Bích Trân chia sẻ, vì sống xa quê hương nên cô và các bạn người Khmer thường tới đây để giao lưu với đồng bào Khmer cho vơi nỗi nhớ nhà; đồng thời, tham gia nhiều hoạt động phụ giúp các nhà sư tại chùa như giảng dạy tiếng Khmer cho trẻ em và những người mới làm quen với chữ Khmer. Với Trân, việc dạy chữ cho người Khmer là nghĩa vụ của thế hệ trẻ gìn giữ truyền thống dân tộc Khmer trong cuộc sống hiện đại.
Trong số những dân tộc đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, đồng bào Khmer là cộng đồng có số đông đứng hàng thứ ba (chiếm gần 11% dân số) chỉ sau người Kinh và người Hoa. Trải qua nhiều năm sinh sống, người Khmer dần hòa nhập và trở thành một bộ phận cư dân đặc biệt của thành phố. Chùa Candaransi và chùa Pothiwong hiện là hai trung tâm sinh hoạt văn hóa-tôn giáo của cộng đồng Khmer tại TP Hồ Chí Minh.
Trong những ngày lễ lớn của đồng bào Khmer, đặc biệt là Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, hai ngôi chùa thu hút đông đảo các bạn trẻ và đồng bào Khmer tại TP Hồ Chí Minh đến thăm và tham gia các hoạt động văn hóa. Phong tục đi chùa vào những ngày trọng đại không chỉ là hoạt động mang tính chất thuần túy tôn giáo mà trở thành một tục lệ, một truyền thống văn hóa lâu đời, có giá trị lưu truyền trong cộng đồng người Khmer.
|
|
Hòa thượng Danh Lung thuyết pháp về văn hóa truyền thống dân tộc Khmer cho các phật tử.
|
Đồng bào Khmer tại thành phố chủ yếu tập trung ở khu vực xung quanh hai ngôi chùa Candaransi và Pothiwong. Hằng năm, đặc biệt vào các ngày lễ lớn, tại hai nơi này tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến sinh hoạt văn hóa, tôn giáo-tín ngưỡng truyền thống của đồng bào Khmer, và là nơi tổ chức các lớp dạy chữ Khmer, giáo dục về đạo đức Phật giáo cho người dân. Theo đó, các lớp học chữ và viết tại chùa là cầu nối lan tỏa văn hóa dân tộc, tăng cường sự đoàn kết trong cộng đồng người Khmer với đồng bào các dân tộc khác.
Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó văn phòng 2 Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Candaransi cho biết, ngôi chùa từ lâu được coi là một địa điểm che chở, quây quần bà con Khmer, góp phần lưu truyền phong tục tập quán và văn hóa truyền thống của người Khmer cho các thế hệ trong thành phố, là điểm kết nối văn hóa, tình đoàn kết dân tộc với người dân thành phố, và là nhân tố làm đẹp thêm truyền thống dân tộc, tôn giáo của nhân dân TP Hồ Chí Minh ngày nay.
Bài và ảnh: PHẠM HƯƠNG