Nguồn cảm hứng sáng tạo văn chương
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Hà Nội, khi nói đến chất Hà Nội và giá trị lâu dài trong văn học Thủ đô hiện nay đã không quên nhắc đến những áng văn chương sang trọng, tài hoa và sâu lắng của Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan… Theo nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: “Văn chương Hà Nội xưa giàu tính khảo cứu, hàm lượng trí tuệ cao và hàm lượng cảm xúc vô cùng lớn. Có nhà văn như hóa thân vào từng ngõ phố, từng con chữ như Vũ Bằng, Thạch Lam… Có nhà văn tác phẩm của họ khiến người đọc như ngửi được, nghe được và ăn được, mỗi đọc mỗi xuýt xoa như “Phở” của Nguyễn Tuân. Lại có áng văn không lên gân, không cao đàm khoát luận mà nhẹ nhàng, vi tế, không áp đặt mà truyền cảm. Đó là “Hà Nội-phố” của nhà thơ Phan Vũ, là “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, hay “Tây Tiến” của Quang Dũng”…
Và còn rất nhiều tác giả tên tuổi đã làm nên Hà Nội qua những trang văn. Đó là Tô Hoài, Trần Huyền Trân, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Xuân Khánh, Hoàng Quốc Hải, Trần Chiến, Hoàng Nhuận Cầm… Các cây viết trẻ sau này có Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Trương Quý, Nguyễn Ngọc Tiến… Qua tác phẩm của họ, người đọc có thể cảm nhận được rõ nét về một Hà Nội anh hùng, một Hà Nội hào hoa và thanh lịch, một Hà Nội với bề dày lịch sử văn hóa, văn hiến được bồi đắp hàng nghìn năm theo chiều dài lịch sử. Dù là thơ, tiểu thuyết hay truyện ngắn, tản văn… thì tất cả đều hiển hiện một tình yêu với Hà Nội, và đôi khi là cả sự xót xa, tiếng thở dài chua xót trước đổi thay của cảnh sắc, con người nơi đây.
 |
Một số tác phẩm văn học đương đại viết về Hà Nội. |
Để không nhạt nhòa “chất” Hà Nội
Đánh giá về “chất” Hà Nội trong các sáng tác văn học gần đây, nhà văn Nguyễn Hiếu trăn trở: “Đáng tiếc, tố chất, cốt cách Hà Nội trong thời gian ba, bốn thập kỷ nay dần nhạt đi mảng văn học về Hà Nội. Bóng hình Hà Nội có chăng chỉ hiển hiện lên một số tên tác phẩm, đôi ba bài thơ, dăm ba truyện ngắn, thậm chí cả tiểu thuyết… có khi lấy đối tượng phản ánh, mô tả về đất và người Hà Nội nhưng lại không thể hiện được tính chất, tính cách người và vùng đất Hà thành”. Còn nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại thì cho rằng văn học ở Hà Nội hiện nay còn thô ráp, quẩn quanh với những lớp bụi hồng trần…
Để Hà Nội không nhạt nhòa trong những tác phẩm văn học, để có những áng văn đậm chất Hà Nội, thì việc xác định “chất” Hà Nội ấy cũng hết sức cần thiết. Có ý kiến cho rằng, phẩm chất Hà Nội bao gồm cả tự nhiên và xã hội, cả vật chất và tinh thần hay nói cách khác đó là cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. “Xét về tự nhiên, về văn hóa vật thể, Hà Nội là nơi huyền diệu nhất về sông núi, khí hậu…; là nơi thể hiện đỉnh cao của cái đẹp, của sự sáng tạo của dân tộc ta từ đời này sang đời khác. Về mặt xã hội là con người Hà Nội và ứng xử của người Hà Nội”.
Từ cơ sở trên để đối chiếu sẽ dễ dàng cảm nhận được chất Hà Nội trong từng trang viết. Nhưng đó mới chỉ là nguyên liệu để nhà văn “chế biến” tác phẩm, còn chất lượng tác phẩm phụ thuộc vào tài năng và tâm huyết của từng tác giả. Nói như nhà văn, PGS, TS Vũ Nho thì “có được màu sắc Hà Nội trong tác phẩm, đòi hỏi người viết phải quan sát, phải suy ngẫm, phải xúc động và phải viết bằng tất cả tấm lòng và tài năng của mình”. Để nâng cao phẩm chất Hà Nội trong sáng tạo văn học cần nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ của người sáng tác văn học. Không chỉ hết mình trong sáng tạo mà đội ngũ những người cầm bút còn phải thể hiện trách nhiệm, lương tâm và lương tri trước đời sống.
