Hà Nội xưa có hàng chục phố Hàng mà mỗi tên phố gắn với một mặt hàng thủ công được người dân sản xuất, buôn bán tại phố. Trải qua hơn nghìn năm, đường phố vẫn còn đó, nhưng một số tên phố đã không còn. Bao nhiêu nghề mới xuất hiện, nhiều nghề cũ đã mai một đi và nhiều tên phố không còn gắn với nghề hoặc mặt hàng trên phố xưa nữa. Hiện tại, chỉ còn một số phố nghề vẫn kinh doanh buôn bán những mặt hàng như tên gọi cũ. Phố Hàng Bạc (thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) là một trong số ít phố nghề như thế.

Theo nội dung ghi tạc trên tấm bia đặt tại đình Dũng Hãn, nay gọi là đình Kim Ngân (số 42 Hàng Bạc) thì thời gian ra đời phố Hàng Bạc vào khoảng thời nhà Lê hoặc có thể sớm hơn. Vào thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đã lập nên một xưởng đúc bạc nén làm tiền tệ (số 58 Hàng Bạc). Hiện nay, đây trở thành một trong những di tích lịch sử thu hút du khách khi đến phố này.

leftcenterrightdel
Ông Kim Thành là đời thứ 4 trong gia đình theo nghề kim hoàn trên phố Hàng Bạc. 

Xưa kia, người dân ở phố này có 3 nghề chính là đúc bạc nén, đổi bạc và chế tác vàng, bạc. Ngoài một số dân Hà Nội gốc, những người làm nghề chủ yếu là dân của 3 làng khác di cư đến đó là Châu Khê (Hải Dương), Định Công (Hà Nội) và Đồng Xâm (Thái Bình). Đầu thế kỷ 19, khi triều Nguyễn chuyển vào Huế, xưởng đúc bạc cũng chuyển theo. Nghề đổi bạc vẫn tồn tại đến thời Pháp thuộc, cho nên, người Pháp gọi phố Hàng Bạc là Rue des Changeurs (phố Những người đổi bạc hay phố Đổi bạc). Nghề kim hoàn vẫn còn cho đến ngày nay và đúng như tên gọi của nó, phố Hàng Bạc là nơi sinh sống của những người làm nghề chế tác vàng, bạc.

Theo người dân ở đây kể lại thì nơi đây trước kia các cô gái mới lớn ở những gia đình khá giả ven kinh thành thường đến phố Hàng Bạc để chọn mua khuyên tai hay những bộ xà tích đeo ở thắt lưng đi chơi hội vào dịp Tết. Các cửa hiệu kim hoàn thời ấy vừa bán hàng, vừa có thợ ngồi làm hàng ngay tại quầy. Hàng bán sẵn thường là đồ bạc còn vàng thì phải đặt mới làm.

Ngày nay, phố Hàng Bạc là một trong số ít những con phố cổ lâu đời nhất Hà Nội vẫn giữ nghề cũ như tên gọi của nó. Khi cần mua bán, sửa chữa hay cầu kỳ, khó tính hơn là đặt thợ chế tác trang sức vàng, bạc theo yêu cầu, đa số người dân Hà Nội vẫn bảo nhau đến phố Hàng Bạc. Ở đây cung cấp cho thị trường những mẫu trang sức vàng, bạc với đủ kiểu dáng, mẫu mã đa dạng từ khuyên tai, vòng cổ, nhẫn… Cùng với sự phát triển của khoa học-kỹ thuật, việc chế tác vàng, bạc đã được hỗ trợ bởi các máy móc thiết bị hiện đại. Nhu cầu của người dân cũng phong phú hơn nên các cửa hàng ở đây bán chủ yếu trang sức làm sẵn, nhập khẩu. Bởi vậy, những người làm nghề kim hoàn trên phố cũng thưa dần. Một phần, do diện tích chật chội nên nhiều cửa hàng chỉ bán hàng, giao dịch với khách còn xưởng chế tác được chuyển đến địa điểm khác.

Phố Hàng Bạc ngày nay nhộn nhịp người xe qua lại, cửa hàng san sát nhau khiến người đi qua khó nhận ra những ngôi nhà hình ống, mái chồng diêm ngói cong xưa cũ. Không gian ồn ào của phố thị cũng làm vắng đi tiếng đe, búa, tiếng máy hàn xì của các xưởng chế tác vàng, bạc. Và, cũng phải để ý lắm mới có thể thấy bóng dáng người thợ kim hoàn ngồi sau chiếc bàn với lỉnh kỉnh đồ nghề.

Khác với những cửa hàng có tủ kính, đèn điện, biển hiệu to đẹp trên phố, cửa hàng số 83 Hàng Bạc của ông Kim Thành đơn sơ hơn rất nhiều. Bên ngoài có tủ kính nhỏ bày một số trang sức bằng vàng, bạc được làm theo kiểu thủ công, bên trong có 3 bàn làm việc của thợ kim hoàn. Gia đình ông Thành là một trong số ít gia đình còn làm nghề kim hoàn truyền thống trên phố Hàng Bạc. Các cụ nhà ông là người làng Định Công gốc, chuyển đến phố này làm nghề đã hơn 100 năm, đến đời ông là đời thứ 4 theo nghề này. Hiện tại, những người làm kim hoàn ở phố Hàng Bạc chủ yếu là người gốc Châu Khê và Đồng Xâm, người Định Công rất ít.

Theo anh Anh Đức-một thợ kim hoàn trên phố Hàng Bạc thì đa số thợ kim hoàn ở đây là người trẻ. Khách đến với thợ ở đây thường là sửa chữa trang sức và những vị khách quen ưa sự cầu kỳ, độc đáo muốn đặt làm một món đồ theo ý riêng.

Khi tôi hỏi ông Thành làm nghề này bây giờ ổn không? Ông vừa làm, vừa trả lời: “Thật ra, nếu làm nghề tốt thì lúc nào cũng sống tốt được bằng nghề cả thôi. Nghề này cũng không có gì đặc biệt, nhưng nó là nghề gia truyền nên mình phải giữ. Con trai tôi cũng đang làm nghề này”. Và dẫu là nghề “không có gì đặc biệt” thế nhưng, có người học vài tháng có người lại học mãi cũng không thành nghề được.

Trải qua hàng trăm năm, như lời của ông Phạm Thái Lai-một người dân gốc ở phố này thì nghề kim hoàn trên phố Hàng Bạc cũng đã có lúc thăng, lúc trầm. Thế nhưng, vẫn còn những người dân ưa thích đồ trang sức thủ công mang dấu ấn riêng của dân tộc và còn những người giữ nghề như gia đình ông Kim Thành thì nghề kim hoàn trên phố Hàng Bạc tưởng như “đã cũ” ấy sẽ vẫn còn.

Bài và ảnh: DƯƠNG THU