QĐND - Giữa phòng trưng bày “Toàn thắng 1975” của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có một chiếc tủ lớn trang trọng, đặt chính diện với cửa ra vào chỉ trưng bày một hiện vật. Đó là tấm bản đồ "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh". Ngày 14-1-2015 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 53/QĐ-TTg công nhận tấm bản đồ là bảo vật quốc gia.

Rất nhiều tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang đến bảo tàng dừng chân rất lâu để được ngắm hiện vật quý hiếm, có một không hai này. Bởi nó là sự hội tụ đặc biệt của trí tuệ, quyết tâm chiến đấu, đoàn kết nhất trí cao của tập thể Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nó liên quan trực tiếp đến chiến dịch mang tên Bác Hồ kính yêu, chiến dịch kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

Cuộc chiến đã lùi xa nhưng trên tấm bản đồ, nét vẽ màu đỏ vẫn còn tươi rói hướng 5 cánh quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975. Tấm bản đồ kích cỡ lớn 185cmx170cm, được can bởi 12 mảnh, không khác nhiều với các tấm bản đồ tác chiến khác, nhưng điều làm nên sự quý báu của nó là dòng chữ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Phía dưới góc bên phải bản đồ có chữ viết “Làm tại Chỉ huy sở ngày 22 tháng 4 năm 1975”. Dưới cùng có hai chữ ký: Một là của đồng chí Phạm Hùng-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy Bộ chỉ huy Chiến dịch, với bí danh là Bảy Cường, hai là chữ ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng-Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Chiến dịch. Tấm bản đồ được Đại tướng Văn Tiến Dũng trao tặng cho Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam).

Tại Sở chỉ huy tiền phương, ngày 29-4-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng nghe tổng hợp tình hình các mũi tiến công của chiến dịch.

Sự ra đời của tấm bản đồ đã được sử sách ghi lại:

Sau những thắng lợi vang dội của Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế, Đà Nẵng, tình hình chiến trường phát triển rất nhanh. Trong cuộc họp ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975. Để động viên lực lượng cả nước, quyết giành thắng lợi nhanh chóng và hoàn toàn cho chiến dịch, Bộ Chính trị quyết định thành lập Hội đồng chi viện chiến trường, giao cho hai Ủy viên Bộ Chính trị: Đồng chí Phạm Văn Đồng-Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch và đồng chí Lê Thanh Nghị-Phó thủ tướng Chính phủ làm Phó chủ tịch. Ba đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Văn Tiến Dũng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ được cử làm đại diện của Bộ Chính trị tại mặt trận. Bộ chỉ huy Mặt trận Sài Gòn-Gia Định được thành lập với thành phần: Đại tướng Văn Tiến Dũng-Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng là Tư lệnh; đồng chí Phạm Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị làm Chính ủy; Các đồng chí: Thượng tướng Trần Văn Trà, Trung tướng Lê Đức Anh, Trung tướng Đinh Đức Thiện làm Phó tư lệnh; Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền là Tham mưu trưởng Chiến dịch.

Đại tướng Văn Tiến Dũng từng kể:

Trong một cuộc họp của Bộ chỉ huy Chiến dịch, tất cả các đồng chí dự họp nhất trí gửi một bức điện về Bộ Chính trị đề nghị cho lấy tên gọi "Chiến dịch Hồ Chí Minh" thay cho tên gọi "Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định”. 19 giờ ngày 14-4-1975, bức điện số 37/TK của Bộ Chính trị do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ký được gửi đến mặt trận, toàn văn: “Bộ Chính trị đồng ý chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Bản đồ "Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh" được cán bộ Phòng Tác chiến Bộ tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam cùng cán bộ tác chiến Bộ Tổng tham mưu thực hiện từ ngày 15-4-1975, tại Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ở căn cứ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, dưới sự chỉ đạo trực tiếp là Thiếu tướng Lê Ngọc Hiền-Tham mưu trưởng Chiến dịch.

Sau nhiều lần chỉnh sửa bổ sung, ngày 21-4-1975, bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” đã hoàn thành. 15 giờ ngày 22-4-1975, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi bức điện số 86/TK cho Bộ tư lệnh Chiến dịch ra lệnh: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi, ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không thể chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về chính trị, quân sự. Kịp thời phát động lúc này là bảo đảm chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn”.

