Như một chiến công rực rỡ

Sự có mặt của Thiếu tướng Trương Văn Hai, giọng nói hào sảng của anh khi cùng nhắc lại những chiến công, những thành tích của sư đoàn 45 tuổi khiến nhiều người tưởng như anh từng là cán bộ, chiến sĩ của sư đoàn. “Hôm nay tôi được lãnh đạo thành phố ủy quyền, từ miền Nam ra dự lễ kỷ niệm với sư đoàn. Sư đoàn 341 là một trong những đơn vị đã tham gia tiến công giải phóng Sài Gòn tháng 4-1975, sau đó sư đoàn còn làm nhiệm vụ quân quản hơn một năm. Tình nghĩa giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố với sư đoàn được vun đắp từ ngày ấy. Hơn 40 năm đã qua, tình nghĩa ấy ngày càng thắm thiết”-Thiếu tướng Trương Văn Hai tâm sự.

leftcenterrightdel
Tiến về Sài Gòn”, tiết mục văn nghệ chào mừng 45 năm Ngày truyền thống Sư đoàn 341. 
Một CCB lần giở những trang sử vàng của sư đoàn, chỉ cho chúng tôi lời phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Linh, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh năm 1976 (sau này là Tổng Bí thư): “Thành phố Hồ Chí Minh không bao giờ quên Sư đoàn 341 đã cùng các LLVT và nhân dân hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng thành phố. Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thường nhắc tới sư đoàn là một đơn vị có kỷ luật nghiêm, chấp hành tốt các chính sách, đoàn kết quân dân tốt. Sư đoàn 341 sẽ đi vào lịch sử của Thành phố Hồ Chí Minh như một chiến công rực rỡ, chói ngời của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”.

Trong buổi gặp gỡ truyền thống, hơn 200 đại biểu CCB từ mọi miền đất nước đã tụ hội về Sở chỉ huy Sư đoàn. Trong câu chuyện “ôn cố tri tân”, họ cùng nhau nhắc lại sự kiện sau ngày 30-4-1975, sư đoàn được giao làm nhiệm vụ quân quản, xây dựng cơ sở chính trị tại quận 3, quận 10, quận 11 và quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh). Sau khi được trang bị kiến thức, phương pháp, tác phong công tác và nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ; toàn thể cán bộ, chiến sĩ sư đoàn đã hăng hái bắt tay vào nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng ở các khóm, phường trong phạm vi đơn vị phụ trách. Từng tổ đi vào những căn nhà ổ chuột ở phường Cầu Tre, phường Phú Thọ, khu “Mả Thằng Hiệp”... đến với đồng bào xóm thợ phường Bàn Cờ, thăm hỏi những gia đình không nhà, không cửa, sống gửi, nằm nhờ các công viên, hè phố, gầm cầu. Đoạn kênh dẫn nước ở ấp Phú Nhuận được đắp lại. Bộ đội cùng thanh niên địa phương tổ chức sinh hoạt đoàn, đội, tập hát, tắm giặt cho thiếu niên; tổ chức những đêm văn nghệ quần chúng. Từ chỗ e dè, ngần ngại, dần dần nhân dân đã mở lòng đón nhận tình cảm của cán bộ, chiến sĩ sư đoàn, sát cánh cùng sư đoàn xây dựng các tổ chức chính quyền, đoàn thể, giữ gìn an ninh chính trị, xây dựng cuộc sống mới. Khu vực “Mả Thằng Hiệp”, nơi cư trú của những người nghèo khổ nhất trong quận 11, lâu nay biệt lập như một vùng lõm, được cán bộ, chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 2 do Đại đội trưởng Đoàn Khắc Lập dẫn đầu làm tặng một cây cầu dài 82m nối liền với các khu dân cư khác...

Được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân, chỉ trong hai tháng đầu tiếp quản, sư đoàn đã bắt 627 tên địch chui vào các tổ chức chính quyền, đoàn thể cách mạng dưới các vỏ bọc khác nhau hòng phá hoại cuộc sống mới của nhân dân. Đến tháng 9-1975, trong phạm vi quản lý của mình, sư đoàn đã xây dựng được 20 ủy ban phường, 135 ủy ban khóm. Lễ ra mắt các ủy ban được đông đảo nhân dân hoan nghênh, ghi nhận. Mối quan hệ đoàn kết giữa bộ đội và các cơ quan dân, chính, đảng ở địa phương được củng cố, tăng cường vững chắc. Giữa năm 1976, sau hơn một năm làm nhiệm vụ quân quản, Sư đoàn 341 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng và bảo vệ Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là trong các đợt cao điểm và các ngày lễ lớn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đến kiểm tra sư đoàn năm 1976 đã nhận xét: “Là một sư đoàn trẻ tuổi nhất của Quân đội ta, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu, đã khẩn trương bước vào làm nhiệm vụ quân quản và sư đoàn lại hoàn thành tốt, được nhân dân yêu thương, mến phục, nhất là về kỷ luật. Các đồng chí vào thành vẫn vững như thành, làm mẫu mực về xây dựng quân đội chính quy trong các lực lượng vũ trang ta ở phía Nam, cái này là rất đặc biệt”. 

“Cái này là rất đặc biệt”

“Cái này là rất đặc biệt”, lời nhận xét của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về Sư đoàn 341 từ năm 1976,  được khẳng định bằng những thành tích đặc biệt xuất sắc của sư đoàn.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Trương Văn Hai (thứ hai, từ trái sang) cùng các tướng lĩnh, cựu chiến binh dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ Sư đoàn 341. 
Đại tá Hoàng Văn Hanh, Chính ủy Sư đoàn cho biết: Trong đội hình toàn quân, sư đoàn là một đơn vị trẻ, được thành lập ngày 23-11-1972 tại Nam Đàn (Nghệ An) theo yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thể theo nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ toàn sư đoàn, cấp trên đã cho phép đơn vị lấy tên truyền thống là Đoàn Sông Lam, tên dòng sông trên quê hương Bác Hồ. Là một đơn vị trẻ, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, sư đoàn đã liên tiếp lập những chiến công xuất sắc trong giải phóng miền Nam, làm nhiệm vụ quân quản rồi chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế trên đất nước Campuchia. Ngày 20-10-1976, chưa đầy 4 năm thành lập, sư đoàn đã được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ nhất, trở thành sư đoàn trẻ tuổi nhất toàn quân được tặng danh hiệu anh hùng. Ba năm sau, với những chiến công chói lọi trong bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, sư đoàn được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ hai.

Thiếu tướng, CCB Nguyễn Phong Phú, một người đã từng công tác tại sư đoàn chia sẻ: “Sư đoàn 341 chỉ sau 7 năm thành lập mà đã hai lần được tặng danh hiệu anh hùng quả là hiếm có, nếu không muốn nói là duy nhất. Đó là niềm vinh dự, tự hào đặc biệt. Vinh quang ấy được xây nên bằng trí tuệ, công sức trong xây dựng và chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ. Rất nhiều trong số chúng tôi có mặt hôm nay, mỗi khi hồi tưởng lại cảnh bị thương vong, tổn thất, nhất là 12 ngày đêm chiến đấu ở Xuân Lộc (từ ngày 9 đến 21-4-1975) hay trận chiến đấu ngày 18-7-1978 bảo vệ biên giới Tây Nam, Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 273 đã chiến đấu khi chỉ còn 3 đồng chí thì nỗi thương nhớ đồng chí, đồng đội càng da diết. Các anh hùng liệt sĩ vẫn sống mãi trong chúng tôi, những người chiến thắng trở về”.

Trận đánh bi tráng ngày 18-7-1978 mà Thiếu tướng Nguyễn Phong Phú nhắc đến, chỉ là một trong số hàng nghìn trận đánh sư đoàn đã trải qua trên khắp biên giới Tây Nam và nước bạn Campuchia. Ghi nhận và cảm ơn sư đoàn, trong thư của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia và Chính phủ Campuchia gửi sư đoàn có viết: “Tên tuổi Sư đoàn 341 đã ăn sâu vào trái tim và lòng người Chùa Tháp, năm tháng sẽ đi qua nhưng lịch sử của dân tộc Campuchia, nhân dân Campuchia đời đời ghi nhớ mãi...”.

Kỷ niệm 45 năm thành lập, một công trình rất ý nghĩa mà thế hệ cán bộ, chiến sĩ hiện nay đã hoàn thành là xây dựng, hoàn thiện nhà tưởng niệm, nhà truyền thống để luôn tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ và lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tư liệu lịch sử về “sư đoàn đặc biệt”. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ủng hộ 600 triệu đồng trong xây dựng nhà tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của sư đoàn, gửi quà tặng sư đoàn 500 triệu đồng nhân dịp kỷ niệm. Đại tá Hoàng Văn Hanh khẳng định, tình nghĩa sắt son, sự quan tâm, chăm sóc của Thành ủy, UBND và nhân dân TP Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ sư đoàn luôn ghi lòng, tạc dạ, xem đó là nguồn động lực tinh thần to lớn để đoàn kết, thống nhất, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Bài và ảnh: NGUYỄN HÀ ĐÔNG