Ký ức của người em

Ông Thưởng sinh năm Ất Dậu 1945. Tháng 2-1964, ông nhập ngũ vào Lữ đoàn Dù 305 (chuyển thành bộ đội đặc công ngày 19-3-1967). Còn ông Chức kém anh 1 tuổi, nhập ngũ năm 1967. Đầu năm 1969, hai anh em đều đã là đảng viên và cùng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Ông Thưởng là Trung đội trưởng, d7, NB. Còn ông Chức cũng là cán bộ Trung đội Trinh sát đặc công, thuộc Đại đội 20, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325B.

Trò chuyện cùng chúng tôi trong những ngày tháng 7 vừa qua, Đại úy, cựu chiến binh Cao Chức, nguyên Phó trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 bồi hồi nhớ lại: "Từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Bộ tư lệnh Sư đoàn 325B tạm rút vào rừng Quảng Trị để củng cố lực lượng. Bộ tư lệnh chỉ đạo các đơn vị đặc công trinh sát phải đi tìm và tiêu diệt địch, không để chúng làm chủ chiến trường. Dịp kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ (19-5-1969), sư đoàn phát động thi đua lập công mừng sinh nhật Bác, đơn vị đặc công d7, NB (nơi anh Cao Viết Thưởng là Trung đội trưởng) cũng thi đua lập thành tích mừng thọ Bác tuổi 79. Không ngờ, trong trận quyết chiến với quân thù ngày 13-5-1969, anh Thưởng đã mãi mãi nằm lại chiến trường”.

“Anh Thưởng không còn. Tôi cứ ân hận mãi về suy nghĩ của mình ngày hai anh em còn là học sinh... Một buổi tối đầu năm 1962, có bà hàng xóm sang nhà tôi chơi. Lúc đó, anh Thưởng đang đi học nhóm (cấp 3) ở nhà bạn. Tôi nằm đắp chăn ở giường. Chỉ có mẹ tôi tiếp khách. Bà hàng xóm thẽ thọt: “Thưa bà! Nhà tôi một bề con gái. Tôi muốn bà nói với anh Thưởng, nếu anh ấy đồng ý thì tôi sẽ gả một đứa cho...”. Bà hàng xóm về rồi, tôi nói với mẹ: “Mẹ không được hỏi vợ cho anh Thưởng đấy. Để anh học hành đến nơi đến chốn đã!”. Nếu ngày ấy anh Thưởng kết hôn thì anh đã có con... Giờ thì... hơn 50 năm rồi vẫn chưa tìm được hài cốt của anh!”-ông Chức bùi ngùi.

Quyết tâm lập công dâng Bác

Ngày 15-5-1969, hai ngày sau khi anh trai hy sinh, Trung đội trưởng Cao Chức đảm nhiệm Mũi trưởng đi tìm địch, trong lòng quyết tâm trả thù cho anh, cũng là tiếp tục thực hiện lời hẹn với anh trai cùng lập công mừng sinh nhật Bác.

Anh chọn 5 người đi cùng với mình. Mỗi người mang 1 dao găm, 1 súng AK báng gập, 2 băng đạn, 10 lựu đạn, 10 thủ pháo TNT loại 400g đã tra kíp, với ý định: Tìm thấy địch, nếu điều kiện cho phép là chiến đấu ngay. “Trinh sát đặc công tức là làm cả hai việc trinh sát và đánh trận”.

Tìm từ đêm 15 đến đêm 17-9-1969 thì thấy trận địa của địch ở cao điểm 333 trên đất Cam Lộ (Quảng Trị), cách đồi Không Tên-Bùi Ngọc Đủ khoảng 5km về phía Nam. Qua hàng rào nhiều lớp là những hầm bán âm, căng bạt che, chĩa nòng súng đại liên ra cửa. Với địa thế và lực lượng hùng hậu, địch án ngữ một vùng bắc-tây bắc, ngăn Quân Giải phóng tiến về phía Nam.

leftcenterrightdel

Đại úy Cao Chức (giữa) cùng các thương binh-cựu đồng đội trinh sát đặc công Sư đoàn 325B, tháng 7-2022.

Nhận thấy điều kiện cho phép, Cao Chức quyết định tổ chức chiến đấu. Anh chọn 3 hướng tiếp cận trận địa địch, phân công cụ thể: Hướng nam, phía Cồn Tiên-Dốc Miếu đi lên và hướng biển đi vào đều phải vượt qua 3 lớp rào thép gai. Mỗi hướng này do hai chiến sĩ đảm trách. Riêng hướng bắc-tây bắc có 5 lớp rào, gồm 2 lớp thép gai xen kẽ 3 lớp cành cây khô dễ gãy phát ra âm thanh, kết cấu kiểu sừng hươu, cực kỳ khó khăn khi di chuyển qua. Anh và Lê Đình Thông (bạn học hồi cấp 3) đảm nhiệm hướng này. Các hướng độc lập tác chiến. Đúng 3 giờ sáng (giờ G) ngày 18-5-1969 triển khai vượt rào. Qua hàng rào cuối cùng rồi thì chỉ được hành động tiếp khi Cao Chức nổ quả mìn định hướng đầu tiên. “Chúc anh em trận này ai cũng có huân chương chiến công!”-Cao Chức bắt tay từng người trước khi vào trận.