Cần cái nhìn rộng mở
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Hà Nội đang đổi thay từng ngày. Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, diện mạo Thủ đô đã có một sự chuyển mình mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, văn hóa Hà Nội và xứ Đoài đã “hòa chung một nhịp”. Những giá trị đã được định hình khi nói về người Hà Nội như: Hào hoa, sang trọng, anh dũng, quả cảm, ôn tồn, điềm đạm… vẫn được nhắc nhớ. Nhưng cũng có không ít những băn khoăn khi nét thanh lịch, hào hoa đang dịch chuyển bởi pha trộn những làn sóng vật chất, tinh thần hiện đại bóng bẩy, sặc sỡ. Thêm nữa ở các vùng ngoại ô, con người và nếp sống trong dòng chảy hiện đại hóa và đô thị hóa cũng đã có biến đổi, định hình mới. Những biểu hiện của phẩm chất con người, văn hóa Hà Nội trong cuộc sống hôm nay sẽ được phản chiếu trong tác phẩm văn học như thế nào; những cây bút sẽ tìm tòi, thể hiện những điểm khác, những nét mới gì của Hà Nội hôm nay… đó cũng là điều mà nhiều cây viết băn khoăn, trăn trở.
PGS, TS Lê Thị Bích Hồng, Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, lưu ý xây dựng tác phẩm văn học ngoài nhân lên cái đẹp còn cần lên án cái xấu: Tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống; tình trạng bắt chước, lai căng, sống buông thả xuất hiện trong lối sống của một bộ phận người dân Hà Nội; những biến đổi trong giao tiếp, ứng xử của Thăng Long-Hà Nội dưới tác động của CNH-HĐH, đô thị hóa và hội nhập quốc tế theo cơ chế thị trường. “Mỗi nhà văn hơn lúc nào hết cần nhận rõ trách nhiệm của mình trong sáng tác để có nhiều tác phẩm thể hiện giá trị cốt lõi của văn hóa Thăng Long-Đông Đô và Hà Nội được tích tụ từ tinh hoa của hàng ngàn năm lịch sử, từ muôn phương tụ hội”.
Hà Nội hôm nay đang thách thức những tài năng văn chương. Làm thế nào để sáng tạo những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc mới của Thủ đô và sự kỳ vọng của công chúng đòi hỏi những nhà văn, nhà thơ phải “bắt nhịp” được với sự chuyển mình của Hà Nội, bắt kịp “chất” của Hà Nội đương đại để có cái nhìn rộng mở hơn, khai thác nhiều hơn nữa những biểu hiện đa dạng của cuộc sống, con người Hà Nội.
Nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị:
Phẩm chất Hà Nội là một khái niệm quá rộng nhưng có thể chỉ ra nhưng nét điển hình đó là: Lịch sử chiến công hào hùng, văn hiến lâu đời, cảnh đẹp thiên nhiên, ba mươi sáu phố phường chứng tích, con người hào hoa biết sống vì cái đẹp. Hơn bất cứ vùng đất nào, Hà Nội là nơi hội tụ, tập trung những phẩm chất tự nó đã mang những ý nghĩa sâu sắc về lịch sử, về cội nguồn và thẩm mỹ, kích thích những ý niệm về cái đẹp... Sáng tạo nghệ thuật về Hà Nội, trước hết nghệ sĩ cần nuôi dưỡng trong tình cảm của mình niềm rung cảm nghệ thuật đủ lớn để cảm nhận được tầm vóc của một Thủ đô vừa có bề dày lịch sử lâu dài vừa có những tiền đề cho những suy tưởng nghệ thuật mang ý nghĩa khái quát.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng:
Nhiều năm qua, chúng ta nói nhiều đến sự hội tụ và lan tỏa, hưởng ứng sự hội tụ và lan tỏa như một cách thể hiện, khẳng định và quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, phẩm chất con người. Nhưng cũng rất cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hôm nay là cái nhìn rộng mở, phong phú để cảm nhận, đón nhận và khai thác nhiều hơn nữa những dáng nét, biểu hiện đa dạng trong đời sống tâm hồn, tính cách con người Hà Nội nơi phố cổ, phố cũ, nơi những vùng đất Hà Nội, những miền quê Hà Nội, nơi miền núi Hà Nội; nơi những thành phần dân cư đa dạng ở Hà Nội hiện nay... Để từ đó tiếp tục chắt lọc, tiếp tục tôn vinh những gì bền lâu, mới mẻ, độc đáo làm giàu cho con người, cuộc sống Hà Nội.
Nhà thơ Cao Ngọc Thắng:
Bằng hình tượng, văn học đương đại viết về Hà Nội cần đổi mới cách tiếp cận những vấn đề liên quan đến lối sống, nếp sống mà phẩm chất thanh lịch là nhân lõi, phân tích thấu đáo những tác phẩm làm nảy sinh các hành vi ứng xử thiếu tình người trong bối cảnh kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra nhanh chóng. Tiến trình của văn học là quá trình đổi mới liên tục sự nhận thức-nhận thức về cuộc sống hiện tại trong mối quan hệ, liên hệ với quá khứ và tương lai. Thanh lịch không phải là phẩm chất bất biến. Vấn đề ở chỗ phẩm chất thanh lịch ấy sẽ đổi thay theo hướng nào, duy trì và phát triển hay thoái hóa, đều lệ thuộc vào sự lựa chọn phương thức, phương pháp và biện pháp giáo dục. Cùng với các lĩnh vực khác, văn học có vai trò xác định trong việc tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhận thức và hành động nhằm hoán cải những hành vi ứng xử chưa đúng, chưa phù hợp thành những yếu tố tích cực.
|
Bài và ảnh: GIA PHÚ