Nó là một phần nhu cầu của cuộc sống. Chả thế mà trong thần thoại Hy Lạp có cả câu chuyện về thần rượu vang và những cuộc vui bất tận của các thần xung quanh thú vui trần gian này. Ở phương Đông cũng có những câu chuyện rất ý nghĩa về chuyện uống rượu và trong những dịp gặp gỡ, chia tay, vui vẻ hay ly biệt, chén rượu đã đem lại cho những cuộc ấy bao nhiêu điều thú vị. Nhưng, nhiều người quên mất rằng trong những cuộc rượu này, từ xa xưa, cả phương Tây và phương Đông cũng có biết bao nhiêu điều cảnh báo về những sự quá đà, những hệ lụy mà những cuộc vui không điều khiển được do rượu gây ra không đem lại niềm vui mà là những bất hạnh cho con người.

leftcenterrightdel
Minh họa: MẠNH TIẾN

1. Tính chừng mực trong những cuộc vui ấy là điều cần nói tới đầu tiên. Có người sẽ bảo chừng mực gì khi thơ cổ có câu “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” (nghĩa là bạn quý gặp nhau ngàn chén ít). Câu thơ đó có thật nhưng nó chỉ là cảm hứng nhất thời khi có rượu vào khiến ngôn từ trở nên lung linh, thành ngoa ngôn chứ ai uống nổi cả ngàn chén rượu mà còn bảo chừng ấy vẫn còn ít? Hơn nữa, cũng đừng quên rằng khi uống rượu, người ta gọi người này là tiên tửu và người kia là tục nhân cũng chỉ vì người thì biết mượn chén rượu làm vui còn người khác lại coi việc uống rượu là mục đích. Những người lấy chén rượu làm chất xúc tác cho cuộc vui thêm ý nhị luôn coi rượu là một loại có thể tăng thêm niềm vui, nhưng một khi có nỗi buồn thì mượn rượu giải khuây cũng lại không thành. Chuyện này cũng có bằng chứng đấy (mượn chén tiêu sầu, sầu càng đầy). Người phương Tây bảo trong mỗi cuộc rượu, chén thứ nhất người uống rượu, chén thứ hai rượu uống rượu và đến chén thứ ba thì là rượu uống người, cũng hàm ý cảnh báo khi quá đà, con người sẽ mất tỉnh táo, có thể chết chìm vì rượu. Người phương Tây vốn có tư duy logic, họ đã tổng kết thế là có cơ sở chứ không phải hứng lên là nói theo cảm tính như người phương Đông. Nhưng dù nói như người phương nào thì cái sự quá đà đắm chìm vào rượu cũng là điều nên tránh. Thông điệp trong những câu chữ vừa trích trên nói rất rõ điều này. “Miếng ăn là miếng nhục”, cụ Nguyễn Khuyến đã từng ôm mặt khóc khi nghĩ đến chuyện con người không còn khả năng tự chủ để miếng ăn làm mất nhân cách của mình. Trong ẩm thực, rượu là yếu tố dễ làm con người trượt dần về phía không còn là mình nhất và khi nhận ra điều đó thường đã muộn, ít thì là ân hận vì quá đà, nặng hơn nữa là sứt mẻ tình cảm và tột cùng của bất hạnh là phạm tội chỉ vì quá chén.

2. Gần đây, ở nước ta xôn xao dư luận là “người Việt Nam uống nhiều nhất thế giới”. Tôi không tin điều đó lắm vì người đưa tin không đưa ra những số liệu điều tra chính thức nào, nhưng cho biết mỗi năm người Việt tiêu thụ cỡ 3 tỷ lít bia thì thấy số liệu đó kinh khủng thật. Hãy cứ làm một tính toán sơ bộ như sau: Dân nước ta hơn 90 triệu, trừ một nửa là phụ nữ (phụ nữ có uống nhưng số đó không đáng kể), một phần là người già và trẻ con. Vậy ước tính số người trong độ tuổi rượu bia ở ta chỉ cỡ tròm trèm 30 triệu. Vậy số lượng bia mỗi người tiêu thụ cỡ 300 lít bia trong một năm, chưa kể rượu. Một con số gieo nỗi kinh hoàng cho xã hội. Một năm có 365 ngày mà uống đến 300 lít bia thì số lượng tiền bạc, thời gian, sức khỏe “đổ” vào chuyện nhậu nhẹt quá nhiều.

Chuyện ép nhau uống rượu bia cũng là một việc rất cần tránh. Nó không thể hiện sự yêu mến như nhiều người nghĩ vì một khi đã ép ai làm cái gì đó mà họ không thích là đã vi phạm nguyên tắc tối thiểu về ứng xử rồi. Có người còn nại ra rằng người xưa đã dạy khi người ta mời rượu mà mình từ chối là bất lịch sự (ép bất khả từ). Đó chỉ là sự ngụy biện vì trước đó đã có câu tửu bất khả ép kia mà. Không ép được bèn dùng đủ kiểu khích bác để đạt được mục đích. Mình xâm phạm vào quyền và ý thích của người khác là điều tối kỵ vì suy cho cùng ép người khác làm cái gì đó theo ý mình dù động cơ không xấu đi nữa cũng là một việc không nên làm. Vừa qua, trên truyền hình có một bác sĩ nói, nếu mỗi người uống 100ml bia thì còn được, uống hơn sẽ dẫn đến nhiều bệnh mà rõ nhất là gan, huyết áp, tiểu đường. Như vậy, nếu không biết tiết chế cái sự ham vui thì rồi sẽ đến lúc tiền ăn ít hơn tiền thuốc, cái nguy cơ nhỡn tiền sừng sững trước mỗi gia đình. Nhưng, điều đó chưa gây sốc cho xã hội bằng việc những người uống đến say mèm rồi cãi vã vì những chuyện chẳng đâu vào đâu, lôi những chuyện cũ ra nói lại, mâu thuẫn, đánh nhau, thậm chí gây đổ máu giữa anh em, cha con, bạn bè. Chỉ đến khi đứng trước cơ quan điều tra mới ân hận rằng chính sự quá chén đã gây ra những tai họa đó. Nói thế cũng chưa hoàn toàn đúng vì rượu bia tự nó không thể gây tai họa cho bất kỳ ai vì nói gì thì nói, rượu bia lúc nào cũng chỉ là rượu bia, không thể là tác nhân gây hại nếu như con người biết ứng xử đúng mức với nó. Người xưa đâu có uống như nhiều đệ tử Lưu Linh bây giờ? Họ uống là để thưởng thức, để thấy cái nồng nàn, ngất ngây của một trong những sản phẩm do con người làm ra như là tinh túy đời sống, chứ đâu phải để chết chìm trong rượu bia như nhiều người muốn chứng tỏ “bản lĩnh hơn người” của nhiều anh chàng ở quán nhậu nhiều hơn ở nhà bây giờ, không biết rằng mình đang rất lố chứ chả hơn người ở chỗ nào. Tệ hại hơn, nhiều người uống đến say rồi mà vẫn “dũng cảm” ngồi sau tay lái. Họ không biết hay không nhớ được rằng, một khi đã tham gia giao thông thì yêu cầu đầu tiên là cần tuân thủ pháp luật để bảo đảm an toàn cho những người cùng tham gia giao thông với mình và cho chính bản thân mình. Những tai họa đau lòng do người cầm lái sau khi đã bia rượu đến không còn làm chủ được lý trí thời gian gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động: Nhận thức về trách nhiệm cá nhân trước xã hội của không ít người rất thấp. Ăn uống là quyền cá nhân của họ, đi lại cũng là quyền tự do nhưng một khi họ không còn ý thức được về hành vi của họ nữa thì chế tài của xã hội phải can thiệp, không thể để xã hội phải chịu trách nhiệm về những hành vi của họ. Mức độ xử phạt ở ta quá nhẹ nên chưa khiến người ta phải tự nhắc mình không được vi phạm. Tôi nghĩ rằng, những người uống rượu bia gây tai nạn cần phải xử lý hình sự chứ không chỉ ở mức xử phạt hành chính.

3. Cái sự ăn uống, rượu chè thường chỉ xảy ra ở hai nơi: Tại gia đình hoặc ở ngoài quán xá. Ở nhà, mọi chuyện diễn ra trong nhà, chuyện phơi bày ra, dù tốt đẹp hay không cũng chỉ những người trong nhà mình biết. Nhưng, một khi đã tổ chức ở quán xá thì đã có sự giao tiếp với xã hội rồi. Nếu không chú ý giữ mình rất dễ gây ra những chuyện bực mình. Có người bạn nước ngoài nói với tôi là anh rất thích thú uống bia hơi ở quán vì bia rẻ và ngon, có không khí nhưng rất hãi khi thấy người ta uống hùng hục, cười nói như chỗ không người, hò hét gây ồn đến mức chả ai còn biết đến ai nữa ngoài nhóm của mình. Có ai đến nhắc nhở thì sẵn sàng gây sự. Mà sao các anh nhiều thời gian rỗi rãi thế, sao ở các quán nhậu nhiều người trẻ thế? Tôi rất xấu hổ khi nghe anh bạn nói vậy và đã kiểm chứng điều này nhiều bận. Các cụ ta từ xa xưa đã rất ý thức về chuyện này vì ăn uống là một biểu hiện của văn hóa con người, ở chỗ đó là kẻ tục hay người thanh. Thế nên mới có câu “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “ăn chơi có chốn” chứ không thể bừa bãi để khuyên con cái giữ mình. Như vậy, có thể thấy cả phương diện đạo lý lẫn pháp lý, uống rượu bia quá mức đều đem lại những nguy cơ nhỡn tiền, không chỉ làm xấu hình ảnh của mình mà còn có nguy cơ bị pháp luật sờ gáy.

Hình ảnh người Việt quá đà trong bia rượu đã bị nhiều người nước ngoài phê phán và họ nói rằng văn hóa bia rượu của chúng ta bộc lộ một trình độ văn minh thấp. Có lẽ đã và sẽ còn có những sự nghiệp có thể sẽ bị hủy hoại, có những gia đình bị tan vỡ, có những người bị méo mó vì rượu chè chỉ vì những ngộ nhận. Bao nhiêu người trẻ đã mất ý chí và nghị lực, thậm chí mất hướng cũng chỉ vì những thú vui vốn tao nhã nhưng do không kiềm chế được mà trở thành hiểm họa. Còn về mặt kinh tế và sức khỏe, rõ ràng sẽ có ảnh hưởng xấu, điều này chả cần phải ai nói ra mới biết. Đã đến lúc cần nói cho mọi người: Hãy ứng xử với rượu bia như một người tỉnh táo vì làm thế là để bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc và bình yên trước hết là cho mình, sau đó là cho xã hội.  

PGS, TS PHẠM QUANG LONG