Giới thiệu về làng nghề mộc Yên Quán, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Nguyễn Công Thanh cho biết: Người đầu tiên đưa nghề mộc về làng là cụ Hoàng Doãn Phụng-một người con của Tân Phú. Từ những năm 50 của thế kỷ trước, cụ đã được tiếp cận và học nghề mộc từ các cao nhân trong vùng xứ Đoài rộng lớn xưa. Nhờ bàn tay khéo léo, tài năng thiên bẩm và ý chí vượt khó, cụ đã nhanh chóng được công nhận là thợ giỏi, được tôn vinh là nghệ nhân. Xã Tân Phú là vùng đất thuần nông, cuộc sống của bà con còn nhiều vất vả, nhọc nhằn và bấp bênh. Với suy nghĩ “ruộng bề bề không bằng có nghề trong tay”, cụ Hoàng Doãn Phụng đã về quê Yên Quán lập nghiệp, dày công truyền nghề, dạy nghề cho bà con trong gia đình, dòng tộc và các thôn làng trong xóm.
Sau gần 70 năm, từ việc phụ, nghề mộc đã trở thành nghề truyền thống của xã Tân Phú. Làng Yên Quán-nơi tập trung 2/3 số xưởng mộc trong xã-đã trở thành làng nghề, được UBND TP Hà Nội công nhận năm 2013. Đến nay, xã Tân Phú có 4 nghệ nhân và 500 thợ đang làm việc trong 35 xưởng mộc, mang lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho địa phương. Ông Hoàng Doãn Si là một trong 4 nghệ nhân của làng nghề hiện nay. Xưởng sản xuất của ông đặt ở cuối làng, chuyên cung cấp nhà gỗ và nhận công trình tu tạo đình, chùa trên cả nước.
    |
 |
Người thợ mộc Tân Phú luôn tỉ mỉ với từng nhát đục để có những hoa văn tinh xảo |
Ông Si trước là bộ đội, thuộc Xưởng X10, Bộ Tham mưu Quân khu 3. Sau khi rời quân ngũ, ông trở về quê hương học nghề mộc như bao thanh niên khác trong làng và bền bỉ theo nghề cho đến nay. Cựu chiến binh Hoàng Doãn Si có vẻ ngoài hiền lành, chân chất là vậy nhưng khi bắt tay vào việc lại rất nghiêm túc và kỹ tính. Tất cả công trình trước khi xuất xưởng hay trong quá trình thực hiện, ông đều đích thân kiểm tra kỹ đến từng chi tiết. Nhờ sự tận tâm ấy mà xưởng của gia đình ông quanh năm không bao giờ hết việc. Thoạt nhìn những đoạn gỗ lớn chất đầy trong xưởng, hẳn ai cũng nghĩ nghề này phải cần nhiều sức mới làm được. Nhưng trao đổi với chúng tôi, ông Si nhấn mạnh đến sự dẻo dai, thuần thục và yếu tố kỹ thuật. Đặc biệt, những công trình lớn được xuất đi từ xưởng này hoàn toàn không dùng đinh, ốc hay vít mà kết cấu của tòa nhà được ghép nối với nhau bằng các mộng gỗ tạo nên sự bền vững, chắc chắn và tính thẩm mỹ cao. Nhờ vậy, công trình có thể tồn tại hàng chục, hàng trăm năm mà chất lượng gỗ vẫn bảo đảm, không bị mục nát hay lỏng lẻo. Đây là kỹ thuật khó, không phải người làm nghề mộc nào cũng có thể thực hiện được, nhất là với những công trình lớn. Theo ông Si, điều quan trọng nhất để làm chủ kỹ thuật này là người thợ phải rất khéo léo, tỉ mẩn, chỉn chu, tuân thủ nghiêm ngặt kỷ luật công việc và sự chính xác tính đến từng milimét.
Ngoài những công trình lớn, nhiều xưởng mộc ở Tân Phú còn sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Mỗi xưởng có thế mạnh riêng về các dòng sản phẩm nhưng nhìn chung đồ mộc Tân Phú đều có họa tiết, hoa văn tinh xảo và độ sắc nét cao. Theo nghệ nhân Hoàng Doãn Hòa: Công nghệ hiện đại có thể thay thế sức người ở một số công đoạn, còn lại thì không có máy móc nào có thể thay thế sự khéo léo của bàn tay con người. Từ tấm gỗ thô sơ, xù xì và nặng nề để tạo thành những bức tranh, đồ thờ đạt đến độ tinh xảo vẫn phải do bàn tay con người trực tiếp đục, đẽo thủ công. Tuy mất thời gian, công sức và giá thành cao hơn so với ứng dụng dập hoa văn trên máy nhưng sản phẩm khi hoàn thiện thì “xứng đồng tiền bát gạo”, được khách hàng ưa chuộng hơn.
Từ nghệ nhân đầu tiên của làng là cụ Hoàng Doãn Phụng, đến nay, Tân Phú tự hào đã tự đào tạo thêm được 3-4 thế hệ theo nghề mộc. Con cháu của làng không phải vất vả thoát ly để mưu sinh mà có thể lập nghiệp, sinh sống gắn bó với mảnh đất quê hương. Nói như một người thợ ở đây: “Từ 5-6 tuổi, chúng tôi đã quen với tiếng đục, tiếng đẽo; thuở mới lớn đã biết cầm đục, ăn và ngủ cùng gỗ nên bây giờ nhìn qua cũng biết nét nào đục sâu, nét nào đục nông, điểm nào là điểm chính, điểm nào là điểm tỉa… Nghề mộc vì thế không quá khó hay nặng nề như mọi người vẫn nghĩ”.
Từ một xã thuần nông đất chật người đông, Tân Phú nay đã trở thành xã nông thôn mới của huyện Quốc Oai. Đường làng, ngõ xóm khang trang, nhà dân hiện đại và sung túc, đời sống tinh thần của người thợ ngày càng được cải thiện. Sáng sáng đến xưởng, người thợ tay đục, tay búa nhưng khi chiều dần buông, rời nhà xưởng, những người dân Tân Phú lại vui vẻ và hăng say hòa mình trong câu lạc bộ thể thao, chơi bóng hơi, tập văn nghệ… Cuộc sống ở xã nông thôn mới đang đổi thay.
Bài và ảnh: MINH VÂN