Đó là nhận định của Crâu-phút (Crawfurd), một thương nhân người Anh về ấn tượng ban đầu hội diện Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt vào năm 1822. Những năm gần đây, hầu hết các nhà sử học trong nước đều thống nhất nhận định: Lê Văn Duyệt là một tài năng lớn về quân sự, chính trị, kinh tế.... Hai lần làm Tổng trấn Gia Định (vào những năm 1812-1815 dưới triều Gia Long và 1830-1832 dưới triều Minh Mạng), Lê Văn Duyệt đã có những đóng góp không nhỏ đối với vùng đất này.
Lê Văn Duyệt sinh năm 1764 trong một gia đình nông dân tại làng Hòa Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Năm 17 tuổi, cuộc gặp gỡ định mệnh với vị vương tử trẻ Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) đã mở ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời Lê Văn Duyệt. Ông trở thành vị tướng giỏi phò trợ chúa Nguyễn trong vạn dặm chiến chinh, giành nhiều thắng lợi. Nhờ lập nhiều công lao, binh nghiệp thăng tiến nhanh chóng nên khi Nguyễn Ánh lên ngôi với hiệu Gia Long, Lê Văn Duyệt được liệt vào hàng đệ nhất khai quốc công thần với nhiều đặc ân.
Nếu Nguyễn Hữu Cảnh là người đặt đơn vị hành chính Gia Định và toàn miền Nam, chính thức xác lập vùng đất này vào địa lý hành chính nước ta thì Lê Văn Duyệt là người đã có công khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất phương Nam. Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, lúc bấy giờ, Gia Định thành và cả vùng đất từ Bình Thuận đến Cà Mau còn hoang hóa, trộm cắp hoành hành nhiều nơi. Lê Văn Duyệt chiêu mộ dân chúng cải tạo đồng ruộng, xây dựng làng xã. Ông chăm lo đời sống dân chúng, trừng trị nạn tham ô, trộm cướp. Chính vì vậy, trong thời gian ông làm Tổng trấn Gia Định, đời sống nhân dân nơi đây sung túc, no đủ.
Trên tinh thần ngoại giao hòa hảo, Lê Văn Duyệt sẵn sàng thu dụng những người nước ngoài tới làm ăn trong khuôn khổ pháp luật của triều đình và mở cửa giao thương với nước ngoài. Tới Gia Định buôn bán lúc đó chủ yếu là người Hoa, người Xiêm, Mã Lai… Họ đều được Lê Văn Duyệt tạo điều kiện làm ăn, góp phần làm cho kinh tế trong vùng phát triển, biến Gia Định thành một đặc khu kinh tế mở của nước ta.
Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt. Ảnh tư liệu
Crâu-phút - người dẫn đầu phái bộ ngoại giao của Toàn quyền Ấn Độ khi ghé thăm Gia Định năm 1822 - đã nhận xét về Gia Định như sau: “Tôi bất ngờ thấy rằng, nơi đây không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng…”.
Trong thời gian ở Gia Định, Lê Văn Duyệt đã đóng góp nhiều công lao trong việc chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế. Đây là công trình có nhiều ý nghĩa về kinh tế và quốc phòng, hiệu quả mang lại cho đất nước là rất lớn, cho đến tận hôm nay.
Công việc đào kênh đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng trấn Lê Văn Duyệt và một số vị quan khác như: Trấn thủ Nguyễn Văn Thoại, Chưởng cơ Nguyễn Văn Tuyên, Điều bát Nguyễn Văn Tồn, Phó tổng trấn Trương Tấn Bửu, Phó tổng trấn Trần Văn Năng và Thống chế Trần Công Lai. Lúc đầu, lực lượng nhân công là 5.000 quân dân trong vùng, 500 lính thuộc đồn Uy Viễn, 5.000 dân. Tháng 2 năm Minh Mạng thứ tư (1823), Tổng trấn Lê Văn Duyệt trực tiếp chỉ huy việc đào kênh, điều động thêm dân binh người Cao Miên ở đồn Vĩnh Thanh, Định Tường, Hà Tiên và Uy Viễn cùng hợp sức đào kênh Vĩnh Tế.
Năm 1824, công trình hoàn thành. Ước tính trong 5 năm thực hiện, phải huy động 80.000 dân công. Kênh đào xong đã tưới tiêu cho hàng vạn mẫu ruộng ở Hậu Giang và việc đi lại bằng đường thủy rất thuận lợi. Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: Từ đấy đường sông mới khai thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng. Kênh Vĩnh Tế đóng vai trò như một công trình đánh dấu xác lập chủ quyền của người Việt trên vùng đất Nam Bộ”.
Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt được ca ngợi là một tổng trấn tài năng, đức độ, vừa trị an xứ sở, vừa chăm lo đời sống nhân dân. Người dân Nam Bộ khi đó thường kính phục gọi ông là Ông Lớn Thượng.
HồNG NHUNG (tổng hợp)