Năm 2016, Hiệp về, điện cho tôi, bảo: "Lâu rồi không gặp nhau, Tết này anh em gặp nhau nhé!". Thế là tôi bắt xe từ Hải Dương lên nhà Hiệp. Hiệp quê ở xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1990, Hiệp sang Cộng hòa Dân chủ Đức, rồi sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ, Hiệp ở lại Cộng hòa Liên bang Đức làm ăn, vài năm mới về một lần. Làm ăn, dành dụm mua được cái nhà trong ngõ ở Hà Nội cho con trai.

Hiệp ôm chặt lấy tôi, khi tôi vừa bước vào nhà. Mấy năm không gặp mà Hiệp thay đổi nhiều quá. Tóc bạc trắng cả mái đầu, râu tua tủa đầy cằm, trông già như ông lão. Cứ nghĩ sống trên đất nước phát triển, không phải lo cơm, áo,, gạo tiền như chúng tôi, Hiệp phải trẻ lắm. Vậy mà... Hiệp kéo tôi vào nhà, đã có đủ 6 thằng, anh em tay bắt mặt mừng. Hiệp bị thương cụt một chân, bước tập tễnh bá vai khoác cổ hết người này sang người kia, tôi thấy Hiệp vui lắm. Ừ, không vui sao được, đã lâu lắm rồi 6 thằng mới lại ngồi đông đủ với nhau thế này. 6 thằng như đang cùng một lán ở rừng.

Ngày tôi điều trị khỏi vết thương, tôi được đưa về đơn vị an dưỡng thương binh nặng của miền Đông Nam Bộ. Lán tôi ở có 6 anh em gồm: Hiệp, Thức, Tá, Tửu, Tư và tôi. Tôi và Hiệp thường đi cắm câu đêm bên bờ sông Măng, những con cá trê vàng ươm, những chú lươn to mà ngắn choằn. Nhiều hôm chúng tôi mắc võng bên bờ sông. Mùa khô sông chỉ còn những vụng nước, cá dồn xuống đấy, chúng tôi thả lưới, xong rồi tôi nằm nghe Hiệp đọc thơ của Giang Nam, của Hoàng Cầm. Tôi thì nha nhẩn hát. Hiệp thích nghe tôi hát.

Mỗi khi tôi hát, Hiệp chìm đắm vào ca từ, nhạc điệu. Vậy mà đã mấy chục năm rồi. Tôi thỉnh thoảng có gặp vài người, còn đông đủ thế này thì hôm nay mới có. Vì thế, anh em tôi tay bắt mặt mừng, ai cũng muốn ôm chặt lấy bạn mình. Cát-vợ Hiệp dọn thức ăn ra bàn, chúng tôi quây quần bên nhau, Thức oang oang: "Nào! Uống đi chúng mày. Uống mừng 6 thằng đi qua cuộc chiến, rồi lại lăn lộn với đời thường để giành giật lấy những ngày sống, giờ vẫn còn được ngồi bên nhau. Nào, zô!". Mọi người đồng thanh. Nghe Thức nói không ai nghĩ Thức bị ung thư vòm họng và đang xạ trị.

Thức quê gốc ở Hưng Yên, sinh ra tại Hà Nội. Nhà Thức ở số 4 phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Thức cũng cụt một chân. Trước ngày nhập ngũ, anh là họa sĩ trang trí cho một cửa hàng thực phẩm. Khi ở rừng về, Thức theo học về mỹ thuật; ra trường, anh dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, rồi lấy vợ. Vợ Thức là cô gái đẹp, làm y sĩ của một bệnh viện. Vợ chồng Thức sinh được hai cháu. Cứ nghĩ là hai người sẽ sống với nhau hạnh phúc.... vậy mà lại ly hôn. Hôm ở tòa án về, tay cầm tờ giấy ly hôn, Thức còn nhận được giấy thông báo kết quả của bệnh viện: Ung thư vòm họng.

