Bất kể thời chiến hay thời bình thì HLQS cũng luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu. Lịch sử chiến tranh thế giới đã chứng minh, không có đội quân nào chưa được huấn luyện mà có thể giành chiến thắng trên chiến trường. Lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã chứng minh, “luyện giỏi, rèn nghiêm” là một trong những nhân tố căn cốt, quan trọng để Quân đội ta giành được những chiến thắng vang dội.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở bộ đội phải thường xuyên: Luyện tập thân thể cho mạnh mẽ. Nghiên cứu kỹ thuật cho thành thạo. Trau dồi tinh thần cho vững chắc. Hun đúc đạo đức của người quân nhân cách mạng cho vững vàng.

Để có được những tố chất và đạt các tiêu chí ấy, con người hoạt động trong lực lượng vũ trang phải được huấn luyện cực kỳ công phu cả về thể chất, tinh thần, tâm lý, trí tuệ, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, kỷ luật và kỹ chiến thuật.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không-Không quân tham gia các hoạt động trong giờ giải lao trên thao trường sau huấn luyện quân sự. Ảnh: XUÂN SANG 

Nội dung HLQS của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay được thực hiện rất đa dạng. Có nội dung huấn luyện cơ bản và huấn luyện chuyên sâu, theo từng chuyên ngành, lĩnh vực, phù hợp với từng đối tượng. Xét dưới góc độ hình thức, có huấn luyện lý thuyết, huấn luyện thực hành sử dụng vũ khí, khí tài; huấn luyện từng người, tổ đội và huấn luyện hiệp đồng ở các quy mô khác nhau. Xét dưới góc độ địa điểm, có huấn luyện trong nhà và huấn luyện ngoài trời, trên thao trường, bãi tập. Xét dưới góc độ thời gian, thời tiết, có nội dung huấn luyện ngày, huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện nắng nóng, mưa gió...

Trong HLQS nói chung thì huấn luyện ngoài thao trường, bãi tập với trang bị, vũ khí, khí tài là huấn luyện cơ bản nhất; diễn tập ở các cấp là hình thức huấn luyện tổng hợp thể hiện nhiều nét đặc trưng với những yêu cầu cao, sát với các loại hình tác chiến có thể diễn ra trong chiến tranh. Đó là hoạt động hao tổn sức khỏe, trí lực và tâm lý. Người tham gia huấn luyện luôn ở trạng thái căng thẳng thần kinh, tâm lý vì phải tập trung cao độ; bị chi phối, tác động của nguyên tắc, cách đánh, quy định hiệp đồng, quy định bảo đảm an toàn sử dụng vũ khí, khí tài và điều kiện ngoại cảnh cùng những "đòn đánh" rất biến hóa của đối phương được chỉ huy các cấp xây dựng, tạo tình huống để luyện tập. Thực tế cho thấy, hoạt động huấn luyện trên thao trường, bãi tập của bộ đội ở các quân, binh chủng, học viện, nhà trường... với những yêu cầu rất cao về nội dung, hình thức trong các điều kiện thời tiết phức tạp, bất lợi thì việc hao mòn thể lực, trí lực và tâm lý của bộ đội là rất lớn.

Theo một nghiên cứu khoa học do Hội Y học thể thao Mỹ công bố năm 2019 về mức độ tiêu hao năng lượng cơ thể khi chạy bộ trên địa hình bằng phẳng cho thấy: Nếu một người nặng khoảng 60kg, chạy bộ 1 tiếng mỗi ngày sẽ tiêu hao khoảng 4,7calo/phút, tương đương với 282calo/giờ. Nếu cơ thể nặng khoảng 70kg, lượng calo tiêu thụ ở mức 5.5calo/phút, tương đương với 330calo/giờ. Nếu cơ thể nặng khoảng 80kg, lượng calo tiêu thụ ở mức 6.3 calo/phút, tương đương với 396calo/giờ. Trong khi đó, HLQS là hoạt động phức hợp, luôn luôn thay đổi trạng thái trong điều kiện thời gian, thời tiết, tình huống khác nhau và luôn phải vận động trên các địa hình đồi núi, địa hình phức tạp thì lượng calo tiêu thụ sẽ tăng tới 4-5 lần so với mức trung bình.

Để hoạt động huấn luyện đạt hiệu quả thì các cấp lãnh đạo, chỉ huy cần có nhiều giải pháp, biện pháp khác nhau phù hợp với đối tượng và điều kiện thực tế. Ví dụ như tổ chức xây dựng bản lĩnh, ý chí, niềm tin, quyết tâm; đổi mới nội dung, chương trình, hình thức huấn luyện; bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; thực hiện huấn luyện xoay vòng xen kẽ, chia nhỏ luyện nhiều; huấn luyện theo tình huống... Cùng với những biện pháp nêu trên, để nâng cao chất lượng huấn luyện, các đơn vị trong toàn quân luôn rất quan tâm việc tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, cổ vũ trên thao trường, bãi tập. Nhiều đơn vị đã duy trì và thực hiện đa dạng, phong phú các mô hình, hoạt động cổ vũ trên thao trường như: “Hộp báo thao trường”, “Tiếng hát thao trường”, “Trò chơi quân sự”...

Trong những mô hình trên thì mô hình “Tiếng hát thao trường” luôn được bộ đội yêu thích bởi tính giải trí cao, tạo không khí gắn kết và tinh thần thoải mái cho bộ đội. Tuy nhiên, để mô hình này thật sự phát huy hiệu quả, không bị nhàm chán thì phải có sự tổ chức tập trung, với "quản trò" vui nhộn và xây dựng những hạt nhân văn nghệ; đặc biệt là phải được thời tiết ủng hộ cũng như bộ đội ít di chuyển để thay đổi địa điểm huấn luyện. Trong công tác tổ chức huấn luyện cho các lực lượng đặc thù như trên tàu hải quân, tàu ngầm, không quân, đặc công nước hay những đơn vị huấn luyện chuyên ngành chuyên sâu thì cần phải lựa chọn những hình thức cổ vũ thao trường cho phù hợp.

Tạo dựng không khí lạc quan, phấn khởi, khích lệ tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện tập" trên thao trường sẽ giúp cho cho bộ đội vượt qua những áp lực căng thẳng để công tác huấn luyện thu được nhiều kết quả thiết thực; đồng thời khắc phục tình trạng huấn luyện chiếu lệ, qua loa, đại khái, cốt cho xong kế hoạch.

Đại tá, ThS TÔ XUÂN MÃ

Viện Khoa học xã hội và nhân văn Quân sự, Học viện Chính trị