Tuổi cao luôn “theo kịp thời đại”
Mái tóc bạc trắng, gương mặt hiền, cách nói chuyện hài hước, dí dỏm, GS, TS Phạm Tất Dong luôn để lại ấn tượng cho bạn bè, đồng nghiệp và giới phóng viên chúng tôi cảm giác thoải mái, thân thiện. Tôi quen ông đến nay cũng gần hai chục năm. Lần nào liên lạc đặt bài thì giáo sư cũng đang rất bận rộn. Khi thì ông chuẩn bị đi công tác các tỉnh miền núi, khi thì đang viết bài tham luận hội thảo, lịch họp, dự hội nghị ở các cơ quan Trung ương, địa phương và các tổ chức hội gần như kín cả tuần. Ông còn viết sách theo đặt hàng của Nhà nước hoặc các cơ quan, ban, ngành; viết bài khoa học cho các tạp chí, hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh… Dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, GS, TS Phạm Tất Dong đi công tác liên tục tới các địa phương. Thế nhưng, khi tôi đề nghị viết bài về các vấn đề thời sự giáo dục học đường, giáo sư vẫn vui vẻ nhận lời. Và ông đã cố gắng tranh thủ từng chút thời gian trong các chuyến công tác để hoàn thành bài đúng hẹn. Có lần, tôi nhận được bản thảo ông vừa viết tay xong trong một ngày Hà Nội nắng gay gắt, vẫn nét chữ nhỏ, đều tăm tắp, rất dễ đọc...
GS, TS Phạm Tất Dong giữ thói quen cầm bút viết bài như vậy để rèn luyện sức khỏe chứ thực ra ông vẫn sử dụng máy tính bảng để soạn thảo văn bản. Hằng ngày, ông thường sử dụng điện thoại thông minh để vào mạng đọc báo, cập nhật tin tức, tra cứu tư liệu, học ngoại ngữ và giải trí lúc thảnh thơi. Ông coi chiếc Galaxy Note đó như người bạn, người thầy rất quan trọng của mình.
Đang trò chuyện, giáo sư quay sang hỏi tôi: “Em có cài đặt các ứng dụng học tiếng Anh trên điện thoại không? Thú vị lắm đấy!”, rồi ông kể, có hôm đi trên tắc xi, cậu lái xe khoe: “Cháu vừa nói chuyện với một người Tây xong!”. Ông giơ điện thoại lên và nói: “Cậu nói chuyện với Tây qua điện thoại chứ gì?”. Thì ra, ông thường nghe các đoạn hội thoại tiếng Anh và luyện cách phát âm với người nước ngoài qua chiếc điện thoại ấy. Cậu lái xe không ngờ vị giáo sư gần 90 tuổi mà vẫn “theo kịp thời đại” như thế.
|
|
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Tất Dong |
GS, TS Phạm Tất Dong cho rằng, công việc của ông là đi giảng bài, kêu gọi, khuyến khích người dân học tập thường xuyên nên chính bản thân cũng phải học tập thực sự. Là giáo sư càng phải không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để hoàn thiện bản thân nhiều hơn, không nên nghĩ mình đã có chức danh khoa học cao thì ngừng phấn đấu... Bởi, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”, tức là học không dừng, không có kết thúc, học để có năng lực hoạt động cải tạo tự nhiên, cải tạo xã hội và tự cải tạo chính mình... GS, TS Phạm Tất Dong luôn tâm niệm lời dạy này và cố gắng làm theo gương của Người.
Nói là làm. Giáo sư rất chịu khó nghiên cứu, học tập để làm giàu tri thức và bắt nhịp thời đại công nghệ. Ông có nguyên tắc, đã đi dự hội thảo, hội nghị nào thì phải nghiên cứu, cập nhật thông tin về các vấn đề và chuẩn bị để lời phát biểu của mình có trọng lượng. Có hôm ngồi cạnh Đại sứ Trung Quốc, nghe nói đến chỉ số PAPI, lập tức ông mở điện thoại xem PAPI đã có đánh giá gì về năng lực và hiệu quả của quản trị ở Việt Nam. Gặp cụm từ nào mới trong các tài liệu, ông cũng tra cứu ngay. Tinh thần say mê học tập, nghiên cứu nghiêm túc của ông không chỉ được mọi người khâm phục mà còn lan tỏa tới nhiều đồng nghiệp cao tuổi ở Hội Khuyến học Việt Nam. Trong các hội thảo, hội nghị, những bài nói, bài viết của ông luôn có số liệu mới, ý tưởng mới, khiến cho người nghe thú vị.
