Ký ức một thời cầm đèn đi học

Một số nhà giáo gọi ông Nguyễn Thìn Xuân là “lão tướng” diệt giặc dốt. Bởi gần như cả cuộc đời hoạt động cách mạng, ông gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Ông sinh năm 1927 tại xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, từng là một trong những trí thức trẻ của Hội Truyền bá Quốc ngữ Bắc Kỳ, được Tỉnh ủy Thanh Hóa chỉ định làm Ủy viên Ban Cán sự phụ trách Trường Cấp 3 Đào Đức Thông (Thanh Hóa) và giảng dạy tại đây.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống nạn thất học, ông Xuân vừa làm công tác tuyên truyền, vừa tham gia dạy các lớp bình dân học vụ. Sau này, ông tiếp tục dạy bổ túc văn hóa rồi trở thành cán bộ Nha Bình dân học vụ, Bộ Quốc gia Giáo dục (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho đến lúc nghỉ hưu. Cả cuộc đời làm việc vì cái chữ nên “người lái đò” Nguyễn Thìn Xuân không thể nhớ hết các lứa học trò mình “đưa qua sông”. Nhưng ông rất tự hào và hạnh phúc khi có không ít học trò đã trưởng thành, làm rạng danh đất nước, như: GS, TS, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu; ông Nguyễn Quang Hà (nguyên Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp); NSND Lâm Tới…

Nhớ lại một thời toàn dân hưởng ứng phong trào chống giặc dốt, ông Xuân cho rằng: “Đó là một cuộc cách mạng long trời lở đất trên mặt trận văn hóa”. Cùng một ngày 8-9-1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp thay mặt Chủ tịch Chính phủ lâm thời ký 3 sắc lệnh về bình dân học vụ, đó là: Sắc lệnh số 17/SL thành lập Nha Bình dân học vụ để trông nom việc chống nạn mù chữ; Sắc lệnh số 19/SL thiết lập cho nông dân-thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối; trong hạn 6 tháng, làng nào, đô thị nào cũng phải có một lớp học; Sắc lệnh số 20/SL nêu rõ, việc học chữ Quốc ngữ là bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ... Đặc biệt là bài báo “Chống nạn thất học” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Cứu quốc ngày 4-10-1945 đã lan tỏa rất mạnh tới tinh thần của toàn dân.

leftcenterrightdel
Nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân.

 Lúc bấy giờ, người mù chữ nhiều (khoảng 95% dân số) mà tài chính quốc gia lại có hạn, số lượng giáo viên cũng ít nên việc dạy và học chữ được tổ chức rất linh hoạt. “Ở đâu có người, ở đó có lớp học. Phong trào học tập rất sôi nổi vào các buổi trưa, chiều, tối”, ông Xuân nhớ lại. Những nơi chưa có trường lớp thì đình, chùa, miếu, sân nhà, đồng ruộng đều trở thành lớp học. Người ta viết chữ lên tường, gốc cây, nong, nia, gắn bảng treo ở nơi đông người qua lại để đi tới đâu, người dân cũng thấy chữ cho dễ nhớ, dễ thuộc. Tại các cổng chợ hay bến đò, họ thường treo bảng gắn các chữ “q”, “qu”, “qua”. Nếu ai đọc được thì cho bước qua “cổng vinh quang”, ai không đọc được thì đi sang “cổng mù”. Đó là một hình thức bắt buộc để ai không đọc được sẽ thấy xấu hổ nên quyết tâm học chữ. Thời đó, phụ nữ thuộc đối tượng khó đi học nhưng thực hiện lời kêu gọi của Bác “phụ nữ càng phải học” nên có những bà mẹ trẻ mang cả con nhỏ tới lớp. Có chị vừa viết vừa khóc vì cảm thấy viết chữ khó hơn cày ruộng, nhưng rồi dần dần cũng viết được cái chữ.

Trong những năm công tác ở Nha Bình dân học vụ, ông Xuân phụ trách vấn đề học tập của các cơ quan Trung ương. Ông kể rằng, có thời điểm cán bộ, công nhân viên các cơ quan Trung ương phần lớn là nông dân, trình độ còn thấp. Do đó, các cơ quan Trung ương đều phải thành lập Ban Học tập. Ông thường liên hệ với ban đó để bàn bạc phối hợp với họ tổ chức học tập cho cán bộ, công nhân viên. Lớp học tổ chức từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần, dành cho tất cả mọi người chưa biết chữ. Vì thế, đến buổi tối, người dân Thủ đô nô nức cầm đèn đi học như đi hội hoa đăng...

