Độc đáo “lá phổi xanh” Cần Giờ
Những ngày cuối tuần, con đường dẫn đến phà Bình Khánh nối huyện Nhà Bè và Cần Giờ luôn đông đúc xe cộ. Trong dòng người ấy phần lớn là những người dân ở các quận nội thành đang hành trình về với rừng ngập mặn Cần Giờ. Chỉ mất vài phút vượt sông, phố xá đông đúc bị bỏ lại phía sau, mở ra không gian rộng thoáng, xanh ngút ngàn của những cánh rừng tràm, đước, dừa nước, sú, vẹt... Người dân và du khách về với rừng ngập mặn Cần Giờ không những được tham quan Di tích lịch sử Chiến khu rừng Sác, dừng ven đường chụp ảnh với phong cảnh đẹp, trẻ em, học sinh còn có dịp thưởng ngoạn và tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn độc đáo được thế giới công nhận.
Trong tổng diện tích hơn 33.370ha rừng của TP Hồ Chí Minh thì hiện nay, diện tích rừng ở huyện Cần Giờ chiếm phần lớn với hơn 32.480ha. Hai địa bàn khác có rừng với diện tích khiêm tốn là huyện Bình Chánh chỉ còn gần 800ha, huyện Củ Chi chỉ còn 93ha. Với diện tích rừng khá khiêm tốn, việc giữ "lá phổi xanh" rừng ngập mặn Cần Giờ trở thành quyết tâm chính trị lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
Với lợi thế giáp biển, hệ thống kênh rạch chằng chịt, điểm cuối của những nhánh sông, vàm hướng ra biển, Cần Giờ từ xa xưa đã hình thành nên những cánh rừng ngập mặn rộng lớn, hệ sinh thái phong phú và độc đáo. Trên vùng ngập mặn, đa dạng loại thực vật cắm rễ vươn lên, như: Bần trắng, đước, xu ổi, trang, đưng, bần chùa, dừa lá, ô rô, ráng... Người dân ở đây cùng với nhận giao khoán rừng còn tổ chức xen canh các loại rau, củ, lúa, đậu và nhiều loại cây ăn trái. Được khai thác mặt nước để nuôi hàu, các loài thủy sản... Nơi đây còn được ví như môi trường, “phòng thí nghiệm” độc đáo để nhiều sinh viên, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước tới nghiên cứu, tìm hiểu về động thực vật.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, trên diện tích rừng ngập mặn hơn 31.700ha hiện nay, có 157 loài thực vật thuộc 76 họ, trong đó có 35 loài cây rừng ngập mặn. Hệ động vật không xương sống, thủy sinh có 70 loài thuộc 44 họ. Khu hệ cá có 137 loài thuộc 39 họ. Khu hệ chim có 130 loài, 47 họ, 17 bộ, như: Bồ nông chân xám, diệc xám, vạc, giang sen... Khu hệ thú có 19 loài, 13 họ, 7 bộ, như: Mèo rừng, khỉ đuôi dài, cầy vòi đốm, nhím... Khu hệ lưỡng thê, bò sát có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, như: Kỳ đà nước, hổ mang chúa, trăn gấm, cá sấu hoa cà... Đáng chú ý, nơi đây hiện có 11 loài bò sát có tên trong Sách đỏ Việt Nam, như: Tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn hổ chúa, vích, cá sấu hoa cà.
Giữ rừng để bảo vệ môi trường sống
Trong không gian phát triển nhanh, năng động của đô thị có vai trò “đầu tàu” kinh tế của cả nước, những cánh rừng trở nên có giá trị vô cùng to lớn. Rừng càng có giá trị và vai trò, ý nghĩa hơn nhiều lần khi TP Hồ Chí Minh đang đối diện với thách thức, nguy cơ, nỗi lo ô nhiễm môi trường sống ngày càng nghiêm trọng bởi tốc độ đô thị hóa nhanh, công nghiệp được mở rộng và diện tích cây xanh ngày càng thu hẹp.
Theo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, thời điểm năm 1975, rừng Cần Giờ gần như bị hủy diệt hoàn toàn bởi hóa chất diệt cỏ và các chất hóa học của quân đội Mỹ. Ước tính 57% diện tích rừng bị chết. Từ năm 1978, TP Hồ Chí Minh đã bắt tay vào khôi phục diện tích rừng ngập mặn Cần Giờ. Thành phố từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý, bảo vệ rừng theo cách bền vững. Các cơ quan quản lý đã giao đất, giao rừng cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng nhưng diện tích giao chỉ chiếm 1/3 diện tích đất rừng hiện có, phần còn lại vẫn do các đơn vị nông, lâm trường trực tiếp quản lý. Một phần của diện tích rừng được sử dụng cho hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, xây dựng rừng giống... Năm 2000, rừng ngập mặn Cần Giờ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam. Trong 10 năm gần đây, diện tích rừng trồng mới được triển khai ở các khu vực bãi bồi, cửa sông, rạch, ven biển đạt gần 2.000ha.
