Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, có thể nói, trong suốt gần 70 năm qua, Bộ đội Hải quân đã làm lên những kỳ tích; xin đồng chí cho biết, nguyên nhân cơ bản nào giúp cho Bộ đội Hải quân có được những chiến công hiển hách như vậy?
Đại tá Vũ Anh Tuấn: Trải qua 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, nhân tố chính trị tinh thần luôn là cội nguồn sức mạnh để Hải quân nhân dân Việt Nam làm nên những chiến công hiển hách. Nó không chỉ là kim chỉ nam về phương châm trong xây dựng, chiến đấu trưởng thành của hải quân trong quá khứ mà còn là bài học xuyên suốt cho hiện tại và tương lai.
Đó chính là niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước. Đó là không bi quan, lo sợ trước vũ khí, công nghệ cao của đối phương, có niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của con người, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; niềm tin vào lãnh đạo, chỉ huy các cấp, vào cách đánh, nghệ thuật quân sự Việt Nam, vào vũ khí, trang bị kỹ thuật có trong biên chế, vào sức mạnh chiến đấu và khả năng giành chiến thắng của ta.
Ở mỗi giai đoạn cách mạng, tùy theo yêu cầu, nhiệm vụ mà công tác xây dựng niềm tin cho bộ đội luôn được Đảng ủy, Bộ tư lệnh tiến hành với những nội dung, phương pháp, hình thức, phương tiện phù hợp; đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân chủng luôn tin tưởng, giữ vững phương hướng, mục tiêu chiến đấu trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, thực sự là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
PV: Như đồng chí khẳng định, niềm tin, sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quan trọng giúp bộ đội Hải quân lớn mạnh, tác chiến giành nhiều thắng lợi, xin đồng chí dẫn chứng một số ví dụ cụ thể?
Đại tá Vũ Anh Tuấn: Trong những chiến công của bộ đội Hải quân, chúng ta không thể quên lịch sử chiến thắng trận đầu vào ngày 2 và 5-8-1964. Tôi được gặp và trò chuyện với nhiều cán bộ lãnh đạo tham gia chiến đấu nên thấy rằng vai trò của niềm tin ở đây được thể hiện rất rõ. Thực tế, trước tình trạng tàu khu trục Ma-đốc thuộc Hạm đội 7 của quân Mỹ xâm phạm sâu vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía Bắc, vừa do thám, điều tra mạng lưới bố phòng của ta, vừa đe dọa, uy hiếp các tàu đánh cá của ngư dân ta trên biển. Bộ tư lệnh Hải quân đã chỉ huy Tiểu đoàn 135 sử dụng 3 tàu phóng lôi (333, 336, 339) thuộc Phân đội 3 hiệp đồng với 2 tàu tuần tiễu T142, T146 của Khu Tuần phòng 1 rời căn cứ, xuất phát tiến công đánh đuổi tàu Ma-đốc. Trong trận chiến đấu này, dù tàu địch trội hơn vế sức mạnh tốc độ, hỏa lực lại được không quân chi viện, nhưng với tinh thần mưu trí, ngoan cường, cán bộ, chiến sĩ Hải quân đã bắn rơi 1 máy bay địch, bắn bị thương 1 chiếc khác. Tàu Ma-đốc bị trúng đạn, hư hỏng một số trang thiết bị, buộc phải rút chạy khỏi vùng biển của ta. Những tấm gương chiến đấu quên mình như: Pháo thủ Đặng Đình Lống bị thương cả hai chân vẫn dùng dây cột chặt người vào giá súng để bắn máy bay địch; thợ máy Đinh Thanh Tòng và Cao Viết Thao bị thương nặng vẫn nén đau đớn, tập trung cứu chữa máy; khẩu đội trưởng Hoàng Thanh Sơn bị thương vào bụng vẫn kiên quyết chỉ huy khẩu đội đánh địch đến phút cuối cùng… đã minh chứng cho tinh thần chiến đấu vô cùng quả cảm của bộ đội Hải quân.
