Mùa thu năm 1968, tôi vào học lớp 5C. Hồi ấy, học sinh 3 xã: Sơn Mai, Sơn Phúc, Sơn Thủy (nay là xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) đều học chung một trường mang tên Trường Phổ thông cấp 2 Sơn Phúc. Mỗi khối 5, 6, 7 được nhà trường phân thành 3 lớp A, B, C. Toàn trường có khoảng 500 học sinh. Mặc dù chiến tranh, máy bay Mỹ bắn phá ngày đêm rất ác liệt nhưng học sinh vẫn háo hức tới trường.
Mỗi sáng đi học, chúng tôi đầu đội mũ rơm, lưng phủ kín lá ngụy trang, men theo đường hào giao thông để vào lớp. Lớp học của chúng tôi nằm dưới chân đồi Rú Trúc, xung quanh cây cối um tùm, sặc sỡ các màu hoa và tiếng chim hót véo von.
Tôi nhớ buổi học đầu tiên của năm học mới, thầy Phạm Hữu Chí, Hiệu trưởng nhà trường, tới thăm lớp 5C. Thời điểm đó, thầy Chí mới ngoài 30 tuổi, người thanh mảnh, khuôn mặt chữ điền, đôi mắt sáng. Nhà nghèo nên thầy chưa có xe đạp để đi. Đường từ nhà thầy ở trọ đến làng tôi lại lắm “ổ trâu”, “ổ gà”, mỗi khi mưa xuống phủ đầy bùn lầy nhão nhoét. Mạo hiểm nhất là khi qua cầu Bà Hậu, chỉ một cây gỗ nhỏ bắc qua dòng nước sâu và chảy rất xiết, thế nhưng, thầy Chí vẫn dũng cảm đi qua chiếc cầu hằng ngày để tiết kiệm được nửa thời gian so với đi đường trục chính tới trường.
Vừa tới lớp, thầy đi từng ngõ ngách hào giao thông, xem từng căn hầm chữ A do phụ huynh lợp cỏ, lán tranh dày dặn lại có lũy đất đắp cao, thầy mới thấy yên tâm. Phát hiện một chiếc ghế ở cuối lớp nhú lên hai đầu đinh sắt, thầy bảo cô Tuyết, chủ nhiệm lớp, vào nhà dân mượn búa đinh để thầy đóng lại, kẻo các em ngồi vào nguy hiểm. Sau khi chiếc ghế được chỉnh sửa, bấy giờ, thầy Chí mới trò chuyện và thăm hỏi chúng tôi. Thầy chỉ nói khoảng mười phút, mà xúc động khôn cùng. Thầy căn dặn: “Dầu đi chân đất, ăn bữa đói bữa no, nhưng các em không được bỏ học. Các em trọng thầy cô và thương cha mẹ là khi các em biết lễ phép hằng ngày với mọi người, từ trẻ em đến cụ già. Đến lớp phải chăm học, ngồi trong lớp không được nói chuyện riêng; chú ý nghe thầy giáo, cô giáo giảng và ghi chép thật đầy đủ, không hiểu bài thì mạnh dạn hỏi để thầy cô giảng lại, tuyệt đối không được giấu dốt. Bạn giỏi phải giúp bạn kém, bạn đủ sách giáo khoa nên cho bạn thiếu mượn dùng”...
Không chỉ căn dặn các em mà với các thầy giáo, cô giáo trong trường, thầy Phạm Hữu Chí thường tâm sự: “Tuổi thơ như búp măng của tre, tre thẳng hay cong đều ở tay người uốn nắn. Trò ngoan hay nghịch ngợm đều xuất phát từ phương pháp giáo dục của thầy cô. Thầy mẫu mực thì trò mới chăm ngoan được”.
Mỗi lần tập hợp học sinh toàn trường để phát động một phong trào gì, thầy Chí thường nhắc nhở cả thầy và trò phải luôn phấn đấu rèn luyện nghiêm túc, không chỉ để cho thầy cô và học sinh nghe mà như để tự răn mình phấn đấu vượt lên chính mình nữa. Nhờ tự rèn mình về nhân cách mẫu mực nên thầy Chí đã rèn luyện được đồng nghiệp cũng có nhân cách mẫu mực, xứng đáng với chữ "Thầy" được nhân dân kính trọng.
