Công viên văn hóa 30-4 nằm ở vị trí đẹp nhất thành phố, thuộc phường Bến Nghé, quận 1, với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Phía bắc công viên gần với hồ Con Rùa, phía tây giáp Dinh Thống Nhất, phía đông và đông nam giáp Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện thành phố, phía nam cách phố đi bộ Nguyễn Huệ chừng 600m. Nơi đây được coi là “lá phổi xanh” của TP Hồ Chí Minh và là điểm đến lý tưởng cho người dân cũng như du khách.

Những ngày này, mặc dù dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp nhưng vẫn có nhiều người đến công viên dạo chơi, tập thể dục, hóng mát, trong đó có rất nhiều bạn trẻ. Người dân đến đây còn để tìm hiểu những giá trị lịch sử của Công viên 30-4. Đó là những dấu ấn của Sài Gòn trong ngày Tết Độc lập 2-9-1945 và dấu ấn của những cánh quân ta tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.

Đầu tháng 8-2005, tôi được giao nhiệm vụ viết bài cho số báo kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 về Tết Độc lập năm 1945 ở Sài Gòn. Với đề tài này, chỉ có gặp Giáo sư Trần Văn Giàu mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tìm tòi và hỏi thăm mãi tôi mới có được số điện thoại cố định ở nhà ông, nhưng gọi liên tục hai ngày liền mà vẫn chưa gặp được. Người nhà của giáo sư nói ông rất bận, người ta đón đi nói chuyện miết, ít khi ăn cơm với gia đình. Gọi điện nhiều lần, cuối cùng tôi cũng may mắn gặp và được giáo sư đồng ý hẹn gặp vào buổi sáng 16-8.

leftcenterrightdel
Giáo sư Trần Văn Giàu (bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu  

8 giờ, tôi đến nhà Giáo sư Trần Văn Giàu nằm trong một con hẻm ở đường Lý Thường Kiệt, quận 11 (đối diện với Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia  TP Hồ Chí Minh). Trước cửa nhà đã có hai chiếc xe ô tô đậu chờ. Một phụ nữ chừng 50 tuổi ra mở cổng nói với tôi: “Chú vào nhanh, không cụ lại bị người ta “kéo đi” mất đấy”. Tôi vội bước vào nhà chào mọi người, bác Giàu nhìn hỏi ngay: “Cậu là phóng viên Báo Quân đội nhân dân phải không?”. “Dạ thưa bác, cháu đây ạ”. Nghe xong, bác nói với 3 người đang níu kéo: “Đấy, mình đã bảo là sáng nay tiếp Báo Quân đội nhân dân, các cậu cứ không tin. Giờ tin rồi thì về đi nhé, chiều đến đây mình sẽ đi”. Nói đoạn, ông kéo ghế mời tôi ngồi, rồi vào trong tủ lạnh mang ra mấy lon bia Sài Gòn, mặc cho các vị khách kia cứ ngẩn ngơ đứng nhìn rồi xin cáo từ. Ông nhìn tôi cười cười, gương mặt mới gần gũi, thân thương làm sao: “Làm mấy hơi đi cháu, rồi nói thì nói”.

Đã nghe kể về Giáo sư Trần Văn Giàu từ lâu nhưng nay mới được gặp, tôi thấy ông thật bình dị như một ông già ở vùng quê An Lục Long của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Phong cách cởi mở, thân thiện cùng ánh mắt quan tâm tới người khác của ông đã giúp xóa đi tất cả sự lạ lẫm và khoảng cách đối với tôi. Thấy tôi ngập ngừng cầm lon bia, bác Giàu nói ngay: “Cháu muốn hỏi về chiều 2-9-1945 ở Sài Gòn phải không?”. Chẳng đợi khách trả lời, ông nói luôn: “Đã 60 năm rồi đấy, cái ngày mà hàng vạn người dân Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định hân hoan kéo về đại lộ Norođom vừa được đổi tên thành Cộng Hòa, nay là đại lộ Lê Duẩn, quận 1, nằm cạnh Công viên 30-4 ngay phía sau Nhà thờ Đức Bà ấy. Khí thế cách mạng mới hừng hực, cuồn cuộn làm sao...”.

leftcenterrightdel
Đại lộ Lê Duẩn (đoạn sau Nhà thờ Đức Bà) đi qua Công viên 30-4.