Tinh thần học tập xóa nạn mù chữ của người dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh khiến bạn bè quốc tế vô cùng ngưỡng mộ. Rất nhiều người từ nước ngoài tới Việt Nam thời kỳ đó đều muốn đến thăm các lớp bình dân học vụ. Nhà thơ Depestro, đến từ châu Mỹ-Latin, khi thăm các lớp học bình dân học vụ ở Hà Nội đã viết: “...Việt Nam học tập hệt như một tổ ong siêng năng. Tại đây, đàn ong nhân dân đang dần dần luyện nên mật ngọt của nền văn hóa mới. Ở khắp nơi trong Hà Nội, đêm đêm rộn rã tiếng học với những ánh mắt của học viên ngời sáng, nhìn ra chân trời mở rộng”.

Học những điều thiết thực

94 tuổi đời, 75 năm xung kích trên mặt trận diệt giặc dốt, thầy giáo Nguyễn Thìn Xuân là tấm gương sáng về tinh thần học tập và làm theo Bác Hồ. Ông đã được trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu Chiến sĩ diệt dốt và nhiều bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục. Được nghỉ hưu từ năm 1995, nhưng từ đó đến nay ông vẫn tiếp tục gắn bó với sự nghiệp giáo dục với vai trò thành viên sáng lập và Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO-chiến sĩ diệt dốt và học tập cộng đồng Nguyễn Văn Tố.

Hơn 10 năm qua, mặc dù bị bệnh run tay do hội chứng parkinson hành hạ, thỉnh thoảng lại vào viện điều trị xương khớp và hô hấp, sức khỏe có giảm sút đi nhiều nhưng ông vẫn không ngừng làm việc. Hằng ngày, ông vẫn vào internet đọc báo, cập nhật tin tức. Ông vẫn tự mình đánh máy các bài báo, bài viết góp ý về vấn đề xóa nạn mù chữ cho trẻ em cũng như người lớn trong giai đoạn hiện nay, xây dựng xã hội học tập, góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), tổ chức các cuộc hội thảo góp ý về các vấn đề văn hóa, giáo dục… để gửi tới các cơ quan chức năng. Chứng kiến đôi tay run run của nhà giáo già chậm rãi gõ chữ lạch cạch trên bàn phím, có thể nhiều người cảm thấy ái ngại cho ông. Nhưng ông bảo, được làm việc như vậy là niềm vui, hạnh phúc. Tự mình còn làm được việc gì có ích cho đời thì cố gắng làm. Tinh thần của người chiến sĩ diệt dốt năm xưa vẫn tiếp tục phát huy trong cuộc sống hôm nay.

Có thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo định giải tán Vụ Giáo dục thường xuyên, nhà giáo Nguyễn Thìn Xuân cùng các cựu chiến sĩ diệt dốt của câu lạc bộ kiên quyết đề nghị giữ lại để phát huy vai trò hơn nữa của giáo dục thường xuyên trong giai đoạn mới. Ý kiến đó đã được chấp thuận. Theo ông Xuân, tư tưởng của Bác về vấn đề học tập của người dân từ phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay. Bác từng nhắc nhở, sau khi xóa mù chữ xong thì phải học tiến lên bổ túc văn hóa. Bổ túc văn hóa là cần gì học nấy, học những thứ thiết thực cho cuộc sống. Những người nông dân sau khi xóa mù chữ xong thì phải được học bổ túc văn hóa để nâng cao trình độ, cải tiến kỹ thuật, phương pháp sản xuất trên đồng ruộng. Thế nhưng hiện nay, nạn mù chữ vẫn chưa thể thanh toán hết. Trong khi đó, hệ thống giáo dục thường xuyên hoạt động chưa hiệu quả, chưa thiết thực đối với người dân, nhất là nông dân, công nhân, người lao động... Ông cho rằng, cần phải tổ chức lại hệ thống giáo dục thường xuyên, tổ chức việc học làm sao cho phù hợp với mọi đối tượng để giúp họ nâng cao trình độ, kiến thức và kỹ năng thực hành, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sản xuất, giúp họ làm giàu bền vững trên chính mảnh đất của mình.

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, “lão tướng” diệt giặc dốt Nguyễn Thìn Xuân mong ngành giáo dục và các cơ quan chức năng tổ chức cuộc tổng kết rộng rãi về phong trào Bình dân học vụ do Bác Hồ khởi xướng 75 năm trước, để rút ra những bài học kinh nghiệm, góp phần duy trì và phát huy hơn nữa truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới.

Bài và ảnh: HÀ THANH MINH