Chị xúc động trước tình cảm yêu thương, đùm bọc của bạn bè, người dân Đức Phổ bao nhiêu thì lại càng khôn nguôi nhớ về Hà Nội, nhớ gia đình bấy nhiêu. Có lẽ vì thế mà trong cuốn nhật ký, Đặng Thùy Trâm đã gọi mình là “cô gái Hà Nội của quê hương Đức Phổ”…

Hà Nội trong trái tim

Trong đêm khuya thanh vắng, lật giở cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” (do nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn giới thiệu) hẳn không ít bạn đọc sẽ khó có thể kìm lòng khi đọc những dòng chị viết về nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Người con gái Hà thành vô cùng kiên cường, dũng cảm trước bao khó khăn, nguy hiểm của đạn bom nhưng không thể nào ngăn được nỗi nhớ trong lòng: “Ba năm qua, trên từng chặng đường con bước, trong muôn vàn âm thanh hỗn hợp của chiến trường, bao giờ cũng có một âm thanh dịu dàng tha thiết mà sao có một âm lượng cao hơn tất cả mọi đạn bom sấm sét vang lên trong lòng con. Đó là tiếng nói của miền Bắc yêu thương, của mẹ, của ba, của em, của tất cả. Từ hàng lim xào xạc trên đường Đại La, từ tiếng sóng sông Hồng dào dạt vỗ đến cả âm thanh hỗn tạp của cuộc sống Thủ đô vẫn vang vọng trong con không một phút nào nguôi cả”.

leftcenterrightdel

Đặng Thùy Trâm trong bộ quân phục mới được phát cùng em gái Phương Trâm trước ngày lên đường. Ảnh chụp lại từ cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. 

Những ngày ở trong rừng núi Nam Trung Bộ ấy, bất kể một cảnh vật hay âm thanh xung quanh đều khiến chị liên tưởng đến Hà Nội: “Một buổi sáng như sáng nay, rừng cây xanh tươi sau một trận mưa rào. Không gian trong lành mà sao lòng mình lại ngập tràn thương nhớ, nhớ miền Bắc vô vàn. Nhớ từ những hàng cây bên đường phố, những cây bàng, cây sấu lá xanh bóng sau những cơn mưa và con đường nhựa sạch sẽ sau những buổi sáng. Nhớ một căn phòng đơn sơ nhưng đầm ấm, buổi sáng râm ran tiếng cười nói chen lẫn tiếng phát thanh từ chiếc radio để giữa nhà. Nhớ mẹ, nhớ ba, nhớ Phương và tất cả những người thân yêu ngoài ấy”… “Trong gió rừng mình nghe tưởng như khóm mía sau nhà đang xao xác trở mình cọ lá vào nhau. Nắng hè chói chang, mình tưởng như đang cùng bè bạn học tập và vui đùa trong những chiều hành lang đầy nắng ở Bệnh viện Bạch Mai. Bất cứ một hình ảnh, một âm thanh nào cũng đều có thể gợi lại những ngày sống trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa”… “Nhìn trời râm mát mình nhớ những buổi chiều cùng các bạn ung dung trên chiếc xe dạo qua vườn cây, những luống hoa pancess rực rỡ như những đàn bướm đậu trên mặt đất, những đóa hồng ngào ngạt hương thơm… Mình nhớ cả khóm liễu tường trong vườn thực vật-bông hoa Phương thường hái về cắm trong nhà. Ôi miền Bắc xa xôi, bao giờ ta trở lại?...".

Tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966 khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đang bước vào giai đoạn ác liệt. Theo tiếng gọi của miền Nam qua phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng”, không một chút đắn đo, Đặng Thùy Trâm xung phong vào chiến trường nóng bỏng nhất của Khu 5 ngày ấy. Ở đó, chị phải chứng kiến bao đau thương mất mát của đồng đội, người dân và cái chết luôn rình rập bên mình. Vào dịp lễ, Tết, những hồi ức, nỗi nhớ thương về Thủ đô lại dâng trào: “Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô trên đất miền Nam rực lửa. Một cảm giác bồi hồi xao xuyến. Hà Nội giải phóng… Hình dáng tiều tụy của những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội qua chiếc cầu Long Biên đi về hướng bắc. Hà Nội giải phóng mười bốn năm rồi, dù trong bom đạn, Hà Nội của ta vẫn đứng lên mạnh khỏe. Mình vẫn nghe được tiếng cười trong trẻo của các em học sinh trên sân trường mầm non ở đường Hàng Bông Nhuộm (nay là phố Thợ Nhuộm-TG), vẫn như nghe thấy tiếng tàu điện chạy leng keng trên đường phố. Hà Nội ơi, nhớ Hà Nội bao nhiêu lại thương Sài Gòn, Huế và hàng trăm thị xã, thành phố trên mảnh đất còn đau thương khói lửa bấy nhiêu…". “Giao thừa. Bốn năm rồi xa nhà, Giao thừa lần thứ tư sống xa những người thân yêu, Hà Nội ơi! Đêm nay Hồ Gươm người vẫn vai chen vai, Tháp Rùa vẫn rung rinh ánh điện. Nhưng ta biết Hà Nội của ta niềm vui không thể trọn vẹn. Trái tim còn một nửa rớm máu thì làm sao vui cho đành"…

Niềm cảm xúc dạt dào trên trang giấy hằng đêm của chị nơi chiến trường khốc liệt ấy đã chạm tới hàng triệu trái tim người đọc: “Mưa vẫn cứ rơi hoài. Mưa càng thêm buồn thấm thía và mưa lạnh làm cho người ta thèm khát vô cùng một cảnh sum họp của gia đình. Ước gì có cánh bay về căn nhà xinh đẹp ở phố Lò Đúc để cùng ba mẹ và các em ăn một bữa rau muống và nằm trong tấm chăn bông ấm áp ngủ một giấc ngon lành”. Biết bao đêm chị mơ thấy hòa bình, được trở về Hà Nội, “trở về với vòng tay êm ấm của ba mẹ, trong tiếng cười trong trẻo của các em và trong ánh sáng chan hòa của Hà Nội”. Nhưng lúc tỉnh giấc, trở lại với thực tại khiến chị không thể nào yên: “Bao giờ tiếng súng chiến tranh chấm dứt để ta trở về với miền Bắc yêu thương? Liệu còn có được những ngày đoàn tụ ấy không?”. Và rồi cũng đành tự nhủ lòng mình: “Hẹn một ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu”…

Địa chỉ đỏ về nguồn

Đã 12 năm trôi qua kể từ khi ra mắt bạn đọc (vào dịp 27-7-2005) đến nay, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ để giới thiệu với bạn đọc các nước trên thế giới. Nhớ lại thời điểm mới ra đời, cuốn sách này được thế hệ trẻ cả nước và cả độc giả nước ngoài đón nhận rất nồng nhiệt, trở thành một hiện tượng văn học trong thời bình. Đặc biệt, phong trào học tập tấm gương bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã diễn ra rất sôi nổi trong tổ chức đoàn trên khắp mọi miền đất nước. Riêng học viên trong các nhà trường quân đội và chiến sĩ ở các đơn vị còn tổ chức rất nhiều buổi tọa đàm, thảo luận và diễn đàn nhằm giáo dục lý tưởng sống cho các đoàn viên thông qua những dòng nhật ký của chị. Sau đó, Cuộc vận động “Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích” cũng được tổ chức đoàn các cấp phát động. Gần đây nhất, Thành đoàn Hà Nội và đồng chí Vũ Hữu Loan, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội thời kỳ “Ba sẵn sàng” đã ra mắt cuốn sách “Kể chuyện Ba sẵn sàng” làm tư liệu tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thanh niên. Trong đó đã tôn vinh Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm là một trong những tấm gương Anh hùng LLVT nhân dân tiêu biểu của thủ đô Hà Nội trong phong trào “Ba sẵn sàng”. Cuốn sách dành nhiều trang viết giới thiệu về sự hy sinh anh dũng của nữ bác sĩ anh hùng này cùng một số anh hùng, liệt sĩ tiêu biểu khác như: Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Bùi Ngọc Dương; Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Vũ Xuân Thiều; Anh hùng LLVT nhân dân, liệt sĩ Hoàng Lộc; liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc… Để ghi nhớ công lao của nữ anh hùng, liệt sĩ tiêu biểu của thành phố, Hà Nội đã đặt tên một con phố mang tên Đặng Thùy Trâm tại địa bàn phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Tại TP Hồ Chí Minh hiện cũng có một con đường mang tên chị thuộc địa bàn quận 8. Năm 2008, Giải thưởng-học bổng Đặng Thùy Trâm do Báo Tuổi trẻ và Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm phối hợp tổ chức cũng ra đời nhằm trao tặng các cán bộ, học viên, sinh viên các trường cao đẳng, trung học y, dược ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa để khích lệ tinh thần học tập, cống hiến noi gương bác sĩ Đặng Thùy Trâm trong ngành y tế.