Câu chuyện của vị giáo sư đã 95 tuổi mỗi lúc thêm sôi nổi, hào hứng, kéo trí tưởng tượng của tôi về không khí của chiều Ngày Quốc khánh 2-9 ở Sài Gòn năm xưa. Nhưng có một điều đặc biệt là Giáo sư Trần Văn Giàu hầu như không nói về vai trò của ông trong buổi mít tinh mừng ngày Lễ Độc lập này. Ông kể nhiều về tinh thần đoàn kết và khí thế đấu tranh của quần chúng nhân dân, về ý chí thống nhất của Xứ ủy Nam Kỳ. Ông đưa hai tay ra phía trước, nói: “Giữa trưa hôm ấy, các đoàn thể dân chúng, các toán dân quân lũ lượt từ trong các trụ sở ở Châu Thành và các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Cộng Hòa đông lắm. Họ đứng theo những hàng dài, trùng trùng điệp điệp thành một biển người. Với sức dân như vậy thì không có gì ngăn cản nổi”. Khi tôi hỏi về bài “ứng khẩu” của ông lúc Sài Gòn không bắt được sóng lời Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ở Quảng trường Ba Đình qua đài phát thanh, bác Giàu cười xòa: “Chỉ là những lời gan ruột thưa với đồng bào thôi mà”.

Thật ra, “những lời gan ruột thưa với đồng bào” của ông Trần Văn Giàu chính là sự ứng khẩu tài ba mà lịch sử đã ghi chép lại và khiến chúng ta phải cúi đầu kính nể. Chiều 2-9-1945, Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ quyết định tổ chức một cuộc mít tinh và diễu hành thật lớn để biểu dương lực lượng toàn dân đoàn kết xung quanh chính quyền cách mạng. Theo kế hoạch, Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ truyền trực tiếp buổi lễ tại Hà Nội vào Sài Gòn để mọi người cùng nghe. Nhưng do không có thiết bị hiện đại, thời tiết xấu nên việc tiếp sóng không thành công. Các vị trong ban tổ chức cuộc mít tinh hội ý nhanh và đề nghị Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Nam Bộ kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu nói chuyện với đồng bào. Mặc dù phát biểu ứng khẩu nhưng ý tưởng của ông rất sâu sắc, giọng nói của ông hùng hồn, thu hút sự chú ý lắng nghe của tất cả mọi người có mặt trong buổi lễ. Trong lúc ông Trần Văn Giàu nói chuyện thì trời đổ mưa, nhưng quần chúng không ai bỏ hàng ngũ mà vẫn trật tự nghe bài phát biểu.

Khi đó, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ Trần Văn Giàu nói: “Việt Nam, từ một xứ thuộc địa đã trở thành một nước độc lập. Việt Nam, từ một đế quốc (theo nghĩa nước có chế độ quân chủ) đã trở thành một nước dân chủ cộng hòa. Việt Nam đương tiến bước trên đường sống, sống danh dự với toàn cầu”... Rồi: “Dân tộc Việt Nam chúng tôi có quyền sống độc lập, tự do. Độc lập, tự do của chúng tôi không trái với độc lập, tự do của bất cứ một dân tộc nào khác”; “Tất cả đồng bào kiên quyết bảo vệ tới cùng quyền độc lập và nền dân chủ của chúng ta”; “Chúng ta hãy thề cương quyết đứng cạnh Chánh phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng”. Sau lời phát biểu của ông Trần Văn Giàu, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (sau là Bộ trưởng Bộ Y tế) thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên thệ: “Cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ nước, vượt khó khăn nguy hiểm, xây đắp độc lập hoàn toàn cho Việt Nam”.

