Một hôm, trong khi chờ lệnh của xã đội, ông Phạm Đức Dục, Trung đội trưởng tổ chức kiểm tra lại kiến thức dân quân:

- Các đồng chí chú ý, tình hình rất khẩn trương! Ta ôn luyện những vấn đề cấp bách, sẵn sàng chiến đấu với máy bay B-52 của Mỹ mà huyện đội đã huấn luyện cấp tốc. Phương pháp ôn luyện là rút gọn, “cầm tay chỉ việc”.

Rồi ông nói tiếp: "Về sử dụng súng bộ binh trong chiến đấu với B-52, chị Chín mới tham gia lực lượng dân quân, lại vừa đi thăm chồng huấn luyện tân binh ở huyện Chí Linh, mời chị trả lời câu hỏi: Khi xuất hiện B-52, ta sử dụng súng bộ binh như thế nào?”.

Chị Chín đáp: "Chồng tôi kể, B-52 bay cao những hơn 10 cây số. Vậy thì súng bộ binh sao bắn được nó?".

Được ông Dục chỉ định trả lời câu hỏi này, anh Sổ nói mạch lạc:

- Máy bay B-52 đi ném bom bao giờ cũng có máy bay F-4, A-6, F-111 "cánh cụp, cánh xòe"... bay cùng để yểm trợ. Khi B-52 bị bắn hạ, lũ này tìm đường chuồn. Chúng hạ thấp độ cao để tránh bị radar của ta phát hiện. Lúc ấy, súng bộ binh đón lõng và “hạ chúng xuống”. Không khác gì trường hợp dân quân xã Tiên Động huyện mình trực chiến tại cụm Quý Cao, bằng súng 12,7mm đã bắn trúng một "thằng" A-6 của Mỹ, làm nó đâm đầu xuống biển lúc nửa đêm 13-8-1972 ấy...

leftcenterrightdel

Cổng đình làng Nghĩa Dũng - một trong những địa điểm dân quân thôn trực chiến 12 ngày đêm cuối năm 1972. 

Ông Dục tiếp lời: Tên lửa và không quân trực tiếp diệt B-52 trên cao. Dân quân với súng bộ binh diệt bọn “chân tay” của nó. Thế gọi là hiệp đồng tác chiến... B-52 như cái pháo đài bay chở 30 tấn bom. Nó nằm choán gần hết nửa cái sân bóng đá. Nhưng dù có B-52 hay “bê” gì đi nữa, chúng ta cũng quyết đánh bại, như Bác Hồ đã dạy. Vậy nên phải sẵn sàng đi tóm bọn giặc lái. Bây giờ làm thử...

Anh Ung to cao như hộ pháp đóng vai giặc lái B-52 vừa rơi xuống đất. Chị Tấm ôm khẩu K44 chĩa lưỡi lê thẳng vào bụng “thằng giặc”. Ông Dục quát lên:
- Đồng chí Tấm định làm gì nó?

Chị Tấm nhớ lại chuyện xưa: Đó là mùa hè năm 1967, phi công Mỹ nhảy dù ra khỏi chiếc máy bay bị ta bắn cháy, tiếp đất ở giữa cánh đồng thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo lân cận. Nó bị 5 đồng chí dân quân ở thôn Lạc Dục và ông Đệ, nhân viên mậu dịch bách hóa xã bắt sống. Anh Thiết, lái xe của cơ quan Công an tỉnh Hải Hưng trói gọn nó, tống lên xe mô tô 3 bánh, chở về làng Nghĩa Dũng (nơi Công an tỉnh sơ tán). Chị Tấm đang học lớp 8 cùng các bạn kéo nhau đi xem. Chị nhìn rõ, khi chiếc xe chở thằng giặc lái đi từ từ, chậm lại vì bà con ra xem quá đông thì cô Thanh (là em liệt sĩ) cầm cái đòn gánh bất thình lình định phang ngang lưng thằng giặc. Lúng túng thế nào lại phang trượt vào đuôi chiếc xe. Ông Tiệc, Xã đội trưởng nhìn cô Thanh, quát: “Không được đánh nó, nghe chưa?”. Chị nghĩ, vụ ấy cô Thanh hấp tấp, chứ chị thì khác... liền trả lời dõng dạc:

- Bọn giặc lái B-52 đã hủy diệt Hải Phòng hôm 16-4, giết hàng nghìn người dân vô tội. Giờ gặp chúng nó, tôi đâm chết luôn để trả thù...