Những ngày cuối tháng 8-2022, chúng tôi có dịp cùng đoàn khảo sát của HĐND TP Hồ Chí Minh về rừng ngập mặn huyện Cần Giờ. Dẫn đầu đoàn khảo sát là đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND thành phố đã trực tiếp đến từng điểm rừng, khu dự án trồng rừng để nắm bắt hiện trạng, tình hình khôi phục rừng trồng thực hiện theo các nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh về khu vực rừng trồng, hoàn trả diện tích thu hồi đất tại khu vực 3,8ha rừng trồng của xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, nơi được triển khai rừng trồng mới thay thế cho diện tích rừng bị thu hồi để thực hiện dự án Khu di chỉ khảo cổ học quốc gia Giồng Cá Vồ.
Theo Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ, trong thời gian từ năm 2016 đến tháng 8-2022, HĐND thành phố đã ban hành 10 nghị quyết về thông qua danh mục dự án cần thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ với hàng ngàn dự án; đồng thời cũng đã ban hành nghị quyết về thông qua danh mục hủy bỏ 61 dự án cần thu hồi đất, dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để giữ diện tích đất rừng, bảo vệ không gian rừng.
Bảo tồn, khai thác giá trị bền vững
Quản lý và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ được xem là giải pháp chính giúp giảm thiểu ô nhiễm không khí ở TP Hồ Chí Minh-đô thị lớn nhất cả nước với dân số hơn 10 triệu người. Theo Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Cần Giờ, ngoài chức năng điều hòa không khí, rừng ngập mặn còn có vai trò rất quan trọng trong việc ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu. Các khu rừng giáp biển có giá trị chắn sóng, xâm nhập mặn, chống sạt lở rất hiệu quả, đặc biệt là những đợt triều cường, mưa bão. Một lợi thế khác từ rừng ngập mặn Cần Giờ là khai thác du lịch hiện nay vẫn chỉ dừng lại ở tự phát, chưa có chương trình nào được thực hiện bài bản, đánh thức tiềm năng này.
Anh Nguyễn Văn Dũng, người được giao nhận khoán 10ha rừng phòng hộ chia sẻ: "Gia đình tôi được nhận khoán bảo vệ, chăm sóc rừng hơn 15 năm nay, bên cạnh được hỗ trợ kinh phí khoán bảo vệ rừng, chúng tôi còn được tạo điều kiện khai thác mặt nước để nuôi hàu nên cuộc sống có thu nhập ổn định. Công tác bảo vệ rừng hiện nay rất chặt chẽ, tình trạng xâm hại rừng, đánh bắt động vật gần như không còn xảy ra. Ở khía cạnh khác, tôi thấy tiềm năng khai thác du lịch rừng ngập mặn còn rất lớn, nếu có các chương trình bài bản sẽ tạo nguồn thu cho ngành du lịch của địa phương và ý nghĩa hơn là góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ rừng, không xâm hại, tiêu thụ động vật hoang dã...".
Đúng như chia sẻ của anh Nguyễn Văn Dũng, có nhiều dịp về rừng ngập mặn Cần Giờ, chúng tôi ngồi tắc ráng lướt trên mặt nước, không gian rừng ngập mặn xanh ngát mở ra trước mắt, thoáng đãng, dịu mát cùng những khung cảnh đẹp... tạo nên nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Theo đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, huyện đang triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030, trong đó gắn với đề án xây dựng, đưa huyện lên thành phố vào năm 2030 và đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ, coi đây là mục tiêu mang tính nền tảng, có ý nghĩa đặc biệt trong phát triển bền vững của huyện Cần Giờ và của cả TP Hồ Chí Minh.
Mục tiêu của huyện là quản lý tốt diện tích rừng sẵn có, trồng mới rừng bù đắp cho các dự án chuyển đổi đất rừng, trồng mới rừng ở khu vực bãi bồi, cửa sông, rạch... Huyện cũng đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch sinh thái rừng, biển Cần Giờ, đặc biệt là đầu tư cải tạo tuyến đường rừng Sác thành tuyến đường du lịch Cần Giờ gắn kết các dự án, chương trình du lịch rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, huyện Cần Giờ cũng đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của hệ sinh thái rừng ngập mặn, vai trò của cộng đồng trong bảo vệ rừng ngập mặn Cần Giờ gắn với bảo vệ "lá phổi xanh" cho TP Hồ Chí Minh.
ĐẶNG BẢO MINH