là những “đợt ra quân” dẹp vỉa hè diễn ra quyết liệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Chưa ai tổng kết xem những “đợt ra quân” kiểu ấy tốn kém bao nhiêu và hiệu quả đến đâu? Nhưng nhìn chung, cách làm ấy “xưa” quá rồi. Bởi cái gốc của vấn đề nằm ở cách thức tổ chức đời sống đô thị vẫn giữ lề thói làng và bản thân những người ở đô thị, vì lý do nào đó họ chưa phải là người đô thị theo đúng nghĩa của nó. Thêm vào đó là lợi ích, là kế sinh nhai và thói quen cố hữu “chiếm dụng vỉa hè” với nhiều mục đích khác nhau của các nhóm người khác nhau. Thế là vỉa hè cho người đi bộ trong đô thị không còn. Nó lại góp phần làm cho người ở đô thị không phải là người đô thị đúng nghĩa và một loạt hệ lụy kéo theo: Vứt rác bừa bãi, bẻ cành, ngắt hoa... thậm chí là “tiểu đường” theo “nhu cầu” không kiêng nể người xung quanh!

Thế rồi người “Hà Nội gốc” trách người Hà Nội nhập cư mang văn hóa làng xã vào đô thị. Sự thật cũng không hoàn toàn như thế. Những người được coi là “Hà Nội gốc” vốn ở phố cổ, tổ tiên họ vốn cũng là người ở làng nghề nọ, huyện nghề kia ra Kẻ Chợ mà lập nên những phố nghề. Chính cuộc sống phường phố là tạo ra cho họ lối sống đô thị mà thành người đô thị. Rất tiếc, trong thời gian dài, chúng ta quản lý đô thị yếu kém, lúc khó khăn phải nuôi lợn mưu sinh trong phố, xí thùng công cộng... người ta đành “xuê xoa” cho nhau rồi thành quen, đánh mất cái cần có của người đô thị. Và thế là, người gốc đô thị mai một chất đô thị, người nhập cư chưa thích ứng đủ là người đô thị, làm cho dân số đô thị tăng cao nhưng người đô thị không tăng mà còn có phần giảm ở một khía cạnh nào đó. Phải chăng, đó là nguyên nhân cốt tử nảy sinh một loạt vấn đề bất cập hiện nay ở các thành phố, ngay cả trong các khu đô thị được gọi là mới và hiện đại. Vấn đề quan trọng bậc nhất là phải có người đô thị thì thành phố mới thực sự là đô thị.

Nhưng không có hạ tầng đô thị, không gian đô thị; không có đời sống đô thị và các thiết chế đô thị thì làm sao có người đô thị? Một đô thị không quan tâm đến công viên để người đô thị thở, hạn chế nhịp sống gấp gáp và những hệ lụy của nó với sức khỏe, với hiệu quả lao động, với chất lượng sống của cá nhân và cộng đồng. Một đô thị không quan tâm đến các khu vui chơi, giải trí cộng đồng, chỉ quan tâm xây nhà để bán thì dẫu có nhà đô thị vẫn chưa có người đô thị, hoặc chí ít cũng chưa có điều kiện để người sống trong đó trở thành người đô thị. Và chưa có người đô thị thì sẽ cứ quẩn quanh mãi những cách thức cũ để giải các bài toán không mới nhưng hết sức khó chịu của đô thị hiện nay.

Vậy là đã rõ về người đô thị và vị trí chủ đạo của họ trong đời sống đô thị. Còn cây và hoa thì sao?

Cây và hoa cũng có những đặc tính riêng của nó. Cây đô thị phải có hàng, có lối, được trồng theo ý tưởng, mục đích cụ thể và phải theo quy hoạch, không mọc tự nhiên như trong rừng được. Với Hà Nội, hương hoa sữa đã đi vào thơ ca, âm nhạc có địa chỉ ở phố Nguyễn Du. Những cây sao đen ở phố Lò Đúc. Nhiều người Hà Nội, nhất là các nghệ sĩ nhiếp ảnh nhớ từng gốc cây bên hồ Hoàn Kiếm. Cây đô thị có hồn người sâu nặng, gắn với người đô thị theo thời gian và lịch sử của nó. Vì thế, động đến cây là động đến tâm hồn, tâm thức của người đô thị. Có hiểu được điều đó, mới hiểu vì sao người ta “nổi đóa” khi hàng cây cổ thụ trên phố Hà Nội bị chặt “một cách không thương xót”, chứ không chỉ vì sự vô lý về cái giá chặt cây mấy chục triệu đồng. Thế rồi người ta lại bỏ tiền ra để “dưỡng và lưu giữ” những cây xà cừ như là “di sản văn hóa” để bây giờ thông tin về những “di sản” ấy có thể đã bị chìm vào dĩ vãng! Cây đô thị gắn bó máu thịt với người đô thị, không thể ứng xử với nó một cách hời hợt, càng không thể giả dối bởi nó có hồn người trong đó! Chương trình một triệu cây xanh đang có hình hài đáng ghi nhận, mong rằng không có điều gì khuất tất, trái đạo lý tiềm ẩn trong đó.

Hoa đô thị cũng gắn bó sâu nặng với người đô thị. Thường ngày, người đô thị yêu hoa, thích trồng hoa, cắm hoa, ngắm hoa và tặng nhau những bông hoa tươi thắm. Ngày lễ, nhu cầu về hoa càng lớn. Hoa đôi khi còn đắt hơn gạo, thịt nhiều lần. Nhưng bài viết này không bàn về giá tiền các loài hoa mà quan tâm đến địa danh hoa trong đô thị. Địa danh đô thị gắn với người đô thị bởi đất ở gắn với hồn người. Làm sao khỏi bâng khuâng khi nhớ tới làng hoa Ngọc Hà? Làm sao không trăn trở khi đào Nhật Tân, quất Quảng An có nguy cơ bị “xóa sổ”? Thậm chí, nhỏ nhoi như cây húng Láng run rẩy trong gió Đông cũng làm lòng ta quặn đau vì biết nó sẽ có ngày “tận thế”! Bây giờ, muốn ăn húng Láng ở Láng chắc là điều chỉ có trong mơ...

Người đô thị, cây và hoa đô thị là thế đấy! Cây, hoa và người Hà Nội còn nhiều điều sâu sắc và thú vị khó có thể nói cho tường tận. Tất cả như thôi thúc mỗi chúng ta, tất cả chúng ta, với tư cách là chủ thể đô thị, hãy hành xử vì một đô thị xanh, sạch, đẹp; một đô thị thông minh, hiện đại mà trong đó có ta-cây và hoa.

ĐÔNG VĂN