Càng đọc, càng ngẫm, mới thấy những lời phát biểu từ phương Nam của Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ Trần Văn Giàu có nhiều ý rất trùng hợp, nhiều điểm thể hiện tinh thần cơ bản, nhất quán với nội dung của Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ở Quảng trường Ba Đình. Đó là khẳng định quyền con người, quyền dân tộc, ý chí đấu tranh để bảo vệ chế độ, bảo vệ đất nước của người Việt Nam. Đó là: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”. Bài “ứng khẩu” tuyệt vời của ông Trần Văn Giàu đã thể hiện một nhãn quan chính trị sắc bén, tố chất của người lãnh đạo tài ba, xứng đáng là người đứng đầu Ủy ban Kháng chiến và Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Lời “ứng khẩu” ấy đã thôi thúc tinh thần yêu nước, thương nòi, yêu độc lập, tự do của đồng bào miền Nam trong buổi Lễ Độc lập tại thành phố Sài Gòn...

Trước khi kết thúc buổi nói chuyện, bác Giàu đột nhiên hỏi tôi: “Uống bia và nghe kể chuyện lịch sử, cháu thấy có lý thú không?”. Tôi không biết trả lời ông như thế nào, chỉ nắm lấy bàn tay gân guốc và nhìn ông bằng ánh mắt biết ơn vô ngần. Khi tiễn tôi ra cửa, ông dặn: “Từ ngày Tết Độc lập năm ấy, Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định đã cùng dải đất phương Nam anh dũng, kiên cường đánh đuổi giặc ngoại xâm và trở thành “Thành đồng Tổ quốc”, cùng quân dân cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất non sông cho đến ngày hôm nay và là “TP Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” đấy”.

Giáp Ngày Quốc khánh năm nay, tôi đã dành một buổi sáng để ra Công viên 30-4. Nhìn tấm bia ghi lại dấu ấn của cuộc mít tinh, tuần hành mừng Ngày Độc lập năm 1945 ở Sài Gòn, tôi lại nhớ Giáo sư Trần Văn Giàu. Ông đã về cõi vĩnh hằng đúng 10 năm rồi, nhưng để lại cho chúng ta một nhân cách lớn: Nhân cách về lòng yêu nước, thương dân, về ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, về hòa bình và đoàn kết dân tộc. Một nhân cách sống hết lòng vì mọi người, luôn cương trực, thanh liêm của một nhà văn hóa lớn. Đến nay, Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu do ông sáng lập năm 2002, dành cho các tác giả có những công trình nghiên cứu giá trị về lịch sử và lịch sử tư tưởng khu vực Nam Bộ vẫn được duy trì và phát triển. Đó là sự tri ân, tưởng nhớ đến những cống hiến to lớn của Giáo sư Trần Văn Giàu đối với quê hương, đất nước.

Những ngày đầu thu, Công viên 30-4 vẫn mướt bóng cây. Người dân, nhất là các bạn trẻ đắm mình trong ly cà phê hay ly trà sữa để trò chuyện vui vẻ và ngắm nhìn thành phố thanh bình. Giờ đây, những quán hàng rong, cà phê “bệt” không được hoạt động ở khu vực công viên, nhưng mọi người vẫn biết cách để tìm niềm vui cho mình trong công viên văn hóa-lịch sử này. Đó là kể cho nhau nghe những câu chuyện về ngày Tết Độc lập năm 1945, về những cánh quân tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, rồi những chuyện tu bổ Nhà thờ Đức Bà, tham quan Bưu điện thành phố, tiến độ thi công tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên...

Với riêng tôi, công viên văn hóa và “người ứng khẩu tài ba” Trần Văn Giàu luôn ở trong ký ức. Hình ảnh đẹp của công viên và Giáo sư Trần Văn Giàu sẽ sống mãi với lịch sử của thành phố, của dân tộc, để lớp lớp thế hệ mai sau tự hào, ngưỡng mộ và phấn đấu phát huy cao độ những giá trị tốt đẹp, truyền thống anh dũng đấu tranh giành độc lập, tự do của thế hệ cha ông. Và TP Hồ Chí Minh hôm nay cũng xứng đáng là đầu tàu kinh tế, luôn cùng cả nước, vì cả nước, là một đô thị “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” trong trái tim mỗi chúng ta.

Bài và ảnh: LÊ PHI HÙNG