Quả chuông và bài thơ
Cách đây hơn 30 năm, trong một lần đào gốc cây trong vườn, cụ Phan Tân ở xóm Hà Thịnh, xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) phát hiện một quả chuông đồng còn khá nguyên vẹn, nằm cách mặt đất chưa đầy nửa mét. Các cụ cao niên trong xã cho biết, đây là quả chuông thuộc khuôn viên chùa Rối trước đây.
Theo nhà nghiên cứu Bùi Thiết (tác giả cuốn “Dư địa chí huyện Cẩm Xuyên”, Nhà xuất bản Đại học Vinh-2020), chùa Rối là ngôi chùa cổ bề thế được xây cất từ thời Lý, nằm cạnh trục đường thiên lý Bắc-Nam (nay là Quốc lộ 1A) giữa hai làng Kẻ Rái và Om Hạ (nay thuộc xã Cẩm Thịnh). Năm 1930, chùa vẫn còn sư trụ trì, đến sau năm 1945 bị tháo dỡ một phần. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chùa Rối nằm giữa Cần Họ và Cần Trung-hai trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, nên bom Mỹ đã xóa sổ hoàn toàn ngôi chùa vào năm 1968.
Nằm dưới lòng đất nhiều năm nhưng quả chuông còn khá nguyên vẹn từ quai đến thân. Chuông cao 115cm (tính từ miệng đến quai), đường kính miệng 65cm. Quai chuông được tạo thành theo hình dáng con rồng đang khom lưng, 4 chân bậm bạp, mỗi chân có 4 móng kiểu móng đại bàng quắp chặt lấy đỉnh chuông. Con rồng được tạo tác công phu, toàn thân có lớp vảy tinh xảo bao bọc, giữa các vảy rồng có chấm tròn bố trí xen kẽ nhau kiểu vảy cá chép, lưng rồng có bờm thấp cao khác nhau, nhấp nhô như sóng lượn. Đuôi rồng cụt, đầu rồng nhỏ hơn, cân đối so với thân và có những bờm li ti rất tinh tế. Thân rồng cong hình cung đều đặn, hài hòa, chắc khỏe để “đủ sức” treo lên giá chịu được trọng lượng hơn 200kg của chuông rung, lắc khi đánh.
Thân chuông khối hình trụ tròn, liền khối được trang trí đẹp mắt, chia thành hai phần giới hạn bằng những đường nổi, đường gờ nổi chính giữa to hơn, cao hơn. Phần trên cao 57cm, chia thành 4 hình thang cân, bằng nhau. Phần dưới cao 35cm, chia thành 4 ô hình chữ nhật được giới hạn bằng những đường gân nhỏ chạy dọc từ trên xuống và chạy ngang bao quanh chuông. Trên đỉnh là 3 đường gân chạy bao quanh với khoảng cách đều nhau, tạo thành những đường tròn đồng tâm. Chuông có 6 núm thỉnh chuông hình dáng giống nhau, kích thước bằng nhau, có 10 hình tròn hoa sen, mỗi hoa có 13 cánh lớn lật úp đều nhau, cánh to cánh nhỏ bố trí xen kẽ. Trong các núm đó có hai núm được bố trí gần dưới miệng chuông trên các đường gò nổi, nằm đối xứng nhau qua tâm chuông, chia đường tròn phía dưới chuông thành hai cung đều nhau, đối xứng qua tâm chuông. Miệng chuông được trang trí cầu kỳ với 86 cánh hoa sen lật úp, 43 cánh to, 43 cánh nhỏ nằm xen kẽ, viền cánh sen có hai đường gờ nổi...
Nét độc đáo là trên quả chuông này có khắc bài minh (thơ) thất ngôn tứ tuyệt bằng chữ Hán của Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh. 33 chữ Hán được khắc phần lớn theo thể “hành thư”(1), một số chữ ở thế “thảo thư”(2). Nằm dưới lòng đất lâu ngày nên một số chữ ở câu 3, câu 4 mờ, không thể đọc được. Rất may tên tác giả bài thơ là Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh còn nguyên vẹn. Ngoài bài thơ còn có dòng lạc khoản: “Cung nội thượng ban Phùng Ngọc pháp, hiệu Từ Nghiêm tỳ khưu”.
