Nguyện vọng trở về Tổ quốc cống hiến

GS Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913, tại làng Chánh Hiệp, xã Hòa Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Lúc 12 tuổi, đi học qua cầu Thiền Đức, hai lần chứng kiến cảnh người nhảy xuống sông tự tử, ông hỏi ra mới biết là do cuộc sống quá cơ cực, đói khổ. Từ đó, ông nuôi chí phải đánh đuổi thực dân Pháp để cho dân mình bớt khổ. Ông nghĩ: “Muốn vậy phải có chiến lược, chiến thuật và vũ khí”.

Năm 1933, ông thi đậu loại giỏi bằng tú tài Tây và tú tài ta, được học bổng đi Hà Nội học, nhưng ông không đi vì ở Việt Nam không có trường cũng như tài liệu dạy về vũ khí. Sau hai năm đi làm ở Tòa sứ Mỹ Tho, ông gặp nhà báo Dương Quang Ngưu-một Việt kiều Pháp yêu nước làm việc ở đây. Ông được ông Ngưu vận động Hội Ái hữu Trường Chasseloup Laubat cấp cho một năm học bổng đi du học tại Paris. Vì học bổng của Trường Chasseloup Laubat chỉ cấp một năm, để có đủ tiền cho hai năm đại học, ông phải tìm sách tự học năm thứ nhất và dồn sức làm 16 giờ/ngày kiếm tiền trang trải. Khóa học hai năm nhưng vì quyết tâm nên chỉ trong một năm, ông đủ điều kiện vào trường đại học tại Paris. Cuối năm 1936, ông thi đậu vào Trường Quốc gia Cầu cống và được học bổng học tiếp. Ông học thêm các trường đại học Sorbonne, hàng không… và lần lượt tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân toán học tại các trường: Đại học Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris.

leftcenterrightdel
Bác Hồ với Giáo sư Trần Đại Nghĩa.  Ảnh do gia đình Giáo sư Trần Đại Nghĩa cung cấp

Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay Halle ở miền Trung nước Đức và Viện Nghiên cứu Vũ khí. Kỹ thuật hàng không của Đức lúc bấy giờ tiến bộ nhất châu Âu. Mấy tháng sau, trở lại Paris, ông làm cho Công ty Sud Avion. Nhờ ham học, ông thông thạo các ngoại ngữ: Pháp, Đức, Anh, Nga, Trung.

Tháng 5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Kỹ sư Phạm Quang Lễ nhờ ông Hoàng Xuân Mạn (em của GS Hoàng Xuân Hãn) giới thiệu với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, trình bày ý nguyện hồi hương cứu quốc. Khi gặp Phạm Quang Lễ, Bác hỏi: “Nguyện vọng của chú lúc này là gì?”, ông trả lời rất nhanh: “Kính thưa cụ, nguyện vọng cao nhất của tôi là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”. Bác nói rõ tình hình trong nước rất khó khăn và hỏi có chịu nổi không, ông trả lời: “Tôi chịu nổi”. Bác lại nói ở bên nhà không có kỹ sư và công nhân vũ khí, máy móc thiếu, liệu có làm được không? Ông đáp chắc như đinh đóng cột: “Tôi làm được”.

Và ông từ bỏ chức vụ Kỹ sư trưởng ở hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord với đồng lương tương đương 22 lạng vàng/tháng để theo Bác Hồ về nước. Về nước được 7 ngày, ông được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ lên Thái Nguyên nghiên cứu, chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu bazooka của Mỹ, với hai viên đạn do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, GS Tạ Quang Bửu cung cấp.

Ngày 5-12-1946, Bác Hồ giao cho ông làm Cục trưởng Cục Quân giới, đơn vị trực tiếp sản xuất súng, đạn phục vụ chiến đấu. Bác nói: “Việc của chú làm là việc đại nghĩa, vì thế từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam”. Bác giải thích ý nghĩa cái tên: “Một là họ Trần, là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn, để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nước. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo”. Chú có ưng bí danh đó không?”. Từ đó, cái tên Trần Đại Nghĩa đã gắn với ông.

Cùng các đồng nghiệp, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa bắt tay vào công việc ngay. Ông say mê làm việc đến quên ăn, quên ngủ. Cuối cùng, điều kỳ diệu đã đến. Tháng 2-1947, cuộc thử nghiệm bazooka thành công. Năm 1948, ông được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành một trong những vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi ấy, ông mới 35 tuổi.

Các con cháu phải sống trung thực, tự lập

Đại tá Trần Dũng Trí kể: “Sau năm 1975, cha mẹ tôi mới có dịp trở lại miền Nam, gặp gỡ bà con họ hàng sau 40 năm xa cách. Thắp nén nhang lên phần mộ ông bà tôi, cha tôi khấn rằng: “Con đã về đây, đã làm theo đúng nguyện ước của ba má khi xưa, đã học hành thành đạt và cống hiến hết mình cho Tổ quốc”. 

Mẹ tôi quê ở Bắc Ninh, năm 1947 làm y tá thuộc Cục Quân giới. Mẹ tôi kể: “Khi gặp cha, mẹ thấy cha có đức tính cần cù, chịu khó, hiền khô như đất, chẳng bao giờ to tiếng với ai, lại rất tôn trọng cá tính người khác, ít nói và suốt ngày đọc sách nghiên cứu. Rất kín đáo, chẳng bao giờ nói về mình cả bởi ông là người khiêm tốn, không thích phô trương” nên bà đem lòng yêu ông. Lễ cưới của cha mẹ tôi tổ chức vào ngày 2-9-1947, tại Bắc Kạn. Đám cưới được tổ chức rất giản dị, thân mật. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Bí thư Đảng ủy Cục Quân giới tuyên bố lý do, anh em chúc mừng rồi uống nước chè. Anh em đòi khao, cha tôi mở ví ra còn 50 đồng tiền tài chính đưa cho anh Hòa ra Bắc Kạn (cách đó 5km) mua một sọt mắc cọp mang về gọt vỏ, mời mỗi người vài miếng. Sau đó, mọi người bí mật góp mỗi người 5 đồng đưa cho cô Hằng cấp dưỡng làm bữa cơm liên hoan.

Cuộc sống khó khăn, cha động viên mẹ tôi rằng: “Đời sống còn khó khăn, cần phải chi tiêu tiết kiệm, khi nào đất nước tiến lên, mọi người sẽ được sung sướng, trong đó có chúng ta”. Khi tôi cùng các em còn nhỏ và cho tới lúc trưởng thành, cha thường dạy chúng tôi: “Nhờ ơn Đảng, Bác Hồ, các con được bảo đảm đời sống, được học hành. Vì vậy, các con phải cố gắng rèn luyện, học hành thật tốt để sau này phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Trong cuộc sống hằng ngày, các con phải sống có đạo đức, kính trên nhường dưới, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ bạn bè, phải sống trung thực và tự lập”.

Với riêng tôi, là con trai trưởng trong nhà nên cha nhắc phải làm gương cho các em. Khi tôi tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng), cha tôi nói: “Ba rất mừng vì con đã học xong đại học và là một sĩ quan quân đội, do quân đội đào tạo. Vì vậy, ở nơi nào cần và được tổ chức phân công thì con phải chấp hành, ba không can thiệp vào công việc của con. Khi ra làm việc, con phải tiếp tục học tập, phấn đấu và rèn luyện để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất”.

Những lời răn dạy của cha đã theo chúng tôi trong suốt chặng đường đời: “Phải cố gắng học tập, phải sống và làm việc bằng chính khả năng của mình, không dựa dẫm vào người khác”. Cha còn dạy: “Khi nào gặp khó khăn, gian khổ, hãy nghĩ đến Bác Hồ, Tổ quốc và nhân dân thì sẽ vượt qua được hết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

Khắc ghi lời răn dạy của cha, kính trọng và tự hào về cha, tất cả anh em chúng tôi hoàn toàn tự hào và tự tin để nói rằng, chúng tôi đã đem theo tất cả những mong ước, dạy bảo của cha vào cuộc sống, trở thành những công dân tốt của quê hương. Tôi công tác ở Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân, nay đã nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Hai em Trần Dũng Triệu và Trần Dũng Trình cũng tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự. Dũng Triệu công tác ở Cục Khoa học quân sự Bộ Quốc phòng, nay đã nghỉ hưu cũng với quân hàm Đại tá. Dũng Trình là Tiến sĩ ngành kỹ thuật truyền thông, nguyên Phó tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.

Sau này lớn lên, có lần tôi hỏi mẹ sao lại đặt tên tôi là Trần Dũng Trí, mẹ nói: “Mẹ nghĩ Bác Hồ đã đặt họ cho ba các con là họ Trần thì các con cũng lấy họ Trần. Các cháu cũng lấy họ Trần để nối tiếp sự nghiệp của cha”. Các con, cháu của tôi đều mang họ Trần”.

Sinh thời, GS Trần Đại Nghĩa lần lượt giữ các chức vụ quan trọng: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất... Ở cương vị nào ông cũng làm trọn nhiệm vụ của một người luôn học theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trí thức lớn.

Ghi chép của AN BÁCH