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Chính trị, Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh duyệt lại lần cuối cùng kế hoạch chính thức của chiến dịch và kế hoạch đảm bảo chiến dịch trên tấm bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Cũng trong thời khắc lịch sử đó, với sự có mặt của đồng chí Lê Đức Thọ, đại diện Bộ Chính trị tại mặt trận và các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch đã chứng kiến Đại tướng Văn Tiến Dũng và đồng chí Phạm Hùng ký phê duyệt trên bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu

Khi chiến dịch sắp mở màn, để trực tiếp chỉ huy ngay từ đầu sát với tình hình tác chiến cơ quan, Sở chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Chính trị mà trực tiếp là đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Văn Tiến Dũng quyết định chuyển tới căn cứ tiền phương sát với chiến trường đã chọn là Căm Xe thuộc ấp 1, xã Minh Thạnh (nay là xã Minh Tân), huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Sau khi bộ phận tác chiến, thông tin liên lạc và bộ phận quản lý đi chuẩn bị, mờ sáng 26-4-1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Tư lệnh Chiến dịch và đồng chí Trần Văn Trà, Phó tư lệnh cùng một số cán bộ tham mưu xuống Căm Xe trước để bám sát chiến trường, chỉ đạo, theo dõi chiến dịch và để kịp làm việc với các đơn vị. Ngày 28-4-1975, các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng cùng rời Lộc Ninh về Sở chỉ huy tiền phương để tiện nắm tình hình và bàn bạc cụ thể với Bộ chỉ huy Chiến dịch.

Tại Sở chỉ huy Chiến dịch, tấm bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” được trải rộng trên bàn, các đồng chí trong Bộ tư lệnh Chiến dịch đã theo dõi bước tiến của mỗi cánh quân “thần tốc”. Từ ngày 26-4 đến 5 giờ sáng 29-4, các cánh quân của ta đã đồng loạt thực hành tổng công kích trên toàn mặt trận. Bên tấm bản đồ, đêm 29-4, những mái đầu bạc xen lẫn những mái tóc xanh cặm cụi trên tấm bản đồ theo dõi bước tiến của các cánh quân giải phóng hướng thẳng vào các mục tiêu lớn đã được chọn sẵn tại Sài Gòn. Đến sáng 30-4, trên tấm bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”, các mũi tên chỉ năm cánh quân của ta trên bản đồ như những cánh sen nở tung ra từ năm mục tiêu tiến công chủ yếu… Và thời khắc 11 giờ 30 phút ngày 30-4, Dinh Độc Lập đã trở thành hợp điểm của các cánh quân giải phóng Sài Gòn. Tại Sở chỉ huy Chiến dịch, tất cả các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch mở máy thu thanh để nghe Tổng thống Dương Văn Minh xin hạ vũ khí đầu hàng quân ta vô điều kiện. Niềm vui vỡ òa hạnh phúc, tất cả các đồng chí trong Sở chỉ huy nhảy lên, reo lên, một cảnh tượng mừng vui không tài nào tả xiết, mọi người ôm lấy nhau cười nhưng nước mắt mỗi người cứ tuôn trào…

Khi trao tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tấm bản đồ quý báu này, Đại tướng Văn Tiến Dũng xúc động phát biểu: “Mỗi năm đến ngày 30-4, lòng tôi lại trào dâng xúc động. Bản đồ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh” thể hiện thành quả lao động sáng tạo, tập trung trí tuệ của Bộ chỉ huy Chiến dịch trong việc giải quyết vấn đề tổ chức hiệp đồng tác chiến giữa các hướng tiến công của ta; là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển và thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhìn tấm bản đồ, tôi lại nhớ đến Tà Thiết, Căm Xe, nhớ tới những ngày ở Sở chỉ huy Chiến dịch, tấm bản đồ trải rộng trên bàn, các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch ngày đêm theo dõi các cánh quân của ta tiến vào giải phóng Sài Gòn. Những mũi tên sắc nét màu đỏ được kéo dài, chỉ thẳng vào các mục tiêu đã định… ”.

Trao lại tấm bản đồ cho bảo tàng sau 15 năm cất giữ tại Tổng hành dinh, Đại tướng Văn Tiến Dũng khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng mong muốn tấm bản đồ sẽ góp phần giáo dục truyền thống dân tộc để các thế hệ nối tiếp nhớ lấy sự kiện trọng đại, ngày toàn thắng. Kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất, Đại tướng đã đi xa nhưng những đóng góp của ông cho đất nước, dân tộc vẫn luôn được mọi người ghi nhớ...

TRẦN THANH HẰNG