leftcenterrightdel
Bệnh xá Đặng Thùy Trâm tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.Ảnh: BÍCH THUẬN 
Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Ngãi, một bệnh xá mang tên Đặng Thùy Trâm đã được xây dựng và đi vào hoạt động kể từ năm 2006 tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ. Trường Trung học Y tế Quảng Ngãi (thành lập năm 1960) cũng được nâng cấp và đổi tên thành Trường Cao đẳng Y tế Đặng Thùy Trâm vào năm 2013 theo Quyết định số 729/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm là công trình do bạn đọc Báo Tuổi trẻ cùng các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng theo ước nguyện của chị lúc sinh thời. Bệnh xá có diện tích khoảng 3.900m2 với các khoa: Nội, Sản, Nhi, Răng-hàm-mặt, Y tế cộng đồng, Y tế dự phòng, Sơ cấp cứu ban đầu… với khoảng 10 giường bệnh và trang thiết bị y tế đầy đủ. Trong khuôn viên bệnh xá được trồng nhiều cây xanh, cảnh quan đẹp với hàng cọ dọc lối đi. Nơi đây có Tượng đài Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm với nét mặt dịu dàng, tay cầm nón che đầu, vai mang túi xách dụng cụ y tế, chân sải bước,… như mô phỏng lại sự hối hả băng qua đạn bom của chị khi đi làm nhiệm vụ cách đây hơn 50 năm. Trong Bệnh xá Đặng Thùy Trâm hiện dành riêng một khu lưu niệm về nữ bác sĩ. Ở đây có một bức tượng chị đang ngồi viết, các hiện vật, kỷ vật, hình ảnh và những dòng nhật ký của chị về những ngày cứu chữa thương binh, bệnh binh. Ngoài ra còn có những hình ảnh nói về truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và Khu 5.

Hơn 10 năm qua, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm không chỉ là nơi khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân trong vùng mà còn trở thành một địa chỉ đỏ để du khách đến tham quan, tưởng nhớ về Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm-người con gái Hà Nội năm xưa đã từng sống, làm việc và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng tại đây. Được biết, mỗi năm có hàng chục nghìn lượt khách trong nước và nước ngoài đến tham quan bệnh xá và các điểm di tích đã từng in dấu chân của nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm. 

Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26-11-1942 tại thành phố Huế trong một gia đình trí thức. Sau đó, chị theo gia đình ra sinh sống tại Hà Nội. Khi học ở Trường Bưởi-Chu Văn An, chị luôn là học sinh giỏi, lại hát hay, tham gia tích cực câu lạc bộ thơ văn của trường. Năm 1961, Đặng Thùy Trâm thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Tháng 12-1966, sau khi tốt nghiệp đại học, chị xung phong lên đường chiến đấu ở Đức Phổ (Quảng Ngãi)-chiến trường ác liệt nhất Khu 5 thời bấy giờ. Tháng 4-1967, chị được giao phụ trách Trạm Tiền phẫu Nam Đức Phổ, cứu chữa, chăm sóc thương binh, bệnh binh, các đơn vị LLVT, nhân dân, du kích trên địa bàn. Sau đó, chị chuyển lên làm việc và được giao nhiệm vụ Trưởng Bệnh xá huyện Đức Phổ. Ngày 22-6-1970, trong một chuyến công tác từ vùng núi Ba Tơ về đồng bằng, bác sĩ Đặng Thùy Trâm bị địch phục kích, chị đã chiến đấu anh dũng và hy sinh tại khe Nước Lạnh, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ (tỉnh Quảng Ngãi) khi chưa đầy 28 tuổi đời. Liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vào ngày 20-2-2006, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

MINH THÀNH