Lấy nghề nhôm nuôi nghề đồng
Đón chúng tôi vào một buổi chiều đông se lạnh, nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Ứng nhiệt tình chia sẻ câu chuyện “vang bóng một thời” của nghiệp đúc đồng cao quý. Nằm bên hồ Trúc Bạch, dân làng Ngũ Xã đã trải qua biết bao thăng trầm với nghề đúc xuyên suốt hơn 400 năm lịch sử. Ông là người kế tục thứ 16 của dòng họ theo nghề này và đồng thời cũng là người lớn tuổi nhất ở làng vẫn “sống chết” với nghề. Ông Ứng như một người chép sử tái hiện cho chúng tôi câu chuyện về nghiệp đúc đồng của ông.
|
|
Nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng tại nhà trưng bày sản phẩm của mình (số 178 Trấn Vũ, TP Hà Nội). |
Thời gian đầu sau giải phóng Thủ đô năm 1954, nghề đúc đồng tưởng như đã lụi tàn bởi thú chơi đồ đồng lúc đó là phạm trù quá xa xỉ với nhân dân ta. “Lấy nghề nhôm nuôi nghề đồng” để khắc phục tình hình, nhưng đam mê với ánh lửa và các chạm khắc tinh xảo khiến ông Ứng quyết tâm khôi phục lại làng nghề đúc đồng nổi tiếng Kẻ Chợ năm xưa. Trở về đầy thương tật bởi chiến tranh, năm 1968 người lính trẻ bắt đầu lại nghiệp đúc đồng với những sản phẩm phục vụ đời sống văn hóa tâm linh của người dân Việt như: Lư hương, tiền đồng, đỉnh đồng, các tượng Phật cỡ nhỏ… Cùng sự chịu khó, ham học hỏi và tay nghề ngày một nâng cao, ông Ứng hào hứng chia sẻ lần đầu tiên được nhờ đúc tượng Bác Hồ cho một bảo tàng ở Hà Nội vào năm 1990. Bên cạnh niềm vinh dự, ông Ứng cũng đau đáu về việc làm sao để đúc nên được cái hồn, cái thần thái vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sau đơn hàng thành công đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Ứng liên tục nhận được đơn đặt hàng đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhiều đơn vị, cơ quan trên cả nước.
Mối lo canh cánh của nghệ nhân
Bên chén chè xanh ấm nóng, không khó để chúng tôi nhận thấy sự hào hứng và tình yêu nghề đúc đồng qua lời tâm sự của nghệ nhân cao tuổi này. Quá nửa đời người cống hiến cho nghệ thuật, ông Ứng cũng không thể không day dứt khi đề cập đến tương lai sau này của nghề đúc đồng truyền thống. Nghề đúc đồng sẽ mãi tồn tại do nhu cầu của xã hội, nhưng tồn tại như thế nào mới chính là điều mà nghệ nhân hàng đầu Việt Nam canh cánh trong lòng. Khác với quan niệm ngày xưa chỉ truyền nghề cho con cháu trong làng, tầm vóc của một nghệ nhân thúc đẩy ông truyền và dạy nghề cho mọi người trên lãnh thổ Việt Nam có đam mê. Phải mất ít nhất từ 15 đến 20 năm thì mới có được một người thợ làm nghề khá ổn. Nhưng thanh niên thời nay chỉ thích những món nghề theo kiểu "mì ăn liền", nên rất khó để đào tạo được một người học nghề đúc đồng hoàn chỉnh và có tầm.
"Những người học nghề trước tiên phải có một trái tim tâm huyết với nghề, bên cạnh đó là các đức tính cần cù, chịu khổ, chịu thất bại thì mới có thể tiệm cận đến sự thành công”, nghệ nhân đúc đồng Nguyễn Văn Ứng tâm sự và mong sao những ngọn lửa đam mê đó sẽ được giữ mãi để nghề đúc đồng làng Ngũ Xã vang danh khắp mọi nơi.
Bài và ảnh: LÊ THÚY HIỀN