Đây là thành tích cao nhất của các đội thi đến từ Việt Nam từ trước đến nay, góp phần truyền cảm hứng đam mê công nghệ đến cộng đồng sinh viên TP Hồ Chí Minh và cả nước.
Dự án trên mang tên “Gateway” của 4 sinh viên tài năng Nguyễn Võ Đăng Cao, Trương Hoàng Duy, Nguyễn Đăng Khương, Nguyễn Mạnh Hùng. Gateway là một sản phẩm xây dựng các chốt kiểm tra 5K không cần sự hỗ trợ hoặc can thiệp của con người. Mục tiêu chính của dự án là giảm bớt áp lực cho lực lượng y tế, cộng đồng, các doanh nghiệp trong công cuộc phòng, chống dịch. Điểm nổi bật của dự án là các điều kiện tiên quyết như giá thành thấp, học sinh, sinh viên có thể lắp đặt thông qua các thiết bị linh kiện điện tử, ứng dụng điện thoại để thiết lập Gateway tại nơi sinh sống và làm việc.
Chia sẻ về quá trình thực hiện dự án, sinh viên Nguyễn Đăng Khương thông tin rằng, khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu chịu ảnh hưởng về mọi mặt do dịch Covid-19 nhưng những khâu kiểm tra, kiểm soát dịch lúc bấy giờ tốn nhiều nhân lực, thời gian nên nhóm đã lên ý tưởng thực hiện một sản phẩm giải quyết vấn đề cấp thiết này. Từ lúc lên ý tưởng cho đến khi hoàn thành sản phẩm là khoảng thời gian toàn thành phố giãn cách xã hội, nên mọi công đoạn như vẽ bản mẫu, tìm mua các thiết bị cần thiết, in các bản mẫu 3D, thực hiện video dự thi... đã gặp không ít khó khăn và đều do chính những sinh viên này thực hiện.
Sinh viên Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thêm rằng: “Với những lợi thế riêng, mỗi thành viên đảm nhiệm từng phần việc khác nhau. Nhóm phân chia người lo về kỹ thuật, xây dựng website, phụ trách thiết kế ứng dụng, quản lý hoạt động chung, qua đó tạo niềm tin, truyền cảm hứng làm việc lẫn nhau. Nhóm cũng sử dụng những công nghệ của Google để hoàn thành tiêu chí đánh giá của cuộc thi Solution Challenge 2022”.
Các sinh viên tài năng của Trường Đại học Hoa Sen đã được đại diện Google trực tiếp đến TP Hồ Chí Minh để vinh danh, trao thưởng. Vấn đề Google đánh giá cao ở dự án Gateway không chỉ là sản phẩm hỗ trợ phòng, chống dịch mà là sản phẩm do chính tay sinh viên thực hiện, tạo sự khác biệt so với sản phẩm đến từ các tập đoàn công nghệ khác. Thông qua đó, giúp cộng đồng sinh viên tại TP Hồ Chí Minh được truyền cảm hứng, tiếp lửa theo đuổi niềm đam mê công nghệ, khuyến khích tinh thần tự học, chủ động, mạnh dạn đưa ý tưởng ra thực tế. Cũng từ thành công của dự án Gateway, có thể thấy sinh viên phải biết “kích hoạt” niềm đam mê công nghệ, quyết tâm phải đủ lớn và kiên trì thì mới có thể thành công.
Bài và ảnh: THƯ LÊ