Việc tìm lại đầy đủ bài thơ là một câu chuyện văn hóa lý thú... Với các nhà nghiên cứu, cái tên Phạm Sư Mạnh (1300-1384) khá quen thuộc. Ông tên thật là Phạm Độ, hiệu là Úy Trai, biệt hiệu Hiệp Thạch, danh sĩ, nhà thơ, văn quan xuất chúng, võ quan lừng uy, nhà ngoại giao nổi tiếng thời Trần. Quê ông làng Hiệp Thạch, phủ Kinh Môn (nay thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Ông là học trò ưu tú của nhà giáo nổi tiếng Chu Văn An, đậu tiến sĩ đời vua Trần Minh Tông và được vua Trần Minh Tông đổi tên là Phạm Sư Mạnh để tránh phạm húy Thái sư Trần Thủ Độ.
Năm 1323, ông bắt đầu sự nghiệp quan trường. Năm 1345 (đời Trần Dụ Tông) có sứ nhà Nguyên sang hỏi việc “đồng trụ” (cột đồng) thời Hai Bà Trưng nên ông được cử đi sứ sang để biện luận. Tài ứng xử, trí thông minh của ông khiến vua tôi nhà Nguyên thán phục, từ đó về sau, biên giới được an yên. Ông làm quan 3 triều vua Trần: Minh Tông, Hiến Tông và Dụ Tông.
Về văn học, ông là người nổi tiếng. Ông làm rất nhiều thơ, phú được lưu lại trong một tập nhan đề “Hiệp Thạch thi tập” viết bằng chữ Hán nhưng đã thất lạc. Hiện còn rải rác 33 bài chép trong các tập: “Toàn Việt thi lục”, “Việt âm thi tập”, “Tinh tuyển chư gia luật thi”... Ngoài ra, ông còn có bài “Sùng Hưng tự Vân Lỗi sơn Đại Bi nham ký” (bút ký trên vách đá chùa Sùng Nghiêm núi Vân Lỗi thờ tượng Đại Bi) là một áng văn chương nức tiếng.
Khi phát hiện ra chuông chùa Rối cũng đồng thời phát hiện thêm bài thơ thứ 34 của một danh nhân văn hóa đời Trần. Cùng với cảm xúc trước non xanh nước biếc, núi trập trùng của vùng đất phía Nam Tổ quốc (lúc bấy giờ), bài thơ của Phạm Sư Mạnh còn phát đi thông điệp, truyền lại cảm hứng hào hùng về công cuộc chinh Nam mở mang bờ cõi của tiền nhân.
Thông điệp văn hóa Phật giáo thời Trần
Lạc khoản và bài minh trên thân chuông chùa Rối cùng kiểu chế tác giúp cho các nhà khoa học xác định: Chuông chùa Rối là một chiếc chuông cổ được chế tác từ thời nhà Trần, mang những đặc trưng của chuông đời Trần. Hiện nay, ở nước ta đã phát hiện được hai quả chuông có niên đại đời Trần và đã được công nhận Bảo vật quốc gia. Đó là chuông chùa Vân Bản được phát hiện tại quận Đồ Sơn (Hải Phòng), hiện do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam bảo quản và chuông chùa Bình Lâm (xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) hiện do nhà chùa bảo quản.
So sánh chuông chùa Rối và hai quả chuông đời Trần nói trên có nhiều điểm tương đồng và một số điểm khác biệt. Điểm tương đồng là thân chuông trang trí gờ nổi chia làm 8 ô, 4 ô hình thang, 4 ô hình chữ nhật. Trang trí quai chuông đến đầu thân rồng khum, toàn thân vảy cá chép. Núm thỉnh chuông đều hình tròn và có đến 6 núm vị trí bố trí giống nhau. Miệng chuông trang trí hoa sen úp cánh to và cánh nhỏ xen kẽ nhau... Điểm khác nhau là chuông chùa Rối cao hơn chuông chùa Bình Lâm và chuông chùa Vân Bản. Quai chuông chùa Rối chỉ một con rồng khom lưng có 4 chân; hai quả chuông ở chùa Vân Bản và chùa Bình Lâm là hai con rồng, mỗi con hai chân chụm đầu lại cùng nhau tạo thành quai chuông hình búp sen. Phong cách khắc đầu rồng trên chuông chùa Rối nhỏ, đuôi cụp xuống, mắt, miệng không theo bút pháp tả chân, rõ ràng, cụ thể như hai quả chuông kia. Số lượng chữ bài minh trên chuông chùa Rối ít nhất trong 3 quả chuông, phong cách khắc theo lối “hành thư” giống chuông chùa Vân Bản nhưng lại khác với lối “chân thư”(3) trên chuông chùa Bình Lâm. Một số chữ Hán trên chuông chùa Rối khắc theo kiểu “thảo thư”, hai chuông kia không sử dụng kiểu chữ này.
