Đó là những câu ca trong sử sách miêu tả một trong những khu vực thương điếm chính của Phố Hiến-cảng thị nức tiếng một thời. Theo đường sông, Phố Hiến cách Hà Nội 55km, theo đường bộ ngày nay, nhất là với tuyến đường liên tỉnh Hà Nội-Hưng Yên, đường đến Phố Hiến, nơi có khu di tích quốc gia đặc biệt không còn xa xôi...

Nhìn từ lịch sử

 Nghiên cứu về Phố Hiến của giới nghiên cứu Việt Nam hiện đại mới bắt đầu từ cuối thập niên 1960 và đến năm 1992, hội thảo quốc tế về Phố Hiến được tổ chức với sự tham gia của nhiều nhà sử học nổi tiếng trong nước, thế giới... xoay quanh định danh Phố Hiến như một đô thị cảng sông, như danh tiếng “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Tuy nhiên, đến nay, quan điểm về sự ra đời, vai trò, quy mô, thời điểm vàng son của Phố Hiến cũng như những mâu thuẫn trong tư liệu phương Tây và Việt Nam về cảng thị này vẫn được các nhà nghiên cứu tiếp tục phân tích với những ý kiến khác nhau.

Mặc dù vậy, về cơ bản, những hình dung về Phố Hiến như một vùng đất không xa Kinh Kỳ, từng diễn ra hoạt động giao thương trên bến dưới thuyền và lưu dấu với những di tích còn lại đến nay là hoàn toàn có căn cứ.

Theo công trình “Đô thị cổ Việt Nam” của Viện Sử học (Ủy ban Khoa học Xã hội xuất bản năm 1989), trong số những tư liệu gốc đô thị Phố Hiến thì tấm bia chùa Thiên Ứng dựng năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) vừa cổ kính, vừa có giá trị bậc nhất.

Tấm bia ấy nói gì? Đó là dòng chữ được đánh giá là thú vị: “Nhân Dục, Hoa Dương, Hiến thị thập phường”. Tức là thời điểm đó, từ năm 1625, trước khi người Hà Lan đặt thương điếm, Phố Hiến đã hình thành với 10 phường. Sau này, đến thế kỷ 18, các tấm bia tại chùa Thiên Ứng II (dựng năm 1709) và chùa Chuông (Kim Chung tự, dựng năm 1711) còn cho thấy tên đầy đủ của 20 phường, thị của Phố Hiến.

Nhưng ngược dòng lịch sử thì địa danh Phố Hiến xuất hiện khi nào cũng như sự khởi phát của Phố Hiến như một giang cảng được miêu tả chỉ sau Kinh Kỳ thực hư ra sao? Các nhà sử học của Viện Sử học chỉ ra, nguồn gốc cái tên Phố Hiến có thể xuất hiện gắn liền với định danh Hiến Nam (nơi đặt trị sở Hiến Nam án sát của một thừa tuyên, theo bia chùa Thiên Ứng) từ thời Lê, thế kỷ 15. Tên này, cũng có những manh mối gần gũi từ thời Trần, thời Lý. Đó là Hán Nam, Cảm Nam hoặc Kẻ Nam thời Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Và đời Lý là địa danh châu Cư Liên mà giới chuyên môn cho rằng gần với Hiến và có thể xem như Hưng Yên chính là hậu thân của Phố Hiến.

Cũng trong tài liệu lịch sử, vùng đất từng được mệnh danh là “tiểu kinh đô” được hình thành từ những điều kiện nhất định về địa lý, bối cảnh chính trị thời Lê-Trịnh. Phố Hiến trước đây nằm sát tả ngạn sông Hồng, là nơi trung chuyển, cửa ngõ án ngữ hoặc giao thương đường sông từ vùng biển Bắc Bộ đi sâu tới kinh thành Thăng Long. Cảng thị với vai trò trung chuyển này còn kết nối với các tuyến giao thương quốc tế qua các hệ thống sông Đàng Ngoài.

Giai đoạn phồn thịnh của đô thị cảng sông Phố Hiến được miêu tả trong tư liệu lịch sử khá rõ nét. Sách “Hòa Hán tam tài đồ hội” ghi chép những mặt hàng có ở Phố Hiến được xuất đi Nhật thời ấy là: Lụa vàng, lĩnh, tơ, bông vải, sa nhân, xạ hương, sơn, quế, nhãn, thiếc, cau, đồ sành, đồ sứ... Thậm chí, các tài liệu của Nhật còn ghi nhận có cả gạo, hồ tiêu, vây cá... Tham gia vào hoạt động giao thương tấp nập này tại Phố Hiến có sự góp mặt của 50 địa phương trong cả nước. Tài liệu phương Tây miêu tả Phố Hiến có hơn 2.000 nóc nhà, riêng làng người Hà Lan đã chiếm hơn 100 nóc...

