QĐND -Tiểu thuyết “Nửa đời của Hạ” của nữ tác giả Đặng Lưu San (NXB Hội Nhà văn, 2016) kể về nửa đời của người phụ nữ có tên là Hạ, hy sinh sự nghiệp cho chồng, cho con. Cũng còn có thể hiểu khác đi một chút: Đây là câu chuyện về người đàn ông tên Lân, nửa cuộc đời của nhân vật tên Hạ. Lân từ một công chức “tép riu” leo lên “sếp lớn” như thế nào? Con người từng là sinh viên xuất sắc của trường luật đã vào trường đời ra sao?

Lân và Hạ là một cặp thanh mai trúc mã. Họ là những thanh niên học hành tử tế, xuất sắc. Họ được sắp xếp vào các vị trí khá phù hợp trong những cơ quan nhà nước. Hạ phát huy được chuyên môn, được tín nhiệm, được thăng tiến. Cô  trở thành người chủ của gia đình. Và với vị trí quan trọng ấy, cô đã che giấu tội lỗi của Lân để cứu Lân khỏi vòng lao lý. Bởi nếu không như vậy, gia đình cô sẽ tan nát, các con cô sẽ mất tương lai. Vì chồng, Hạ đã làm tất cả, kể cả việc từ chối con đường rộng mở cho tương lai chuyên môn của mình...

Nửa kia của Hạ là Lân - anh chàng vốn thông minh, lịch lãm. Nhưng đường hoan lộ của Lân không may mắn. Điều mà Lân ấm ức nhất là bị một tay học hành láng cháng “dốt chuyên tu, ngu tại chức” ngồi trên đầu. Bước vấp đầu tiên của Lân là anh đã sa vào vòng tình ái. Không cưỡng được trước sự quyến rũ và tự nguyện dâng hiến của Huyền, một đồng nghiệp, Lân đã khiến Huyền có thai, phải đẻ bí mật rồi cho con đi, xin chuyển công tác. Tính trăng hoa của Lân tiếp tục phát triển khi anh tán chị Trà, một người đẹp nhưng hơn Lân cả chục tuổi. Người phụ nữ đau khổ vì chồng bất lực luôn hành hạ, giày vò đã ngã vào vòng tay anh. Và sự buông thả lớn nhất của Lân chính là sau đó Lân đã trăng hoa với Thương, con gái chị Trà. Hạ phát hiện ra nhưng để giữ hạnh phúc gia đình, giữ uy tín cho chồng và cả cho mình, cô đã thuyết phục Thương nạo hút thai. Vốn là cô gái yếu đuối, Thương vẫn không quên được Lân. Cô đến phòng làm việc của Lân và uống thuốc tự tử. Cả Lân, Hạ, rồi chị Trà phải vất vả để xóa dấu vết và tạo hiện trường “Thương bị cảm, chết ở nhà”. Đây có thể coi là một bất ngờ với chính nhân vật trong cuộc và cả người đọc.

Tác giả Đặng Lưu San (ngồi giữa) trong buổi ra mắt tiểu thuyết “Nửa đời của Hạ” tại Hà Nội, tháng 5-2016. Ảnh: Đăng Thất

Tác giả chỉ kể chuyện về Lân nhưng cũng hé cho thấy “cuộc chiến chức quyền không đầu rơi máu chảy nhưng vô cùng tàn khốc” (trang 152). Những vận động hành lang, những mẹo hèn, kế bẩn, kể cả “gài bẫy” đều được áp dụng. Sự ham mê sát phạt của Lân đã bị trả giá. Lân bị bắt quả tang đang đánh bạc với ba người (trong đó có một người là mồi nhử của “sếp”). Một lần nữa, Hạ - vị chánh tòa tương lai - đã phải nhờ mối quen biết để cứu Lân. Tuy có lần Hạ đã nguyền rủa chồng là “đồ đểu”, “đồ độc ác”, “đồ dã man”… nhưng bản năng phụ nữ vẫn buộc cô phải cứu Lân.

Lân đã từng thề “có chết anh cũng không xu nịnh và cơ hội”. Thế nhưng sau này, Lân đã nghiệm ra: Đó mới là con đường đi lên. Anh quyết thực hiện những gì quan sát, chiêm nghiệm được để “diễn”. Và quả nhiên, Lân đã thành công. Từ một vị trí khiêm tốn, Lân leo lên Vụ phó. Hai năm sau, lên Vụ trưởng. Trong cơ quan có mấy “sếp phó”, còn lâu mới đến lượt Vụ trưởng Lân chen vào vòng đua khi “sếp trưởng” nghỉ hưu. Vẫn với bài tính “khôn ngoan”, Lân đã bày cho “sếp trưởng” kế sách khiến hai “sếp phó” cạnh tranh, mâu thuẫn gay gắt. Đoan và Hằng công khai bóc mẽ nhau. Kết quả là cả hai đều phải chuyển công tác. Nghiễm nhiên Lân, vụ trưởng mới dưới quyền, ngồi vào vị trí trống sếp phó và ít lâu sau thành “sếp trưởng”, tiếp tục thói ăn chơi trụy lạc được ngụy trang kín đáo.

Cuốn sách ngay từ đầu đã đưa Lân vào cảnh bị bắt quả tang đang đánh bạc. Người đọc không thể không tò mò, háo hức theo dõi. Rồi cái chuyện Lân trăng hoa với Huyền được thu xếp ổn thỏa khá sớm, để bạn đọc gặp lại trong tình huống oái oăm cuối truyện. Đó là một cách dựng truyện khá bài bản. Các nhân vật nữ như Hạ, chị Trà, Huyền, Thương, sếp Hằng… đều có những hoàn cảnh và những éo le của tình cảm, nhưng nhìn chung, tác giả đều nhìn bằng con mắt cảm thông, chia sẻ của người cùng giới.

Về  khía cạnh  phản ánh số phận một quan chức thoái hóa thì Lân là một trong những số phận được khắc họa thành công. Người đọc không thể không ngẫm ngợi, trăn trở: Còn bao người như Lân, họ chưa lộ mặt chỉ vì còn chưa rơi ra mặt nạ ngụy trang? Nếu họ chưa bị xử lý kỷ luật, chưa bị tòa án xét xử công khai thì cũng sẽ bị “trời” phạt, bị lương tâm phán xử như Lân.

VÕ NHU