Tuy vậy, thành phố còn nhiều việc phải làm, cần khắc phục những vướng mắc để bộ máy CQĐT tạo ra nhiều động lực và cơ hội phát triển mới.

Hướng đến phục vụ người dân tốt hơn

Từ ngày 1-7-2021, việc chính thức hoạt động bộ máy CQĐT đã tạo nên bước ngoặt mới cho TP Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện tất yếu khách quan bởi với quy mô kinh tế và cường độ hoạt động kinh tế lớn, yêu cầu đặt ra là các quyết định quản lý hành chính của chính quyền TP Hồ Chí Minh phải được triển khai đến chính quyền cơ sở, người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng và chính xác, được thi hành kịp thời, đồng bộ. Bên cạnh đó, thuận lợi lớn của thành phố là luôn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành quản lý, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử, đô thị thông minh đã giúp mô hình CQĐT nhanh chóng đi vào hoạt động và vận hành hiệu quả.

Bà Ngô Thị Gia Linh, ngụ phường 7, quận Phú Nhuận chia sẻ rằng, hiện nay gia đình thực hiện các thủ tục chứng thực tại UBND phường rất nhanh gọn. Cán bộ được ủy quyền sao y chứng thực dù phải đảm nhiệm công việc nhiều vẫn luôn niềm nở, nhiệt tình hướng dẫn người dân. Theo quan sát của bà Linh, khi thực hiện CQĐT, đội ngũ cán bộ, công chức phường làm việc chuyên nghiệp hơn.

Còn ông Vũ Xuân Ngọc, Tổ trưởng tổ dân phố 11, khu phố 5, phường 9, quận Phú Nhuận cho biết thêm, khu phố có hơn 6.000 nhân khẩu, đa dạng ngành nghề, nên việc nắm thông tin và xử lý các vấn đề kịp thời là một yêu cầu cấp thiết. Dù tổ chức CQĐT không còn hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận, phường nhưng người dân có cơ hội trình bày những kiến nghị, vướng mắc cũng như đóng góp, hiến kế trực tiếp đến lãnh đạo địa phương thông qua các buổi đối thoại với nhân dân và các kênh gián tiếp khác.

Đồng chí Đinh Gia Huỳnh, Bí thư Đảng ủy phường 7, quận Phú Nhuận chia sẻ: “Ngay khi thực hiện mô hình CQĐT, địa phương xác định rõ dù thực hiện mô hình nào thì cơ quan hành chính phải mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dưới sự lãnh đạo của Đảng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, là nơi phục vụ tốt nhất cho người dân. Vì vậy, phường vừa làm vừa khắc phục những vướng mắc, phát huy tính năng động, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện công vụ và tuyên truyền hiệu quả về thực hiện CQĐT đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp”.

Khi thực hiện mô hình CQĐT tại TP Hồ Chí Minh, chủ tịch UBND các quận, huyện, giám đốc các sở, ngành được ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của chủ tịch UBND thành phố. Chẳng hạn, ủy quyền về giải quyết một số thủ tục về quỹ xã hội, quỹ từ thiện, thành lập cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 thuộc tầng 1 theo mô hình tháp 3 tầng tại địa phương.... Những vấn đề này đã thể hiện rõ nét, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.

Trên thực tế, thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp triển khai CQĐT để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, lấy người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của chính quyền các cấp để thành phố trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của UBND phường, quận, một số địa phương đã đưa các kết luận, quyết định của lãnh đạo địa phương lên cổng thông tin điện tử để người dân nắm rõ.

Trong CQĐT, khi không còn HĐND cấp quận, phường, HĐND thành phố trở thành cơ quan đại diện cho nhân dân, tiếp nhận thông tin, ý kiến kiến nghị của người dân. Thành phố đã phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phát huy dân chủ, giữ vững và phát huy khối đại đoàn kết trong dân. Ngoài ra, các cấp và các cơ quan, đơn vị từ thành phố đến quận, phường đã chú trọng đẩy mạnh chất lượng công tác tiếp công dân.

Theo đồng chí Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, cùng với xây dựng CQĐT, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quận linh hoạt trong tổ chức các hình thức đối thoại, lấy ý kiến dân trực tiếp, trực tuyến, tổng đài 1022, các kênh mạng xã hội chính thức... Thông thường, trong vòng 12 giờ sau khi nhận được phản ánh, các phường sẽ phải giải quyết xong và báo cáo kết quả về UBND quận. Chủ tịch UBND phường tổ chức để đối thoại với cộng đồng dân cư, tổ dân phố và gửi kết quả đối thoại đến các cấp.

Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, khi tổ chức CQĐT, HĐND thành phố triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả chức năng giám sát, tập trung quan tâm giám sát đối với UBND quận, phường không tổ chức HĐND. Ngoài ra, tăng cường giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhất là Đoàn đại biểu Quốc hội, nâng cao chất lượng thanh tra, giám sát của các tổ chức trong hệ thống chính trị và phát huy vai trò của nhân dân.

Hiện nay, HĐND TP Hồ Chí Minh đã ban hành nghị quyết về Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND thành phố trong điều kiện tổ chức CQĐT nhiệm kỳ 2021-2026; qua đó giúp HĐND thành phố thực sự là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

leftcenterrightdel

Cán bộ, công thức trẻ tại TP Hồ Chí Minh tham gia hoạt động tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. 

Nhìn rõ vướng mắc để tháo gỡ, phát triển

Sau hơn một năm thực hiện CQĐT, vẫn còn tình trạng “thừa mà thiếu, thiếu mà thừa” trong bố trí cán bộ ở cấp phường, một số địa phương còn lúng túng khi từ được cấp ngân sách thành đơn vị dự toán ngân sách... ảnh hưởng đến việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của CQĐT tại TP Hồ Chí Minh.

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh phân tích rằng, xây dựng CQĐT và cải thiện môi trường đầu tư là những nhiệm vụ được Đảng bộ thành phố quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Vấn đề đặt ra là, CQĐT không chỉ thuần túy là không tổ chức HĐND quận, phường, mà là tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Cùng với giải pháp về hành chính, thành phố đang tích cực tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các nội dung liên quan về xây dựng CQĐT đến các cơ quan, đơn vị, người dân... để cùng nâng cao nhận thức, đóng góp nhiều ý kiến giá trị, cũng như xây dựng quyết tâm, sự ủng hộ cao cho việc xây dựng CQĐT.

Theo đồng chí Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố đang trình Chính phủ xem xét, công nhận số lượng biên chế hành chính, số lượng người làm việc tại TP Hồ Chí Minh đã được HĐND thành phố phê duyệt năm 2022. Đồng thời, thành phố cũng kiến nghị được bố trí cán bộ, công chức bảo đảm số lượng tối đa là 23 người/phường. Ngoài ra, thành phố đã kiến nghị Trung ương cho phép bố trí số lượng cán bộ, công chức phù hợp, cũng như cho phép thành phố căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu của thực tiễn và ngân sách thành phố để quyết định thêm số lượng, chức danh và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Về phân cấp, ủy quyền, thành phố đang cần được mở rộng phạm vi ủy quyền đối với các lĩnh vực then chốt như: Quản lý đầu tư công, quản lý đất đai, quản lý đô thị, quản lý ngân sách, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất... Trong lĩnh vực tài chính, thành phố kiến nghị Trung ương sớm ban hành quy trình hoặc cơ chế thực hiện bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách của đơn vị dự toán cấp 1 đơn giản, thuận lợi theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. UBND quận và phường sẽ chịu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng dự toán ngân sách chi điều hành kinh tế-xã hội tại quận, phường bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, chặt chẽ, đúng quy định pháp luật...

Mô hình tổ chức CQĐT tại TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ tạo sự thay đổi không chỉ là việc thay “chiếc áo đã quá chật” mà còn thúc đẩy sự chuyển động của mô hình mới, tạo sự phát triển đột phá cho một trung tâm kinh tế hàng đầu cả nước. Quyết tâm của thành phố đã thể hiện rõ nét qua việc xác định chủ đề hoạt động năm 2021 là “Năm xây dựng CQĐT và cải thiện môi trường đầu tư” và năm 2022 tiếp tục là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng CQĐT, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Mô hình mới phải tiến bộ hơn, hợp lòng dân nhưng để vận hành hiệu quả thì cùng với giải pháp ở góc độ Trung ương, TP Hồ Chí Minh rất cần sự ủng hộ, cùng chung tay thực hiện của người dân, tổ chức, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị.

Bài và ảnh: LÊ TRẦN