Những ngày dạy và học trong thời kỳ chiến tranh, các thầy, các cô có những tháng ăn mì hạt đến xót cả ruột, nhưng đêm đêm vẫn chong đèn tới khuya soạn giáo án. Một bạn bị ốm nặng, cô giáo chủ nhiệm dẫn cả đoàn học sinh tới thăm. Năm tôi học lớp 6, trong lớp có hai bạn định bỏ học (một trường hợp gia đình thiếu ăn trầm trọng, một trường hợp do mẹ đột ngột qua đời). Cả hai trường hợp này đều học rất khá. Thầy Chí và cô chủ nhiệm lớp kiên trì đến từng nhà vận động, thuyết phục gia đình, đồng thời kêu gọi học sinh và các thầy cô thể hiện tinh thần “Lá lành đùm lá rách”. Chỉ một nhúm gạo nhỏ, hoặc chiếc áo, chiếc quần, tập giấy viết đã làm nên nghĩa cử lớn lao. Nhờ vậy, sự nghiệp đèn sách của hai người bạn tôi không bị đứt gãy. Sau này, họ đều trở thành những cán bộ có ích cho xã hội.
Không chỉ mẫu mực về phong cách mà thầy Phạm Hữu Chí còn có một tư duy mới, luôn năng động và sáng tạo. Trong việc quản lý, thầy luôn giữ vững kỷ cương và nền nếp khoa học. Hồi đó, Trường Phổ thông cấp 2 Sơn Phúc có một đội ngũ thầy giáo, cô giáo trẻ, khỏe và đam mê nghề nghiệp. Các phong trào nhà trường phát động đều trở thành “lực hút hấp dẫn” đối với giáo viên và học sinh, như các hội thi: “Vở sạch, chữ đẹp”, “Đọc thuộc quy tắc định lý”, “Hát hay, múa đẹp”... Tất cả phong trào được tổ chức theo từng khối, từng địa điểm khác nhau. Dù bước vào phòng thi như bước vào địa đạo nhưng chúng tôi đứa nào cũng háo hức tham gia. Đợt ấy, tôi và anh bạn Đoàn Tử Bình (lớp 7C) giành 3 giải nhất. Hôm nhà trường tổ chức “Đêm hội hoa đăng”, tôi là người đầu tiên vinh dự được thầy hiệu trưởng Phạm Hữu Chí mời lên sân khấu nhà trường nhận phần thưởng. Chao ôi! Lúc đó tim tôi đập thình thình, mặt tôi đỏ ửng lên trong tiếng vỗ tay rào rào của thầy cô và bạn bè. Phần thưởng cho 3 giải nhất của chúng tôi chỉ là 3 cuốn vở viết học sinh (ngoài bìa có in bảng cửu chương) kèm theo một tờ giấy khen của nhà trường do thầy tự “sáng chế” bằng bút mực đỏ chấm bài. Thế nhưng, tờ giấy khen và 3 cuốn vở viết phần thưởng đã trở thành kỷ niệm đẹp theo tôi mãi đến bây giờ.
Mùa đông năm 1968, ngành giáo dục Hương Sơn tổ chức kỳ thi học sinh giỏi huyện. Tôi vinh dự là một trong số 10 học sinh của trường tham dự kỳ thi này. Thầy Chí đích thân dẫn chúng tôi đi. Hôm ấy, gió mùa Đông Bắc tràn về, quãng đường đến địa điểm thi là Trường Phổ thông cấp 2 Sơn Phố (nay thuộc thị trấn Phố Châu) đầy bùn lầy nhão nhoét. Để chống trơn trượt dọc đường đi, thầy chuẩn bị sẵn cho mỗi em một chiếc gậy Trường Sơn. Chúng tôi tay xách nách mang áo quần, sách vở và bao tượng đựng gạo, đi bộ hơn 10 cây số. Trên đường, gió thổi vù vù bên tai, lạnh buốt xương. Khi mới đi được nửa đường, đến chợ Rạp (xã Sơn Trung), thấy mặt mũi đứa nào cũng tím tái, thầy Chí bảo chúng tôi đặt hành lý xuống dưới gốc cây ngô đồng cổ thụ, nghỉ giải lao ít phút. Thầy lấy hộp “dầu hổ” xoa lên mặt từng đứa để phòng cảm lạnh. Lúc đến nơi, trời đã sẩm tối. Thầy trò chúng tôi được ban tổ chức bố trí cho nghỉ trọ tại nhà dân. Chủ nhà là ông Tửu, một nông dân nghèo nhưng tốt bụng. Gia đình ông Tửu nhường cả giường lẫn phản cho chúng tôi ngủ. Số lượng người đông, nồi nhỏ, nên việc nấu ăn tại đây khá vất vả. Để học sinh khỏi chờ lâu, thầy Chí lại vào bếp phụ giúp gia đình ông Tửu. Thầy chẻ củi, vo gạo, rửa rau khéo léo như một đầu bếp giàu kinh nghiệm...
Trước thời điểm diễn ra kỳ thi học sinh giỏi của huyện, thầy Chí đã chỉ đạo và phân công giáo viên giỏi ở hai bộ môn Văn và Toán tổ chức ôn luyện kiến thức cho chúng tôi suốt một tháng ròng. Đến gần giờ thi, thầy họp cả đội tuyển lại dặn dò: “Các em phải bình tĩnh đọc kỹ đề. Đọc lúc nào thuộc đề mới làm”. Tôi như được thầy truyền lửa nên rất bình tĩnh, vững vàng và tự tin. Niềm tin của tôi sớm trở thành hiện thực như thầy hiệu trưởng mong đợi. Tôi đã giành giải nhất môn Văn trong kỳ thi học sinh giỏi huyện Hương Sơn năm ấy. Đến kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, tôi tiếp tục giành được giải nhì. Kết quả thi học sinh giỏi của tôi không chỉ mang lại vinh dự cho nhà trường mà còn cho cả ngành giáo dục huyện Hương Sơn, bởi thời kỳ ấy, số học sinh giỏi “bén” giải tỉnh rất hiếm hoi.
Sau này, khi học lên cấp 3, dù không còn được tiếp xúc nhiều nhưng tôi và bạn bè vẫn luôn nhớ đến thầy Chí. Mỗi khi xuân về, Tết đến, nhóm bạn chúng tôi lại rủ nhau đi Tết thầy bằng quả cam bù chín mọng.
Ngày tôi lên đường đi bộ đội, thầy Chí đến nhà thăm tôi. Thầy nắm bàn tay tôi, nói: “Cải ạ! Em chưa được thi đại học dịp này thì thi dịp khác. Hạt giống tốt thì gieo vào đất nào chả tốt. Em phải phấn đấu để sớm được vào Đảng. Chừng nào em được kết nạp Đảng thì báo tin cho thầy biết để thầy mừng”.
Lời dặn ấy cũng như tình cảm cao quý của thầy, tôi đã mang theo trong “cuộc chia ly màu đỏ” và cho đến hơn 10 năm sau đó, tôi mới có bức thư “báo điệp” gửi tới thầy.
Đến năm 60 tuổi, thầy Phạm Hữu Chí được nghỉ hưu theo chế độ và trở về với gia đình tại xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thầy có 3 người con, 2 trai, 1 gái, đều là cán bộ công chức nhà nước. Riêng cô con gái út Phạm Thị Lan theo nghề giáo của bố. Thầy năm nay đã 85 tuổi, nhưng trí tuệ vẫn còn minh mẫn và sống vui, sống khỏe cùng con cháu, vẫn sáng tác thơ, tham gia câu lạc bộ thơ Đường tại địa phương rồi chia sẻ với bạn bè qua mạng xã hội Facebook mỗi ngày.
Bút ký của PHAN THẾ CẢI