Theo cuốn “Tục ngữ lược giải” của Lê Văn Hòe (năm 1952) giải thích, “ăn xổi” chỉ ướp muối qua rồi ăn, tức ăn sống, ăn ngay; “ở thì” tức ở thì giờ, ở trong một giờ, một khắc, ý nói không ở lâu. Người “ăn xổi ở thì” là người ăn ở tạm bợ, được lúc nào hay lúc ấy, không biết tính chắc chắn, lâu dài.

Tìm hiểu sâu, kỹ hơn về nguồn gốc và ý nghĩa của thành ngữ “ăn xổi ở thì”, sẽ thấy người xưa khéo léo, tinh tế mượn sự việc trong cuộc sống để nhắc nhở con cháu.

Nhắc đến “xổi” thường liên tưởng đến các món ăn dân dã, quen thuộc như dưa muối xổi, cà muối xổi... Ngoài ra còn có vay xổi (vay mượn tiền trong một thời gian ngắn rồi trả lại) để giải quyết những công việc cấp bách. Với những ý nghĩa này, “xổi” không hẳn là tiêu cực.

Thế nhưng khi đúc kết và sử dụng câu “ăn xổi ở thì”, người xưa muốn phê phán một lối sống, một lối suy nghĩ mà nhiều người mắc phải. Đó là thiếu tính toán, chỉ quan tâm đến việc trước mắt, chỉ tính đến cái lợi ngắn ngủi chứ không suy tính đến sự lâu dài, bền vững, tương lai. Đây là lối sống, lối suy nghĩ hời hợt, thiếu ổn định, không có tầm nhìn xa cũng như thiếu trách nhiệm, kỷ luật. Trái ngược với truyền thống coi trọng sự lâu bền, thủy chung, tình nghĩa của nhân dân ta từ xưa đến nay.

Không chỉ gói gọn trong chuyện ăn ở, lối sống, lối suy nghĩ, ngày nay, “xổi” còn được gắn liền với các hiện tượng như “giàu xổi”, “uy tín xổi”, “quyền lực xổi”...

Từ chuyện đời thường, câu tục ngữ “ăn xổi ở thì” đã truyền đạt bài học về cách sống. Lời phê phán nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, mỗi người cần suy ngẫm như câu răn của cụ Nguyễn Du trong “Truyện Kiều”: “Phải điều ăn xổi ở thì/ Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày”.

VĂN TUẤN