Nhưng điều gì đã khiến Phố Hiến từ một đô thị thương nghiệp không thể tiếp tục vươn lên thành một đô thị công thương lớn. Đó là bởi, theo nhiều tài liệu nghiên cứu, thế mạnh của Phố Hiến chủ yếu là điểm tiếp nhận, trung chuyển hàng hóa bốn phương để xuất khẩu. Những ngành sản xuất thủ công của người Việt, Hoa kiều cũng theo đó hình thành, phát triển. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải điều kiện tự nhiên hay vị trí địa lý quyết định sự hưng thịnh hay lụi tàn của Phố Hiến mà chính là vùng đất này chưa có được nội lực đủ mạnh cho một cuộc cải cách mạnh mẽ để bứt phá.

leftcenterrightdel

  Chùa Chuông cổ kính.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến

 TP Hưng Yên hiện còn bảo tồn được 182 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật (trong đó có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích xếp hạng quốc gia, 25 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Dẫu những hình dung cho một Phố Hiến từng sầm uất như trong câu ca “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” không phải lúc nào cũng được rõ nét, song với 16 di tích trọng điểm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến còn lại đến nay cũng đủ nhắc nhở chúng ta về việc tiếp tục tìm hiểu, gìn giữ di sản lịch sử, văn hóa của cảng thị đặc biệt này.

Nằm trong khu vực các phường: Hiến Nam, Lam Sơn, Quang Trung, Hồng Châu, Lê Lợi, xã Hồng Nam (TP Hưng Yên), Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến gồm các di tích trọng điểm với những giá trị đặc sắc trên các phương diện lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, tiềm năng phát triển du lịch... được xếp hạng là “Di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật” cấp quốc gia đặc biệt ngày 31-12-2014”. Có thể kể đến Văn Miếu Xích Đằng, đền Mây, đền Kim Đằng, chùa Chuông, đình An Vũ, đền Nam Hòa, đền Trần, đền Mẫu, chùa Phố (Bắc Hòa Nhân Dân tự), đền Thiên Hậu, Võ Miếu, đền Bà Chúa Kho, đền Cửu Thiên Huyền Nữ, Đông Đô Quảng Hội-Thiên Hậu cung, đình, chùa Hiến, chùa Nễ Châu, đền Trạ (đền Nam Hải Đại Vương).

Bạn đọc cùng ghé thăm một vài di tích để chia sẻ với người viết cảm nhận về Phố Hiến dù qua thăng trầm lịch sử, không còn là cảng sông một thời nhưng vẫn là nơi lưu dấu nhiều giá trị văn hóa, lịch sử cần gìn giữ. Văn Miếu Xích Đằng là địa chỉ diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa vào dịp Tết Nguyên đán như: Tế lễ, dâng hương, hát ca trù, cho chữ đầu xuân. Đây là nơi thờ đức Khổng Tử-người được suy tôn là Vạn thế sư biểu, cùng thầy Chu Văn An-nhà sư phạm tài năng, đức độ, Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám. Công trình được khởi dựng từ thời Hậu Lê và trùng tu, tôn tạo lớn vào năm Minh Mệnh thứ 20 (1839).

Một di tích vào hàng “danh lam cổ tích” trong Phố Hiến phải kể đến là chùa Chuông (Kim Chung tự). Theo cuốn “Đồng Khánh dư địa chí” thì chùa Chuông được dựng vào đời vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1705-1719). Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng chùa có thể có niên đại sớm hơn rất nhiều, thậm chí từ thời Lý-Trần căn cứ trên di vật còn lại trong chùa. Công trình này có kết cấu “nội công ngoại quốc” liên hoàn cùng “tứ thủy quy đường” với nhiều hạng mục được bố trí đăng đối, hài hòa trên trục đối xứng từ Tam quan đến nhà Mẫu. Chùa đẹp nổi tiếng không chỉ bởi cảnh quan mà còn bởi hệ thống tượng Phật phong phú, đặc sắc như Thập bát La Hán, Thập điện Diêm Vương cùng bộ Tứ trấn. Đặc biệt, chùa cũng là nơi lưu giữ tấm bia đá lớn dựng năm 1711 ghi lại hơn 20 phường, thị của Phố Hiến thời kỳ phồn thịnh.

leftcenterrightdel

Văn Miếu Xích Đằng.

Một di tích khác minh chứng cho việc Hoa kiều tới Phố Hiến định cư và buôn bán là đền Thiên Hậu thuộc khu phố Bắc Hòa của Phố Hiến xưa. Đền thờ bà Lâm Tức Mặc-một vị phúc thần của người Hoa có công giúp dân, giúp nước. Đền được xây dựng vào năm 1640 do 14 dòng họ người Trung Quốc ở Quảng Đông, Quảng Tây và Phúc Kiến góp tiền kết hợp với nghệ nhân Việt dựng lên. Đền còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị như bia đá, nghê đá, hoành phi, câu đối... Ông Sửu, thủ nhang đền Thiên Hậu chia sẻ, ông sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này. Thuở bé vẫn chơi trong sân các di tích, thuộc từng tích chuyện các đền, đình, chùa... ở đây. Sau khi xuất ngũ về, trải qua một số công việc khác tại địa phương, ông có duyên được trông coi đền Thiên Hậu. Nhiều năm qua, ông vẫn thường tiếp các đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước đến tìm hiểu về đền Thiên Hậu cũng như các di tích khác ở Phố Hiến. Người dân ở nhiều nơi trong cả nước cũng tìm về thăm khu di tích quốc gia đặc biệt này.

Ngày 27-5-2010, Chính phủ có quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch. Đến nay, nhiều di tích đã được trùng tu, tôn tạo, các lễ hội được duy trì, phát huy, góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, phát triển kinh tế, văn hóa cho Hưng Yên. Song tiềm năng Phố Hiến còn đó, đòi hỏi phải tiếp tục có sự đầu tư tương xứng về nhiều mặt để không gian và tinh thần một đô thị cổ của Việt Nam được gìn giữ, kết nối và làm giàu cho đời sống hôm nay.

Bài và ảnh: HÀ AN