Sự so sánh này cho ta thấy sự đa dạng, riêng có của từng quả chuông đời Trần, phản ánh sự đồng nhất và đa dạng văn hóa vùng miền trong kỹ nghệ chế tác, mỹ thuật, thị hiếu thẩm mỹ của các vùng quê Việt.
Những yếu tố trên cho thấy: Chuông chùa Rối phản ánh nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa khác biệt của xứ Nghệ, là một minh chứng cho sự phồn thịnh của văn hóa Phật giáo đời Trần trên vùng biên viễn phía Nam Tổ quốc thời ấy. Đây là thời kỳ Phật giáo phát triển cực thịnh, đã trở thành quốc giáo. Các vua Trần đều là phật tử. Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308) còn là người sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Thời Trần, chùa chiền được xây cất nhiều nơi, trong kế sách giữ nước của các vua Trần, chùa còn là cột mốc văn hóa trấn ải vùng biên ải, là nơi tập hợp, quy tụ lòng dân kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Nếu như chùa Vân Bản là cột mốc văn hóa vùng duyên hải-một trong những tiền đồn Biển Đông thì chùa Bảo Lâm là cột mốc văn hóa vùng biên cương phía Bắc Tổ quốc, còn chùa Rối là cột mốc văn hóa cực Nam Tổ quốc lúc bấy giờ. Tiếp cận chuông chùa Rối trên giác độ đó cho ta thêm những hiểu biết về sự nhập thế của Phật giáo đời Trần. Phật giáo gắn liền cùng xã tắc, cùng vận mệnh an nguy của đất nước.
Bài minh trên chuông còn cho ta thấy, chuông chùa Rối gắn liền cùng minh vương Trần Duệ Tông (1337-1377) và nhà thơ Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh. “Đại Việt sử ký toàn thư” còn ghi: Tháng 12-1376, vua Trần Duệ Tông đã đích thân cầm quân chinh Nam. Xa giá nhà vua đã đến vùng Nam Hà Tĩnh, dân binh góp sức vận chuyển lương thảo, khí giới đến cửa biển Di Luân (Quảng Bình). Nhà vua và binh sĩ dừng lại Nam Hà Tĩnh, Bắc Quảng Bình gần một tháng luyện binh. Vì thế, nhiều nhà khoa học xã hội nhân văn, lịch sử có chung nhận định: Là người văn võ song toàn, từng được nhà vua cử đi kiểm binh, kiểm lương phương Nam trước khi xuất quân, chắc chắn Phạm Sư Mạnh đã có mặt trong ba quân của vua Trần Duệ Tông. Và bài minh trên chuông chùa Rối-một áng thơ đằm thắm nghĩa tình nước non, giàu chất hùng ca về công cuộc Nam chinh đã ra đời trong hoàn cảnh ấy.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa đó, chuông chùa Rối đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.
Được sự giúp đỡ của GS Tạ Trọng Hiệp-nhà nghiên cứu Hán Nôm tại Cộng
hòa Pháp, PGS, TS Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
đã khôi phục
được nguyên vẹn bài thơ và công bố trên Thông báo Hán Nôm học năm 1998. Toàn bộ bài thơ sau khi được khôi phục đủ chữ phiên âm như sau:
Nam vọng Hoành Sơn đại hải đoàn
Kình đào hùng dũng bạch vân gian
Thiều thiều vạn lý Nam chinh lộ
Xa giá hoang châu Bố Chánh an
Hiệp Thạch Phạm Sư Mạnh
Dịch nghĩa: Nhìn theo núi Hoành Sơn phía nam là một vùng biển lớn
Sóng kình dữ dội tung bọt trắng
Trùng trùng vạn dặm đường Nam chinh
Xa giá đến chân Bố Chánh giúp chính sự được yên
|
------------
(1) Một phong cách viết chữ Hán bắt nguồn từ “thảo thư” nhưng không quá bay lượn như thảo thư nên dễ đọc hơn
(2) Một kiểu viết chữ Hán của thư pháp Trung Hoa, có bút pháp phóng khoáng, tốc độ viết nhanh hơn
(3) Kiểu viết chân phương đủ nét của chữ Hán
Tài liệu tham khảo:
+ Hồ sơ Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Hà Tĩnh-Trần Hồng Dần (lưu ở Bảo tàng Hà Tĩnh)
+ Chùa cổ Hà Tĩnh, Nhà xuất bản Đại học Vinh-2000
+ Thông báo về khảo cổ học năm 1999 của Viện Khảo cổ Việt Nam.
Bài và ảnh: Đại tá NGUYỄN KHẮC THUẦN