Vật lộn với bệnh tật đã 10 năm, Thức vẫn lạc quan như vốn phẩm chất người lính đã qua bom đạn. Nghỉ hưu rồi nhưng anh vẫn dạy bồi dưỡng hội họa cho các em sinh viên. Và đặc biệt là vẫn vẽ, những bức tranh của Thức được đồng nghiệp đánh giá cao. Thức bảo: "Mình đã lãi hơn đồng đội hy sinh còn nằm khắp đất nước mấy chục năm rồi. Lãi thêm mấy đứa con nữa. Vậy còn gì phải suy nghĩ, tính toán. Thức nói mà mặt cứ xơn xởn như chẳng có chuyện gì cả. Nhìn Thức, tôi lại nhớ đến khổ thơ tôi viết về Thức ở bài thơ "Năm gương mặt lính": Chúng tôi ôm thằng Thức mà thương/ Căn bệnh nặng trời đày bể khổ/ Tờ ly hôn đặt dưới bàn chân gỗ/ Nó lang thang theo số mệnh trời.

leftcenterrightdel

Minh họa: KHOA AN

"Kìa Tư cụt, uống đi chứ!", vẫn giọng Thức. Tôi nhìn sang Tư, hai cùi tay đang nâng chén rượu, như chiếc máy đang nâng hàng lên xe. Mặt Tư phừng phừng, nói: "Hôm nay, em uống nhiều nhất đấy!". Tư ít tuổi nhất nên từ ngày ở rừng đến giờ vẫn xưng hô như thế. "Thật đấy các anh, mọi hôm nhà em không uống nhiều thế này đâu. Hôm nay đông vui uống hơi nhiều rồi đấy!", Giang-vợ Tư đỡ lời thay chồng.

Tư quê xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Tôi về trại an dưỡng thì Tư đã ở đấy rồi. Những ngày đầu nhìn thấy Tư với hai cùi tay cụt, tôi cũng ái ngại. Bữa cơm, mấy cô điều dưỡng cứ bảo để xúc cho Tư ăn nhưng Tư không chịu. Tư lấy dây cao su quấn vào cái cùi tay cụt rồi cắm đuôi thìa vào, thế là xúc được cơm, những hạt cơm vào bụng ít hơn vãi ra ngoài. Nhưng rồi dần dần quen, thấy Tư làm cái gì cũng chu tất, chúng tôi thầm khâm phục. Nếu là người không cố gắng vươn lên, không khắc phục thương tật để giành lấy sự tồn tại với cuộc sống, thì Tư không thể có được một cuộc sống gia đình như hiện tại.

Ngày Tư về trại an dưỡng của tỉnh, có cô gái lên thăm cậu cũng đang an dưỡng ở đấy, trông thấy Tư, thế là cô đã khóc. Và rồi không biết vì thương hay vì yêu mà cô cứ lăn vào. Ai gièm pha, ai nói ra nói vào cô mặc kệ, cô đã quyết. Đám cưới của họ được tổ chức thật đầm ấm, vui vẻ. Và họ đã sống bên nhau mấy chục năm, sinh 3 đứa con, đứa nào cũng khỏe khoắn, xinh đẹp. Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn, vợ chồng Tư xoay đủ nghề để có bát cơm, manh áo cho con. Tôi không thể hình dung ra được, với đôi tay cụt ấy, Tư sẽ chọc tiết lợn như thế nào, cạo lông lợn như thế nào? Thế mà việc ấy Tư đã làm và làm giỏi nữa.

Một lần, anh Nguyễn Thế Hùng, khi ấy là Tổng biên tập Báo Quân khu Ba, đến nhà tôi làm phóng sự "Người thương binh làm kinh tế giỏi”. Xong việc, anh cho tôi xem bức ảnh. Tôi nhận ra Tư. Anh Hùng bảo. Anh Tư vừa đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc đấy. Tôi thực sự khâm phục Tư, một người đã vượt qua thương tật tỷ lệ 95%. Tôi cũng phải khâm phục Giang-vợ Tư. Chị đã cam chịu và gánh vác tất cả, hy sinh tất cả như một người lính, hy sinh cho chồng, cho con, cho một thương binh 95% thương tật, có gia đình, có hạnh phúc êm ấm. Bất giác tôi lại nghĩ đến vợ Thức. Giá mà chị ấy có được bản chất của người phụ nữ như Giang thì Thức đâu đến nỗi thiệt thòi. Bây giờ, các cháu của vợ chồng Tư-Giang đã trưởng thành, mỗi cháu một cơ ngơi, cuộc sống hạnh phúc.