    |
 |
Đại tá Vũ Anh Tuấn, Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân. Ảnh: NGUYỄN MINH |
Một ví dụ khác, tôi rất kính phục những cán bộ, chiến sĩ Đoàn 126 đặc công Hải quân. Trong chiến đấu, họ vùi mình trong cát nóng nhiều ngày, rồi khi thời cơ đến, đêm tối, họ hòa mình vào sóng gió biển khơi, vượt qua sóng cấp 5-6 để tiếp cận tàu địch trên biển Cửa Việt và tiêu diệt chúng cho dù trên người không giáp, không mũ, không giầy. Câu chuyện của Anh hùng LLVT Hoàng Kim Nông và Nguyễn Văn Nhượng tiêu diệt tàu 5.000 tấn và 4.800 tấn của địch ở Cửa Việt hồi tháng 2-1969 là một điển hình cho ý chí, niềm tin của người lính Hải quân. Hay tinh thần quả cảm của những cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số, sẵn sàng chấp nhận hy sinh cùng với con tàu để bảo vệ bí mật của tuyến đường vận chuyển vũ khí chiến lược trên biển, chi viện cho miền Nam ruột thịt. Tiêu biểu trong số đó là Anh hùng LLVT, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh. Hay như trong chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển, đảo năm 1988, trước sức mạnh tấn công của kẻ thù, các chiến sĩ Hải quân đã bình tĩnh, dũng cảm kiên quyết bảo vệ đảo. Chúng ta nhớ mãi Thiếu uý Trần Văn Phương, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội: “Các đồng chí không được lùi bước, phải để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.
Những hành động dũng cảm đó xuất phát từ niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, từ lòng yêu nước, tình yêu Tổ quốc nồng cháy của cán bộ, chiến sĩ Hải quân được Đảng, Quân đội giáo dục, rèn luyện. Những tấm gương chiến đấu oanh liệt, dũng cảm ấy trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; là hành trang quý báu, điểm tựa tinh thần to lớn để các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân vươn lên hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Càng trong thử thách, khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh thì bản lĩnh chính trị, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” càng được khẳng định và tỏa sáng, đó chính là nét văn hóa đặc trưng của bộ đội Hải quân trong chiều dài lịch sử hiển hách suốt 70 năm qua.
PV: Thời bình, việc xây dựng niềm tin, nét đặc sắc trong văn hóa của bộ đội Hải quân gặp những trở ngại, khó khăn, thách thức gì và việc ấy được thực hiện thế nào, thưa đồng chí?
Đại tá Vũ Anh Tuấn: Hiện nay,tình hình thế giới, khu vực ngày càng diễn biến phức tạp; trên Biển Đông luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo yêu cầu cao, nặng nề; cán bộ, chiến sĩ Hải quân phải bám trụ kiên cường trên các vùng biển, đảo; trong điều kiện khí tượng, thủy văn tiết khắc nghiệt, thường xuyên phải đối mặt với các tình huống phức tạp, khó khăn, hi sinh, gian khổ.
    |
 |
Biên đội tàu chiến đấu của Hải quân nhân dân Việt Nam huấn luyện trên biển. Ảnh: TUẤN HUY
|
Thực tế, chưa bao giờ và không lúc nào Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân và cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Quân chủng lơi lỏng việc xây dựng niềm tin cho bộ đội. Cán bộ, chiến sĩ có nhận thức sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để bị động, bất ngờ trước các âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch. Bình tĩnh, kiên trì, kiên quyết, xử lý khôn khéo, chính xác, kịp thời các tình huống, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Quân chủng đã tập trung giáo dục cho bộ đội luôn bám sát tình hình, nắm vững âm mưu, thủ đoạn, hiểu rõ tính năng kỹ thuật, chiến thuật từng loại phương tiện, vũ khí, trang bị của địch để có cơ sở tính toán các yếu tố kỹ thuật trong tác chiến cho phù hợp. Đồng thời nắm vững ý định, quyết tâm của cấp trên và khả năng cụ thể của đơn vị để lựa chọn sử dụng lực lượng và điều hành chỉ huy cho đúng yêu cầu, bảo đảm giành thắng lợi trong từng trận chiến đấu.
Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân chủng thường xuyên chăm lo xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao, đảm bảo cho Quân chủng luôn giữ vững phương hướng, mục tiêu chiến đấu, thực sự là lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”.
Chú trọng phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp gương mẫu về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, đi trước, làm trước, thực hiện trước để cấp dưới noi theo. Luôn theo sát, động viên tư tưởng bộ đội khắc phục khó khăn, thiếu thốn. Trong điều kiện xa nhà, xa gia đình dài ngày, cấp ủy các cấp các cơ quan, đơn vị luôn chủ động xây dựng mối đoàn kết tập thể, chia ngọt sẻ bùi; thực hiện tốt công tác chính sách hậu phương quân đội, qua đó tạo ra điểm tựa tinh thần vững chắc trong nội bộ.
    |
 |
Khối Hải quân diễu duyệt qua lễ đài trong Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh TUẤN HUY |
Một điểm đáng chú ý khác là, chúng tôi coi trọng văn hóa nghệ thuật và phát huy nó vào xây dựng niềm tin cho bộ đội. Nói cách khác là chúng tôi lấy văn học nghệ thuật để bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ về tình yêu quê hương đất nước, lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; tinh thần đoàn kết gắn bó trong đơn vị; tinh thần dũng cảm kiên cường, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao...
Quân chủng Hải quân đã liên kết, hỗ trợ các cơ quan truyền thông, các đơn vị sản xuất nghệ thuật, các văn nghệ sĩ trong sáng tác, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về bộ đội Hải quân. Đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ca ngợi người chiến sĩ Hải quân anh dũng, lãng mạn được lan tỏa đến đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Qua đó, đã góp phần thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao xây dựng Quân chủng. Thực tế cũng cho thấy, từ thực tiễn hoạt động ở các đơn vị trong Quân chủng, đã có nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo thành danh trên lĩnh vực nghệ thuật. Đến nay, khi hát về biển, người ta nghĩ ngay đến “Nơi đảo xa” của Thế Song; “Đàn ghi ta một dây”, “Chút thơ tình của người lính biển”, “Lướt sóng ra khơi” hoặc người ta nhớ đến nhà văn Đình Kính với các tiểu thuyết, truyện ngắn về bộ đội Hải quân: “Lính thủy”, “Đảo mùa gió”, “Người của biển”, “Sóng chìm”…
PV: Vậy xin đồng chí cho biết, để xây dựng văn hóa người giữ biển thì cần giải quyết những vấn đề gì?
Đại tá Vũ Anh Tuấn: Tôi hiểu rằng, văn hóa người giữ biển là những sản phẩm vật chất, tinh thần đặc trưng nhất do con người sáng tạo ra, trong đó chủ đạo là bộ đội Hải quân, lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Văn hóa người giữ biển gồm nhiều thành phần, thành tố và phụ thuộc vào nhiều hoàn cảnh, điều kiện. Để xây dựng văn hóa người giữ biển bền vững, Quân chủng Hải quân đã tạp trung thực hiện mấy nhiệm vụ xuyên suốt.
Thường xuyên coi trọng và tăng cường giáo dục chính trị tinh thần, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của nhà nước.
Không ngừng đổi mới phương pháp, hình thức, phương tiện tuyên truyền, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ quan, đơn vị. Coi trọng xây dựng yếu tố văn hóa tinh thần với các tiêu chí: Sức khỏe, trách nhiệm và kỷ luật cao; tác phong, phương pháp quan hệ, ứng xử chuẩn mực, hiện đại; có kỹ năng, kỹ xảo nghiệp vụ quân sự; làm chủ phương tiện, vũ khí, khí tài, đáp ứng yêu cầu SSCĐ cường độ cao.
Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng, nâng cao khả năng tự bảo vệ của mỗi cán bộ, chiến sĩ và từng cơ quan, đơn vị trước sự chống phá của các thế lực thù địch, nâng cao khả năng "tự miễn dịch" trước tác động tiêu cực, nhận rõ đối tác, đối tượng; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; mài sắc ý chí chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
Do hoạt động dài ngày trên biển, đảo và thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khí hậu, thời tiết phức tạp, huấn luyện hiệp đồng cường độ cao, tính chất, mức độ nguy hiểm, mất an toàn lớn nên tâm lý của bộ đội Hải quân sẽ có những diễn biến, trạng thái khác nhau. Vì vậy, cấp ủy, người chỉ huy cần nhanh nhạy nắm bắt và có biện pháp linh hoạt, giúp cán bộ, chiến sĩ cân bằng trạng thái tâm lý, vững niềm tin, tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong các tình huống.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
MẠNH THẮNG (thực hiện)