Rời cương vị Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội chưa được bao lâu, NSND Thúy Mùi cùng các cộng sự của mình (hầu hết là các nghệ sĩ, diễn viên nghệ thuật truyền thống, có người đã nghỉ hưu, người đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật Trung ương và Hà Nội) đang triển khai đề án biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ du khách tại các làng nghề, di tích trên địa bàn Hà Nội. NSND Thúy Mùi chia sẻ, trước đây khi chị còn công tác tại Nhà hát Chèo Hà Nội, ngoài việc không ngừng đổi mới nâng cao chất lượng cho từng vở diễn, cùng với tìm kiếm, bồi dưỡng các tài năng mới, thì việc quảng bá và mở rộng không gian biểu diễn cho vở diễn tới nhiều đối tượng khán giả được nhà hát đặc biệt chú trọng. Bởi thế mà song song với các vở diễn, chương trình sân khấu hóa “Long Thành cầm giả ca” và tiếp đó là “Hà Nội đêm thứ 7” hội tụ các loại hình nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo, cải lương, đờn ca tài tử, hát văn, ca trù… và các trích đoạn chèo nổi tiếng đã trở thành món “đặc sản” của Nhà hát Chèo Hà Nội, đáp ứng nhu cầu các tour du lịch của Thủ đô trong thời gian qua. Tuy nhiên, như lời của NSND Thúy Mùi, các vở diễn hoặc chương trình xây dựng trong không gian trình diễn “hộp”-đóng khung tại nhà hát (phố Nguyễn Đình Chiểu và rạp Đại Nam, phố Huế) chứ chưa mở rộng không gian biểu diễn, trong khi mong mỏi của những người làm nghệ thuật truyền thống Hà Nội là mở rộng không gian nghệ thuật cho sân khấu. Sân khấu phải đến được nhiều đối tượng khán giả, người già, trẻ em, doanh nhân, khách quốc tế…

leftcenterrightdel
Tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội phục vụ khách du lịch

Khi Sở Du lịch Hà Nội triển khai Dự án đầu tư bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch tại làng nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Ðông) và làng gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo tổ chức, đã biến giấc mơ của các nghệ sĩ thành sự thực. Ngay lập tức, Trung tâm bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam (thuộc Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) mà trực tiếp là NSND Thúy Mùi làm giám đốc, đã triển khai thực hiện các chương trình biểu diễn phục vụ du khách tại các làng nghề, di tích. Các chương trình biểu diễn vừa tạo nguồn thu nhập cho nghệ sĩ, vừa tạo nên sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn cho Thủ đô.

Khán giả muốn hát chèo sẽ có chèo, muốn xem tuồng thì có tuồng, muốn nghe cải lương thì mời cải lương… Đến nay, dự án đã thu hút lực lượng khá đông gồm nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật truyền thống trên địa bàn Hà Nội, Nhà hát Thể nghiệm của Trường Sân khấu Điện ảnh, sinh viên năm thứ 3, thứ 4, có sự kết nối diễn với các nghệ sĩ đã thành danh, các nghệ sĩ đã nghỉ hưu còn yêu nghề, tâm huyết với nghề. 

Theo NSND Thúy Mùi, dự kiến chương trình sẽ làm thí điểm trong 6 tháng đến 1 năm, diễn miễn phí vào thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, trước mắt biểu diễn tại làng gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Nguồn kinh phí cho các chương trình này chủ yếu từ xã hội hóa. Ngoài các tiết mục chung, chương trình cũng hướng đến giới thiệu chân dung và tài năng của từng nghệ sĩ. Như vậy, nghệ sĩ biểu diễn nghệ thuật truyền thống sẽ thấy mình được trân trọng, quan tâm.

Không có lương, không có bao cấp, cả nhân viên và lãnh đạo như NSND Thúy Mùi của trung tâm đều tự “bơi”. Nhưng giấc mơ của họ không dừng lại ở việc biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch tại các khu di tích, làng nghề; tổ chức sân khấu biểu diễn thường xuyên tại trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam (51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội) nhằm tôn vinh các tên tuổi trong làng sân khấu; dự án số hóa dữ liệu nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng của Việt Nam; mà họ còn có khát khao, rằng học sinh của hơn 2.600 trường THCS và THPT ở Hà Nội phải được xem sân khấu truyền thống ít nhất một lần trong đời.

CHÂU XUYÊN