    |
 |
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phi giới thiệu về nghệ thuật rối nước với khách du lịch. |
Bình yên và thoáng đãng. Ngôi làng nhỏ bé thế nhưng lưu giữ rất nhiều giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc gắn liền với những thăng trầm của thời gian. Đây chùa Thánh Phúc trầm tư bên gốc đa già, kia rộn ràng sân khấu phường rối đang diễn trò vào ngày cuối tuần đón khách đến thăm. Trong làng còn có những ngôi nhà cổ đến mấy trăm năm.
Theo lời các cụ trong làng thì Đào Thục xưa kia gọi là trang Đào Xá, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc; đến năm Tự Đức thứ 29 (1876) đổi tên thành Đào Thục và chuyển về huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Người làng Đào nói rằng vì con gái làng Đào xinh đẹp nổi tiếng, vì phụ nữ ở đây nết na, hiền thục hay còn gọi là thục nữ nên tên trang Đào Xá mới được đổi thành tên Đào Thục như ngày nay. Đào là lấy tên gốc của Đào Xá, Thục-ý nói các cô gái nơi đây rất xinh đẹp và hiền thục.
Nghệ thuật múa rối nước ở Đào Thục đã có quá trình tồn tại và phát triển gần 400 năm, duy trì và phát huy được giá trị trong cái nôi văn hóa làng truyền thống ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Người được tôn vinh là “ông tổ nghề rối làng Đào” là ông Nguyễn Đăng Vinh-Đào tướng công thời Vua Lê Chiêu Thống, một vị quan chán ghét cảnh triều đình đã cáo quan về quê. Có lẽ vì thế, những tích trò đều ca ngợi cuộc sống yên bình của thôn quê, sự cần cù chịu khó làm ăn lam lũ, đồng thời lên án chế độ phong kiến thối nát, đầy bất công. Có thể kể đến những tích trò như “Trâu chui ống”, “Tễu bắt ác”… Về sau này, nhiều tích trò đã được sáng tạo thêm cho phù hợp với các giai đoạn lịch sử như: “Hát chèo”, “Tráng sĩ đánh hổ”. Nhưng những đặc sắc mà nó mang lại vẫn thể hiện đậm nét đặc trưng của làng Việt cổ truyền ở khu vực Đông Ngàn nói riêng và vùng châu thổ Bắc Bộ nói chung.
Giữa ao nước trong xanh là thủy đình, nơi có sân khấu rối nước của làng. Tôi tận mắt thưởng thức nghệ thuật rối nước làng Đào với sự ngưỡng mộ đặc biệt. Nét dân gian mộc mạc còn lại trong rối nước như vẫn nguyên vẻ đẹp của nó. Những con rối được làm bằng gỗ qua bàn tay khéo léo của nghệ nhân trở nên sinh động và vô cùng lôi cuốn khán giả. Dường như trên sân khấu những chú Tễu, những chị nông dân, anh Ba Khí (tên con rối xuất hiện đầu tiên để dẫn tích trò) như là người thật đang biểu diễn. Nào tát nước, nào kéo trâu, nào múa hát, nào đánh giặc. Để làm được những con rối đó là cả một sự tỉ mỉ, công phu từ khắc, gọt cho đến vẽ tạo trang phục cho con rối. Người nghệ sĩ điều khiển rối phải ngâm mình trong nước sau tấm màn che. Ngày hè đã là một sự khổ cực thì ngày giá rét quả thực là thử thách lớn mà nếu không có tình yêu với rối, hẳn người ta đã không còn gắn bó với nó từ lâu. Trên bờ là ban nhạc với những nhạc cụ truyền thống đem lại sự sinh động cho vở diễn.
Khi anh Ba Khí chào khán giả: “Nước Đào Thục vừa trong vừa mát/ Đường Đào Thục bốn góc bàn cờ”, thì trên bờ rộn ràng tiếng vỗ tay, những khuôn mặt trẻ em ngây thơ háo hức nhìn theo những con rối sinh động di chuyển trên mặt ao trong xanh. Người ta trầm ngâm suy nghĩ khi xem xong tích trò “Con trâu là đầu cơ nghiệp” để chiêm nghiệm về giá trị cuộc đời được giáo dục qua hình ảnh người hút thuốc phiện mà làm mất đi cả cơ nghiệp. Để rồi vỗ tay vui sướng khi xem vở diễn nói về trận “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”-một sáng tạo mới của những nghệ sĩ. Trong bao người đang say mê thưởng thức ấy có những em nhỏ dịp cuối tuần được bố mẹ cho đi chơi, có những khách du lịch trên khắp mọi miền đất nước và rất nhiều vị khách quốc tế.
    |
 |
Trẻ em nước ngoài chờ đợi trước giờ diễn. Ảnh do anh Đinh Thanh Tiên cung cấp |
Cảm nhận trong tôi về rối nước Đào Thục chính là sự ngưỡng mộ. Ngưỡng mộ sự sáng tạo của những người đã tạo nên nó. Ngưỡng mộ cả sự đau đáu, trăn trở thiết tha của những người nông dân chất phác sau mỗi buổi miệt mài trên cánh đồng lại miệt mài trên những thớ gỗ để tạo hình, miệt mài trên sân khấu để đem lại niềm vui cho khán giả. Không có họ thì không còn rối nước làng Đào. Dẫu rằng Đào Thục đã và đang chuyển mình theo nhịp sống của thời đại. Khi nhiều nơi vì sự thay đổi mà đang dần mất mình, đánh mất những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp vốn có; khi gìn giữ và bảo tồn văn hóa là câu chuyện mà nhiều nơi còn đang loay hoay thì Đào Thục vẫn giữ gìn được một cách cẩn thận, chăm chút và không ngừng phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại.
Những ngày cuối tuần thường có nhiều đoàn khách về đây, có khi đó là một trường mầm non hay tiểu học, một đoàn học sinh muốn thực tế về nghệ thuật dân gian... Không chỉ có thế, khách du lịch nước ngoài cũng cất công đến đây với lời đề nghị được xem rối nước. Rối nước Đào Thục sẽ còn phát triển hơn nữa khi những người con tâm huyết với truyền thống cha ông đang chắp cánh đưa những con rối dân gian đến những chân trời mới hơn để bạn bè trong và ngoài nước đều biết đến, thưởng thức và ngưỡng mộ vì vẻ đẹp mộc mạc, chưa pha tạp nhịp sống hiện đại của một loại hình nghệ thuật dân gian.
LÊ HUYỀN