Tôi cầm chén rượu đến chỗ Tá. Ngồi bên Tá là Tửu. Tá và Tửu cùng Sư đoàn 7 miền Đông Nam Bộ. Tá quê xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tá bị thương trong trận công đồn Tân Hưng, cụt một chân. Chạm ly với Tá, tôi bảo Tá hát đi, dù giọng Tá không bằng giọng tôi, nhưng hôm nay sao tôi thích nghe Tá hát đến thế. Có lẽ tôi nhớ ngày ở nơi an dưỡng, cứ họp đơn vị là anh em lại được nghe Tá hát. Tá hát, cái giọng giờ đã ở tuổi gần 70, giọng Tá khàn khàn, vậy mà chúng tôi ai nghe cũng sướng. Ở rừng về, Tá ôm một quả đồi nuôi trồng đủ thứ, với bàn tay và bản chất lao động của người lính, kinh tế gia đình không đến nỗi nào. Chỉ có điều, sau đấy Tá đi làm thầy cúng. Tá cúng mà không lấy tiền của ai. Đã có lần tôi hỏi vì sao đi làm thầy cúng, Tá lảng tránh không nói gì.

Tửu quê xã Ba Trại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Từ chiến trường về, Tửu xin mua một suất ở chợ làng, vợ chồng buôn bán đủ thứ, gặp gì mua nấy, bán nấy. Vợ bán, anh thương binh cụt chân tập tễnh phụ bên. Bà con xóm giềng làng mạc thương mua cho, cùng với cái duyên bán hàng của Chung-vợ Tửu. Thế là họ có thu nhập để nuôi mấy đứa con. Tất cả giờ đã ngộc nghệch lớn khôn. Tôi đùa Tửu: "Hai ông bà cứ như vợ chồng son ngoài chợ thế à, không về với các cháu à?". Tửu cười, nói rất thật: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do ông ạ! Vả lại mình còn lo được thì hãy tự lo, để các con nó làm ăn, bao giờ không lo được thì chẳng chúng nó lo còn ai lo? Bây giờ bán suất đất ở chợ ấy thì được bao nhiêu? Bạc tỷ đấy, mà ở quê, bạc tỷ to lắm đấy ông nhé". Tửu cười lộ mấy chiếc răng đã gãy.

6 chúng tôi ngồi bên nhau. 6 thằng mà chỉ còn có 7 bàn chân, 10 bàn tay. 6 thằng, 6 gương mặt, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, tất cả đã lăn lộn giữa đời thường sau khi rời cuộc chiến và đã vượt qua. Dù gian truân vất vả, 6 thằng vẫn bảo nhau: Đời mà. Cuộc sống mà, không vất vả sao là đời được nhỉ? Có điều may mắn, cả 6 thằng không bị dính cái chất độc tàn ác ấy, các con của 6 chúng tôi đều lành lặn, dù cả 6 đều ở nơi tâm điểm của địch rải chất độc hóa học và cũng không thằng nào làm sổ lĩnh trợ cấp, trong khi người ta đua nhau làm sổ bị nhiễm chất độc da cam.

Cuộc gặp ấy là mùa xuân năm 2016. Đã mấy năm nay, Hiệp không về. Thức chống chọi được thêm hai năm nữa rồi cũng ra đi. Nhưng bất ngờ nhất với tôi là Tư cũng ra đi, và cũng bị ung thư như Thức. Tôi lại nhớ bài thơ tôi viết về 6 thằng chúng tôi, với câu kết: Sáu thằng sáu bóng sân ga/ Lần sau gặp lại còn mà đủ không?

Vậy là chỉ còn 4 thằng, chúng tôi vẫn gọi điện hỏi thăm và động viên nhau. Mấy năm nay dịch bệnh nên anh em không gặp nhau được. Hết dịch thế nào chúng tôi cũng gặp nhau. Tôi sẽ lên Ba Vì gặp Tửu, lên Tam Nông gặp Tá. Hiệp gọi điện cho tôi bảo, hết dịch thế nào cũng về.

Bút ký của VŨ NGỌC THƯ