- Không được!-ông Dục khảng khái-Chính sách đối với tù binh, hàng binh đã được quán triệt. Tôi nhắc lại: Nếu tóm được phi công Mỹ, các đồng chí phải báo cáo chỉ huy để trình lên huyện. Không được tùy tiện xử lý nó. Đó là chính sách, là kỷ luật chiến trường...-ông Dục nhấn mạnh.

Chị Tấm rụt vào. Anh Sổ đứng đối diện “thằng giặc”, chĩa cái gậy vào ngực nó rồi hét lên:

- Hen ấp (Hands up-tiếng Anh, nghĩa là "Giơ tay lên"-NV)!

“Giặc lái” Ung liền giơ hai tay lên quá đầu rồi cứ đứng im. Ông Dục nhắc: “Phải nói câu gì đi chứ!”. Nhưng anh Ung vẫn im như trời trồng. Ông Dục liền vào đóng thế. Ông giơ tay hàng rồi quỳ xuống đất, miệng lắp bắp:

- Tôi lạy quý ông, quý bà. Xin quý ông, quý bà đừng giết tôi. Cho tôi uống nước...

Mọi người khen “thằng giặc lái B-52” nói tiếng Việt sõi quá...

leftcenterrightdel

 Cụ Nguyễn Thị Sao (giữa) trong Hội Mẹ chiến sĩ xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ kể chuyện tiếp tế cho dân quân xã nhà trực chiến cuối năm 1972.

Từ đêm 18-12 cho đến lúc kết thúc chiến dịch, Hà Nội kiên cường trong bom rơi lửa cháy của B-52 Mỹ. Bà con thôn Nghĩa Dũng thường túm năm tụm ba, có nơi hàng chục người kéo nhau lên đê cao, đứng hướng về Thủ đô theo dõi. Dân quân thôn thay ca thức trắng đêm sẵn sàng chiến đấu. Hội Mẹ chiến sĩ của xã, của thôn lại tần tảo sớm hôm chu cấp nước chè xanh, hoa quả, khoai om, sắn luộc vườn quê... tới các điểm dân quân trực chiến như hồi địch tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất (1965-1968)...

Tôi nhớ, nửa đêm về sáng 21-12, khói lửa ở vùng trời Hà Nội kéo dài tới lúc rạng đông, giữa tiếng máy bay, tiếng đạn bom ì ầm. Trưa hôm sau, loa truyền thanh loan tin: Thêm 11 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 3 chiếc B-52, 8 máy bay chiến thuật bị bắn hạ ở Hà Nội và Hải Phòng... Ông Dục liền giao nhiệm vụ cho bà Gặp, Trung đội phó chỉ huy trực chiến rồi đạp xe vun vút lên huyện.

Trở về, ông phổ biến cho toàn trung đội nghe: “Đêm hôm qua, rạng sáng hôm nay (22-12-1972), B-52 của Mỹ đã ném hàng trăm quả bom xuống Bệnh viện Bạch Mai, gây tội ác vô cùng man rợ. Chúng đã phải đền tội. Ngay trong đêm, quân và dân tỉnh ta bắt sống 5 thằng giặc lái. Chắc là 5 thằng này cùng lái một cái B-52. Các đồng chí lưu ý chi tiết này: Khi nhìn thấy hai chiếc dù đang rơi trên cánh đồng thì dân quân xã Tráng Liệt, huyện Bình Giang (nay là thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương-NV) lên loa, đánh kẻng, gọi nhau đi bắt chúng. Cả hai tên Mỹ vừa chạm đất đã vội giơ tay hàng. Dân quân tóm luôn, đưa về giam tại trụ sở hợp tác xã, đợi cấp trên xử lý. Cùng lúc đó, dân quân xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào (nay thuộc tỉnh Hưng Yên-NV) cũng phát hiện 3 chiếc dù rơi xuống địa phận xã. Nhiều người dân cùng bộ đội, dân quân bủa vây, bắt ngay khi chúng vừa tiếp đất. Vậy bài học ở đây là gì? Là dân quân trực chiến phải thường xuyên quan sát bầu trời. Phát hiện thấy dù hoặc đống lửa lao xuống đất, đó là máy bay rơi, thì lập tức loan tin, đồng thời báo cáo chỉ huy trung đội để tổ chức bắt phi công. Dân quân là nòng cốt trong nhiệm vụ này...”.

Giờ đây, lứa dân quân trực chiến ngày ấy của làng Nghĩa Dũng chỉ còn lại vài người, đã già cả. Làng xóm nông thôn mới Nghĩa Dũng hôm nay tươi đẹp lên từng ngày, đọng trong đấy trang sử quê hương một thời đánh giặc, có những ngày đêm "chia lửa" với Hà Nội, Hải Phòng trong trận “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, bình dị mà rất đỗi thân thương.

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG