Bình yên Quảng Yên
Sử sách cũng như trang thông tin chính thức của tỉnh Quảng Ninh đều đưa ra những cứ liệu với nhận định chung: Đô thị Quảng Yên xác lập trên bản đồ chính trị trong nhiều thế kỷ với vị trí là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của toàn tuyến duyên hải và biển, đảo vùng Đông Bắc.
Từ thời Lý, vùng đất này đã được gọi chung là trại Yên Hưng. Qua nhiều giai đoạn, đất cửa sông ven biển này đã đổi tên từ Yên Hưng thành An Bang, An Quảng, Yên Quảng, Quảng Yên trải từ vương triều Lý, Trần, Lê đến Nguyễn nhưng luôn giữ vị trí trọng yếu. Đến năm 1832, tỉnh lỵ Quảng Yên ra đời trong cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mệnh.
Sau khi thực dân Pháp xâm lược, Quảng Yên trở thành thị xã tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Yên-nơi tập trung bộ máy cai trị của thực dân Pháp với vùng Đông Bắc. Trong cuốn hồi ký "Xứ Đông Dương” của Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), Paul Doumer đã miêu tả buổi cập bến tại vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Yên trên hải trình từ Sài Gòn ra Bắc Kỳ của ông ta. Trong đó, quang cảnh tập trung những con tàu lớn của quan chức cấp cao Đông Dương tại Bắc Kỳ để đón tiếp Toàn quyền đã cho thấy tầm quan trọng và không khí của Quảng Yên thời kỳ đó.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính từng nói về cái phần “thơm thảo” của thực dân Pháp khi để lại nhiều công trình kiến trúc, văn hóa trên đất nước ta, thì Quảng Yên là một ví dụ. Nếp đô thị kỳ lạ thay vẫn thấp thoáng đâu đó trên những vỉa hè sạch sẽ, rộng rãi. Một vài mái nhà cổ nằm xen lẫn nhà tầng hiện đại đủ khiến người khách lạ bâng khuâng chạm vào lịch sử. Vùng trung tâm thị xã mang đến một bầu không khí thật bình yên khác biệt với nhiều địa phương cũng đang trong đà lên thành phố.
Bầu không khí ấy mở rộng ra cả ngôi làng có nghề đóng tàu từ xa xưa, nay là phường Phong Hải. Người dân thân thiện, chỉ dẫn cho chúng tôi tìm đến các cơ sở làm nghề. Dấu ấn của biển lưu trong tên làng, tên xóm, trong những mô hình thuyền 3 vách với cánh buồm đỏ thắm, trên những hàng hiên xếp chồng vỏ hàu trắng phơi khô...
Nghề... phá dỡ tàu biển
Anh Huy là chủ xưởng đóng tàu Huy Phượng, nằm ngoài đê, thuộc khu 8, làng Cống Mương, phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên. Khu xưởng mấy nghìn mét vuông của anh “đậu” la liệt những xác tàu lớn, bé. Bên con tàu lớn dài hàng chục mét từng dọc ngang trên biển này, anh bảo: “Con tàu này đóng mới cả chục tỷ đồng, giờ mua lại chừng hơn 100 triệu đồng, thuê công trục vớt gần 100 triệu đồng nữa. Sau đó thuê nhân công tháo dỡ, rồi mới bán gỗ tàu biển cho các xưởng ở Hà Nội làm công trình nội thất ngoài trời”.
Chúng tôi nhìn những thanh gỗ từng trôi trên sóng nay xẻ ra vẫn lên màu tươi mới mà ngạc nhiên. Anh Huy nói thêm: “Gỗ tàu biển thường là gỗ táu, độ bền hàng trăm năm. Con tàu này mấy chục năm rồi nhưng chị nhìn xem, gỗ vẫn đanh chắc”.
Sở dĩ có chuyện xưởng đóng tàu giờ thành xưởng... phá tàu là bởi nhiều năm nay ngư dân làm ăn không như trước, họ bán tàu, lên bờ nhiều. Xưởng của anh Huy trước đây có khoảng 20 đến 30 thợ làm việc liên tục, có lúc lên đến 40 thợ đóng tàu thì giờ chỉ còn thợ theo thời vụ.
Nhà nước có chủ trương hạn chế đánh bắt gần bờ, nhưng muốn đánh bắt xa bờ phải có tàu lớn hơn. Chưa kể, nguồn cá biển cũng không còn phong phú. Rồi dịch giã cũng làm mọi ngành nghề ảnh hưởng, trong đó có nghề đi biển, đóng tàu vỏ gỗ... Nhưng cuộc sống trên vùng đất từng là đất khẩn hoang, luôn phải thích ứng để hòa hợp với sóng gió này đã có cách để tiếp tục hành trình với biển. Xưởng của anh Huy là một ví dụ khi tìm ra hướng đi từ việc phá dỡ tàu biển cũ lấy gỗ tái chế thành các sản phẩm gia dụng. Dễ thấy, nhu cầu là có khi nhiều nơi sử dụng gỗ tàu biển làm nội thất hoặc để trang trí, tạo dấu ấn cho những nhà hàng, khách sạn... Nội thất gỗ tàu biển thuộc hạng chơi sang, đắt tiền. Còn nguồn cung như xưởng của anh thấy vẫn trăn trở tìm thêm nhiều đầu ra để người dân có việc làm. Và nghề đóng tàu vẫn cứ đau đáu trong đôi mắt người vốn sinh ra, lớn lên bên những con tàu biển.
Chính vì thế, chuyện cứ dông dài, nhưng rẽ đâu rồi cũng lại quay về nghề truyền thống, trong đó không thể không nhắc đến con thuyền 3 vách cánh dơi độc đáo có thể chạy ngược sóng, ngược gió của vùng Hà Nam. Anh Huy bảo, để hiểu rõ hơn thì anh sẽ dẫn chúng tôi tới nhà “ông già” cũng nằm ngay bên con đê biển này để xem những con thuyền mô hình của ông.
Ngôi nhà của bố anh Huy-ông Nguyễn Hoàng Lịch-nằm dưới một giàn hoa giấy nhiều màu sắc, mát mẻ, thanh bình. Chiếc thang gỗ 3 bậc dựng từ dưới đường bắc lên thân đê cũng mang màu biển-chắc cũng từ một loại gỗ vỏ tàu. Trong nhà, ngay khoảng sân là những con tàu tam bản (3 vách) mô hình với cánh buồm đỏ thắm (gọi là cánh dơi).
Trong câu chuyện hồi ức đất nghề, ông Lịch liên tục nhắc đến vùng đảo Hà Nam. Đây là vùng bãi phù sa cổ thuộc địa phận thị xã Quảng Yên (nay gồm 8 xã, phường, trong đó có Phong Hải), địa hình thấp hơn mực nước biển, bốn bề là nước. “Cách đây khoảng 600 năm, cả vùng Hà Nam mới có hơn 1.000 người. Các cụ quai đê lấn biển thời vua chúa, rồi mới chia ruộng đất. Nghề đóng tàu cũng có từ mấy trăm năm nay. Gia tộc nhà tôi nhiều đời làm nghề đóng tàu”. Rồi ông say sưa thuyết minh về hàng chục loại thuyền truyền thống của vùng Hà Nam: Đây là thuyền quăng chài, cái này là đò lá, rồi thuyền nông nghiệp, thuyền chở đất, đơm đó, chã cá (đánh cá), cái này chặt củi (những năm 1959-1960), thuyền vận tải từng tham gia chở lương chống giặc... Đây lại là đò đẩy để đi trong đồng-ví như các bà, các chị muốn đi vào chợ Cốc thì xuống đò để đẩy...
Ngắm chiếc tủ với hàng chục mô hình thuyền truyền thống và nhiều bằng khen, giấy khen của ông Lịch mới biết ông là Phó ban làng nghề truyền thống đóng tàu thuyền. Theo ông thì hiện cả nước có 3 làng nghề đóng tàu gỗ truyền thống. Và nét độc đáo của tàu gỗ truyền thống ở vùng đảo Hà Nam là bởi những kỹ thuật rất sáng tạo của người dân. Ví như gọi là thuyền buộc cỏ vì xưa làm gì có đinh mà đóng, người thợ phải dùng các kỹ thuật như đục lỗ, vót sợi mây xỏ vào, chèn bằng một loại cỏ săng, kẹp lại... Vải làm cánh buồm gọi là vải rường khau (như vải phin nhưng thô và dày) được nhuộm đâng, cùng với kỹ thuật đánh buồm hay còn gọi là dát buồm (khâu vá) làm sao để cánh buồm có thể bền bỉ dưới mưa nắng. Đặc biệt, thuyền có khả năng chạy ngược sóng, ngược gió-một sáng tạo từng được ghi nhận trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của đất nước ta.
Theo một số người dân giải thích về sáng tạo độc đáo này thì: "Khi người lái thuyền gò sát dây lèo buồm sau, ở phía lái vào một bên mạn thuyền cho buồm căng lên hơi chéo góc hướng về cánh buồm phía trước đã được thả hơi chùng. Gió đập vào cánh buồm sau vốn rất căng nên bật lại, đập ngược về cánh buồm trước tạo thành sức đẩy con thuyền tiến lên. Con thuyền sẽ chạy vát nghiêng về bên không có gió, tiến lên theo đường chữ “chi”.
Trong một lần trả lời phóng viên Truyền hình Nhân Dân, kỹ sư đóng tàu Đỗ Thái Bình đã chia sẻ về “bí mật” của việc thuyền buồm chạy ngược gió là kỹ năng chạy xiên cùng một cái xiếm nằm dưới nước để chống thuyền dạt ngang.
Tưởng nhớ và trân trọng nghề cha ông, từ hàng trăm năm nay, lễ hội của những người thợ đóng tàu vẫn diễn ra vào mồng 10 tháng Hai âm lịch hằng năm tại đền thờ tổ nghề đóng tàu thuyền (xã Phong Lưu, nay là Cống Mương, phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên). Dịp này, con cháu ôn lại lịch sử của cả một vùng đất gắn liền với nghề tàu thuyền: “Thợ đóng tàu thuyền chủ yếu là con cháu Tiên công thuộc họ Nguyễn, Lê, Vũ. Vào thời Thành Thái, quan Bố chánh xứ Quảng Yên quyết định giao trách nhiệm truyền lại nghề cho ông Nguyễn Văn Phúc người làng Cốc, Hà Nam. Từ đó nghề đóng tàu được lưu truyền từ đời này qua đời khác”.
Giờ thì làng nghề đã có nhiều biến động và sẽ còn nhiều biến động. Nhưng trên cùng một quãng đê, lịch sử và đương đại vẫn song hành. Ngôi nhà của ông Lịch là một phần ký ức của làng nghề đóng tàu biển vỏ gỗ, còn khu xưởng của anh Huy là một hướng sống mới của làng nghề.
Năm 2017, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Hội Tàu thuyền Việt Nam, Phòng Văn hóa thị xã Quảng Yên và nghệ nhân Lê Đức Chắn cũng đã đóng và tư liệu hóa một con thuyền cánh dơi 3 vách truyền thống để giữ lại một kho tàng về nghề tàu thuyền ở vùng đất này.
Cứ như vậy, cách này hay cách khác, làng nghề vẫn đi tiếp với tinh thần sáng tạo, ý chí mở đường cùng ký ức giàu có với hàng trăm di tích, lễ hội của một vùng cửa sông ven biển.
Tạm biệt Quảng Yên, chúng tôi vẫn nghe gió thổi dạt dào từ những cánh buồm!
Bài và ảnh: HÀ AN