Tiếng Việt trong lịch sử dân tộc Việt, văn chương Việt

 “Bốn nghìn năm ta lại là ta” (Tố Hữu). Tiếng Việt là thứ tiếng của cộng đồng cư dân trên một địa bàn cụ thể, vừa thuộc Đông Á, vừa thuộc Đông Nam Á, với những đặc trưng riêng về ngữ âm, về từ vựng không giống, không lẫn với bất cứ cộng đồng cư dân nào khác. Tiếng Việt gồm 6 thanh và “véo von như hát”, cộng đồng cư dân này đã có một phương tiện hữu hiệu để ghi lại những câu chuyện gắn với lịch sử hình thành và tồn vong của cộng đồng bộ lạc như những truyền thuyết về các Vua Hùng, về Lạc Long Quân và Âu Cơ, về Thánh Gióng, về Sơn Tinh-Thủy Tinh, Chử Đồng Tử... Rồi tiếp đó trong 1.000 năm Bắc thuộc là các chuyện kể về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, về Phùng Hưng, Mai Hắc Đế cùng với cả một kho truyện cổ, ca dao, phương ngôn, tục ngữ...

Như vậy, theo tôi hiểu, với tiếng nói riêng, những cư dân Văn Lang, Âu Lạc đã có một phương tiện hữu hiệu để ghi lại lịch sử của chính cộng đồng mình. Ý thức về lịch sử, nhờ vào tiếng nói-khi chưa có chữ viết, đã giúp cho tổ tiên ta nhiều nghìn năm trước đây có một vũ khí tự vệ, để chống lại mọi âm mưu xâm lược hoặc đồng hóa của những kẻ thù bên ngoài.

Chuyển sang 1.000 năm tự chủ, sẽ có một lịch sử cha ông ta đi tìm chữ để ghi lại tiếng nói đó, bắt đầu là chữ Hán (đọc theo âm Việt), sang chữ Nôm, và cuối cùng là chữ Quốc ngữ. Trên con đường đi tìm chữ hơn 1.000 năm sẽ là sự định vị các mốc lớn của lịch sử văn chương Việt trong xen cài Hán và Nôm các áng văn làm rạng rỡ văn hóa, văn hiến Việt Nam, kể từ “Thiên đô chiếu”, “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”, “Quốc âm thi tập”, “Hồng Đức quốc âm thi thập”, “Bạch Vân am thi tập”... đến “Cung oán ngâm khúc”, “Chinh phụ ngâm”, thơ Hồ Xuân Hương... và đỉnh cao tuyệt đối là “Truyện Kiều”.

Đọc, nghe, cảm thụ, truyền bá, thẩm bình, đánh giá văn Nôm “Truyện Kiều” cũng là câu chuyện của nhiều trăm năm: “Mê gì? Mê đánh tổ tôm/ Mê ngựa Hậu bổ, mê Nôm Thúy Kiều”. Chỉ xin dừng lại ở một vài mốc lớn, kể từ Mộng Liên Đường chủ nhân, năm 1820-đúng vào năm Nguyễn Du qua đời, “... Nếu không có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời thì làm gì có được bút lực ấy!”, đến một khúc “Nam âm tuyệt xướng” (Đào Nguyên Phổ) hoặc “thiên thu tuyệt diệu từ” (Phạm Thạch Sơ). Gần chúng ta hơn, đó là câu của ông chủ bút tờ Nam Phong: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”. Ngót 20 năm sau, trong "Thi nhân Việt Nam", Hoài Thanh đã dẫn lại câu này vào đầu sách, và trong bài “Một thời đại trong thi ca”, có tiếp một nhận xét như là sự mở rộng và đúc kết: “Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỷ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua”..., “Chưa bao giờ như bây giờ họ hiểu câu nói can đảm của ông chủ báo Nam Phong: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”... (Hoài Thanh: Toàn tập, tập 1; Nhà xuất bản Văn học, H.1999, tr.311-312).

leftcenterrightdel

Tượng Đại thi hào Nguyễn Du trong Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: NGUYỄN HÀ

Trở lại một lịch sử vài trăm năm và xa hơn là nhiều nghìn năm, ta luôn nhận ra vai trò, vị trí quan trọng của tiếng nói và chữ viết dân tộc. Nó là một vũ khí tinh thần tuyệt vời để giữ gìn bản sắc, bản lĩnh dân tộc trong suốt trường kỳ lịch sử, trước các âm mưu xâm lược và đồng hóa của những kẻ thù đến từ phương Bắc hoặc phương Tây; và trước yêu cầu phát triển một chủ nghĩa nhân văn cao cả vì quyền sống con người trên núi non sông biển Đại Việt.

Tiếng Việt trong “Truyện Kiều”-câu chuyện chúng ta bàn hôm nay, sau một lịch sử trên dưới 200 năm khi “Truyện Kiều” ra đời, trước hết có ý nghĩa tôn vinh và tri ân một Nguyễn Du xứng danh Đại thi hào, là người đã đưa tiếng Việt lên một tầm cao giá trị, trước và sau ông-cho đến nay, chưa ai sánh được. Một tiếng Việt của Nguyễn Du cũng là tiếng Việt cho muôn người, cho muôn đời-nó là của cải, là giá trị, là kho báu để khẳng định sự trường tồn của non sông Việt, Tổ quốc Việt trước mọi thử thách qua nhiều nghìn năm lịch sử.

Giá trị đỉnh cao và trường tồn của ngôn ngữ Việt

Từ thập niên 60 của thế kỷ trước, nhân kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Du, Tạp chí Văn học của Viện Văn học Việt Nam mở mục “Trao đổi ý kiến: Đi tìm một bản Kiều đúng với nguyên tác”. Nhiều chục năm trước đó và sau đó, mấy thế hệ học giả đã bỏ biết bao công sức cho công việc này. Nhưng tất cả đều biết đó là một công việc khó đến với kết quả.

Thay vì đi tìm nguyên tác, chúng ta hướng tới mục tiêu đi tìm một bản Kiều nhận được sự đồng thuận cao của các giới học giả và công chúng. Công việc này xem ra có dễ hơn, nhưng cho đến nay, theo ý tôi, vẫn còn chưa đến đích cuối cùng. Vẫn còn đó, những chữ, hoặc cặp chữ với dấu hỏi phía sau, để còn tiếp tục bàn mà chưa nên vội kết luận. Đó là trặt hoặc chặt, như nêm hoặc như nen? Là nghỉ dấu hỏi hay nghĩ dấu ngã? Là níp hoặc nếp? Là cổ lục hoặc có lục? Là trên án hoặc trên yên?... Việc đi tìm một cách giải thích cho những khác nhau mà ta quen gọi là dị bản ấy, cũng là câu chuyện tốn nhiều giấy mực. Và tôi nghĩ đó là đặc trưng cho những danh tác có sức sống bền bỉ và dài lâu trong tâm và trí người đọc gồm nhiều thế hệ, nhiều lứa tuổi.

 Đọc "Truyện Kiều" mà chọn những câu thơ hay thì sao mà chọn được! Phải hàng trăm, hàng nghìn hoặc tất cả. “Lời lời châu ngọc, hàng hàng gấm thêu”. Cùng với những kỳ diệu và biến hóa trong chữ và nghĩa, chữ và câu đó còn là nghệ thuật hơn cả bậc thầy của Nguyễn Du trong ngôn ngữ tự sự, gồm tả cảnh, tả tình, tả người gắn với kỹ năng biểu cảm, với sắc thái hóa ngôn ngữ; cùng với những đặc sắc trong ngôn ngữ trữ tình và ngôn ngữ kịch... Với bấy nhiêu phương diện, Nguyễn Du qua "Truyện Kiều" đã bao quát và thâu tóm gần như toàn bộ 3 phương thức cơ bản: Tự sự, trữ tình và kịch của lịch sử văn chương nhân loại... Và đó còn là sự phối kết hài hòa đến tuyệt vời của các giá trị dân gian và cổ điển, của ngôn ngữ bác học và bình dân, của sự vận dụng các điển cố với vốn văn hóa dân gian truyền thống trong văn mạch dân tộc hàng nghìn năm.

Đại thi hào Nguyễn Du đã làm nên vinh quang cho dân tộc Việt, văn chương Việt, ngôn ngữ Việt. Bởi chúng ta ý thức rõ ràng sau tiếng Việt, ngôn ngữ Việt là văn hóa Việt, văn chương Việt. Và sau văn chương Việt là hồn Việt. Nói như Hoài Thanh trong "Thi nhân Việt Nam", với các nhà Thơ mới trước năm 1945, tiếng Việt "là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua”. Hồn Việt ở một thời mất nước, được biểu hiện qua cả một phong trào Thơ mới, và được kết đọng qua bài thơ về tiếng Việt của Huy Cận: "Nằm trong tiếng nói yêu thương/ Nằm trong tiếng Việt vấn vương một thời". 

leftcenterrightdel

Tác giả-Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo khoa học "Tiếng Việt trong Truyện Kiều" năm 2020. Ảnh do tác giả cung cấp 

Khi đất nước có nguy cơ bị xâm lược thì trong những vũ khí cứu nước, trước hết có tiếng nói, về sau phát triển thành vũ khí của tiếng nói bên cạnh tiếng nói của vũ khí-nó là dao găm, mã tấu, thần công, đại bác... Ít nhất, hoặc nhẹ nhất, vũ khí ấy đủ giúp ta tránh hoặc bớt những “ông Tây An Nam”. Thời Tổ quốc độc lập và đi vào hội nhập, càng không được quên tiếng Việt, để có tiếng Việt trong cả một nền văn chương-học thuật có chiều dài hơn 3/4 thế kỷ, trong đó có bài "Tiếng Việt" nổi tiếng không kém Huy Cận của Lưu Quang Vũ: "Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/ Quên nỗi mình, quên áo mặc cơm ăn/ Trời xanh quá, môi tôi hồi hộp quá/ Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt xót xa tình".

Nước Nga thời Tổng thống D.Medvedev đã chọn ngày sinh Pushkin-“mặt trời của thi ca Nga”, vào ngày 6-6 hằng năm làm Ngày Tiếng Nga. Để cho tiếng Việt càng giàu, càng đẹp, đủ sức bảo vệ và phát huy mọi giá trị tinh thần thiêng liêng của dân tộc, đủ sức chuyên chở những nội dung mới trước nguy cơ xâm lấn của bất cứ ngoại ngữ nào, nên chăng ở Việt Nam chúng ta cũng cần có một Ngày Tiếng Việt chung. Ngày đó, nếu được chấp nhận, tôi mạnh dạn kiến nghị sẽ là ngày giỗ Nguyễn Du, vào mồng 10 tháng Tám âm lịch hằng năm. 

Giáo sư PHONG LÊ