Giờ G đã điểm. Ở hướng bắc-tây bắc, Chức cầm một đầu sợi dây dù dài 50m đi trước gỡ mìn, mở lối. Thông cầm đầu kia, chờ dây căng thì lần theo, luân phiên. Qua hết 5 hàng rào, thấy một ụ đại liên có 3 tên giặc. Chức giao Thông diệt tên ngồi. Chức diệt tên đứng xong, xử tiếp tên nằm ngủ. Giải quyết xong ụ đại liên đầu tiên, hai người di chuyển tiếp. Thấy một cái cây, gốc to cỡ 3 người ôm, tán lá phủ rộng, Chức nhanh chóng xác định được khu hầm chỉ huy và nổ mìn định hướng tiêu diệt... Ngay sau đó, ở cả 3 phía, các hầm địch còn lại “nhận” thủ pháo và “nhận” tiếp lựu đạn, tan tác trong không đầy nửa tiếng đồng hồ.

Các chiến sĩ rút nhanh tránh pháo địch phản kích. Lợi dụng địa hình, Chức và Thông rẽ lệch hướng một chút so với khi vào thì bất ngờ gặp một ổ đại liên đã mất sức chiến đấu vì sợ hãi. Chức tiêu diệt một tên. Cùng lúc đó, Thông “thả” quả lựu đạn vào trong hầm.

Vài phút sau, địch phản công. Pháo lớn từ các nơi nhả đạn; những tên sống sót tại chỗ bắn súng cối, tập trung chặn các hướng rút của quân ta. Thông bị mảnh đạn găm vào bụng, đùi... Chức băng bó cho bạn xong, đeo hai súng dìu Thông. Đến giữa lớp rào “sừng hươu” thứ ba, Chức bị chùm mảnh đạn bay chạm vùng mặt, trán, sống mũi, quai hàm, đỉnh đầu và má trái loang máu... Sáng hẳn, hai anh em ra tới chân núi. Thông gắng gượng nói: “Mày để một súng cho tao. Gặp địch, tao sẽ chiến đấu. Còn mày về đơn vị bảo người lên tìm tao!”. Nhìn sắc mặt của Thông, Chức gồng mình kéo bạn một đoạn nữa rồi dừng. Thông đã tắt thở. Chức vuốt mắt bạn, rồi lấy hết sức dùng dao găm đào hố, đặt Thông xuống, vùi lại. Anh cắm dao găm của Thông vào gốc cây để đánh dấu rồi nằm nghỉ dưới hõm đất...

Hai chiến sĩ xâm nhập trận địa địch từ phía biển, khi rút, thấy đạn pháo địch rơi chát chúa thì vào hang đá núp. Lúc đi tiếp ra khe suối, nhìn vết máu, lần theo, thấy Chức đeo hai súng nằm bất tỉnh.

Chức được tổ tải thương đưa thẳng về trạm phẫu của sư đoàn và chuyển ngay đến điều trị tại Bệnh viện Mặt trận B5.

Tối hôm ấy, một số đài báo trong nước và nước ngoài đưa tin: Rạng sáng 18-5-1969, một đại đội thám báo Mỹ bị Quân Giải phóng tiêu diệt gọn tại điểm cao 333-Quảng Trị. Toàn Mặt trận B5 hân hoan. Đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 325B đến tận bệnh viện thăm và động viên Mũi trưởng Cao Chức.

... Cuối tháng 7-1969, Chức xuất viện, xin trở về đại đội cũ (lúc này ở xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh-nơi Sư đoàn 325B trước đó đã từ Quảng Trị trở ra để củng cố, chuẩn bị cho các trận đánh tiếp theo). Giữa tháng 9, anh được cử ra miền Bắc đi báo công với quân và dân một số địa phương. Buổi nào cũng đông nghịt người nghe. Tại hội trường Quân khu Tả Ngạn (Quân khu 3 ngày nay), lúc ấy sơ tán tại Chí Linh, Chính ủy Nguyễn Quyết nghe anh tường thuật trận đánh cao điểm 333. Ông đã khóc và thốt lên: “Giá mà Bác Hồ còn sống!...”. Xong nhiệm vụ này, Chức trở lại đơn vị, tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu cho đến ngày toàn thắng...

Đại úy Cao Chức rời quân ngũ năm 1982 theo chế độ mất sức (sau chuyển thành bệnh binh). Hiện ông sống cùng vợ và con cháu tại quê nhà. Trên bàn thờ gia tiên, di ảnh liệt sĩ Cao Viết Thưởng như đang tâm sự với ông nhiều điều, trong đó có kỷ niệm thi đua lập công dâng Bác năm 1969 tại chiến trường Quảng Trị...

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG