leftcenterrightdel
 Đồng chí Hồ Quang Huy

Đồng chí Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp: Chú trọng đầu tư yếu tố con người

Thời gian qua, tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật đã gây khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng. Nhìn ở góc độ lập đề nghị xây dựng chính sách, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát từ một số vấn đề chính, như: Việc triển khai các quy định, hướng dẫn, lập đề nghị xây dựng chính sách của một số bộ, ngành chưa chủ động, thực chất. Nội dung lập luận, đánh giá trong hồ sơ lập đề nghị còn chung chung; cách tiếp cận, xử lý vấn đề chưa sát với thực tiễn và hướng dẫn của Bộ Tư pháp; thời gian nghiên cứu, thực hiện việc lập đề nghị xây dựng chính sách chưa sát với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.

Bên cạnh đó, việc đánh giá tác động chính sách trong một số trường hợp chưa được chú trọng đúng mức, thiếu tính khoa học. Có tình trạng chính sách được chỉnh lý, bổ sung trong quá trình xem xét, thông qua dự thảo văn bản, nhưng lại chưa được đánh giá tác động đầy đủ, chi tiết, dẫn đến văn bản được ban hành nhưng tính khả thi không cao, phát sinh vướng mắc trên thực tế.

Đội ngũ làm công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu. Nguồn lực kinh phí dành cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa tương xứng với tính chất và tầm quan trọng của nhiệm vụ này.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo văn bản cần phải thực hiện nghiêm túc, thực chất các quy định có liên quan của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cũng như tuân thủ hướng dẫn, khai thác tốt hệ thống tiêu chí đánh giá tác động chính sách từ góc độ kinh tế, xã hội đến vấn đề về giới, thủ tục hành chính... đã được Bộ Tư pháp tổng hợp, xây dựng.

Thứ hai, quan tâm đầu tư các điều kiện bảo đảm, đặc biệt là nguồn lực kinh phí và con người. Theo đó, Nhà nước cần xác định đầu tư cho xây dựng pháp luật chính là đầu tư cho phát triển. Khắc phục tình trạng khó khăn khi bố trí kinh phí cho lập đề nghị xây dựng chính sách, cũng như có cơ chế thoả đáng để thu hút, phát huy đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật và chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành khác để bảo đảm nội dung chính sách được “thiết kế” sát với các yêu cầu của chuyên ngành quản lý.

Thứ ba, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về trình độ, kỹ năng phân tích chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao trực tiếp tham mưu, lập đề nghị xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản.

***

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Đức Lam

Ông Nguyễn Đức Lam, Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông: Ngăn ngừa cài cắm lợi ích

Tình trạng chồng chéo, xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật đang gây nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và cả các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, những quy định thiếu cụ thể, có tính tùy nghi cũng gây khó cho các đối tượng chịu sự tác động và cho chính những người thực thi.

Không ít quy định đã đẩy người dân, doanh nghiệp vào tình trạng “dở khóc, dở cười”. Tình trạng thực hiện thủ tục hành chính bị đẩy đi đẩy lại từ cơ quan này sang cơ quan khác không còn là chuyện hiếm gặp. Sự thiếu thống nhất dẫn đến cùng là một quy định pháp luật nhưng mỗi nơi áp dụng một kiểu. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các nhũng nhiễu, tiêu cực phát sinh gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp thời gian qua.

Việc xung đột, chồng chéo các quy định pháp luật gây ra nhiều hệ lụy, làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Để không còn những quy định pháp luật xung đột với nhau, cần có sự vào cuộc đồng bộ của tất cả các bên ở tất cả các công đoạn trong quy trình lập pháp. Trong đó, ở công đoạn xây dựng, soạn thảo, trước tiên cần phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành, xóa bỏ được tình trạng “cục bộ”. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần được phân định rõ ràng, ai làm việc nấy.

Trong công đoạn này, vai trò “gác cổng” của Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật là rất lớn, góp phần quan trọng ngăn ngừa tình trạng xung đột, “cài cắm” lợi ích bộ, ngành. Bên cạnh đó, sự thống nhất của các văn bản phụ thuộc nhiều vào kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa hệ thống quy phạm pháp luật.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trước hết, cần làm sáng tỏ chính sách dự định ban hành để giải quyết vấn đề bất cập của cuộc sống trước khi bắt tay vào soạn thảo, diễn dịch thành quy phạm, điều khoản cụ thể. Ở khâu này, xuất phát từ quan niệm chuẩn về pháp luật, cần xem xét kỹ lưỡng, liệu có cần phải ban hành một quy định mới, hay chỉ cần giải pháp khác để giải quyết vấn đề bất cập trong thực tiễn. Nếu yêu cầu này được thực hiện triệt để, những rủi ro của việc chồng chéo sẽ được hạn chế ngay từ khâu đầu tiên của quy trình xây dựng pháp luật.

Để bảo đảm tính chuyên nghiệp, cần xây dựng đội ngũ chuyên gia được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, với những kiến thức, kỹ năng về xây dựng chính sách, pháp luật. Trong đó, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo, nhà soạn thảo cũng nên biết cách ứng dụng các công nghệ mới để rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, phát hiện những điểm chồng chéo, mâu thuẫn, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

***

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Vệ Quốc.

Đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư Pháp: Xóa bỏ hiện tượng cát cứ "quyền anh"-"quyền tôi"

 Tình trạng luật pháp có những chồng chéo đã được các cấp có thẩm quyền quyết liệt xử lý trong thời gian qua. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, thực tế vẫn còn sự chồng chéo, mâu thuẫn nhất định giữa các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản dưới luật (ví dụ trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng). Về nguyên nhân khách quan, xuất phát từ những áp lực yêu cầu hội nhập, đặt ra cho hệ thống thể chế cần hoàn thiện nhanh, toàn diện. Trong khi đó, hành lang pháp lý cho công tác xây dựng thể chế chưa thực sự hoàn thiện, đầy đủ.

Về chủ quan, việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước của ta vẫn chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, đồng bộ. Trong chừng mực nào đó, vẫn còn hiện tượng “cát cứ” quyền quản lý như ta thường nói là “quyền anh”-“quyền tôi”; trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của một số công chức có vai trò quan trọng trong xây dựng và thực thi pháp luật vẫn còn yếu. Ở một số cơ quan, người đứng đầu chưa thực sự đầu tư nhiều thời gian cho vấn đề thể chế của ngành, lĩnh vực do mình quản lý. Cùng với đó là nguồn lực dành cho công tác này chưa được quan tâm thỏa đáng.

Khắc phục vấn đề trên, cần thực hiện một số giải pháp, như: Xác định đầy đủ, rõ ràng, hợp lý hơn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước, loại bỏ sự chồng chéo, bảo đảm thực hiện cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải gắn với việc rà soát, đánh giá, xem xét, dự kiến bãi bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm kịp thời loại bỏ những quy định lạc hậu, mâu thuẫn, chồng chéo, không đúng thẩm quyền, không minh bạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động của chính sách, pháp luật.

Cần quy định chặt chẽ hơn về chế độ trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình về công tác xây dựng pháp luật. Quy định các chế tài pháp luật hợp lý, nghiêm khắc hơn đối với các chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật sai trái, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức.

HẢI LÝ - HÀ QUỲNH