Từ bình dân học vụ đến xây dựng xã hội học tập
GS, TS Phạm Tất Dong sinh năm 1934. Cuộc đời và sự nghiệp của ông thật đặc biệt. Quê ở Dục Tú, Đông Anh, Hà Nội nhưng ông được sinh ra tại Hải Phòng, gắn bó với thành phố này từ thời niên thiếu, sau đó lên Hòa Bình, rồi trở lại Hà Nội sinh sống. 86 năm tuổi đời nhưng giáo sư có gần 70 năm làm nhiệm vụ GD&ĐT thế hệ trẻ và chăm lo việc học hành của người lớn. Ông trải qua sự nghiệp “trồng người” với mọi bậc học, loại hình giáo dục, từ bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, tiểu học, THCS, dạy học tại các trường dành cho học sinh miền Nam trên đất Bắc đến giảng viên đại học, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ...
Cho đến bây giờ, ký ức về thời kỳ toàn dân hưởng ứng phong trào bình dân học vụ xóa nạn mù chữ theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1945 vẫn còn in đậm trong trí nhớ ông. “Vào các buổi trưa, buổi tối, tôi thường đi xem các anh trai dạy ở các lớp bình dân học vụ. Tôi rất thích thú với cách dạy chữ cái theo vần cho các cụ ở những lớp học này vì khác hẳn với cách dạy chữ ABC tôi được học ở trường tiểu học của Pháp nên đã thuộc lòng rất nhiều câu. Ví dụ: “O tròn như quả trứng gà/ Ô thì đội nón, ơ thời thêm râu; i, t có móc cả hai, i ngắn có chấm, t dài có ngang”, giáo sư nhớ lại.
Hồi ấy, chính quyền đã làm hai cái cổng ở các chợ để kiểm tra trình độ biết đọc của người dân. Ai đã biết chữ thì đi qua Cổng Sáng, còn ai chưa biết đọc chữ phải chui qua Cổng Mù. Trẻ con thấy nhiều người lớn tuổi phải chui qua Cổng Mù còn vỗ tay reo hò trêu các ông, bà, các cụ. Nhiều người thấy xấu hổ nên về quyết tâm học chữ. Việc dạy và học chữ ngày ấy được coi là quan trọng như hành động yêu nước nên nhà nhà đi học, người người đi học. Nhiều anh bộ đội ghé qua làng thời gian ngắn cũng tranh thủ đến lớp bình dân học vụ dạy chữ. Sau này, tốt nghiệp sơ cấp sư phạm ở Trung Quốc, thầy giáo Dong khi đó 17, 18 tuổi lại đến lớp dạy cho những người cao tuổi ở các lớp bình dân học vụ như thế.
GS, TS Phạm Tất Dong quan niệm, các cuộc cách mạng xã hội luôn gắn với cách mạng giáo dục. Trong đó, người lớn là đối tượng quan trọng. Từ phong trào bình dân học vụ trước đây đến giáo dục bổ túc văn hóa, giáo dục thường xuyên sau này là hệ thống giáo dục người lớn vô cùng thiết thực. Nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo cách mạng nước ta đã trưởng thành từ đó. Vì thế, hàng chục năm qua, mặc dù được nghỉ hưu nhưng GS, TS Phạm Tất Dong không nghỉ việc. Trên cương vị Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, ông luôn tìm tòi các mô hình học tập cho người lớn hướng tới xây dựng một xã hội học tập, để hiện thực hóa mong muốn “ai cũng được học hành” và tư tưởng “học không bao giờ cùng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. GS, TS Phạm Tất Dong cùng tập thể Hội Khuyến học các cấp và các cộng sự đã mở ra nhiều cơ hội học tập, bổ sung kiến thức, dạy nghề cho người dân ở mọi nơi.
Thế nhưng, giáo sư vẫn còn không ít day dứt. Giọng ông bỗng chùng xuống: “Chúng ta rất nỗ lực nhưng mới chỉ chăm lo được một phần nào đó cho sự học của toàn dân. Hiện nay, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… hàng vạn người dân lao động vẫn chưa được học tập đúng nghĩa. Nhiều cháu đang độ tuổi vị thành niên chưa tốt nghiệp THPT đã phải đi làm thuê kiếm sống. Họ không được đến lớp học tiếp văn hóa, chỉ cắm đầu cắm cổ làm việc…”. Theo giáo sư, hiện nay ở nhiều nước trên thế giới đã thành lập các trường đại học dành cho người lớn, như: Trường Đại học U.70 của Phần Lan (dành cho học viên từ 80 tuổi trở lên); Trường Đại học U3A ở Anh (dành cho lứa tuổi thứ 3-tuổi “xế chiều”) và nhiều trường ở Na Uy, Thụy Điển, Trung Quốc, Ấn Độ có những khóa học dành cho người cao tuổi, từ 75 trở lên… Còn ở nước ta, việc tổ chức cho người cao tuổi, người về hưu đi học vẫn bị coi là chuyện lạ. Đây là một vấn đề cần sớm khắc phục trong việc đổi mới hệ thống đào tạo ở Việt Nam. Thời nay, không được cập nhật công nghệ mới, không biết về ngoại ngữ… cũng có thể coi là một kiểu mù chữ. Như Bác Hồ đã nói, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “giặc dốt là đồng minh của giặc ngoại xâm”…
Luôn trăn trở, tâm huyết với các vấn đề thời cuộc, thích khám phá những vấn đề mới, công nghệ mới nhưng vị giáo sư cũng rất chú ý giữ gìn sức khỏe. Ông ăn ít cơm, chủ yếu ăn các loại hạt, củ và hoa quả. Ông thích nghe nhạc cổ điển, các bài ca trữ tình và cũng nghe cả nhạc trẻ. Ông biết hát, chơi đàn organ, thích cùng các bạn trẻ hát karaoke trong các buổi liên hoan của cơ quan, nhà trường và hội nghị khuyến học. Đặc biệt, ông rất thích vẽ tranh vui, tranh châm biếm và sử dụng các ứng dụng photoshop vẽ tranh, chỉnh sửa ảnh trên điện thoại để sáng tạo ra những bức ảnh lạ, mang lại niềm vui cho bạn bè, đồng nghiệp… Thỉnh thoảng, chúng tôi được giáo sư chia sẻ một vài ca khúc trữ tình trên trang cá nhân, trong đó có những câu hát ông coi như phương châm sống của mình: “Ta cứ yêu đời đi/ Như lúc ta còn thơ/ Rồi để anh làm thơ/ Và để em dệt tơ…” (“Thoi tơ”, nhạc Đức Huỳnh, thơ Nguyễn Bính).
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, GS, TS Phạm Tất Dong luôn được mọi người kính trọng, nể phục cả về sức khỏe và tinh thần cống hiến, đúng như một số bạn bè ông nhận xét rằng: “Bộ não U.90 như đang trẻ tinh khôi, sung mãn sức sáng tạo”, “Gừng càng già càng cay”.
GS, TS Phạm Tất Dong tốt nghiệp ngành toán và ngành tâm lý của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; nghiên cứu sinh tâm lý học ở Nga; từng trải qua các chức vụ: Chủ nhiệm Khoa Xã hội học-Tâm lý học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội); Phó trưởng ban Thường trực Ban Khoa giáo Trung ương; Tổng biên tập Tạp chí Thế giới trong ta; Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Triều. Từ năm 2001 đến nay, ông là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục Việt Nam. |
Bài và ảnh: HÀ THANH MINH